Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/07/2019

Điểm báo Pháp - Dân Hồng Kông không khuất phục

RFI tiếng Việt

Dân Hồng Kông không khuất phục : Bắc Kinh lên giọng muốn đàn áp

Thời sự Hồng Kông nổi bật trên trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay 30/07/2019, được Le Monde và Les Echos dành cho tựa chính, La Croix một bài xã luận, và Le Figaro một bài viết dài ở trang quốc tế giới thiệu bằng một tựa nhỏ trang đầu. Các báo nhìn chung đều nêu bật phản ứng lúng túng của Bắc Kinh trước phong trào nổi dậy tại Hồng Kông.

danap1

Một người biểu tình chống bạo lực cảnh sát tại Hồng Kông ngày 28/07/2019. Reuters/Edgar Su

Trên nền một bức ảnh chụp một cảnh "khói lửa" tại Hồng Kông, nhật báo kinh tế Les Echos đã chạy hàng tựa lớn có thể tóm lược ý kiến của các báo : "Hồng Kông : Bắc Kinh đối mặt với thách thức của một cuộc nổi loạn chưa từng thấy".

Tờ báo ghi nhận : Sau các cuộc biểu tình bạo động vào cuối tuần qua, Trung Quốc ra lệnh cho chính quyền địa phương tái lập lại trật tự. Ổn định tại Hồng Kông là một điều thiết yếu vì theo tờ báo, "vùng thuộc địa cũ của Anh vẫn đóng một vai trò kinh tế lớn (đối với Trung Quốc) cho dù hào quang đã phai nhạt".

Trong một bài viết chính ở trang trong, Les Echos nêu bật thành tựa "Trung Quốc cảnh cáo là tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông phải chấm dứt". Theo tờ báo, sau nhiều tuần lễ bất ổn và vào lúc bạo động nổ ra nhân các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội hơn, chính quyền Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, theo Les Echos, đối mặt với sự giận dữ của đường phố Hồng Kông, Bắc Kinh không có nhiều giải pháp ứng phó.

Bắc Kinh muốn bình định Hồng Kông trước quốc khánh 1/10

Tờ báo Pháp cho rằng, để hiểu rõ tâm trạng hiện nay của chính quyền Bắc Kinh, người ta có thể tham khảo một bài viết trên nhật báo Anh ngữ China Daily, đồng hóa những gì đang diễn ra tại Hồng Kông với những cuộc cách mạng màu trước đây ở Trung Đông và Bắc Phi, trong đó – xin trích – "các phần tử chống chính quyền tại chỗ đã âm mưu với các lực lượng bên ngoài để lật đổ các chính quyền bằng cách sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để truyền bá tin đồn, lòng nghi kỵ và sự sợ hãi".

Theo Les Echos, Bắc Kinh tỏ vẻ nôn nóng muốn bình định tình hình Hồng Kông vì sắp đến hai thời điểm quan trọng. Trước hết là ngày 01/10 tới đây là ngày chế độ Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Đối với Les Echos, khó có thể tưởng tượng ra việc sự kiện này được kỷ niệm ở Bắc Kinh trong khi tại Hồng Kông vẫn vang lên những lời kêu gọi dân chủ.

Vài tháng sau đó, bước qua năm 2020, là sự kiện Đài Loan bầu tổng thống mới. Và ở đây, một lần nữa, theo Les Echos, tốt hơn hết là thuộc địa cũ của Anh Quốc có lại các sinh hoạt bình thường. Lý do là nếu các chủ đề do người biểu tình Hồng Kông phát triển tiếp tục lan truyền, điều đó có thể gợi ý cho anh em họ hàng của họ ở Đài Loan.

Chuyên gia Pháp : Bắc Kinh không thể đi quá xa trong đàn áp

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra vào lúc này là liệu Bắc Kinh có thể tung ra hay không chiến dịch trấn áp nếu lời kêu gọi tái lập trật tự của họ không được lắng nghe ?

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông Jean-Francois Huchet, chủ tịch Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông INALCO tại Paris cho rằng Trung Quốc có thể dùng võ lực, nhưng "không thể đi quá xa trong cuộc đàn áp".

Theo ông quyết tâm bình định Hồng Kông của Bắc Kinh rất rõ, nhưng cũng rõ không kém là hành động của Trung Quốc đang bị nhiều giới hạn : "Một mặt, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể tỏ ra là mình quá yếu đuối, nhưng mặt khác, ông ta không thể đi quá xa trong sự đàn áp để khỏi làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc hay của Hồng Kông. Mọi người đều ghi nhớ hình ảnh những chiếc xe tăng trên Quảng trường Thiên An Môn mà bốn mươi năm sau vẫn bám chặt vào chế độ Trung Quốc một cách tiêu cực".

Bắc Kinh cảnh cáo những người chống đối tại Hồng Kông

Nhật báo Le Monde cũng dành hồ sơ đặc biệt cho Hồng Kông, với tựa lớn ở trang nhất : "Hồng Kông : Bắc Kinh cảnh cáo những người chống đối".

Tờ báo nhắc lại rằng vào lúc mà những cuộc biểu tình tiếp diễn vào cuối tuần qua ở Hồng Kông, Trung Quốc vào hôm qua, 29/07 đã cứng rắn kêu gọi chấm dứt phong trào phản đối.

Nếu phát ngôn viên chính phủ Bắc Kinh có giọng điệu ôn hòa thì ngược lại, báo chí Trung Quốc có lời lẽ hung hăng hơn và tố cáo bàn tay của ngoại bang.

Cho rằng các cuộc biểu tình ôn hòa không đủ nữa, một bộ phận thanh niên Hồng Kông đang bị xu hướng cực đoan cám dỗ, và sẵn sàng đối đầu với cảnh sát. Chế độ thì được hậu thuẫn của các băng đảng xã hội đen địa phương để đàn áp dữ dội những người biểu tình đối lập.

Dùng xã hội đen đàn áp biểu tình nằm trong chiến lược của Bắc Kinh

Về lời cảnh cáo của Bắc Kinh, Le Monde đã trích lời ông Chu Khải Di (Eddie Chu), nghị sĩ phe đối lập ủng hộ dân chủ, đã tuyên bố "Tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh biết là họ sẽ phải làm gì".

Về cách Bắc Kinh đối phó với phong trào dân chủ Hồng Kông, đặc biệt là dùng bọn côn đồ tấn công người biểu tình, nghị sĩ đối lập này không ngần ngại so sánh những gì đang diễn ra ở Hồng Kông thời nay với thời Mãn Thanh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi các giáo phái được huy động để tấn công người nước ngoài.

Theo nghị sĩ này, "Cuộc tấn công (của bọn côn đồ) ngày 21 tháng 7 là bước thứ hai trong chiến lược của Bắc Kinh nhắm chống lại phong trào dân chủ. Bước đầu tiên là dùng cảnh sát, bước thứ hai là sử dụng bọn xã hội đen, mà không có phản ứng nào từ cảnh sát. Bước thứ ba sẽ là lệnh giới nghiêm do chính phủ Hồng Kông ban bố. Bước cuối cùng sẽ là triển khai Quân đội Trung Quốc"…

Nhật báo công giáo La Croix Le Figaro cũng phân tích tình hình Hồng Kông, cho dù không đưa lên trang nhất như hai đồng nghiệp Le Monde Les Echos.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Mối đe dọa Trung Quốc", La Croix ghi nhận việc Bắc Kinh rất bực bội trước phong trào nổi dậy ở Hồng Kông, nhưng giữa chế độ cộng sản với người biểu tình hầu như không một thỏa hiệp nào có thể hình thành.

Le Figaro thì nhận xét trong một bài viết dài ở trang quốc tế là "Bắc Kinh muốn tăng cường hơn chiến dịch đàn áp chống người biểu tình". Đối với tờ báo, đó chính là ý nghĩa của yêu cầu "tái lập trật tự" càng sớm càng tốt mà chính quyền Trung Quốc gởi đến ngành hành pháp Hồng Kông vào hôm qua.

Nạn ăn trộm tại Pháp : 645 vụ mỗi ngày !

Le Figaro đã giới thiệu bài viết về Hồng Kông trên trang nhất, nhưng lại dành hồ sơ chính của mình cho một vấn đề xã hội Pháp, được nêu thành tựa lớn : "Nạn ăn trộm đang gia tăng đáng ngại tại Pháp".

Theo tờ báo Pháp tại Paris, ở miền Bắc, ở vùng Gironde hay Haute-Marne..., tất cả các thành phố, khu vực, đều thấy nạn ăn trộm gia tăng, trong dịp hè đã đành, mà kể cả trong năm.

Một con số chóng mặt được tờ báo cánh hữu Pháp nêu bật : Tính trên cấp độ toàn quốc, có không dưới 645 vụ trộm mỗi ngày.

Hồ sơ của Le Figaro đặc biệt lý thú với những lời khuyên chống trộm, trước hết là những điều không nên làm : Để cửa sổ mở khi ở một phòng khác hay khi ngủ ; không khóa cửa khi ở trong nhà ; để đồ vật ở ngoài cửa khi đi vắng ; để cửa sổ mở ban đêm ; để tất cả những đồ vật quý báu ở cùng một chỗ ; đăng lên mạng ảnh chụp lúc đi nghỉ hè…

Mặt khác, Le Figaro cũng khuyên độc giả là cần phải gạt bỏ những suy nghĩ sai lầm vì theo một cuộc khảo sát của viện thăm dò Opinionway, 70% các vụ trộm xẩy ra ban ngày (chứ không phải là ban đêm), 79% xẩy ra những ngày trong tuần (chứ không phải là cuối tuần) và 1/3 các vụ trộm xẩy ra trong lúc vẫn có người ở nhà.

Sự vươn lên của ngành dự phóng sự sụp đổ collapsologie

Nhật báo Libération thì dành tít lớn trang nhất và hồ sơ chính cho ngành nghiên cứu mang tên tiếng Pháp rất lạ là Collapsologie, một từ mới xuất hiện từ năm 2015 (theo Wikipedia), tức là ngành dự báo ngày sụp đổ của nền văn minh loài người.

Theo tờ báo, trong một thời gian dài bị buộc tội là hô hoán quá đáng, thậm chí điên rồ, các chuyên gia dự phóng sự sụp đổ của nền văn minh của chúng ta chưa bao giờ được lắng nghe nghiêm túc như ngày nay. Trong bài xã luân, Libération phân tích :

"Từ khoảng 40 năm nay với những nghiên cứu về giới hạn của tăng trưởng, lý thuyết về sự sụp đổ của nền văn minh dựa trên những nghiên cứu khoa học, ngày càng được chứng thực. Giữa tình trạng tài nguyên cạn kiệt, khí hậu hâm nóng và các đe dọa đối với sự đa dạng sinh thái, nhân loại đang trong một tam giác nguy hiểm, đặt lại vấn đề sống còn của mình.

Biểu tượng cho thuyết này là cô bé Greta Thunberg và thông điệp của cô gởi thẳng đến "mặt người lớn" của nhân loại : Chúng tôi sẽ làm bài tập của mình (ở trường học) khi các người lớn làm trách nhiệm của mình (cứu vãn hành tinh), nếu không thì học tập có ích gì…".

Tại sao eo biển Hormuz cần được ổn định

Một chủ đề thời sự khác đáng chú ý là hồ sơ "Dầu hỏa và căng thẳng Mỹ-Iran" được nhật báo La Croix đưa lên trang nhất, đề cập đến điểm nóng hiện nay là eo biển Hormuz.

Theo La Croix : Những vụ chặn giữ hay phá hoại tàu dầu, bắn hạ máy bay không người lái, thóa mạ lẫn nhau, hù dọa quân sự : kể từ tháng 5, eo biển Hormuz đã khuấy động dòng thời sự địa chính trị và trở thành một trong những điểm nguy hiểm nhất hành tinh.

Chuyên gia Vincent Eiffling thuộc trung tâm Cecri ghi nhận : "Điều này là do vị trí chiến lược của eo biển này trong các xa lộ hàng hải lớn của dầu hỏa".

Bernard Hourcade, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, nói thêm : "Mỗi ngày có gần 100 tàu dầu đi qua eo biển đặt dưới chủ quyền của Oman và Iran, nhưng quyền tự do hàng hải nơi này, trên nguyên tắc, được công ước của Liên Hiệp Quốc đảm bảo".

Đối với các quốc gia sản xuất dầu hỏa trong khu vực, eo biển Hormuz phải rộng mở và an ninh được đảm bảo : nhờ tuyến đường này mà Saudi Arabia chuyển đi gần 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, Iraq 2,5 triệu, Iran 2 triệu, Qatar 1,5 triệu, và gần đây là Kuwait và Các Tiểu vương quốc ả rập.

Tuyến đường quan trọng không kém đối các nước mà kinh tế cần một nguồn cung ứng dầu đều đặn, như những nước Châu Á , Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà từ 40 đến 80% dầu nhập đến từ vùng này. Ở một mức độ ít hơn, Mỹ và Châu Âu cũng nhập dầu của Trung Đông- khoảng từ 5 đến 10%.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 472 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)