Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/08/2019

Nhật - Hàn : cơm không lành canh không ngọt

RFI tiếng Việt

Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản quay trở lại bàn đàm phán (RFI, 15/08/2019)

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế Chiến II, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay, 15/08/2019, bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

nhathan1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu nhân kỷ niệm 74 năm ngày Triều Tiên thoát khỏi ách đô hộ của Nhật (1910-1945). Ảnh tại Cheonan, 15/08/2019.Jung Yeon-je/Pool via Reuters

Quan hệ Seoul-Tokyo trong thời gian gần đây ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi tư pháp Hàn Quốc đòi các doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên 1910-1945. Nhật Bản thì vẫn cho rằng mọi vẫn đề liên quan đến bồi thường chiến tranh đã được giải quyết trong hiệp định song phương được ký vào năm 1965. Vào đầu tháng, hai nước đã ăn miếng trả miếng, loại tên lẫn nhau khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy.

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng, tổng thống Hàn Quốc hạ giọng, cho biết Seoul sẵn làm việc với Tokyo để giúp xây dựng nền thương mại và hợp tác vững chắc trong khu vực. Ông nói :"Thà muộn còn hơn không, nếu Nhật Bản lựa chọn con đường đối thoại và hợp tác, chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào việc[…]Chúng tôi hy vọng rằng Nhật Bản sẽ cùng nắm vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng tại Đông Á, nhân dịp tưởng nhớ lại một quá khứ đã đem lại sự bất hạnh cho các nước láng giềng".

Cũng nhân dịp này, tân Nhật Hoàng Naruhito hôm nay, 15/08/19, bày tỏ sự "hối tiếc sâu sắc"trước những hành động của quân đội Thiên Hoàng trong Thế Chiến II. Ông nói :"Nhìn lại quãng thời gian hòa bình sau chiến tranh, ngẫm lại về quá khứ của chúng ta, và với sự hối tiếc sâu sắc, tôi chân thành hy vọng rằng những cảnh tàn phá của chiến tranh sẽ không lập lại ". Trong khi đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại dâng lễ vật tại đền Yasukuni, tuy không đích thân có mặt. Đây là ngôi đền mà trong đó có đặt bài vị của 14 tội phạm chiến tranh Nhật.

Gia Hưng

*********************

"Đối tác thương mại tin cậy" : Tokyo phản đối Seoul (RFI, 13/08/2019)

Chính quyền Tokyo hôm 13/08/2019, phản bác cáo buộc "xuất khẩu bất hợp pháp" mà chính quyền Seoul đưa ra hôm qua, đi kèm với hành động Hàn Quốc xóa tên Nhật Bản khỏi danh sách "đối tác thương mại tin cậy". Bộ trưởng Công Nghiệp Nhật Bản cho rằng Seoul đã không đưa ra đủ lý lẽ chứng minh cho hành động này.

nhathan2

Ông Hiroshige Seko, bộ trưởng Công Nghiệp Nhật Bản, phản bác cáo buộc của Hàn Quốc.@Reuters>

Hãng tin Reuters dẫn thông điệp của bộ trưởng Công Nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, đăng tải trên Twitter, chỉ trích Seoul : "Ngay từ đầu, Hàn Quốc đã không nêu ra được các căn cứ rõ ràng nào cho thấy là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản vi phạm các quy định quốc tế trong lĩnh vực này".

Ngoài phương diện thương mại, quan hệ hai nước thêm căng thẳng do vấn đề môi trường. Chính quyền Nhật Bản hiện đang cân nhắc thải nhiều hơn lượng nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống biển Thái Bình Dương, khiến Hàn Quốc lo lắng. Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul cho biết thêm :

Mỗi tuần có 1.400 tấn nước nhiễm phóng xa được thu lại từ các mạch nước ngầm ở dưới nhà máy hạt nhân Fukushima. Hiện công nghệ để xử lý lượng nước này chưa được phát triển, và chính phủ Nhật Bản có thể sẽ quyết định thải lượng nước này xuống biển Thái Bình Dương.

Bà Chang Mari, đại diện tổ chức phi chính phủ Green Peace (Hòa Bình Xanh), cho biết : "Việc đổ lượng nước này xuống biển là biện pháp rẻ và nhanh nhất, và chúng tôi tin rằng biện pháp này sẽ được thực hiện. Một khi xuống biển, lượng nước nhiễm tritium sẽ theo dòng chảy đi khắp mọi nơi, bao gồm cả vùng biển phía tây Hàn Quốc. Chúng tôi ước tính sẽ phải mất 17 năm để lượng nước nhiễm xạ đủ loãng để độ nhiễm xạ có thể xuống mức an toàn. Phía Hàn Quốc bày tỏ lo ngại. Chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn cản chính phủ Nhật Bản. Đây là một vấn đề liên quan tới toàn thế giới".

Tổ chức Hòa Bình Xanh cáo buộc chính phủ Nhật từ chối đề cập đến rủi ro do phóng xạ tại Fukushima. Còn về phần mình, Seoul chỉ trích Tokyo không minh bạch về hàng tỉ tấn nước nhiễm phóng xạ đang đe dọa bờ biển Hàn Quốc.

Gia Hưng

*******************

Seoul thông báo rút Nhật khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy (RFI, 12/08/2019)

Chính phủ Hàn Quốc hôm 12/08/2019, chính thức thông báo sẽ rút tên Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại tin cậy vào tháng 9 tới.

nhathan3

Người dân Hàn Quốc tẩy chay Nhật Bản gần đại sứ quán Nhật ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 03/08/2019. Reuters/Kim Hong-Ji

Cụ thể, theo hãng tin Yonhap, bộ Thương Mại Hàn Quốc sẽ chia các nước đối tác xuất khẩu vào ba danh sách, thay vì hai danh sách như hiện tại. Cho tới nay, Nhật Bản nằm trong danh sách 29 quốc gia được Seoul ưu tiên xuất khẩu, cũng là các nước thành viên của 4 hiệp định kiểm soát xuất khẩu. Nhưng kể từ tháng 9, riêng Nhật Bản sẽ được đưa vào danh sách mới được lập ra.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo ngày 12/08 cho biết Nhật Bản sẽ được đưa vào một danh sách dành cho các nước "không tuân thủ quy tắc xuất khẩu quốc tế".

Ông nói : "Chúng ta cần phải áp dụng một chế độ kiểm soát xuất khẩu mới, vì thực tế rất khó làm việc với một quốc gia thường xuyên vi phạm các quy định cơ bản về kiểm soát xuất khẩu hay áp dụng một hệ thống bất hợp pháp".

Biện pháp mới này của chính quyền Seoul đồng nghĩa với việc các công ty Hàn Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ phải nộp 5 loại tài liệu khác nhau thay vì 3 loại như hiện nay, và quá trình duyệt đơn cũng sẽ mất 15 ngày, nhiều hơn 10 ngày so với hiện tại.

Vào đầu tháng Tám, Nhật Bản đã ban hành một dự luật về việc xóa tên Hàn Quốc khỏi danh sách cách đối tác thương mại tin cậy. Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 28/08.

Gia Hưng

Quay lại trang chủ
Read 450 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)