Mỹ, Canada bàn về Hong Kong, Trung Quốc (VOA, 17/08/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, thảo luận về các cuộc biểu tình ở Hong Kong và vụ hai công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ, văn phòng Thủ tướng Trudeau loan báo ngày 16/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc. Hình chụp hôm 20/6/19.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khởi sự ôn hòa hồi tháng tư phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc xét xử và dần dà chuyển thành các cuộc biểu tình đòi dân chủ, một thách thức trực tiếp đối với sự cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc đối với lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh.
Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada ngay sau khi cảnh sát Canada hồi tháng 12 năm ngoái bắt giám đốc tài chính công ty Huawei của Trung Quốc, Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Mỹ.
"Hai lãnh đạo... bàn về mối quan hệ với Trung Quốc trong đó có vụ giam giữ tùy tiện hai công dân Canada và diễn tiến hiện nay ở Hong Kong", văn phòng Thủ tướng Canada cho biết.
Dự kiến cuối tuần này sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Trung Quốc tố cáo các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo động này là ‘gần như khủng bố’ và cảnh cáo có thể dùng võ lực để đập tan.
Tổng thống Trump đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân gặp trực tiếp người biểu tình Hong Kong để xoa dịu căng thẳng.
Theo Reuters
*****************
Đến lượt hàng ngàn giáo viên Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ (RFI, 17/08/2019)
Các biểu tình cuối tuần này tại Hồng Kông được coi là một phép thử lòng quyết tâm của những người đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông, cũng như của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh. Cuộc tuần hành lớn ngày Chủ Nhật 18/08/2019 được dự báo sẽ quy tụ hàng triệu người. Còn trong ngày hôm nay 17/08, hàng ngàn giáo viên tuần hành dưới mưa để ủng hộ cuộc biểu tình của giới sinh viên ngày mai.
Giáo viên Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ, 17/08/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Cuộc tuần hành của các nhà giáo diễn ra ôn hòa, với sự cho phép của cảnh sát. Tập hợp tại khu thương mại Central, đoàn tuần hành tiến về hướng khu phố tập trung các cơ quan hành chính thiết yếu của Hồng Kông, bắt đầu từ Government House, nơi đặt văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Vào buổi chiều, số người tham gia tuần hành ngày càng đông. Người biểu tình giương cao biểu ngữ : "Cảnh sát Hồng Kông biết luật, cảnh sát Hồng Kông vi phạm pháp luật". Một nhà giáo về hưu tên là Lee phát biểu với hãng tin Anh Reuters : "Nếu bà Carrie Lam dũng cảm đáp ứng các nguyện vọng của chúng tôi ngay từ đầu, thì đã không có ai bị thương".
Tối hôm qua, hàng ngàn người Hồng Kông tập trung tại một công viên kêu gọi chính quyền các nước thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà chức trách Hồng Kông.
Bên cạnh các cuộc tuần hành của phe đòi dân chủ, hàng ngàn người ủng hộ chính quyền cũng tập hợp trong một công viên để phản đối tình trạng bạo lực do những người đấu tranh đòi dân chủ gây ra. Họ ủng hộ cảnh sát, nhiều người phất cờ Trung Quốc. AFP nhận định tình trạng chia rẽ, đối kháng xã hội tại Hồng Kông ngày càng dâng cao.
Thùy Dương
***********************
Hồng Kông : Bắc Kinh gây áp lực buộc các đại tập đoàn phản đối biểu tình (RFI, 17/08/2019)
Để đối phó với làn sóng phản kháng tiếp tục dâng cao ở Hồng Kông vào những ngày cuối tuần, Bắc Kinh nhắm vào giới doanh nhân, thúc ép họ phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt biểu tình, bạo lực. Từ hôm qua, nhiều ông chủ, các công ty lớn đã đăng đàn trên truyền thông chính thống của Trung Quốc để bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền, phản đối biểu tình.
Tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka-shing) kêu gọi người dân Hồng Kông yêu đất nước Trung Hoa. Reuters/Bobby Yip
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Cần phải lên tiếng nhưng tuyên bố công khai thì càng tốt. Vài giờ qua liên tiếp có những tuyên bố của giới doanh nhân Hồng Kông với nội dung giống nhau. Các nhà tài phiệt, các ông chủ tập đoàn lớn đồng thanh kêu gọi chấm dứt bạo lực.
"Cần phải kết thúc" là thông điệp của người giàu nhất đặc khu hành chính. Ông vua bất động sản Lý Gia Thành (Li Ka-Shing), 91 tuổi, đã mua một cột quảng cáo trên báo để đăng lời kêu gọi người dân Hồng Kông hãy yêu mảnh đất của mình và yêu Trung Quốc. Thông điệp này đã được nhiều tập đoàn kiểm toán tầm cỡ thế giới nhắc lại. Bốn văn phòng kế toán lớn nhất Hồng Kông KPMG, Ernst & Young, Deloitte và PriceWaterhouse Cooper đã lần lượt cho đăng những bài riêng trên nhật báo Global Times để nhắc lại quan điểm phản đối mọi hành động gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Sau khi kêu gọi các công ty đưa ra các lời tuyên bố như trên, nhật báo Nhà nước khẳng định các thành viên của ngành công nghiệp và các cư dân mạng Trung Quốc đã hối thúc các cơ quan sa thải nhân viên có hành vi ủng hộ những thành phần bạo động".
Người đầu tiên phải trả giá cho sách lược gây áp lực của Bắc Kinh là tổng giám đốc của hãng hàng không Cathay Pacific, ông Rupert Hogg, hôm qua đã phải từ chức. Thông cáo của hãng bay lớn nhất Hồng Kông ghi rõ Rupert Hogg từ chức vì "có trách nhiệm trong những sự kiện gần đây". Cùng lúc, một lãnh đạo khác, ông Paul Loo, giám đốc thương mại của Cathay Pacific Airline cũng phải rời khỏi chức vụ vì cùng lý do.
Ông Rupert Hogg rơi vào hoàn cảnh rất khó xử sau khi một số nhân viên của hãng ủng hộ và tham gia vào các cuộc biểu tình phản kháng hiện nay. Bắc Kinh đã rất tức tối cảnh cáo hãng bay. Đồng thời Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc còn ra lệnh cấm các nhân viên ủng hộ biểu tình được bay tới Trung Quốc.
Trước sức ép như vậy, ban lãnh đạo hãng hứa sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Bốn nhân viên trong đó có 2 phi công đã bị sa thải. Cathay Pacific đứng trước sức ép bị tẩy chay ở Trung Quốc, thị trường lớn của hãng. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của hãng bị lao dốc thê thảm trong những ngày qua.
Khủng hoảng : Thiệt hại kinh tế tồi tệ hơn đợt dịch SARS
Trên bình diện kinh tế, sau hai tháng lâm vào khủng hoảng, biểu tình phản kháng, nền kinh tế Hồng Kông đã bị tác động rõ nét.
Chính quyền Hồng Kông vừa phải đưa ra kế hoạch khẩn cấp, bơm thêm hơn 2 tỷ đô la để hỗ trợ sức mua. Khoản ngân sách này chủ yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ, các sinh viên và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Cuộc khủng hoảng chính trị xã hội, cộng thêm với hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế Hồng Kông thêm khó khăn. Nên biết là 45% trao đổi buôn bán của đặc khu hành chính phụ thuộc vào Hoa Lục.
Tình hình bất ổn đã khiến các nhà đầu tư né tránh thị trường tài chính Hồng Kông. Các công ty lớn của Trung Quốc niêm yết chứng khoán tại Hồng Hông từ tháng 6 năm nay đã bị mất một lượng lớn tài sản. Riêng tỷ phú Lý Gia Thành, người giầu nhất Hồng Kông, đã bị mất 3 tỷ đô la.
Các lĩnh vực du lịch, thương mại đều trong tình trạng thua lỗ. Bất động sản thương mại, bán lẻ, tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua giảm sút vì khủng hoảng. Lãnh đạo đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo tác động của đợt khủng hoảng hiện nay còn tồi tệ hơn cả vụ dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003. Tăng trưởng năm nay dự báo sẽ chỉ còn 1% thay vì 3% như tính toán.
Anh Vũ
******************
Trung Quốc có thể can thiệp biểu tình ở Hồng Kông như thế nào ? (VOA, 16/08/2019)
Giữa lúc Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng tại Hồng Kông, nhiều người tự hỏi liệu Bắc Kinh sẽ làm gì để dập tắt bất đồng của người dân Hồng Kông ?
Những hình ảnh về sự xuất hiện của lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở Thâm Quyến, sát ranh giới Hồng Kông, đang làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng lực lượng này để dập tắt các cuộc biểu tình tại đặc khu.
Nhưng BBC viện dẫn Luật Cơ bản Hồng Kông cho biết can thiệp quân sự trực tiếp chỉ có thể xảy ra khi có yêu cầu từ chính phủ của đặc khu.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post tường thuật rằng Bắc Kinh đang gây áp lực lên lực lượng cảnh sát Hồng Kông, yêu cầu họ phải có biện pháp chấm dứt các cuộc biểu tình.
Trung Quốc cũng có thể can thiệp chính trị vì Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông chỉ có một phần dân chủ, và phần lớn ủng hộ Bắc Kinh, vẫn theo BBC.
Trung Quốc đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách từ chối chấp nhận cho Trưởng Đặc khu Carrie Lam từ chức và từ chối không cho bà chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình.
Một khả năng khác là Bắc Kinh sẽ nhắm vào các nhà hoạt động, vì ngay cả khi không có luật dẫn độ, Trung Quốc vẫn có khả năng giam giữ từng công dân.
South China Morning Post cho biết một số cư dân Hồng Kông đã bị nhân viên nhập cư Trung Quốc tại biên giới kiểm tra ảnh và tin nhắn trên điện thoại của họ.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về sự can thiệp trực tiếp, BBC cho rằng rằng công cụ hiệu quả nhất của Bắc Kinh có thể là kinh tế. Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Hồng Kông bằng cách chuyển hướng đầu tư sang các thành phố khác ở đại lục, khiến cho đầu tư phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.