Hồng Kông : Năm người bị bắt sau cuộc biểu tình lớn hôm Chủ nhật (RFI, 08/07/2019)
Sau cuộc biểu tình lớn hôm 07/07/2019 tại Hồng Kông, năm người đã bị bắt giữ tại khu Vượng Giác (Mongkok) sau khi cảnh sát tấn công vào những nhóm nhỏ người biểu tình không chịu giải tán.
Cảnh sát Hồng Kông bắt người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại khu du lịch Nathan Road, gần Mongkok, ngày 07/07/2019. Reuters/Thomas Peter
Thông cáo của cảnh sát nói rằng các cuộc biểu tình là "bất hợp pháp", những người bị bắt là do đã "tấn công một cảnh sát và cản trở lực lượng an ninh làm nhiệm vụ". Tuy nhiên phe phản kháng tố cáo rằng những người biểu tình ở Vượng Giác đang trở về nhà thì cảnh sát chống bạo động xuất hiện, dựng lên một rừng khiên chặn ngang đường đi.
Thủ lãnh sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) trên Twitter khẳng định : "Người Hồng Kông biểu tình ôn hòa chống dự luật dẫn độ, nhưng lại bị cảnh sát đánh đập". Kèm theo tweet này là tấm hình hai người biểu tình bị thương ở đầu với chú thích : "Lại thêm một ví dụ về việc cảnh sát dùng vũ lực quá trớn".
Cảnh sát Hồng Kông cho đến nay luôn từ chối công bố số người bị bẳt giữ từ khi nổ ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ. Theo tính toán của AFP, có ít nhất 72 người biểu tình đã bị bắt, số người bị khởi tố thì vẫn chưa rõ.
Hôm 07/07, bất chấp mưa gió, hàng trăm ngàn người đã tuần hành tại Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), một trong những khu phố du lịch sầm uất nhất của Hồng Kông, nhằm giúp cho du khách từ Hoa lục hiểu được chính nghĩa của họ. Người biểu tình hô những khẩu hiệu bằng tiếng quan thoại, ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, trong khi đa số người Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông ; và các khẩu hiệu cũng được viết bằng giản thể như ở Hoa lục thay vì phồn thể.
Cuộc tuần hành kết thúc tại một nhà ga dành cho tàu cao tốc nối liền Hồng Kông với Hoa lục, từng gây tranh cãi vì từ năm 2018, pháp luật Trung Quốc có hiệu lực tại một phần nhà ga này. Khoảng 230.000 người đã tham gia, theo các nhà tổ chức, còn cảnh sát nói rằng con số người biểu tình là 56.000 người. Đến tối, còn lại vài trăm người tiến về khu Vượng Giác, và đụng độ xảy ra tại đây.
Trước đó, hôm thứ Bảy, trên các ứng dụng được mã hóa và các diễn đàn online xuất hiện lời kêu gọi đồng loạt rút tiền khỏi Ngân hàng Trung Quốc, có trụ sở đồ sộ tại Hồng Kông, như một "stress test", và sáng 08/07 khi thị trường chứng khoán mở cửa, cổ phiếu của ngân hàng này đã bị sụt giá 1%.
Thụy My
*****************
Biểu tình bạo lực ở Hong Kong : bước leo thang nguy hiểm ? (VOA, 06/07/2019)
Bạo loạn đã xảy ra trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 1/7 đánh dấu một bước leo thang mà nhiều nhà quan sát cho là ‘nguy hiểm’ và sẽ tạo cái cớ cho chính quyền Hong Kong với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ hơn.
Những người biểu tình tìm cách xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 1/7
Trong khi đó, nội bộ những người biểu tình cũng có sự chia rẽ đối với hành động bạo lực này : nhiều người phản đối mạnh mẽ nhưng cũng có người bày tỏ cảm thông.
Hôm 1/7, nhân kỷ niệm 22 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hong Kong từ Anh về cho Trung Quốc, khoảng 550.000 người (theo số liệu của các hãng thông tấn quốc tế) xuống đường tuần hành để tiếp tục gây sức ép lên chính quyền về dự luật dẫn độ.
Trong khi cuộc tuần hành chính diễn ra ôn hòa thì một số người biểu tình ngay từ buổi sáng hôm đó đã tấn công vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp (LegCo). Họ dùng các thanh sắt và xe đẩy tông vào cửa kính tòa nhà. Họ vào được bên trong, chiếm giữ hội trường chính trong một thời gian ngắn sau nhiều giờ đối đầu căng thẳng với cảnh sát bên ngoài LegCo.
Những người biểu tình này, phần lớn che mặt, đã phá hoại bên trong tòa nhà. Họ phun sơn vẽ những câu chống chính phủ lên tường và tung ra lá cờ của Hong Kong từ hồi còn là thuộc địa Anh trong hội trường chính. Đến nửa đêm thì họ rời đi khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay giải tán những con đường xung quanh.
‘Chỉ là thiểu số’
Trao đổi với VOA, nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt, người vừa trở về Mỹ sau khi tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1/7 ở Hong Kong, nói rằng những người có hành động bạo lực đó ‘chỉ là thiểu số’ trong cuộc biểu tình ‘có nhiều nhóm tham dự’.
"Một số người hoàn toàn chống lại hành vi bạo lực đó", ông Thái nói và cho biết nội bộ người biểu tình còn có giả thiết là những người tấn công LegCo ‘là người do Hoa lục đưa qua trà trộn vào để làm hoen ố cuộc biểu tình hết sức ôn hòa’.
"Tôi chưa từng thấy cuộc biểu tình nào đông đảo mà mọi người lại giữ được kỷ luật như thế", ông nhận định.
Tuy nhiên, ông cho biết có một người quản lý khách sạn mà ông hỏi chuyện nói là ‘đồng ý với hành động bạo lực đó vì đó là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay’.
"Tôi hỏi ông ấy nếu xảy ra đổ máu thì sao thì ông ấy nói là ‘Cái gì cũng có cái giá của nó’", ông Thái kể.
"Dân chúng Hong Kong mà tôi hỏi chuyện thì họ có vẻ không vui lắm (với hành động bạo lực). Các nhóm luật sư và sinh viên thì nói ‘Dĩ nhiên không nên xảy ra chuyện như thế nhưng nếu tiếp tục thì không còn con đường nào khác hơn cả’", ông cho biết.
Ông nhận định rằng nếu như vào đêm 1/7, bạo loạn ở Hội đồng Lập pháp diễn ra càng mạnh hơn thì ‘nhiều khả năng nhà cầm quyền Hong Kong sẽ dùng vũ lực để trấn áp’.
Khi được hỏi người biểu tình có mệt mỏi và có dấu hiệu chùn bước hay không khi phong trào đã kéo dài mà nhiều yêu sách của họ vẫn chưa được chính quyền chấp nhận, ông Thái cho biết là nhiều sinh viên Hong Kong mà ông gặp đều nói sẽ ‘chiến đấu đến cùng’.
Bị lên án
Hành động bạo lực tại LegCo ngay lập tức vấp phải sự lên án từ chính quyền Hong Kong, Bắc Kinh, các hội đoàn tại Hong Kong và ngay cả từ phía Mỹ.
Trong một cuộc họp báo hôm 2/7, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cam kết sẽ ‘buộc những người có hành vi bất hợp pháp và vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm’.
Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Andrew Leung cho biết cơ quan lập pháp sẽ đóng cửa ít nhất hai tuần.
"Là một thành phố văn minh, Hồng Kông sẽ không dung thứ bạo lực chống lại pháp trị", ông Leung nói với các báo giới, "Cho dù ý kiến có là gì đi nữa, không ai nên dùng đến bạo lực để mọi người biết đến quan điểm của mình".
Các nhà lập pháp ủng hộ chính quyền đã hòa giọng lên án hành động tấn công này, đồng thời chỉ trích những người có thiện cảm với những kẻ tấn công.
"Việc đột nhập, phá hoại tại LegCo đã được nhiều người chứng kiến rõ ràng. Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ nhất và kêu gọi cảnh sát truy trách nhiệm đến cùng", lãnh đạo nhóm nghị sĩ ủng hộ chính quyền Martin Liao được Reuters dẫn lời nói.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động và các học giả nói rằng hành động tấn công bạo lực và phá hoại trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong là ‘khó mà biện hộ’.
"Chúng tôi có thể hiểu tại sao nó bùng nổ, mặc dù chúng tôi hy vọng rằng có cách làm tốt hơn để chuyển sự phẫn nộ đó thành một chiến lược khác", ông Lee Cheuk-Yan, tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông, và một người ủng hộ trung thành của phong trào biểu tình, được tờ Wall Street Journal dẫn lời, "Chúng tôi đã hy vọng rằng họ không đi đến mức đó, bởi vì chúng tôi biết có một cái bẫy ở phía trước họ".
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bác bỏ bạo lực thẳng thừng. Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong trong một thông cáo hôm 2/7 nói rằnghọ ủng hộ quyền bày tỏ một cách ôn hòa, nhưng không thể dung dưỡng cho hành động bạo lực của người biểu tình.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo có lập trường dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận rằng những người biểu tình đã hành động xuất phát từ ‘sự kiêu ngạo mù quáng’ và ‘cơn thịnh nộ’ và tỏ ra ‘hoàn toàn coi thường luật pháp và trật tự’.
Cần thông cảm ?
Tuy nhiên, một số người cũng nói rằng sự bất mãn đã khiến hàng ngàn người biểu tình trong trang phục đen tiến đến hành động vô luật pháp.
"Tôi hy vọng mọi người có thể thông cảm nhiều hơn. Hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền đã phớt lờ họ", anh Joshua Wong, nhà lãnh đạo phong trào Cách mạng Dù năm năm trước vừa được ra tù, nói với Wall Street Journal.
"Các nhà hoạt động Hong Kong cảm thấy không có cách nào để thúc đẩy chính nghĩa của họ mà không có sự hy sinh cá nhân nào", anh Wong nói với ý nhắc đến án tù dành cho những hành động bạo loạn. "Sự bất mãn như thế không chỉ xuất phát từ sự không khoan nhượng của chính quyền đối với các yêu cầu của người biểu tình, mà còn là từ sự thất vọng sâu xa hơn hơn đối với sự phân cách giàu nghèo Hong Kong".
Wong cũng nhấn mạnh rằng hành động tấn công vào tòa nhà lập pháp cũng diễn ra đồng thời với 500.000 người biểu tình khác đang tuần hành ôn hòa gần đó. Anh nói điều đó cho thấy ‘sự đa dạng’ của phong trào.
"Chúng tôi không tán thành phá hoại, chúng tôi không dung túng cho bạo lực", nhà lập pháp Claudia Mo thuộc phe ủng hộ dân chủ nói với Reuters. "Nhưng chúng tôi hy vọng thế giới sẽ hiểu được sự tuyệt vọng của giới trẻ ở Hồng Kông".
Tạo cớ trấn áp ?
Ông Kenneth Ka-Lok Chan, phó giáo sư Đại học Baptist Hồng Kông và từng là nghị sĩ Đảng Công dân ủng hộ dân chủ, cho rằng Bắc Kinh sẽ hậu thuẫn Hồng Kông tăng cường đàn áp hơn nữa.
"Họ phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng cảnh sát để khôi phục luật pháp và trật tự, vì vậy cảnh sát sẽ được tiếp sức hơn nữa về mặt quyết liệt trấn áp người biểu tình", ông Chan được Reuters dẫn lời nói.
"Hành động này sẽ khiến Bắc Kinh rất, rất quan ngại", ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học London SOAS, nhận định với Washington Post. "Bắc Kinh sẽ bắt đầu một quá trình tại để suy nghĩ họ sẽ phải làm gì nếu chính phủ Hồng Kông không thể xử lý [những cuộc biểu tình này] ?"
"Khi Hồng Kông có chuyện, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và có bạo lực trên đường phố, nỗi sợ của chúng tôi là nếu cảnh sát không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở đây, có nguy cơ từ xa rằng [quân đội Trung Quốc] sẽ can dự", ông Ronny Tong, thành viên của nội các Hồng Kông và là cố vấn pháp lý cho bà Lam, nói. "Nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của mô hình ‘một nước, hai chế độ".
Trong một tuyên bố hôm thứ ba, văn phòng liên lạc của Trung Quốc về Hồng Kông và Ma Cau, đã lên án vụ tấn công vào cơ quan lập pháp là ‘hành động của những kẻ cực đoan’ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘trừng trị hình sự đối với những kẻ phạm tội’.
"Đây giống như là một chỉ thị", ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông, được Washington Post dẫn lời nhận định về tuyên bố này. Theo đó thì bà Lam được chỉ thị phải có hành động nghiêm khắc.
Cường độ chưa từng có của hành động lần này cũng sẽ đem đến cho Bắc Kinh ‘một lý do để mạnh tay hơn và trấn áp nặng nề hơn’ sự phản kháng ở Hong Kong, ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Mathew Wong, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Giáo dục Hồng Kông, dự đoán rằng Bắc Kinh có thể để cho cuộc biểu tình tự tan.
*******************
Trúc Hồ, ‘Sea of Black’ và cảm hứng Hong Kong (VOA, 06/07/2019)
Trúc Hồ, nhạc sĩ nổi tiếng của người Việt hải ngoại hiện đang sống ở Quận Cam, California, nói với VOA ông ‘hâm mộ tinh thần của giới trẻ Hong Kong’ và ‘ước mong giới trẻ Việt Nam cũng đứng lên đòi những quyền tự do cho mình’.
Biển người áo đen trong các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong
Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng vừa sáng tác một bài hát bằng tiếng Anh có tựa đề ‘Sea of Black’, tức ‘Biển người Áo đen’, cổ động cho cuộc biểu tình của giới trẻ Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ mà chính quyền bà Carrie Lam dự định thông qua.
Lời điệp khúc của bài hát này kêu gọi ‘Tự do, Dân chủ - đó là những gì chúng tôi muốn’ và trong bài hát có bày tỏ hy vọng ‘Hong Kong hôm nay – Việt Nam ngày mai’.
Trao đổi với VOA, ông Trúc Hồ nói khi viết những lời về ‘tự do, dân chủ’, ông nghĩ đến Việt Nam.
"Đó là nỗi lòng của tôi. Người dân sẽ đứng lên đấu tranh cho những gì họ tin vào – đó là tự do và dân chủ", ông bày tỏ.
Khi được hỏi ‘Việt Nam ngày mai’ mà ông viết trong bài hát có nghĩa như thế nào, ông nói : "Việt Nam ngày mai là chúng ta sẽ thấy những người trẻ đứng lên đòi những quyền của mình".
"Tất nhiên người dân Việt Nam phải nhìn sang Hong Kong để học hỏi những kinh nghiệm về tổ chức", ông nói thêm. "Nếu chúng ta không đứng lên đấu tranh từ hôm nay thì tương lai đất nước chúng ta sẽ tối tăm".
Nhạc sĩ Trúc Hồ, vốn cũng từng có bài hát ‘Đáp lời Sông núi’ nhằm kêu gọi người dân trong nước đấu tranh, cũng nói là ông không ngại bị cáo buộc ‘là kích động’.
"Tôi sáng tác trước hết là cho mình. Nếu là giúp được cho đời thì đó là niềm vui".
Trả lời câu hỏi là nếu như cuộc sống trong nước đang yên bình, kinh tế phát triển thì có nhu cầu phải tranh đấu như Hong Kong hay không, người nhạc sĩ không đồng ý và nói rằng ‘dư luận viên hướng dẫn mọi người có suy nghĩ như vậy’.
"Công tâm mà nói nhiều người từng vượt biên sau về Việt Nam nói đất nước hiện nay so với sau 1975 có những tiến bộ đáng kể", ông nói. "Nhưng những tiến bộ đó không phục vụ người dân. Bất công vẫn xảy ra hàng ngày".
"Những người được ân sủng của chế độ thì họ sống khỏe, có nhiều tiền, họ có thấy gì đâu mà phải đứng lên", Trúc Hồ nhận định.
Khi được hỏi tại sao nếu cuộc sống trong nước nhiều bức bối mà cho đến nay vẫn không có những cuộc biểu tình phản đối ở quy mô lớn như Hong Kong, ông giải thích rằng ‘người dân trong nước mấy chục năm qua đã bị nhồi sọ’.
Ông dẫn chứng là khi còn nhỏ còn ở trong nước (Trúc Hồ ở Việt Nam cho đến năm 11 tuổi) thì ‘đen tối vô cùng’ và ‘không có quyền tự do nào hết’.
"Bây giờ bắt đầu có. Lãnh đạo Việt Nam chỉ để người dân hơi đuối một chút rồi mở ra cho họ thở. Mỗi lần mở ra cho thở như vậy thì người dân cảm thấy được rồi chứ so với ngày xưa khổ hơn nhiều", ông giải thích.
"Ở trong nước đã có một số người có tư tưởng tự do dân chủ mặc dù không nhiều như Hong Kong", ông nói thêm. "Muốn thay đổi không cần phải cả đất nước mà chỉ cần một số người có tư tưởng như vậy, chỉ cần họ chinh phục được những người khác".
Về bài ‘Sea of Black’, ông cho biết khởi sự sáng tác khi sang Hong Kong hồi năm 2014 để chứng kiến tận mắt cuộc Cách mạng Dù vàng. Khi đó ông đã có cảm hứng viết đoạn điệp khúc.
Sau đó điệp khúc này được để sang một bên cho đến khi ông nhìn thấy biển người áo đen trong cuộc biểu tình hồi tháng trước ở Hong Kong, ông đã có cảm hứng hoàn thành bài hát.
Ông nói cảm hứng để ông viết bài hát còn là lấy từ ‘cuộc biểu tình chống luật đặc khu, luật an ninh mạng’ ở trong nước Việt Nam hồi mùa Hè năm 2018.
Ông cho biết bài hát sau khi phát trên YouTube đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả Hong Kong và nói ông ‘sẽ rất vui’ nếu bài hát của ông được giới trẻ Hong Kong sử dụng trong các cuộc xuống đường tranh đấu.
"Họ có sự chuẩn bị chu đáo, thông minh, sáng tạo, có sự dấn thân của một thế hệ. Họ tin tưởng vào những quyền mà họ phải có và thấy cần phải đấu tranh cho họ ngày hôm nay và cho thế hệ sau", ông nói về cảm nhận của ông đối với giới trẻ Hong Kong hồi năm 2014.
Về cuộc biểu tình lần này, mặc dù không chứng kiến tận mắt, người nhạc sĩ cũng khen ngợi là ‘tổ chức rất tốt’ mặc dù ‘có thể có một nhóm giả vờ trà trộn vào để biến cuộc biểu tình bất bạo đồng thành bạo động’, Trúc Hồ nói với ý nhắc đến hành động tấn công vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong của người biểu tình hôm 1/7.
***********************
Vì sao người dân Trung Quốc ‘mù tịt’ về biểu tình Hong Kong ? (VOA, 04/07/2019)
Truyền thông Trung Quốc không hề đưa bất cứ tin tức gì về biểu tình Hong Kong, mạng xã hội bị kiểm duyệt chặt chẽ, trong khi người dân Trung Quốc thường bàng quan với các vấn đề chính trị, dân chủ hay nhân quyền, các nhà quan sát nhận định.
Người dân Hong Kong đã xuống đường trong suốt gần một tháng qua để phản đối luật dẫn độ
Những hình ảnh đầy kịch tính của những người biểu tình xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) vào tối ngày 1/7 và các cuộc tuần hành trên phạm vi toàn thành phố trong nhiều tuần qua để chống dự luật dẫn độ, mà qua đó nghi phạm có thể được đưa sang Trung Quốc để xét xử, đã được phát đi khắp thế giới.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, truyền thông hoàn toàn lặng tiếng im hơi về việc này trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đảm bảo rằng không có bất kỳ hình ảnh hay lời đề cập nào về các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong đến được với công chúng trong nước dù là trên truyền thông xã hội, tivi hay báo chí, tờ Strait Times của Singapore cho biết.
Màn hình tivi chuyển sang đen khi các kênh tin tức nước ngoài chiếu hình ảnh của các cuộc biểu tình, trong khi hãng truyền thông nước ngoài cũng nhận thấy trang web của họ bị chặn, cũng theo tờ báo này.
Các kênh mạng xã hội được dò xét kỹ lưỡng để xem có nói gì về những gì đã xảy ra ở Hồng Kông hay không.
Khi Cách mạng Dù bùng phát hồi năm 2014 tại Hong Kong, bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc khi đó cũng khởi động để xóa sạch mọi hình ảnh hay lời lẽ đề cập về cuộc biểu tình để người dân đại lục không hay biết gì.
Chỉ đưa tin về lễ kỷ niệm
Vào ngày 1/7, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc chỉ đưa tin về lễ kỷ niệm tại Hong Kong nhân ngày lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc, trong đó có bài diễn văn của Đặc khu trưởng Carrie Lam.
China Daily, tờ báo tiếng Anh là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dịp này đã đăng một bài xã luận nói rằng Hồng Kông là ‘phần không thể tách rời’ của Trung Quốc và cách duy nhất để vùng lãnh thổ này có thể duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế là hội nhập hoàn toàn với sự phát triển của Trung Quốc.
"Bạo loạn nằm trong số những người, đặc biệt là giới trẻ Hồng Kông, những người cảm thấy không thể hưởng lợi từ sự phát triển của đặc khu và bị loại ra khỏi tiến trình ra quyết định của đặc khu - tình cảm đã dẫn đến các phong trào dân túy ở những nơi khác - và những người đang lợi dụng những bất bình và xáo trộn này để phục vụ ý đồ của riêng họ và gây áp lực lên Bắc Kinh", bài xã luận viết.
Vào đêm hôm đó, tờ Hoàn cầu Thời báo mang tính dân tộc chủ nghĩa cũng phá vỡ sự im lặng và lên án những người biểu tình Hong Kong đã chiếm giữ tòa nhà Hội đồng Lập pháp, nói rằng họ đã vượt qua lằn ranh đỏ và đang đi trên ‘con đường ác’.
‘Lo sợ biểu tình ở đại lục’
Trao đổi với VOA Việt ngữ, một cộng tác viên của VOA tại Bắc Kinh không muốn nêu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, xác nhận rằng người dân đại lục ‘không hề biết gì về những cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong’.
"Truyền thông nhà nước rất ít đề cập (đến biểu tình Hong Kong). Họ chỉ đưa thông báo chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao về vấn đề này", cộng tác viên này nói. "Hoặc đôi khi họ dẫn lời phát biểu của Đại sứ Trung Quốc ở Anh".
Ông giải thích chính quyền Bắc Kinh không muốn người dân trong nước biết chuyện ở Hong Kong vì họ lo sợ sẽ có cuộc biểu tình tương tự như vậy ở đại lục.
Không những trên truyền thông chính thức, trên mạng Internet và mạng xã hội, chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng ngăn chặn việc loan tin hay phát tán những vấn đề về Hong Kong, ông nói thêm. Trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, gần như không có gì về biểu tình ở Hong Kong.
Tuy nhiên, cũng theo lời ông, có một số người dân Trung Quốc có thể dùng thủ thuật vượt tường lửa để tiếp cận những thông tin này và tìm cách lan truyền nó trên những kênh liên lạc thông dụng như WeChat. Cũng có người lách bức tường kiểm duyệt bằng cách chuyển tải thông tin thành hình ảnh, hay lật ngược hình ảnh biểu tình.
Đối với những người biết được những gì xảy ra ở Hong Kong, ông cho biết, họ ‘rất quan ngại’
"Họ thể hiện sự ủng hộ cho Hong Kong hay quan ngại về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc", ông cho biết về thái độ của những người dân đại lục có biết về thời sự Hong Kong mà ông đã trao đổi trên Twitter hay Telegram.
"Tuy nhiên cũng có những người ủng hộ chính quyền và nói giống như những gì chính quyền nói", ông nói.
Giới trẻ bị tẩy não ?
"Tôi cũng thấy có những bình luận rằng ở đại lục không có nhiều khả năng xảy ra chuyện tương tự trong tương lai".
"Ở Trung Quốc đại lục, giới trẻ bị tẩy não. Họ không quan tâm đến những gì xảy ra bên ngoài Trung Quốc. Họ không quan tâm đến chính trị hay những thứ như là dân chủ hay nhân quyền", ông giải thích.
"Phần lớn người dân ở Trung Quốc chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ".
Về cách ứng phó của giới lãnh đạo Bắc Kinh với tình hình ở Hong Kong, nguồn tin này cho biết Bắc Kinh ‘có thái độ rất kiên quyết’.
"Họ luôn khăng khăng rằng Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà không quốc gia nào được phép có ý kiến", ông nói.
Về số phận của bà Carrie Lam, ông cho biết một số nhà phân tích nhận định với ông rằng việc bà Lam có từ chức hay không ‘phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh’.
"Ngay cả lời hứa của Bắc Kinh rằng chế độ hiện tại Hong Kong sẽ không thay đổi trong vòng 50 năm (sau khi được trả về đại lục) giờ đây cũng khó mà biết được (họ có giữ lời hay không)", ông nói.