Đài Loan : Hành pháp Mỹ đồng ý bán F-16 loại mới cho Đài Bắc (RFI, 18/08/2019)
Đề nghị bán 66 chiến đấu cơ F-16 đời mới cho Đài Loan, với tổng trị giá 8 tỷ đôla đã được Nhà Trắng chuyển sang Quốc hội xem xét. Theo AFP, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tỏ thái độ giận dữ.
Một chiếc F-16 của Không Quân Ba Lan biểu diễn tại triển lãm hàng không tại Tukums, Latvia, 21/07/2019. Reuters/Ints Kalnins - Ảnh minh họa
Marco Rubio, một thượng nghị sĩ của đảng Cộng Hoà trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng Viện Mỹ hôm thứ sáu cho biết quyết định của hành pháp "chuyển yêu cầu của Đài Bắc mua 66 chiếc F-16 loại mới lên Quốc hội lưỡng viện để được chấp thuận là một bước tiến quan trọng để yểm trợ cho nỗ lực tự vệ của Đài Loan".
Theo nhận định của thượng nghị sĩ Marco Rubio, trong bối cảnh chính quyền và Đảng cộng sản Trung Quốc tìm cách khống chế khu vực, Hoa Kỳ cần phải tiếp tục tăng cường quan hệ chiến lược với đối tác dân chủ là Đài Loan, với nỗ lực đều đặn và quả cảm.
Kế hoạch nâng cấp khả năng phòng không của Đài Loan, canh tân các phi đoàn F-16 loại cũ 1992, mua thêm tên lửa và máy bay F-16 đời mới, được tiến hành trong bối cảnh Hoa Lục thường xuyên phô trương lực lượng trên biển và xâm nhập không phận Đài Loan thường xuyên hơn.
Công ty Lockheed Martin cho biết chiến đấu cơ F-16 đời mới Block 70/72 được trang bị nhiều công nghệ mới, bền bỉ hơn, kể cả vũ khí và ra-đa tối tân chưa phát minh lúc chế tạo F-16 thế hệ cũ. Với những ưu điểm này, F-16 Block 70/72 "có thể hoạt động đến 2070 và lâu hơn nữa".
Marco Rubio kêu gọi các đồng nhiệm ở Thượng Viện và Hạ Viện nhanh chóng chấp thuận đề nghị của hành pháp.
Tú Anh
****************
Các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ ủng hộ bán 8 tỉ đôla F-16 cho Đài Loan (VOA, 17/08/2019)
Quốc hội nên nhanh chóng chuẩn thuận việc bán máy bay chiến đấu F-16 trị giá 8 tỉ đôla cho Đài Loan trong khi hòn đảo tự trị này phải đối mặt với áp lực từ việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hàng đầu của Mỹ nói hôm thứ Sáu.
Tư liệu - Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan tham gia cuộc diễn tập quân sự Hán Quang tại căn cứ quân sự ở Tân Trúc, bắc Đài Loan, ngày 4/7/2015.
Trung Quốc lên án thương vụ đã được hoạch định này, một trong những thương vụ lớn nhất của Mỹ với Đài Loan, mà Bắc Kinh coi là một tỉnh li khai. Trung Quốc cũng cảnh báo về những "biện pháp phản kích" nhưng không nói rõ là gì.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch, một nghị sĩ Cộng hòa, hoan nghênh đề xuất bán máy bay F-16V của công ty Lockheed Martin. "Những máy bay chiến đấu này rất quan trọng để cải thiện khả năng của Đài Loan bảo vệ không phận có chủ quyền của mình, vốn đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", ông nói trong một phát biểu.
Chủ tịch ủy ban Vũ trang Thượng viện Jim Inhofe và Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nói Đài Loan "vẫn là một trụ cột quan trọng về an ninh và ổn định" trong khu vực. Việc bán các máy bay phản lực sẽ "răn đe hành vi gây hấn trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết đoán và đang tăng cường binh lực", họ nói trong một tuyên bố chung.
Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel, cùng thành viên cao cấp Cộng hòa, Michael McCaul, nói trong một tuyên bố chung rằng thỏa thuận này "gửi một thông điệp mạnh mẽ" về cam kết của Mỹ đối với an ninh và dân chủ trong khu vực.
Washington không có quan hệ chính thức với Đài Loan tự trị và dân chủ nhưng bị ràng buộc theo luật phải giúp cung cấp cho hòn đảo này phương tiện để tự vệ. Mỹ là nước cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan và có sự ủng hộ rộng rãi cho việc này trong Quốc hội Mỹ.
Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để thu phục Đài Loan và đã nhiều lần lên án những lần Mỹ bán vũ khí của mình cho hòn đảo này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh đã đệ trình kháng nghị nghiêm khắc với Mỹ về thương vụ vũ khí đã được lên kế hoạch.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc dẫn lời bà Hoa nói rằng đó là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc", theo đó Washington công nhận Bắc Kinh chứ không phải Đài Bắc, và làm suy yếu chủ quyền và những lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Bà Hoa kêu gọi Mỹ ngừng bán vũ khí và liên lạc quân sự với Đài Loan, nếu không, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ có "biện pháp phản kích", Tân Hoa Xã nói.
********************
Ngân sách quốc phòng Đài Loan tăng theo mối đe dọa Trung Quốc (RFA, 16/08/2019)
Đại diện Hoa Kỳ tại đảo quốc Đài Loan vào ngày 15 tháng 8 phát biểu rằng Washington mong muốn Đài Bắc tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng khi mà mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đối với Đài Loan tiếp tục tăng lên.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Josepth Wu (trái) và đại diện Hoa Kỳ Brent Christensen (phải) tại cuộc họp báo ở Đài Bắc 19/3/2019 - AFP
AP loan tin dẫn phát biểu của ông Brent Christensen nói rõ Washington không chỉ theo dõi nhiệt tâm của Đài Bắc khi tìm kiếm những công cụ cần thiết nhằm bảo đảm quốc phòng tự vệ, mà còn theo dõi quyết tâm mạnh mẽ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bản xứ của đảo quốc Đài Loan.
Vị đại diện Hoa Kỳ bày tỏ khen ngợi đối với Đài Loan và dự báo ngân sách quốc phòng của Đài Bắc sẽ tiếp tục gia tăng tương ứng với những mối đe dọa mà đảo quốc này phải đối diện.
Theo lời ông Brent Christensen thì kể từ năm 2008, Nhà Trắng đã thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ lượng vũ khí quân sự bán cho Đài Loan là hơn 24 tỷ đô la. Trong số này gồm khoản 2 tỷ 2 bán trong hai tháng qua. Đó là khoản tiền bán 108 xe tăng MiA2 và 250 hỏa tiễn Stinger. Riêng chính quyền của tổng thống Donald Trump cũng thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ lượng vũ khí bán cho Đài Loan trị giá 4,4 tỉ đô la.
Sang ngày 16 tháng 8, tờ Washington Post loan tin chính quyền của tổng thống Donald Trump đang xúc tiến thương vụ bán tiêm kích F-16 trị giá 8 tỷ đô la Mỹ cho Đài Loan ; bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc.
Một viên chức Hoa Kỳ và những nguồn tin thân cận khác cho Washington Post biết như vừa nêu. Nếu được phê duyệt đây sẽ là thương vụ bán vũ khí lớn nhất và quan trọng nhất cho đảo quốc Đài Loan suốt nhiều năm qua.
Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước những thương vụ vũ khí như thế và gần đây tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt đối với bất cứ doanh nghiệp Hoa Kỳ nào liên quan đến những thương vụ đó. Lý do được Bắc Kinh nại đến là hoạt động đó gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Mới hôm chủ nhật ngày 11 tháng 8, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lại cảnh báo sẽ có hành động để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng như Biển Đông.
Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan vẫn cứng rắn đối với đe dọa vừa nêu của Bắc Kinh khi nói sẽ thống nhất Đài Loan kể cả bằng vũ lực.
Bà Thái Anh Văn cho biết đang gia tăng công tác huấn luyện để sẵn sang chuyển đổi sang lực lượng toàn thành phần tình nguyện. Ngoài ra trong 3 năm liên tục vừa qua ngân sách quốc phòng của Đài Bắc đều được tăng.