Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/08/2019

Biểu tình Hong Kong : Người Trung Quốc đại lục nghe gì ?

BBC tiếng Việt

Kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ bắt đầu, Hong Kong đã thu hút sự chú ý toàn cầu. Nhưng sự kiện này tại Trung Quốc đại lục phải một thời gian sau mới được tường trình.

bieutinh1

Người biểu tình tràn vào sân bay Hong Kong

Và ở đây, mọi người chỉ được nghe kể về một số câu chuyện chọn lọc và đôi khi bị tường trình sai lệch.

Báo chí nhà nước Trung Quốc mô tả người biểu tình là một nhóm nhỏ ly khai và bạo động, được kích động bởi các thế lực nước ngoài và bị dân địa phương ghét bỏ.

Trong những ngày gần đây các cơ quan truyền thông Trung Quốc phân phối video của những khoảnh khắc bạo lực nhất của sự việc, biến một nhà báo đại lục bị đánh tại sân bay thành một anh hùng.

Đây là cách báo chí Trung Quốc tường thuật những cuộc biểu tình.

Bị kiểm duyệt

Nếu bạn Google "Hong Kong" bằng tiếng Trung, thuật ngữ đầu tiên xuất hiện là "biểu tình Hong Kong", liên kết đến những bài tường trình của cả truyền thông phương Tây như BBC và New York Times và truyền thông nhà nước như CCTV.

bieutinh2

Nếu bạn gõ Google "Hong Kong" bằng tiếng Trung, thuật ngữ đầu tiên xuất hiện là "biểu tình Hong Kong"

Nhưng quyền truy cập vào Google ở Trung Quốc bị chặn, và nếu bạn xem trên Baidu, công cụ tìm kiếm bị thanh lọc được chủ yếu sử dụng ở đại lục, bạn sẽ nhận được "các chuyến bay Hong Kong trở lại bình thường", tiếp theo là "chuyện gì đã xảy ra ở Hong Kong trong thời gian gần đây". Kết quả sẽ dẫn đến những gì đại sứ Trung Quốc tại Anh vừa nói về sự kiện này và tổn hại cho Hong Kong người biểu tình gây ra vì làm tê liệt sân bay.

bieutinh3

Nếu bạn xem trên Baidu, bạn sẽ nhận được "các chuyến bay Hong Kong trở lại bình thường", tiếp theo là "chuyện gì đã xảy ra ở Hong Kong trong thời gian gần đây"

Khi các cuộc biểu tình đầu tiên bùng nổ vào ngày 9/6, truyền thông nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đã giữ im lặng, ngoại trừ tường thuật về các cuộc biểu tình của phe thân chính phủ và lời lên án của bộ ngoại giao về can thiệp của lực lượng nước ngoài . Một bài viết trên tờ Toàn cầu Thời báo theo chủ nghĩa dân tộc có nội dung : "Phụ huynh Hong Kong tuần hành chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ".

Đầu tháng 7, truyền thông nhà nước cho đăng những câu chuyện đầu tiên về các cuộc biểu tình sau khi người biểu tình đột nhập vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp, quốc hội Hong Kong.

Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước, chỉ trích "những hành động vô pháp luật gây ra sự tàn phá hàng loạt, gây sốc, đau khổ và tức giận", trích dẫn lời của Văn phòng Liên lạc Hong Kong của chính quyền trung ương.

Loạt tường trình thứ hai về cuộc biểu tình diễn ra khi Văn phòng Liên lạc bị bao vây vào cuối tháng Bảy.

Thông điệp chính thức của báo chí Trung Quốc nhấn mạnh những khoảnh khắc bạo lực, với những từ như đụng độ, đám đông và bạo loạn, làm phẫn nộ dư luận đại lục.

Trong tuần qua, những bài tường thuật tập trung vào việc người biểu tình ném bom xăng và gây thương tích cho cảnh sát.

Phần lớn sự chú ý trên các phương tiện truyền thông Hong Kong tập trung vào một người biểu tình phái nữ bị thương ở mắt trong các cuộc đụng độ.

bieutinh4

Người biểu tình ở Hong Kong bịt một mắt để phản đối cảnh sát dùng vũ lực

Cả hai bên lúc ấy đều nhả đạn, vì vậy không rõ vết thương của cô gái biểu tình này do cảnh sát hay người biểu tình gây ra. Người biểu tình đổ lỗi cho cảnh sát, nhưng CCTV hôm thứ Hai, tường thuật, với giọng điệu kiên quyết, rằng thương tích là do một người cùng biểu tình gây ra. CCTV thậm chí còn đăng một bức ảnh cho thấy một phụ nữ đang đếm tiền mặt, và bài viết đề nghị rằng phụ nữ bị thương ở mắt chính là kẻ được trả tiền [để biểu tình].

Video cho thấy cảnh sát vũ trang tập họp tại thành phố lân cận Thâm Quyến, trên đất liền, cũng được truyền thông nhà nước phổ biến, và trích dẫn từ Văn phòng Hong Kong và Macao của chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng phong trào biểu tình đã đặt nền móng cho "khủng bố". Một số người cho rằng đây là động thái chuẩn bị dư luận cho một cuộc đàn áp có thể xảy ra của Bắc Kinh, thậm chí bởi cảnh sát vũ trang.

bieutinh5

Trung Quốc đang lan truyền video cho thấy cảnh một phóng viên của Global Times bị tấn công tại sân bay

Một cuộc tọa đàm khiến sân bay của thành phố phải đóng cửa đã dẫn đến sự hỗn loạn chưa từng thấy tối thứ Ba khi hai người đại lục bị những người xung quanh trói và đánh.

Một người, là phóng viên của Hoàn cầu Thời báo đã hét lên "Tôi ủng hộ cảnh sát Hong Kong". Phóng viên này tên là Fu Guohao, đang được mệnh danh là "anh hùng" ở đại lục.

Một bình luận trực tuyến nói rằng cảnh sát Hong Kong nên học hỏi cách Đảng Cộng sản Trung Quốc dẹp các cuộc biểu tình năm 1989 "với bàn tay sắt". Bình luận này muốn nói về xe tăng và lực lượng vũ trang được gửi đến Quảng trường Thiên An Môn, giết chết hàng trăm người, nếu không phải là hàng ngàn người tham gia biểu tình tại đây.

Phương tiện truyền thông nhà nước cũng phản ánh lập trường của chính phủ với cáo buộc "can thiệp nước ngoài", đặc biệt là từ Hoa Kỳ và Anh Quốc, mặc dù không đưa ra được bằng chứng.

Họ cũng chạy các bài báo trích dẫn Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh, người hôm thứ Năm kêu gọi các nước ngừng can thiệp và "liên kết các hành vi phạm tội bạo lực".

Người đại lục nghĩ gì về các cuộc biểu tình ?

Trung Quốc có vô số blogger độc lập đăng bài trên WeChat và Weibo. Ý kiến của họ thường chỉ tiếp cận được một số đối tượng hạn chế nếu họ chọn chủ đề nhạy cảm, vì nội dung đó có thể bị xóa trong vài giờ.

Tuần trước, một bài viết trên WeChat được lan truyền nhanh chóng khi nó cung cấp các mốc thời gian chi tiết và bối cảnh lịch sử về diễn tiến biểu tình, một điều mà truyền thông nhà nước có xu hướng tránh.

Ví dụ, bài viết này lập luận rằng dự luật dẫn độ không phải là một giải pháp tốt cho vụ kiện pháp lý mà nó được đề xuất - liên quan đến một người đàn ông Hong Kong giết một phụ nữ ở Đài Loan nhưng trốn về thành phố quê nhà.

Bài viết đã bị xóa bởi một hoạt động kiểm duyệt quy mô lớn của Trung Quốc sau vài giờ.

Có nhiều cách để vượt qua Bức tường lửa vĩ đại kiểm soát những gì người dân ở Trung Quốc được thấy trên các trang mạng trực tuyến. Giới trẻ Trung Quốc biết cách thể kết nối vào mạng lưới toàn cầu để tiếp cận với tin tức từ các kênh bên ngoài với sự trợ giúp của VPN.

Những người này làm gì với tin đọc được ?

Mặc dù đọc được cả tin tức trong và ngoài nước, một thanh niên Trung Quốc đại lục, không muốn xác định danh tính, vẫn không mấy có thiện cảm với người biểu tình, và cho biết động cơ cuối cùng đằng sau tình trạng bất ổn không phải là chính trị, mà là kinh tế.

"Thời kỳ phát triển nhanh nhất của Hong Kong đã qua, vì vậy những người trẻ ở đó không tìm thấy cách để tiến thân. Họ cảm thấy nghẹt thở trong một môi trường nhà ở đắt đỏ, khí hậu ngột ngạt và một người hàng xóm [đại lục] đang ngày càng giàu hơn", thanh niên này nói.

"Những người trẻ Hong Kong coi thường người đại lục, đồng thời sợ chúng tôi vì họ không muốn chúng tôi vượt qua họ", một người đại lục khác nói, cũng trong điều kiện giấu tên.

Người này và bạn bè hiếm khi nói về cuộc biểu tình đang diễn ra, nói, bởi vì thành phố này không quan trọng đối với họ. "Nếu một cuộc biểu tình nổ ra ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, nó sẽ đáng lo ngại hơn nhiều".

bieutinh6

Những người ở đại lục cho hay các hành động bạo lực đã khiến họ giảm sự ủng hộ đối với người biểu tình Hong Kong

Đó là suy nghĩ khá điển hình của người đại lục đã được giáo dục qua nhiều thế hệ rằng tăng trưởng kinh tế vượt xa các mối quan tâm khác.

Một số người dùng từ "thanh niên vô dụng", một biệt danh miệt thị ra đời trong phong trào Chiếm giữ Trung tâm năm 2014 dành cho những người biểu tình được coi là không đóng góp được gì cho xã hội ngoài những lời phàn nàn.

Nhưng một người đại lục nói với chúng tôi rằng cô cảm thấy thuật ngữ này xuất phát từ việc giải thích sai. Cô nói rằng giới trẻ của Hong Kong có những giấc mơ của riêng họ và rằng cần có sự giao tiếp cởi mở hơn giữa hai khu vực.

Thế còn những người đại lục hiện đang sống ở Hong Kong nghĩ gì ?

Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình. Một người đàn ông sống ở Hong Kong trong hơn một thập niên cho biết ông đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/6 và quyên góp cho một dự án gây quỹ cho chiến dịch quảng cáo toàn cầu về cuộc biểu tình.

Nhưng ông nói không thích một số hành động cực đoan hoặc bạo lực của một số người biểu tình, và chỉ trích truyền thông Hong Kong, nói rằng họ cũng có thể bị thiên vị.

Một người đại lục khác ở Hong Kong cho biết họ hiểu "nỗi sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ của người biểu tình, nhưng đánh đập người khác là điều không thể tha thứ. Nếu những người bị đánh vào mặt là tội phạm, thì bạo lực cũng biến những người biểu tình thành tội phạm".

Quay lại trang chủ
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)