Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/08/2019

Trung Quốc để lộ ý đồ độc chiếm Biển Đông

Tổng hợp

‘Vùng xám’ : Chỉ dấu Trung Quốc muốn kéo dài xâm phạm Bãi Tư Chính (VNTB, 01/08/2019)

Hiện tượng một số tàu dân sự lảng vảng xung quanh tâm điểm là tàu thăm do địa chất Hải Dương 8 ở khu vực Bãi Tư Chính, cùng với hiện tượng Trung Quốc điều động thêm tàu nghiên cứu vào khu vực này và cho tập trận máy bay SU-35 trên Biển Đông, chẳng hề phát ra tín hiệu tốt lành nào mà có thể khiến ‘đảng em’ Việt Nam kê cao gối ngủ ngày.

Tàu dân sự, hoặc tàu thương mại dân sự là một thành phần nằm trong khái niệm ‘vùng xám’ của Trung Quốc.

ydo1

Một tàu dân quân biển của Trung Quốc.

Theo định nghĩa của giới chuyên gia quân sự, chiến thuật "vùng xám", hay còn được gọi là những hành động "dưới ngưỡng chiến tranh", tức là không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vào năm 2014, loại hình tàu thương mại dân sự cũng đã xuất hiện trong vụ giàn khoan HD-981, để cùng với các tàu hải giám tham gia trực tiếp chặn đường ngăn cản các tàu kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan.

Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu C4ADS tại Mỹ, đã có tới khoảng 30 tàu thương mại dân sự được cho là hiện diện quanh giàn khoan HD-981 hồi năm 2014, trong đó chỉ có 10 tàu có thể xác định danh tính. Trong báo cáo được đăng trên trang của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC), nhóm tác giả cho biết đã có ít nhất 3 tàu thương mại quốc doanh Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu VN đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của VN. Theo dõi đường đi của các con tàu cho thấy chúng phối hợp với nhau, cũng như phối hợp với các tàu Trung Quốc khác trên thực địa.

Ngoài ra ‘vùng xám’ còn bao gồm các tàu dân quân biển ngụy trang dưới dạng tàu cá. Tính đến thời điểm hiện tại, theo dữ liệu theo dõi tàu biển, có khoảng 6 tàu hải cảnh đang tiến hành bảo vệ tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trên thực địa.

Dân sự – quân sự hỗn hợp luôn là một khái niệm chủ đạo trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và là một cấu phần quan trọng của chiến lược "vùng xám". Nói một cách đơn giản, trong thời chiến cũng như thời bình, nước này cố gắng kết hợp các lực lượng dân sự (nhân lực, vật lực, tài lực) vào hệ thống hậu cần quân sự chung.

Quan hệ giữa các chủ thể dân sự và quân sự được thể hiện thông qua quan hệ chặt chẽ giữa lực lượng hỗ trợ hậu cần của quân đội Trung Quốc và các công ty dân sự. Vụ HD-981 đã cho thấy một thực tế là Bắc Kinh xem các công ty quốc doanh và các tài sản của họ (cũng như các công ty tư nhân) mang tính lưỡng dụng, có thể tận dụng những tài sản này để đạt mục đích bảo đảm quyền và lợi ích ở nước ngoài.

Việc Trung Quốc sử dụng tàu thương mại dân sự và tàu dân quân biển trong chiến thuật ‘vùng xám’ cho thấy nhiều khả năng Bắc Kinh muốn kéo dài vụ xâm phạm Bãi Tư Chính, còn kéo dài tới bao lâu thì còn tùy thuộc vào một số yếu tố như Trung Quốc có đạt được mục đích,hoặc một phần mục đích gây áp lực buộc Việt Nam phải chia bôi tài sản dầu khí khai thác được, yếu tố mức độ phản ứng của Việt Nam, yếu tố phản ứng của quốc tế, đặc biệt là của Mỹ, đối với Trung Quốc…

Vào năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 đã chỉ chịu rút khỏi Biển Đông sau hơn hai tháng hành hạ tinh thần của Hà Nội bạc nhược, với lý do ‘đã hoàn thành nhiệm vụ’.

Còn lần này sẽ là bao lâu ?

Một dấu hiệu có thể căn cứ vào đó để phán đoán cho câu trả lời : sự hiện diện của các tàu dân quân biển và tàu thương mại dân sự. Nếu những tàu ‘ruồi’ này thưa dần, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh chuẩn bị ‘mở lượng khoan hồng’ cho ‘đảng em’ Việt Nam để rút tàu Hải Dương 8 về nước. 

Minh Quân

**********************

Biển Đông : Việt Nam tố cáo Trung Quốc nhưng ASEAN vẫn dè dặt (RFI, 01/08/2019)

Hôm 31/07/2019, tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở Bangkok, Việt Nam đã công khai lên tiếng tố cáo các hành động xâm lấn của Trung Quốc gần đây tại Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các đồng minh Đông Nam Á của Việt Nam đã có những phản ứng dè dặt.

ydo2

Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh (thứ 2, bên trái) cùng các đồng nhiệm Ấn Độ, Thái Lan tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Bangkok, ngày 01/08/2019. Reuters/Athit Perawongmetha

Bản thông cáo chung đúc kết hội nghị của 10 ngoại trưởng ASEAN nói đến những quan ngại của khối Đông Nam Á về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng không nói gì về vụ Bãi Tư Chính, thậm chí tránh cả việc nêu tên Trung Quốc.

Như thông lệ, phần đề cập đến Biển Đông nằm trong mục "Các vấn đề khu vực và quốc tế", trong đó các ngoại trưởng ASEAN tiếp tục tái khẳng định những nguyên tắc chung như tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, của việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982...

Các hành vi của Trung Quốc chỉ được nhắc gián tiếp khi bản thông cáo chung nói đến "một số bộ trưởng đã lo ngại về việc cải tạo đất đai, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

ASEAN cũng chỉ trích một cách gián tiếp các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông khi "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế khi các bên tuyên bố chủ quyền và những nước khác có những hoạt động có khả năng làm tình hình phức tạp và căng thẳng thêm".

Theo giới quan sát, việc dùng đến nhóm từ "sự cố nghiêm trọng", không thấy trong các thông cáo chung gần đây, cho thấy là các nước ASEAN rất lo ngại trước tình hình căng thẳng. Có điều là phản ứng trên của khối Đông Nam Á không đáp ứng hoàn toàn mong đợi của Việt Nam vì trong cuộc họp, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã công khai tố cáo đích danh vụ tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc, được tàu hải cảnh và tàu dân quân hộ tống đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Bãi Tư Chính.

Theo báo chí Việt Nam, sau khi khẳng định là những hành động của đoàn tàu Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, trưởng đoàn Việt Nam đã kêu gọi ASEAN có tiếng nói chung chống lại "các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển".

Trong bản thông cáo chung của ASEAN không thấy có những chi tiết vừa kể. Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bất chấp các "quan ngại nghiêm trọng" của Việt Nam về tranh chấp với Trung Quốc, các ngoại trưởng ASEAN đã thất bại trong việc có thông điệp chung về vấn đề này, dường như là do phản đối của các nước như Cam Bốt và Lào không muốn khiêu khích Bắc Kinh.

Theo hãng tin Anh Reuters, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 01/08/2019 đã nhắc nhở Việt Nam rằng không nên để cho các vấn đề trên biển xen vào vấn đề quan hệ song phương. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết như trên sau cuộc gặp song phương giữa ông Vương Nghị với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị Bangkok.

Trước đó, theo hãng tin Kyodo, ngoại trưởng Việt Nam cũng có cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono, và hai bên đã chia sẻ mối quan ngại về tình hình Biển Đông mà theo ông Kono, "mỗi năm mỗi xấu thêm".

Trọng Nghĩa

*****************

Tuyên bố chung ASEAN nói đến căng thẳng Biển Đông nhưng tránh chỉ trích Trung Quốc (RFA, 31/07/2019)

Tuyên bố chung của Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN công bố hôm 31/7 bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông tuy nhiên tránh không đề cập đến Trung Quốc.

ydo3

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chụp hình chung tại Bangkok, Thái Lanhoom 31/7/2019 AFP

Trong tuyên bố mới, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN cho biết vấn đề Biển Đông đã được thảo luận tại hội nghị và một số Bộ Trưởng đã bày tỏ quan ngại về việc xây lấp và các hành động nghiêm trọng trong khu vực làm xói mòn lòng tin.

"Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế trong các hành động nhằm tránh làm phức tạp thêm tình hình, và theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tuân thủ luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982", tuyên bố viết.

Tuyên bố ASEAN cũng nhấn mạnh việc không quân sự hóa khu vực Biển Đông và yêu cầu các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông phải kiềm chế hành động theo Tuyên bố chung về ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC).

Trong tuyên bố lần này, ASEAN đã phải dùng đến tự "các sự việc nghiêm trọng" vốn không được đề cập đến trong các tuyên bố trước đây, cho thấy tình hình trong khu vực đang hết sức căng thẳng.

Trước đó, một bản thảo của tuyên bố có dòng chữ "quan ngại sâu sắc" nhưng cuối cùng tuyên bố chính thức không có sâu sắc mà chỉ có quan ngại.

Trong hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra tuần này tại Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu rằng tình hình ở Biển Đông đang có những tiến triển, và mặc dù có đôi lúc xảy ra những va chạm nhưng vẫn có sự đồng thuận cao giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra vào giữa lúc Trung Quốc và Việt Nam đang có những đối đầu ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt hơn 1 tháng qua.

Từ khoảng giữa tháng 6, Trung Quốc đã điều nhiều tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19 và 25/7 đã chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

*********************

Biển Đông : Manila phản đối Bắc Kinh cho cả trăm tàu cá vây đảo Thị Tứ (RFI, 01/08/2019)

Ngày 31/07/2019, Philippines cho biết đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về việc 113 tàu cá Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ, mà Philippines gọi là đảo Pagasa. Vụ việc đã được phát hiện hôm 24/07/2019.

ydo4

Đảo Thị Tứ, trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Reuters/Rolex Dela Pena/Pool

Manila cho biết hơn một trăm tàu cá Trung Quốc đã bao vây đảo Thị Tứ, nhưng không nói rõ những chiếc tàu này có đi sâu vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 12 hải lý của Philippines hay không.

Thông báo của cố vấn an ninh quốc gia Philippnes, Hermogenes Esperon, hồi tuần trước lưu ý, từ tháng Giêng tới nay, nhiều tàu của Trung Quốc thường xuyên bao vây đảo Thị Tứ, khối lượng tàu Trung Quốc ra vào vùng biển này càng gia tăng kể từ tháng 4/2019.

Đó cũng là thời điểm Philippines bắt đầu xây dựng lại một đường băng tại căn cứ không quân trên hòn đảo này. Manila còn cho rằng các hành vi quấy nhiễu nói trên của Trung Quốc nhằm cản trở Philippines vận chuyển vật liệu đến đảo Thị Tứ.

Philippines kiểm soát đảo Thị Tứ trong khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền với hòn đảo này.

Tháng 6/2019 công luận Philippines đã rất bất bình vì vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines gần Bãi Cỏ Rong rồi bỏ chạy. Các thuyền viên Philippines đã được tàu Việt Nam cứu vớt.

Thanh Hà

********************

Biển Đông : Ngư dân Việt Nam đòi chính phủ kiên quyết với Trung Quốc (RFI, 31/07/2019)

Một tổ chức ngư dân Việt Nam vừa kêu gọi chính quyền kiên quyết hơn để đòi Trung Quốc phải rút tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, bị tố cáo là vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Trong một tuyên bố đề ngày 29/07/2019, Hội Nghề Cá Việt Nam đồng thời lên án hành động "xâm phạm chủ quyền ngang ngược, cản trở ngư dân hoạt động" của tàu Trung Quốc.

ydo5

Nhiều tàu cá Việt Nam tố cáo bị tàu Trung Quốc tấn công tại Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2013.Reuters

Theo ghi nhận của hãng Reuters, Hội Nghề Cá Việt Nam đã công bố lời kêu gọi này trên trang Web của Hội, và cho biết cũng gởi bản tuyên bố của mình cho các bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng và các cơ quan chính phủ khác của Việt Nam.

Bản tuyên bố nói rõ là Hội Nghề Cá "kịch liệt lên án và phản đối hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam". Theo bản tuyên bố, hành vi của Trung Quốc đã gây cản trở cho việc khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngoài việc đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có "các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động của Trung Quốc", Hội Nghề Cá Việt Nam còn "đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường các lực lượng tuần tra, giám sát trên biển, để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ cho ngư dân".

Từ nhiều ngày qua, tàu chấp pháp Việt Nam và tàu hải cảnh và Trung Quốc gờm nhau tại khu vực Bãi Tư Chính, phía cực nam Biển Đông, gần một lô khai thác dầu của Việt Nam.

Việt Nam đã tố cáo tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 cùng đoàn tàu hải cảnh và dân quân biển hộ tống là đã tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Việt Nam, và yêu cầu Trung Quốc rút tàu đi.

Bắc Kinh ngược lại đòi Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines : Trung Quốc lấn chiếm thô bạo Biển Đông

Phát biểu ngày 30/07/2019 ông Delfin Lorenzana cho rằng lời lẽ ôn hòa của Bắc Kinh không đi đôi với hành động của nước này. Cách nay hai hôm, đại sứ Trung Quốc tại Manila tuyên bố Trung Quốc sẽ không "nổ súng trước", không bắn vào thường dân trong các vùng biển có tranh chấp, và luôn tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhưng theo ông Lorenzana, Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo". Ông nhắc lại Trung Quốc đã "chiếm bãi Scarborough của Philippines từ năm 2012" và đó là một hành động "thô bạo".

Mai Vân

********************

Thượng nghị sĩ thúc giục Hoa Kỳ thảo luận vấn đề Biển Đông trong hội nghị với ASEAN (RFA, 30/07/2019)

Hôm 29/7, bốn Thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, đề nghị ông đưa vấn đề Biển Đông vào các thảo luận tại hội nghị với các Bộ trưởng ASEAN diễn ra ở Bangkok, Thái Lan ngày 2/8.

ydo6

Hình minh họa. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo AP

4 Thượng nghị sĩ thảo bức thư bao gồm Bob Menendez, Ed Markey, Brian Schatz, và Patrick Leahy.

Trong thư, các Thượng nghị sĩ đề nghị Hoa Kỳ phải đưa những thảo luận về hành động bành trướng và gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông vào ưu tiên hàng đầu trong các thảo luận giữa Hoa Kỳ và ASEAN.

"Biển Đông, nơi luật quốc tế được tôn trọng và tự do hàng hải được đảm bảo, thương mại qua lại tự do, các tổ chức khu vực đa phương là trung tâm và việc các nước trong khu vực không bị xâm lấn là điều quan trọng đối với các quyền lợi của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương", bức thư có đoạn viết.

Trong bức thư của mình, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ chỉ rõ hành động đe dọa, lấn lướt của Trung Quốc trong những năm qua đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với những quyền lợi này của Mỹ.

Trước đó, vào ngày 26/7, Dân biểu Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ cũng có tuyên bố riêng lên án hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và cho rằng hành động của Trung Quốc cũng đe dọa những quyền lợi của các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động trong khu vực.

Theo trang Minh Bạch Hàng Hải, từ khoảng giữa tháng 6 đến nay, Trung Quốc đã điều hàng loạt các tàu Hải cảnh có trang bị vũ khí hạng nặng cùng tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 đến khu vực Bãi Tư Chính và bắc Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tàu Hải cảnh của Trung Quốc được cho biết là đã quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Việt Nam, hôm 19/7 và 26/7, đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Hôm 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với báo giới ở Bắc Kinh rằng Việt Nam cần phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Quay lại trang chủ
Read 402 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)