Hồng Kông : Biểu tình gần một ga xe lửa "Trung Quốc" (RFI, 07/07/2019)
Theo hãng tin AFP, để tiếp tục duy trì áp lực lên chính quyền thân Bắc Kinh, hôm 07/07/2019, hàng ngàn người biểu tình đã tập trung tại khu vực gần một ga xe lửa vẫn gây tranh cãi, vì đây là nơi mà các tàu cao tốc khởi hành từ Hồng Kông sang Hoa lục.
Người dân Hồng Kông biểu tình ở nhà ga West Kowloon, tuyến đường sắt nối với Hoa lục, ngày 07/07/2019. Reuters/Tyrone Siu
Đây là hành động phản kháng đầu tiên kể từ sau vụ tấn công và đập phá tòa nhà nghị viện Hồng Kông hôm 01/07, kỷ niệm ngày đặc khu hành chính này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Chiều 07/07, những người biểu tình đã tập hợp tại một khu vực có rất đông du khách Trung Quốc. Đây là dịp để giải thích cho người dân ở Hoa lục hiểu về phong trào biểu tình tại Hồng Kông. Tại Trung Quốc, các thông tin về biểu tình ở Hồng Kông bị kiểm duyệt rất chặt chẽ, những người biểu tình bị mô tả là những kẻ hung bạo, và các cuộc biểu tình là âm ưu của nước ngoài nhằm làm mất ổn định Trung Quốc, chứ không phải là một phong trào của quần chúng chống lại sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hồng Kông.
Sau đó, những người biểu tình kéo đến ga West Kowloon, vừa được khánh thành tháng 09/2018, nối Hồng Kông với hệ thống đường sắt Trung Quốc. Phe đối lập đã lên án việc xây dựng ga tốn kém nhiều tỷ đô la và nhất là trong một số khu vực của ga, luật của Trung Quốc được áp dụng.
Dưới áp lực của đường phố, sau các cuộc biểu tình rầm rộ, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đình hoãn việc xem xét dự luật dẫn độ, nhưng phong trào chống dự luật này ở Hồng Kông đã trở thành một phong trào phản kháng rộng hơn, đòi các cải tổ dân chủ và ngăn chận việc hạn chế các quyền tự do mà người dân vùng lãnh thổ bán tự trị này đang được hưởng.
Trước mắt, những người biểu tình đòi hủy hoàn toàn dự luật dẫn độ, điều tra độc lập về việc cảnh sát dùng hơi cay và đạn cao su để đàn áp biểu tình và ân xá những người biểu tình bị bắt, đồng thời đòi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức.
Thanh Phương
*******************
Người biểu tình Hong Kong tiếp cận du khách Trung Quốc đại lục (VOA, 07/07/2019)
Hàng chục nghìn người Hong Kong hôm 7/7 đã tuần hành qua một trong các khu du lịch của thành phố này để truyền thông tin biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tới các du khách Trung Quốc đại lục, theo Reuters.
Tin cho hay, dù cuộc biểu tình chống lại dự luật, mà nay đã bị đình chỉ vô thời hạn, thu hút hàng triệu người dân Hong Kong, tin tức về các cuộc xuống đường rầm rộ ít được đưa tin ở đại lục do các biện pháp kiểm duyệt của chính quyền.
Bất chấp trời mưa, người biểu tình vẫn tuần hành qua các đường phố Tsim Sha Tsui, một điểm mua sắm nổi tiếng, để truyền thông tin trực tiếp tới du khách Trung Quốc đại lục với hy vọng sẽ nhận được sự cảm thông của họ.
Theo Reuters, họ còn dùng ngôn ngữ được sử dụng ở đại lục để phát đi các thông điệp của mình.
Cuộc tuần hành ngắn kết thúc tại bến tàu cao tốc nối liền Hong Kong và Trung Quốc đại lục, một trong các điểm đến của du khách.
Theo Reuters, cơ sở này trở nên nhạy cảm sau khi một phần thuộc quản lý của Trung Quốc vào năm ngoái.
Hãng tin Anh dẫn lời Lau Wing-hong, một trong những người tổ chức biểu tình, bày tỏ hy vọng rằng "người dân Hong Kong có thể lan truyền [thông tin] về cách thức người Hong Kong tuần hành ôn hòa" sang đại lục thông qua du khách Trung Quốc đại lục.
Đây là cuộc tuần hành lớn đầu tiên kể từ ngày 1/7, khi người biểu tình bao vây và đột nhập cơ quan lập pháp Hong Kong.
*******************
Người biểu tình Hong Kong giải thích cho du khách đại lục (BBC, 07/07/2019)
Hàng ngàn người biểu tình ở Hong Kong vào chiều 7/7 để giải thích cho du khách đại lục hiểu về làn sóng phản đối dự luật dẫn độ.
Nhà ga West Kowloon
Theo Reuters, các cuộc biểu tình phản đối dự luật đã quy tụ hàng triệu người ở Hong Kong trong những tuần gần đây. Điều này trở thành thách thức đáng kể nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Người biểu tình giương cờ Anh tại nhà ga West Kowloon chiều 7/7
Dự luật, hiện đang bị đình chỉ, gây ra sự phẫn nộ ở Hong Kong trong bối cảnh có lo ngại nó đe dọa nền pháp trị của thành phố này.
Những người biểu tình chiếm Viện Lập pháp hôm 1/7 trước khi bị cảnh sát đẩy lùi bằng hơi cay.
Các cuộc biểu tình này ít được tường thuật ở Trung Quốc đại lục, nơi hệ thống kiểm duyệt chặn hầu hết các tin tức về biểu tình từ sau vụ Thiên An Môn.
Cảnh sát Hong Kong tạo thành hàng rào bao vây người biểu tình ở quận Tuen Mun, gần biên giới với thành phố Thâm Quyến vào đêm 6/7
Những người biểu tình Hong Kong lên kế hoạch gửi thông điệp trực tiếp tới du khách tới từ đại lục bằng một cuộc biểu tình kết thúc tại nhà ga đường sắt cao tốc kết nối thành phố này với đại lục.
Tập đoàn MTR điều hành tuyến tàu điện ngầm cho biết họ sẽ đóng tất cả các lối vào nhà ga West Kowloon ngoài một tuyến chỉ dành riêng cho hành khách. Các cửa hàng thực phẩm và đồ uống trong khu vực cũng sẽ bị đóng cửa.
Hiện vé tàu trực tuyến Hong Kong-Thâm Quyến được ghi nhận trong tình trạng "hết vé" từ 14g30 đến 18g30 giờ địa phương, trùng với thời điểm diễn ra biểu tình.