Mỹ, Canada bàn về Hong Kong, Trung Quốc (VOA, 17/08/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, thảo luận về các cuộc biểu tình ở Hong Kong và vụ hai công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ, văn phòng Thủ tướng Trudeau loan báo ngày 16/8.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc. Hình chụp hôm 20/6/19.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong khởi sự ôn hòa hồi tháng tư phản đối dự luật dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc xét xử và dần dà chuyển thành các cuộc biểu tình đòi dân chủ, một thách thức trực tiếp đối với sự cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc đối với lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh.
Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada ngay sau khi cảnh sát Canada hồi tháng 12 năm ngoái bắt giám đốc tài chính công ty Huawei của Trung Quốc, Mạnh Vãn Châu, theo yêu cầu của Mỹ.
"Hai lãnh đạo... bàn về mối quan hệ với Trung Quốc trong đó có vụ giam giữ tùy tiện hai công dân Canada và diễn tiến hiện nay ở Hong Kong", văn phòng Thủ tướng Canada cho biết.
Dự kiến cuối tuần này sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Trung Quốc tố cáo các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo động này là ‘gần như khủng bố’ và cảnh cáo có thể dùng võ lực để đập tan.
Tổng thống Trump đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân gặp trực tiếp người biểu tình Hong Kong để xoa dịu căng thẳng.
Theo Reuters
*****************
Đến lượt hàng ngàn giáo viên Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ (RFI, 17/08/2019)
Các biểu tình cuối tuần này tại Hồng Kông được coi là một phép thử lòng quyết tâm của những người đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông, cũng như của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh. Cuộc tuần hành lớn ngày Chủ Nhật 18/08/2019 được dự báo sẽ quy tụ hàng triệu người. Còn trong ngày hôm nay 17/08, hàng ngàn giáo viên tuần hành dưới mưa để ủng hộ cuộc biểu tình của giới sinh viên ngày mai.
Giáo viên Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi dân chủ, 17/08/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Cuộc tuần hành của các nhà giáo diễn ra ôn hòa, với sự cho phép của cảnh sát. Tập hợp tại khu thương mại Central, đoàn tuần hành tiến về hướng khu phố tập trung các cơ quan hành chính thiết yếu của Hồng Kông, bắt đầu từ Government House, nơi đặt văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Vào buổi chiều, số người tham gia tuần hành ngày càng đông. Người biểu tình giương cao biểu ngữ : "Cảnh sát Hồng Kông biết luật, cảnh sát Hồng Kông vi phạm pháp luật". Một nhà giáo về hưu tên là Lee phát biểu với hãng tin Anh Reuters : "Nếu bà Carrie Lam dũng cảm đáp ứng các nguyện vọng của chúng tôi ngay từ đầu, thì đã không có ai bị thương".
Tối hôm qua, hàng ngàn người Hồng Kông tập trung tại một công viên kêu gọi chính quyền các nước thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà chức trách Hồng Kông.
Bên cạnh các cuộc tuần hành của phe đòi dân chủ, hàng ngàn người ủng hộ chính quyền cũng tập hợp trong một công viên để phản đối tình trạng bạo lực do những người đấu tranh đòi dân chủ gây ra. Họ ủng hộ cảnh sát, nhiều người phất cờ Trung Quốc. AFP nhận định tình trạng chia rẽ, đối kháng xã hội tại Hồng Kông ngày càng dâng cao.
Thùy Dương
***********************
Hồng Kông : Bắc Kinh gây áp lực buộc các đại tập đoàn phản đối biểu tình (RFI, 17/08/2019)
Để đối phó với làn sóng phản kháng tiếp tục dâng cao ở Hồng Kông vào những ngày cuối tuần, Bắc Kinh nhắm vào giới doanh nhân, thúc ép họ phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt biểu tình, bạo lực. Từ hôm qua, nhiều ông chủ, các công ty lớn đã đăng đàn trên truyền thông chính thống của Trung Quốc để bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền, phản đối biểu tình.
Tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka-shing) kêu gọi người dân Hồng Kông yêu đất nước Trung Hoa. Reuters/Bobby Yip
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Cần phải lên tiếng nhưng tuyên bố công khai thì càng tốt. Vài giờ qua liên tiếp có những tuyên bố của giới doanh nhân Hồng Kông với nội dung giống nhau. Các nhà tài phiệt, các ông chủ tập đoàn lớn đồng thanh kêu gọi chấm dứt bạo lực.
"Cần phải kết thúc" là thông điệp của người giàu nhất đặc khu hành chính. Ông vua bất động sản Lý Gia Thành (Li Ka-Shing), 91 tuổi, đã mua một cột quảng cáo trên báo để đăng lời kêu gọi người dân Hồng Kông hãy yêu mảnh đất của mình và yêu Trung Quốc. Thông điệp này đã được nhiều tập đoàn kiểm toán tầm cỡ thế giới nhắc lại. Bốn văn phòng kế toán lớn nhất Hồng Kông KPMG, Ernst & Young, Deloitte và PriceWaterhouse Cooper đã lần lượt cho đăng những bài riêng trên nhật báo Global Times để nhắc lại quan điểm phản đối mọi hành động gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Sau khi kêu gọi các công ty đưa ra các lời tuyên bố như trên, nhật báo Nhà nước khẳng định các thành viên của ngành công nghiệp và các cư dân mạng Trung Quốc đã hối thúc các cơ quan sa thải nhân viên có hành vi ủng hộ những thành phần bạo động".
Người đầu tiên phải trả giá cho sách lược gây áp lực của Bắc Kinh là tổng giám đốc của hãng hàng không Cathay Pacific, ông Rupert Hogg, hôm qua đã phải từ chức. Thông cáo của hãng bay lớn nhất Hồng Kông ghi rõ Rupert Hogg từ chức vì "có trách nhiệm trong những sự kiện gần đây". Cùng lúc, một lãnh đạo khác, ông Paul Loo, giám đốc thương mại của Cathay Pacific Airline cũng phải rời khỏi chức vụ vì cùng lý do.
Ông Rupert Hogg rơi vào hoàn cảnh rất khó xử sau khi một số nhân viên của hãng ủng hộ và tham gia vào các cuộc biểu tình phản kháng hiện nay. Bắc Kinh đã rất tức tối cảnh cáo hãng bay. Đồng thời Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc còn ra lệnh cấm các nhân viên ủng hộ biểu tình được bay tới Trung Quốc.
Trước sức ép như vậy, ban lãnh đạo hãng hứa sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Bốn nhân viên trong đó có 2 phi công đã bị sa thải. Cathay Pacific đứng trước sức ép bị tẩy chay ở Trung Quốc, thị trường lớn của hãng. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của hãng bị lao dốc thê thảm trong những ngày qua.
Khủng hoảng : Thiệt hại kinh tế tồi tệ hơn đợt dịch SARS
Trên bình diện kinh tế, sau hai tháng lâm vào khủng hoảng, biểu tình phản kháng, nền kinh tế Hồng Kông đã bị tác động rõ nét.
Chính quyền Hồng Kông vừa phải đưa ra kế hoạch khẩn cấp, bơm thêm hơn 2 tỷ đô la để hỗ trợ sức mua. Khoản ngân sách này chủ yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ, các sinh viên và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Cuộc khủng hoảng chính trị xã hội, cộng thêm với hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nền kinh tế Hồng Kông thêm khó khăn. Nên biết là 45% trao đổi buôn bán của đặc khu hành chính phụ thuộc vào Hoa Lục.
Tình hình bất ổn đã khiến các nhà đầu tư né tránh thị trường tài chính Hồng Kông. Các công ty lớn của Trung Quốc niêm yết chứng khoán tại Hồng Hông từ tháng 6 năm nay đã bị mất một lượng lớn tài sản. Riêng tỷ phú Lý Gia Thành, người giầu nhất Hồng Kông, đã bị mất 3 tỷ đô la.
Các lĩnh vực du lịch, thương mại đều trong tình trạng thua lỗ. Bất động sản thương mại, bán lẻ, tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề do sức mua giảm sút vì khủng hoảng. Lãnh đạo đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo tác động của đợt khủng hoảng hiện nay còn tồi tệ hơn cả vụ dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003. Tăng trưởng năm nay dự báo sẽ chỉ còn 1% thay vì 3% như tính toán.
Anh Vũ
******************
Giữa lúc Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng tại Hồng Kông, nhiều người tự hỏi liệu Bắc Kinh sẽ làm gì để dập tắt bất đồng của người dân Hồng Kông ?
Những hình ảnh về sự xuất hiện của lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở Thâm Quyến, sát ranh giới Hồng Kông, đang làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng lực lượng này để dập tắt các cuộc biểu tình tại đặc khu.
Nhưng BBC viện dẫn Luật Cơ bản Hồng Kông cho biết can thiệp quân sự trực tiếp chỉ có thể xảy ra khi có yêu cầu từ chính phủ của đặc khu.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post tường thuật rằng Bắc Kinh đang gây áp lực lên lực lượng cảnh sát Hồng Kông, yêu cầu họ phải có biện pháp chấm dứt các cuộc biểu tình.
Trung Quốc cũng có thể can thiệp chính trị vì Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông chỉ có một phần dân chủ, và phần lớn ủng hộ Bắc Kinh, vẫn theo BBC.
Trung Quốc đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách từ chối chấp nhận cho Trưởng Đặc khu Carrie Lam từ chức và từ chối không cho bà chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình.
Một khả năng khác là Bắc Kinh sẽ nhắm vào các nhà hoạt động, vì ngay cả khi không có luật dẫn độ, Trung Quốc vẫn có khả năng giam giữ từng công dân.
South China Morning Post cho biết một số cư dân Hồng Kông đã bị nhân viên nhập cư Trung Quốc tại biên giới kiểm tra ảnh và tin nhắn trên điện thoại của họ.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về sự can thiệp trực tiếp, BBC cho rằng rằng công cụ hiệu quả nhất của Bắc Kinh có thể là kinh tế. Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Hồng Kông bằng cách chuyển hướng đầu tư sang các thành phố khác ở đại lục, khiến cho đầu tư phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình công khai, và hơn thế là một cuộc biểu tình rộng rãi nhằm phản đối Trung Quốc do chính quyền phát động vào thời điểm này liệu có thành công ?
Những người này biểu tình chống Dự Luật Đặc Khu, và họ bị bỏ tù.
Đó là một ẩn số rất lớn trong cái phương trình hỗn tạp vừa là ‘đồng chí bốn tốt’ vừa giành giật miếng ăn dầu khí trong quan hệ Việt - Trung.
Mít tinh trong… hội trường ?
Trong nhiều cuộc họp khẩn cấp nhằm đối phó với vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 được hộ vệ bởi nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 năm 2019 đến nay, đã có phương án dự định sẽ tổ chức biểu tình phản đối Tung Quốc. Phương án này nhận được ý kiến ủng hộ chủ yếu từ các cơ quan mặt trận, dân vận và đang được ‘trên’ cân nhắc.
Tuy nhiên, tổ chức biểu tình như thế nào - hẹp hay rộng rãi, chỉ huy động các thành phần cốt cán như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ… hay huy động không giới hạn ‘quần chúng nhân dân’, tổ chức ở vài đô thị chính như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hay ở tất cả các tỉnh thành… vẫn đang là những vấn đề còn bàn cãi.
Một số tờ báo nhà nước đã được cài số để sẵn sàng khua khoắng ‘các tầng lớp nhân dân’, chuẩn bị cho một cuộc tổng xuống đường ‘bảo vệ Tổ quốc’.
Nhưng ngay trước mắt, kịch bản có vẻ chiếm ưu thế là tổ chức mít tinh trong… hội trường. Sau đó tùy tình hình mà có đưa cuộc mít tinh đó lên truyền hình hay không.
Cũng như cái cách đã tổ chức mít tinh trong hội trường Nhà Văn hóa thanh niên ở Sài Gòn vào năm 2014 và một cuộc mít tinh khác trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, khi nổ ra sự biến giàn khoan Hải Dương 981. Nhưng tất cả chỉ có thể, tức ai đến mít tinh thì chỉ ngồi hoặc đứng chôn chân một chỗ, không có tuần hành hay biểu tình gì hết.
Còn bây giờ trong cơn khốn quẫn của đảng trước ‘bạn vàng’, nguồn tài nguyên vô tận là ‘quần chúng nhân dân’ lại được ngó ngàng. Tuy thế, phương án tổ chức biểu tình rộng rãi, hoặc nói trắng ra là biểu tình ‘cuội’ với thành phần cốt cán là hội đoàn quốc doanh để lôi kéo số đông người dân đi theo nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi Biển Đông, chẳng có gì bảo đảm là sẽ không bị ‘thế lực thù địch lợi dụng’. Ý kiến lo ngại này thường thuộc về cánh công an và những quan chức mà nhìn đâu cũng thấy thù địch.
Vậy là phương án chủ động tổ chức biểu tình gặp phải chốt chặn. Bàn tới bàn lui vẫn chẳng ra được phương án nào đỡ bế tắc hơn.
Đảng muốn lo thì lo đi, rồi xem kẻ nào sẽ vỡ mặt !
Câu chuyện tuần hành phản đối Trung Quốc đang trở về bầu không khí của thói lấp ló vừa nói vừa run vào năm 2011 - thời điểm đã nổ ra đợt biểu tình phản đối Trung Quốc đầu tiên sau vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị ‘tàu lạ’ cắt cáp. Khi đó, thậm chí đã xuất hiện một văn bản không số, không dấu, không chữ ký và cực kỳ không chính danh từ phía Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhằm huấn thị cơ chế biểu tình tự phát của xã hội dân sự và dân chúng, nhưng văn bản này đã lập tức trở thành trò cười của thiên hạ.
Tuy nhiên, điều có vẻ lạ lùng đối với chính quyền là vào năm 2019, sự thể đã trở nên khác hẳn. Bất chấp vụ Hải Dương - 8 đã kéo dài cả tháng trời, vẫn không có bất kỳ lời phát động từ bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào ở trong nước về tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Trong khi đó và còn hằn y nguyên não trạng ‘hèn với giặc, ác với dân’, các hàng rào kẽm gai lại được công an và các lực lượng dân phòng, dân quân dựng lên tua tủa trên các đừng phố chính ở Hà Nội và Sài Gòn, cùng hàng đàn bầy chó ngao hờm sẵn ở các góc phố sẵn sàng xồ ra cắn xé những người biểu tình tự phát. Thế nhưng công an đã hoài công mà chẳng phát hiện ra bóng dáng ‘âm mưu biểu tình’ hay người biểu tình nào.
"Lòng yêu nước của nhân dân đã bị lợi dụng và bị phản bội" - đó là nguồn cơn chính yếu mà các tổ chức xã hội dân sự, giới đấu tranh dân chủ nhân quyền phẫn nộ nêu ra, để họ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình hay mít tinh nào phản đối Trung Quốc do chính quyền Việt Nam làm đầu trò. Từ nhiều năm qua, hầu hết các cuộc biểu tình tự phát chống Trung Quốc của người dân Việt đã bị chính quyền và công an đàn áp thẳng tay, đánh đập dã man và bắt bớ tràn lan với lý do ‘mọi việc đã có đảng và nhà nước lo’.
"Đừng ngạc nhiên và nghĩ người dân thờ ơ. Chỉ ở cái xứ xở này thì chính quyền mới có cái kiểu hành xử quái gở như những năm qua. Dân xuống đường biểu tình chống tầu Trung Quốc cắt cáp quang : Đánh. Chống dàn khoan HD981 hạ đặt trái pháp : Đánh. Dân biểu tình phản đối Formosa, bảo vệ biển : Đánh. Lên gối, xuống chỏ, đánh vỡ mặt mũi dân, quẳng dân lên xe tàn nhẫn như đối xử với những con vật. Dùng cả báo chí chụp mũ họ là những thành phần phản động, gây rối trật tự công cộng" - Facebooker Đoàn Bảo Châu cay đắng tổng kết.
Vậy thì vào lúc này, trong tình thế nguy ngập từ ‘bạn vàng’ Trung Quốc và không biết đến bao giờ tàu Hải Dương - 8 mới chịu rút khỏi Bãi Tư Chính, thậm chí còn có thể xảy ra kịch bản Trung Quốc kéo luôn một giàn khoan khổng lồ vào khoan dầu tại khu vực này, ‘đảng và nhà nước ta’ hãy ‘lo’ đi !
Xã hội dân sự và những gương mặt trong đó lại chính là đại diện cho một bộ phận không nhỏ người dân, về tâm trạng bức bối với Trung Quốc và cả phản kháng với vô số bất công của chính quyền Việt Nam. Trong bối cảnh mạng xã hội với hơn 70% dân số Việt Nam tham gia và được thông tin và dẫn dắt chủ yếu bởi giới xã hội dân sự chứ không phải bởi các cơ quan chính quyền, việc hầu hết những người hoạt động dân sự tẩy chay hình thức biểu tình hoặc mít tinh phản đối Trung Quốc do chính quyền tổ chức cũng có nghĩa là sẽ lôi kéo một số đông người dân tẩy chay theo.
Một cuộc biểu tình quá muộn màng, nếu có, do chính quyền tổ chức để lên dây cót cho các lực lượng quân sự và công an - bị xem là chết lặng trong nỗi sợ hãi trước kẻ thù - sẽ chỉ có ‘quần chúng nhân dân’ là người của những hội đoàn ‘cánh tay nối dài của đảng’, được đảng trả lương để đứng ra hô khẩu hiệu qua quýt với bộ mặt thản nhiên, xong ai về nhà nấy. Còn tàu Trung Quốc vẫn ung dung ngự trị ngay trước mũi Bộ Chính trị đảng Việt Nam như một thách thức không thèm che giấu.
Trong lúc đó, cái khó càng bó… cái ngu. Bất chấp lối tuyên truyền ‘tự sướng’ về Việt Nam có chẵn một tá đối tác chiến lược, bao gồm cả ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ Trung Quốc - theo cách tụng ca chưa biết đứng đã biết quỳ của giới chóp bu Việt Nam, duy nhất Hoa Kỳ là quốc gia tỏ thái độ ủng hộ Hà Nội trong vụ Hải Dương - 8, cũng như Quốc hội Mỹ đã là địa chỉ duy nhất tung ra bản nghị quyết lên án Bắc Kinh can thiệp thô bạo vào Biển Đông trong vụ Hải Dương 981 năm 2014.
Chưa bao giờ chính thể độc tài Việt Nam cùng thói đu dây ngả ngớn đến mức ung thư di căn của nó bị cô độc như lúc này trên trường quốc tế.
Vậy đó, đảng muốn lo thì lo đi, rồi xem kẻ nào sẽ vỡ mặt !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 31/07/2019
Hai tuần sau đỉnh điểm cuộc biểu tình thu hút 2 triệu người hôm 16/6, dân Hong Kong lại đang rầm rộ chuẩn bị xuống đường vì những đòi hỏi của họ vẫn chưa được chính quyền thân Bắc Kinh của Hong Kong đáp ứng.
Luật sư tại Hong Kong tuần hành trong im lặng để phản đối dự luật dẫn độ
Đặc biệt trong tuần qua, một số người Hong Kong đã qua cả Nhật Bản dương biểu ngữ yêu cầu tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng bàn về vấn đề của họ trong hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức tại Osaka.
Quyết tâm đấu tranh bảo vệ sự độc lập và tự do mà người Hong Kong đã có từ cách đây hơn 150 năm quả thực đã làm thế giới lưu ý và quan tâm.
Giới phân tích nhận định rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài cho đến khi người dân của Đặc khu Hành chính thuộc Trung Quốc này đạt được những điều tối thiểu mà họ đòi hỏi.
Thế nhưng giới trí thức của Hong Kong nghĩ gì ?
Ông Randy Shek 石書銘大律師, luật sư chuyên về nhân quyền, và quyền tự do dân sự, thành viên của Hong Kong Bar Association
'Phản ứng rất mãnh liệt'
Randy Shek 石書銘大律師, thành viên Hội Luật gia Hong Kong (Hong Kong Bar Asociation), luật sư chuyên về nhân quyền và quyền tự do dân sự, đồng ý với nhận định rằng cuộc đấu tranh còn kéo dài.
Trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt tại văn phòng luật của mình ở Hong Kong hôm 15/6, ông Randy Shek nói :
"Mọi người yêu cầu 5 điều :
- Hoàn toàn rút lại dự luật dẫn độ
- Trưởng Đặc Khu Carrie Lam phải từ chức
- Rút lại dán nhãn của cảnh sát rằng biểu tình là 'cuộc bạo loạn'
- Trả tự do cho những người biểu tình bị bắt
- Bắt cảnh sát nổ súng vào đoàn biểu tình chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cho đến nay không có nhu cầu nào được đáp ứng bởi chính phủ, vì thế người dân sẽ phải tiếp tục xuống đường".
Về tiến trình làm luật tại Hong Kong nói chung và dự luật dẫn độ nói riêng, thành viên của Hong Kong Bar Association giải thích :
"Tại Hong Kong chúng tôi không có cơ cấu 'tam quyền phân lập' như ở phương Tây. LegCo, tức Viện Hành Pháp, nơi làm luật có 70 council members, trong đó 43 người thân Bắc Kinh. Vì thế dù gặp sự phản đối của quần chúng, bà Carrie Lam thoạt đầu vẫn bất chấp, và nhất định tiếp tục với chương trình thảo luận để thông qua dự luật dẫn độ, vì bà biết họ có đủ số phiếu.
Thế nhưng quần chúng phản ứng rất mãnh liệt vì chúng tôi, giới luật sư, không được bỏ phiếu, nhưng đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để giải thích cho người dân đủ mọi thành phần hiểu ảnh hưởng của luật này lên sự tự trị của Hong Kong. Đó là động cơ thúc đẩy hơn một triệu dân Hong Kong xuống đường biểu tình hôm 9/6, cũng như sự chuẩn bị cho các cuộc biểu tình sắp tới".
Luật sư Wilson Leung 梁允信, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group
'Thiếu dân chủ'
Cũng trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hôm 15/6, luật sư Wilson Leung 梁允信, một thành viên của nhóm Progressive Lawyer Group, nói :
"Việc cả hai triệu người xuống đường cho thấy vấn đề lớn với sự thiếu dân chủ ở Hong Kong. Chừng nào chức đặc khu trưởng còn được bầu ra bởi một ủy ban mà đa số ủng hộ Bắc Kinh, thì guồng máy hành chánh ngày đó còn không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân và điều này sẽ dẫn từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.
Chẳng hạn như năm 2003 với dự luật An ninh Quốc gia, rồi vào năm 2012 với nỗ lực đưa ra một chương trình giáo dục "quốc gia" (tức yêu nước), và sau đó một lần nữa vào năm 2019 với dự luật dẫn độ".
"Cần phải cải cách để có dân chủ thực sự !" Luật sư Wilson Leung khẳng định.
Dennis Kwok, thành viên của Viện Lập Pháp Hong Kong (LegCo)
'Nhượng bộ và lắng nghe'
Trong khi đó, ông Dennis Kwok 郭榮鏗, một trong số 70 thành viên của Viện Lập Pháp Hong Kong (LegCo), hôm 17/6 đưa ra nhận xét với BBC Việt Ngữ :
"Tôi nghĩ lần này chúng ta thực sự phải nhìn vào những gì người dân Hong Kong đã làm, mọi người đã cùng nhau phản đối dự luật dẫn độ và cuối cùng chính phủ Hong Kong phải nhượng bộ và lắng nghe tiếng nói của dân, tôi nghĩ đơn giản là như vậy".
Ông Dennis Kwok nói với BBC Tiếng Việt về sự hỗ trợ của giới không trực tiếp liên quan đến biểu tình, một yếu tố quan trọng trong việc huy động quần chúng, đặc biệt là vai trò của những chính trị gia như mình :
"Là một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, tôi và các đồng nghiệp đã làm mọi thứ có thể được, trong và ngoài Viện Lập Pháp. Trong phạm vi của Viện Lập Pháp, chúng tôi cố gắng ngăn chặn quá trình này, chúng tôi đã đặt ra những câu hỏi khó để cảnh báo công chúng về sự dối trá của chính quyền về dự luật này.
Bên ngoài Viện Lập Pháp, chúng tôi đã đi khắp thế giới để tiếp xúc với cộng đồng quốc tế, nói cho họ biết tại sao những gì đang xảy ra ở Hồng Kông lại quan trọng với họ, bởi vì người dân của họ, những người nước ngoài đi qua Hồng Kông cũng có thể gặp rủi ro với dự luật dẫn độ".
"Nói tóm lại chúng tôi hỗ trợ giới biểu tình bằng chiến lược vận động quốc tế, và tại địa phương giải thích cho quần chúng nhận biết nguy cơ của luật dẫn độ. Thoạt đầu người dân cũng chưa hiểu hàm ý của dự luật và ảnh hưởng của nó lên Hong Kong cũng như lên đời sống hàng ngày của họ. Phải đến cuối tháng Năm người ta mới nhận thức rõ nguy cơ của dự luật dẫn độ vì thế hôm 9/6 mới có một triệu người xuống đường rồi hai triệu người một tuần sau đó, những gì tiếp theo đó là lịch sử".
Lý do giới trẻ Hong Kong vẫn quyết tâm biểu tình ?
Những bước kế tiếp là gì ?
Nhà lập pháp Dennis Kwok 郭榮鏗 nhận định :
"Tôi không nghĩ bà Carrie Lam dám mang dự luật này ra để thảo luận tiếp trong thời gian sắp tới. Nhưng dĩ nhiên không bao giờ nói 'never', và cái giá của tự do là luôn luôn phải cảnh giác. Người dân Hong Kong biết điều đó. Và thế giới bây giờ hiểu rằng khao khát của người Hong Kong cũng như lòng quyết tâm tranh đấu cho tự do của người dân Hong Kong sẽ không bao giờ chết".
Về những việc kế tiếp phải làm, ông nói :
"Trước mắt là chúng tôi phải đấu tranh bảo vệ những người trẻ biểu tình đã bị bắt. Chúng tôi cần tập họp các luật sư bào chữa miễn phí cho các em nếu cần. Chúng tôi phải thuyết phục bà Carrie Lam lên tiếng trước về vụ này để các thẩm phán hiểu quan điểm của bà trong các phiên xử. Xa hơn nữa, như tôi đã nói, là chúng tôi phải liên tục cảnh giác, đó là cái giá của tự do".
Luật sư Randy Shek 石書銘大律師, thì nhắc tới nhu cầu "cảnh giác với đại lục" :
"Tôi nghĩ đấu tranh cho quyền bầu cử phổ thông thực sự như được quy định trong Luật Cơ Bản sẽ là kế hoạch dài hạn. Nhưng nhìn vào tình hình hiện nay, mối quan tâm chính của mọi người là phải cảnh giác hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công từ Đại lục. Tôi nghĩ trong trái tim mọi người Hong Kong, ý tưởng về sự độc lập (mặc dù đó là điều cấm kỵ chính trị lớn nhất hiện nay) sẽ là sự cộng hưởng của nhiều người và nhiều giới".
Còn luật sư Wilson Leung 梁允信 nói :
"Phe dân chủ sẽ tiếp tục chiến đấu bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong quá khứ, mọi hoạt động hầu như chỉ giới hạn trong các cuộc tuần hành, điều này cũng quan trọng, như chúng ta đã thấy trong 1 triệu tuần trước và 2 triệu người tuần này, nhưng chỉ tuần hành không thì không đủ.
"Tôi dự đoán họ sẽ sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như tụ tập hát thánh ca, "biểu tình của những bà mẹ", đình công bãi thị, thậm chí là chiếm đóng các con đường khác nhau, và hơn nữa, liên kết với các đồng minh quốc tế có thiện cảm với nguyện vọng độc lập của Hong Kong. Thu hút chú ý của thế giới sẽ dễ dàng hơn sau khi những cuộc biểu tình vừa qua cho thấy sức mạnh của phong trào dân chủ Hong Kong". Ông Leung nhận định.
Với chính sách 'một quốc gia, hai thể chế' hết hạn năm 2047, điều không tránh khỏi là Hong Kong dần dà sẽ phải hội nhập nhiều hơn với Trung Quốc ở một mức độ nào đó.
Hiện Trung Quốc đã đưa ra chính sách thắt chặt Hong Kong vào Macau và Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông qua dự án Khu kinh tế vùng Vịnh Lớn - Great Bay Area.
Nhưng với sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của người dân Hong Kong trước nỗ lực biến Hong Kong thành một phần của Trung Quốc càng sớm càng tốt, tương lai của Đặc khu ra sao là điều hiện tại khó ai có thể tiên đoán.
Kịch bản tốt nhất có lẽ là chính sách 'một quốc gia, hai thể chế' của Hong Kong sẽ được Trung Quốc gia hạn.
Trung Quốc cũng có thể cho phép Hong Kong tiếp tục giữ một số, nhưng không phải tất cả các quyền tự do họ đang có.
Trường hợp tệ nhất là Hong Kong có thể sẽ mất vị thế của một vùng hành chánh đặc biệt, và trở thành một khu vực hành chính bình thường không có quyền tự trị của Trung Quốc.
Với những nỗ lực đấu tranh liên tục của người dân Hong Kong, xem ra giới trí thức và người trẻ Hong Kong đồng lòng với quan điểm của nhà lập pháp Dennis Kwok rằng 'cái giá của tự do là luôn phải cảnh giác".
Tina Hà Giang
Nguồn : BBC, 30/06/2019
Thiên tai là điều không tránh khỏi và có thể xảy ra ở mọi nơi, không ngoại trừ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Việt Nam cũng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai ; tuy vậy yếu tố con người hay còn gọi là nhân tai còn là nhân tố khiến nguy cơ thêm phần nặng nề.
Nạn phá rừng tràn lan ở Việt Nam. AFP
Hai nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và của trong trận mưa lũ ở miền núi phía Bắc vừa qua được các chuyên gia đánh giá là vì rừng đầu nguồn bị phá và thủy điện xả lũ với vận tốc lớn.
Trận mưa lũ và sạt lở đất xảy ra chỉ trong 2 ngày nhưng khiến 23 người chết và 10 người mất tích, tính đến sáng ngày 28 tháng 6.
Ngoài ra thiệt hại về tài sản lên đến gần 459 tỷ đồng.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến đợt lũ này là do rừng bị phá nghiêm trọng :
Nguyên nhân sâu xa là vấn đề không bảo vệ được rừng cho tốt. Rừng nguyên sinh có nhiều tầng lớp giúp giữ nước trên đỉnh cao của các khu rừng, đỡ xói lỡ và sụt lún. Nguyên nhân này không phải một lúc một chiều có thể giải quyết được. Cũng đang cố nâng tỷ lệ rừng lên nhưng rừng mới trồng làm sao bằng rừng nguyên sinh được.
Nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội. Đây không chỉ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, mà rừng phòng hộ đầu nguồn có chức năng bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn cũng đang bị tàn phá tan hoang để lấy gỗ và khai thác khoáng sản… Năm 2015, chỉ tính riêng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, gần 2.000 vụ phá rừng bị phát hiện, diện tích rừng bị mất hàng nghìn ha.
Vài năm trở lại đây, các địa phương khu vực Tây Bắc đã trồng rừng bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, việc trồng rừng được nói là diễn ra ì ạch, quá thấp so với kế hoạch đề ra.
Trong một hội nghị về phòng chống thiên tai do Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô ngày càng lớn.
Năm ngoái, lũ quét và sạt lở đất đã làm 71 người chết và mất tích, hơn 4.000 ngôi nhà bị sập. Và cho đến hiện nay vẫn còn hơn 13.000 hộ dân đang sinh sống tại những nơi không đủ an toàn, có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho rằng để giảm bớt hậu quả thiên tai ở vùng núi phía Bắc, thì trước hết phải khắc phục những yếu tố nhân tai do con người gây ra :
Cần di dân khỏi những nơi có khả năng xảy ra lũ ống, luc quét. Chủ trương Nhà nước đã làm nhiều, vì thế đã giảm được hậu quả.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phục hồi rừng, giữ rừng cho tốt. Đây là hai biện pháp quan trọng nhất, chứ một khi lũ đã xảy ra rồi thì không ai chống đỡ nổi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở là do phá rừng. Ông Trần Quang Hoài còn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục trả giá vì nhiều rừng và đồi núi đã bị "cạo trọc".
Nguyên nhân chính thứ 2 gây ra trận lụt lịch sử vừa qua được các chuyên gia nhận định là do thủy điện xả lũ. Do lượng nước mưa lớn nên các hồ chứa thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Bản Chát và Tuyên Quang đều phải đồng loạt xả lũ để tránh vỡ đập. Công suất xả lũ luôn ở mức cao nhất cho phép. Thậm chí các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200m3/s đến 1.300 m3/s, tức là cao hơn nhiều mức cho phép. Do đó, mực nước trên sông Lô tại thành phố Hà Giang lên nhanh, gây tình trạng ngập lụt.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật của Câu Lạc Bộ Rừng Gọi, nhà hoạt động môi trường được biết đến với chiến dịch Bảo vệ Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyền thế giới ở tỉnh Đồng Nai, trước sự đe dọa của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nói rằng việc xả lũ thủy điện đã góp phần gây ra trận lũ lịch sử này :
Thủy điện người ta bị vỡ đập nên rất nhiều thủy điện đồng loạt xả lũ ở mức độ cao nhất. Mức cao nhất Nhà nước mình cho phép là 8.000 m3/giây nhưng họ có thể xả cao hơn thế bởi nếu không sẽ bị vỡ đập.
Tình trạng thủy điện xả lũ khiến người dân không kịp trở tay thường xuyên xảy ra trên khắp cả nước, gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng và của cải của dân.
Trước đây thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh đã từng bất ngờ xả lũ với công suất gấp nhiều lần mức tối đa cho phép. Lượng nước xả ra trong một giờ lên đến 7,2 triệu khối nước khiến hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm, dân phải bỏ của chạy lấy người. Các đàn gia súc, gia cầm cũng bị cuốn trôi và hàng ngàn hecta hoa màu của dân chỉ còn là đất trơ trụi. 40 người dân đã thiệt mạng trong trận lũ này.
Một người dân khu vực hay xảy ra thủy điện xả lũ nói với RFA :
Bởi vì thủy điện của mình nó quá nhiều, chứ nước lũ thì nó không đến nỗi như hiện tại. Nếu như trước đây các ổng tính đến chuyện thiệt hại thì chắc là không xây. Vì các ổng nghĩ là có lợi nên mới xây, mà tính sai nước nên đâm ra lợi không bằng hại. Nếu như ở các nước khác thì thủy điện phải đền bù thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở đây (Việt Nam) thì không có chuyện đó đâu, cải cách gì cũng thua mấy ổng thôi. Nếu như các thiết kế thủy điện hợp lý thì bây giờ đâu đến nỗi thiệt hại như đang thấy.
Một gia đình người Hmông đang đi bộ giữa những ngôi nhà bị phá hủy sau trận lũ quét tại Mù Cang Chải, Yên Bái, hôm 4 tháng 8 năm 2017. AFP
Dưới sự quan sát của một nhà hoạt động môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng sự điều hành của cơ quan chức năng còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng thủy điện xả lũ bừa bãi :
Nói tóm lại mình chưa có một vị tổng tư lệnh. Nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ mang tính hình thức, không đủ tâm, đủ tầm để điều tiết việc này. Bởi vì vấn đề thủy điện liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Chẳng hạn làm thủy điện ở vườn quốc gia Cát Tiên thì liên quan đến 6 bộ ngành. Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng phải điều tiết, nhưng họ quá nhiều việc. Cho nên cần có một tổng tư lệnh điều phối được 6 bộ ngành này nhưng Việt Nam chưa có. Mạnh ai nấy làm, cuối cùng dân chết thì không ai chịu trách nhiệm.
Rất nhiều tổ chức độc lập và người dân đã từng lên tiếng phản đối xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam vì các hậu quả về nhân mạng và tài sản có thể gây ra. Tuy nhiên đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gợi ý rằng nếu cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa thì sẽ góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước.
Số liệu năm 2012 cho biết Việt Nam có khoảng 7.500 nhà máy thủy điện và đập chứa nước trên các sông.
Khoảng chục năm trở lại đây Việt Nam tăng cường xây dựng nhà máy thủy điện vì cho rằng mang lại nhiều nguồn lợi về năng lượng. Nhưng lợi chưa nhìn thấy đâu mà chỉ thấy hàng trăm người dân chết do thủy điện gây ra. Trong khi đó, phía nhà máy thủy điện nói rằng họ luôn xả lũ "đúng quy trình".
***************
Việt Nam : Lũ cuốn và tình người trong thiên tai (RFI, 27/06/2018)
Số lượng nạn nhân bị thiệt mạng vì lũ cuốn tại Việt Nam cho đến hôm nay 27/06/2018 đã lên đến 21 người. Chính quyền cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, đất lở còn rất cao tại sáu tỉnh miền núi Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, với dự báo những trận mưa lớn sắp tới. Lai Châu là nơi bị thiệt hại nặng nhất với ít nhất 16 người chết và 9 người bị lũ cuốn mất tích ; Hà Giang có 5 người thiệt mạng.
Một căn nhà của người dân Quản Bạ, Hà Giang bị hư hại vì nước lụt và đất lở. Ảnh chụp ngày 26/06/2018.Đỗ Nam Trung
Trả lời RFI Việt ngữ, anh Đỗ Nam Trung thuộc nhóm No U thiện nguyện cho biết nhóm anh đã lên đến nơi bị nạn thuộc tỉnh Hà Giang rất sớm, sau đó một số đoàn từ thiện cũng đã đến giúp đỡ đồng bào địa phương trong cơn hoạn nạn.
" Nhóm No U thiện nguyện lên đây chỉ có ba anh em thôi. Chiều tối nghe thông tin thì ba anh em lên kế hoạch đi. Tiền bạc không có gì vì tụi em là hội nhóm tự phát, toàn anh em tự ngồi lại với nhau chứ chẳng có nguồn vốn gì cả. Định đi ngay trong đêm nhưng tiền chưa có, đồ cũng không mua được. Đợi đến sáng mới đánh xe đi mua đồ đạc, đến gần trưa thì xuất phát từ Hà Nội đi. Vừa đi vừa kêu gọi, thì bà con mới gởi tiền nong.
Phải mua lương khô, muối i-ốt, bột canh, mì tôm…từ dưới Hà Nội mang lên. Ở trên này đâu có gì để mua. Lúc đó loạn cả lên, cả thành phố Hà Giang đang chìm ngập trong biển nước. Nước hôm đó lên cao, xả lũ, nhiều người không ra được khỏi nhà. Bởi vậy phải mua từ Hà Nội, chứ mang tiền lên trên này đâu mua được gì. Điện mất, internet mất, mình có muốn rút tiền cũng không rút được.
Chiều tối hôm qua em lên đến Hà Giang. Rất may là khi lên đến thành phố Hà Giang thì nước rút nhiều không còn ngập, không bị cô lập nữa, chỉ ngập trên Quản Bạ thôi.
Ban đầu em vào thì bị tắc đường, những tảng đá lớn trên núi và đất lở trùm kín đường không vào được. Đi vòng hai, ba lần vẫn không vào được, phải chờ máy xúc, máy ủi dẹp bớt đất bùn mới vô được. Đoàn em là đoàn đầu tiên vào trong đó, hai xã Cán Tỷ và xã Lùng Tám. Tất nhiên sẽ có sạt lở tiếp nhưng mình tranh thủ đi thật nhanh thôi. Tụi em đi núi nhiều rồi, đi làm thiện nguyện nhiều, biết địa lý, tình hình khu vực nên không sợ lắm.
Lên đến huyện Quản Bạ, có mấy khu vực sạt lở. Hôm qua vẫn bị cách ly, sáng nay cũng không tiếp cận được, ngồi đợi đến trưa, máy xúc, máy ủi gạt đất bùn đi thì anh em mới vào được đúng nơi bà con bị thiệt hại nặng nề nhất.
Nơi đó thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, thôn bị nặng nhất là thôn Tùng Nùn. Chính quyền địa phương cũng nghèo, mình lên trên đó thì họ hỗ trợ về nhân lực cho mình. Thí dụ mình mang đồ đạc, quà cáp lên thì có đội thanh niên tự vệ khoảng mấy chục người ra khuân vác đồ giúp, mở đường cho mình vào. Chính quyền không có tiền, chỉ có thể chỉ đạo về việc đó, rồi hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm.
Trên này lũ ống quét đột ngột, sau đó rút dần, để lại thiệt hại về người và của. Người thì có mấy trường hợp thiệt mạng, còn nhà thì khá nhiều nhà bị mất trắng. Cả cái nhà bị đất đá trên núi sụt xuống đổ ụp vào nhà. Có hai mẹ con một chị không kịp chạy, nhà sập đè cả hai.
Ở chỗ em đang làm có danh sách số hộ bị mất nhà và số người bị thiệt mạng. Hôm nay em có vào thăm những gia đình đó. Có trường hợp vợ mất, con mất rồi, còn lại mỗi người chồng, em có vào ủng hộ tiền bạc, vật dụng cho anh ấy để sinh hoạt. Mất nhà mất cửa, mất cả vợ lẫn con, còn có mỗi mình.
Qua những hình ảnh em đưa lên và livestream, em có nói rõ là ở địa bàn nào, bị thiệt hại như thế nào…thì cũng có những hội nhóm từ thiện lên và vào trong đó được. Hôm nay thì thông đường rồi, ô tô đã vào được tận nơi, quà cáp các thứ đã mang đến được.
Cái mà người dân cần bây giờ là một nếp nhà mới để ở, chứ đâu ở tạm bợ mãi được. Có người phải đi ở nhờ nhà anh chị em, bà con, có người ở tạm tại các trường tiểu học, trung học. Tại vì có còn chỗ nào về đâu ?
Nền nhà bây giờ đất núi sạt xuống, vùi lấp kín cả cái nhà. Bình thường thì nền nhà phẳng, giờ bị phủ lấp nên có độ dốc, bùn đất lấp hết cả lên, nên phải dựng nhà chỗ khác. Trong đống đổ nát đó họ lục tìm những gì còn tận dụng được, nhưng đa phần là mất hết. Ở trên này đa số bà con là người Mông, họ trồng ngô làm mèn mén để ăn, hoặc chăn nuôi gia súc. Bây giờ ngô bị hư hại hết rồi. "
Thụy My
***************
Các cuộc biểu tình quy mô và thế lưỡng nan của Hà Nội trước Trung Quốc (RFI, 27/06/2018)
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc làm rung chuyển Việt Nam cách đây gần hai tuần đã làm nổi bật bài toán khó của Hà Nội khi giao dịch với Trung Quốc – vừa là cừu địch ở Biển Đông, lại vừa là đối tác thương mại và nhà đầu tư chủ chốt.
Người biểu tình ở Hà Nội phản đối dự luật Đặc khu, ngày 10/06/2018. Reuters/Staff
Lịch sử quan hệ Việt-Trung chìm đắm trong một ngàn năm Bắc thuộc, chiến tranh, loạn lạc. Cuộc xâm lược gần đây nhất của Trung Quốc là cuộc chiến tranh biên giới kéo dài hai tháng vào năm 1979.
The Diplomat ghi nhận, các cuộc xuống đường mới đây nhằm phản đối Luật Đặc khu, một dự luật đặt ra các "đặc khu kinh tế" (SEZ) với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, viễn cảnh những giao dịch đáng ngờ, được cho là nhượng đất cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đã gây ra một làn sóng các cuộc biểu tình phản đối.
Những người biểu tình cầm các biểu ngữ trên đó người ta đọc được "Không đặc khu – Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày", "Đả đảo bán nước". Phong trào phản kháng khởi đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rồi nhanh chóng lan ra các thành phố ở sáu tỉnh, có thể kể : Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Tây Ninh.
Ông Phạm Chí Dũng, cựu sĩ quan quân đội nay là chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói với The Diplomat : "Luật Đặc khu bị người dân Việt Nam gọi là luật bán nước. Rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ. Đây là kiểu nhượng địa mà chỉ những quốc gia nghèo, lạc hậu mới vận dụng đến".
Chắc hẳn ông Dũng muốn nói đến hai nước láng giềng nghèo nàn là Lào và Cam Bốt, đã chấp nhận cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất đến 99 năm.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhượng bộ về việc cho thuê ba đặc khu ở vị trí chiến lược 99 năm. Điều khoản này 99% giúp người ngoại quốc sở hữu đất đai, và các nhà đầu tư Trung Quốc hầu như là người hưởng lợi chính. Chính quyền dường như muốn giảm thời hạn cho thuê đất còn 70 năm như 18 đặc khu đã có.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một blogger đấu tranh ở Hà Nội có 42.500 người theo dõi trên Facebook, không bị thuyết phục trước lời hứa xem xét lại thời hạn cho thuê đất của thủ tướng Phúc. Ông nói : "Chúng tôi có một lịch sử lâu dài với người Trung Quốc, họ luôn muốn xâm lăng đất nước chúng tôi, thế nên rất nguy hiểm khi cho phép họ sử dụng các đặc khu này để kiểm soát đất nước".
Mặt khác, Việt Nam lên án Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, và đòi hỏi chủ quyền trên nhiều đảo ở vùng biển mà Hà Nội luôn khẳng định phải gọi đúng tên này, chứ không phải "Biển Nam Trung Hoa".
Chỉ vài ngày sau đợt biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên, ngày 14/06/2018, ngoại trưởng Việt Nam tố cáo việc Trung Quốc tái bố trí hỏa tiễn trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Hà Nội đòi hỏi chủ quyền. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam gọi việc Bắc Kinh triển khai hỏa tiễn là "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".
Cho dù tình hình trên biển vẫn căng thẳng, và một lịch sử đầy biến động sâu sắc với nước láng giềng khổng lồ, chính phủ Việt Nam vẫn hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, để đầy mạnh nền kinh tế đang khó khăn.
Nhưng Luật Đặc khu được đưa ra tranh luận tại Quốc Hội bao gồm cả đặc khu Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, mà đối với nhiều người Việt, nằm sát biên giới Trung Quốc một cách đáng ngại. Một đặc khu khác là đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm cạnh vùng duyên hải Cam Bốt đang bị các dự án của Trung Quốc thống trị.
Những nghịch lý cố hữu trong việc giữ thăng bằng giữa đối đầu trên biển và hợp tác kinh tế trên đất liền, giữa việc cao giọng xác quyết chủ quyền lãnh thổ nhưng lại bắt tay với các nhà đầu tư Trung Quốc, đã bị giới trí thức chỉ trích dữ dội, kể cả một vài đại biểu Quốc Hội Việt Nam.
Một trong những tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất là ông Nguyễn Quang Dy, nhà cựu ngoại giao nay là nhà phân tích, giảng viên, đã công bố một bài viết với các lý lẽ chống lại Luật Đặc khu, vài tuần trước khi diễn ra các vụ biểu tình.
Ông viết : "Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn… Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia".
Các bộ trưởng đã cố gắng quảng bá cho đặc khu kinh tế là "Singapore thu nhỏ" - môi trường kinh doanh thân thiện, tập trung công nghệ cao.
Tuy nhiên nhà kinh tế Vũ Quang Việt, từng là cố vấn cho thủ tướng cải cách Võ Văn Kiệt (1992-1995) không chấp nhận lý lẽ này. Ông nhấn mạnh, các đặc khu mới sẽ thúc đẩy "đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu, chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc và casino". Theo ông : "Cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và đầu tư vào giáo dục để tăng năng suất lao động, và một nền kinh tế tri thức, chứ không phải địa ốc và dự án sòng bạc".
"Nhóm lợi ích" là cụm từ thường được dùng để chỉ lớp đại gia mới đầy quyền lực, và những người đầu cơ địa ốc được cho là thông đồng với các nhà đầu tư Trung Quốc. Nông dân nghèo tố cáo giới này cướp đất của họ với sự đồng lõa của quan chức địa phương tham nhũng.
Một vài đại biểu trong Quốc Hội do đảng cộng sản kiểm soát cũng không cảm thấy thuyết phục. Đại biểu Dương Trung Quốc nói trước nghị trường, là "dự luật nếu được thông qua thì chỉ làm lợi cho các nhà đầu cơ địa ốc, chứ không phải các công ty công nghệ cao".
Một trong ba đặc khu là đảo Phú Quốc, gần vùng duyên hải Kep của Cam Bốt, cảng biển chính Shihanoukville và đảo Koh Kong. Nhà phân tích Nguyễn Quang Dy nhìn thấy ở đây mối nguy hiểm cực kỳ cho an ninh quốc gia : "Trung Quốc hết sức quan tâm đến Phú Quốc, coi đây là mục tiêu sắp tới".
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer ở Úc cũng coi Phú Quốc là địa điểm chiến lược, chỉ rõ "Koh Kong đang nhanh chóng trở thành lãnh địa của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Phú Quốc dựa trên vị trí là điểm cuối phía nam của Biển Đông tiếp giáp với tuyến đường hàng hải đi qua eo biển Malacca và Singapore".
Việt Nam đứng ở đâu ?
Hầu hết mồi lửa nhen nhóm cho làn sóng phẫn nộ gần đây là từ di sản độc hại của nhiều vụ xì-căng-đan đầu tư Trung Quốc. Trong đó có dự án bô-xít ở Tây nguyên đã gây ra đợt phản kháng trên toàn quốc năm 2009. Vai trò của công ty Trung Quốc và mối đe dọa khổng lồ cho môi trường từ bùn đỏ độc hại đã gây ra phong trào phản đối rộng lớn, từ các nhà ly khai cho đến các đảng viên tên tuổi, thậm chí cả vị tướng huyền thoại đã nghỉ hưu là Võ Nguyên Giáp.
Dù vậy, dự án này vẫn được tiến hành, sau khi cải thiện các biện pháp bảo vệ môi trường và có giám sát của bộ Môi Trường vốn có tiếng nói yếu ớt.
Rõ ràng là chính quyền đã bị rúng động bởi các vụ biểu tình mới đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cố gắng tỏ ra hòa giải, khẳng định với công chúng là "Chúng tôi đã lắng nghe nhiều nhà trí thức, nhân dân, đại biểu Quốc Hội, cán bộ lão thành và Việt kiều".
Tuy nhiên đúng vào tuần lễ mà thủ tướng bắt đầu lắng nghe, internet, một trong những không gian tranh luận chính trị chủ yếu, lại bị đặt dưới những quy định nghiêm ngặt và bị kiểm duyệt bởi Luật An ninh mạng mới được thông qua, bất chấp dư luận lên án.
Trước hàng loạt các xì-căng-đan tham nhũng có liên quan đến đầu tư Trung Quốc, đã có những lời kêu gọi tranh luận và đối thoại nhiều hơn từ trong nội bộ đảng, báo chí do Nhà nước kiểm soát, và trên các mạng xã hội.
Một nhà xã hội học Việt Nam giấu tên mong muốn đối thoại và mở cửa nhiều hơn. "Chính quyền cần chấp nhận quan điểm đa phương, lắng nghe xã hội dân sự và trí thức, như chúng tôi đã từng kêu gọi trong thời kỳ đổi mới của ông Võ Văn Kiệt", thủ tướng cải cách trong thập niên 90.
Tương tự, chuyên gia về Việt Nam, tiến sĩ Benedict Kerkvliet, giáo sư danh dự trường đại học quốc gia Úc bình luận : "Chính quyền cần tỏ rõ là họ tôn trọng quan ngại của công dân về chủ quyền quốc gia, và chân thành về điều này".
Cho đến nay, chính quyền vẫn không chịu thừa nhận là độc lập quốc gia có thể bị nguy hiểm khi Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi bình tĩnh, nhưng ông cũng như các nhà lãnh đạo khác đều tránh nhắc đến Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh tỏ ra tức giận trước các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Cuộc đấu tranh lâu dài cho độc lập
Chiến đấu để giữ vững nền độc lập cho Việt Nam, không bị người láng giềng khổng lồ phương bắc nuốt chửng, chẳng phải là công việc dễ dàng gì. Kerkvliet nhận định : "Trung Quốc là một thách thức vĩ đại, và Hà Nội cần phải phối hợp với các nước láng giềng cũng đang lo ngại trước các hành động của Trung Quốc".
Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, nhưng Việt Nam là tiếng nói lớn nhất đả kích chính sách hung hăng của Bắc Kinh. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có kháng cự lại việc Trung Quốc bóp nghẹt tài nguyên nước của dòng sông Mêkông.
Philippines dưới thời chính quyền cũ đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, và giành được một chiến thắng lịch sử. Nhưng tân tổng thống Rodrigo Duterte chủ yếu tập trung vào đầu tư kinh tế hơn là chủ quyền lãnh thổ, bỏ lại Việt Nam đơn độc.
Tuy Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không ngăn được việc Trung Quốc nhe nanh múa vuốt đe dọa về quân sự, buộc Hà Nội phải ngưng thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong năm nay, một dự án khai thác dầu khí trị giá 200 triệu đô la của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol, có tên Cá Rồng Đỏ, đã bị ngưng lại do áp lực của Trung Quốc.
Sự bành trướng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc qua sáng kiến Một vành đai, một con đường có thể vấp phải một số trở ngại tại Việt Nam. Tất cả các cố vấn chính phủ và các chuyên gia mà The Diplomat gặp tại Hà Nội đều bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc, tin rằng chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông và sông Mêkông đều có mục đích làm Việt Nam yếu đi.
Mỗi học sinh Việt Nam đều được dạy rằng đất nước bị các hoàng đế và lãnh chúa Trung Hoa thống trị trong suốt một ngàn năm, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên. Đến thế kỷ 19 thì Pháp lập ra Đông Dương để đô hộ.
Bản sắc Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập đã được khắc họa qua việc đánh bại các kẻ thù mạnh hơn rất nhiều – đế quốc Trung Hoa cũ, thực dân Pháp năm 1954, và Hoa Kỳ năm 1975.
Nhưng chiến thắng khó khăn hơn hết là phải duy trì cho được nền độc lập, trước cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt trận – đặc khu, sông Mêkông và Biển Đông.
Các cuộc biểu tình đậm màu sắc dân tộc của các công dân Việt Nam gần đây rõ ràng trái hẳn với các nhà lãnh đạo Hà Nội đang chia rẽ, thiếu vắng một chiến lược rõ ràng để đối phó với sự thống trị ngày càng tăng trong khu vực của người khổng lồ kinh tế, ngay trước cửa nhà mình.
Thụy My
Kỷ niệm cùng Phạm Thanh Nghiên
Tôi còn nhớ vào hồi 19g42 phút ngày 07/12/2007, trong lúc tôi đang thả bộ trên đường Lê Văn Lương thì điện thoại của tôi nhận được một tin nhắn của một số máy lạ có nội dung : "Sẽ có cuộc biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc vào 9h ngày 9/12/2007".
Ai đã nhắn tin này cho tôi ? Người thì bảo đó là nhân vật X, người khác lại bảo đó là nhân vật Y ! Lại có người lí giải chẳng phải là X là Y gì hết, chính công an đã ngấm ngầm làm việc này.
Giữa phố phường Hà Nội
Là một người dân, tôi không có trách nhiệm phải truy tìm nguồn gốc của tin nhắn đó. Sau hơn 2 năm câu hỏi ai là tác giả của tin nhắn này vẫn còn là một ẩn số và chỉ biết rằng, tôi đã đến với cuộc biểu tình đó. Nhiều bài viết của tôi, nhiều tấm ảnh mà cơ quan an ninh đã chụp được tôi, nhiều videoclip của công an đã quay được sự hiện diện của tôi giữa đám đông sinh viên học sinh trước cổng Sứ Quán Trung Quốc buổi sáng hôm đó và ít ngày sau là những cuộc thẩm vấn liên tục của PA38, của A42 dành cho tôi đã xác nhận điều này và cho đến nay tất cả vẫn còn hết sức sống động trong tôi. Với tôi đó là những ngày tháng, những kỉ niệm không thể nào quên. Tôi tự hào về tôi, tôi đã sống không đến nỗi nào trong những ngày tháng đó.
Tôi nhớ tôi đã lọt vào một đám đông Thanh Niên, Sinh Viên và Học Sinh đang vô cùng phấn khích trước cổng Đại Sứ Quán Trung Quốc. Trước mặt tôi, giữa lòng đường Hoàng Diệu và trước cổng Sứ Quán đóng im ỉm là một hàng rào Cảnh sát cơ động trong trang phục rằn ri với mũ sắt trên đầu và côn gỗ trong tay, là cả một rừng ống kính máy ảnh, camera của công an lăm lăm chĩa vào chúng tôi. Có một điều rất lạ là họ lại hết sức ôn hoà, hết sức mềm mỏng với chúng tôi. Họ không hề ra tay đàn áp như những gì mà họ đã thể hiện trong những chủ nhật sau.
Biểu tình chống Trung Quốc lớn nhất ở Hà Nội sau nhiều năm - VOA, 11/05/2014
"Xung quanh tôi lúc đó là những gương mặt của thế hệ 8x và 9x, họ là những đại diện xứng đáng cho thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ sống vô trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ Quốc. Họ đang say sưa hát những bài ca cách mạng, họ hô vang những khẩu hiệu khẳng định chủ quyền của đất nước trước mũi những kẻ bành trướng phương Bắc. Tôi nhanh chóng như rơi vào trạng thái nhập đồng khi thấy một nam sinh viên đeo kính trắng nhẩy ra đối diện trước đám đông Cảnh sát cơ động. Giữa lòng đường Hoàng Diệu, cháu đứng ưỡn ngực, 2 chân cháu dang rộng, 2 tay cháu giơ cao chiếc băng đỏ có dòng chữ mầu vàng : "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam", miệng cháu cắn chặt chiếc dây đeo một khẩu hiệu lớn có dòng chữ : "Đả đảo Tam Sa". Đôi mắt cháu rực sáng nhìn thẳng vào những Cảnh sát cơ động đang dàn hàng ngang trước cổng Sứ Quán. Hàng chục ống kính máy ghi hình của các kí giả nước ngoài đã tới tấp ghi được một hình ảnh tuyệt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Xung quanh tôi là cả một biển người đang sôi sục trào dâng. Đứng gần tôi là một cháu gái mảnh mai, gầy yếu đeo cặp kính trắng rất giản dị. Tôi thấy mỗi lần cháu hô to : "Hoàng Sa - Trường Sa !"bằng chất giọng trong trẻo, lanh lảnh như tiếng của Thiên Sứ từ nơi xa xăm vọng về… lập tức các bạn cháu đồng thanh hô đáp lại : "Việt Nam !". Tiếng gọi tên Tổ Quốc vang lên từ những lồng ngực trẻ nhanh chóng cộng hưởng thành một trường âm thanh hào hùng lay động, lan ra xa tắp. Bất ngờ cháu gái đó nhận ra tôi, cháu hét lớn : "Các bạn ơi ! Đưa Mic cho thầy Long đi !". Tôi bỗng quên cả tuổi tác, nhanh chóng hóa thân vào sinh hoạt của các em. Cảm hứng về Tổ Quốc, về Đất Nước, về DânTộc… như bừng sáng, như rực cháy trong tôi. Mắt tôi bỗng như nhòa lệ. Tôi nhanh chóng chìm sâu vào trạng thái như bị thôi miên đến nghẹt thở."
(trích Hồi kí của Nguyễn Thượng Long : "Tôi đã khóc giữa trời thu Hà Nội").
Trưa hôm đó quay lại nhà anh chàng kĩ sư Hóa mà tôi mới quen, tôi lại gặp cháu gái này. Hóa ra đó chính là Phạm Thanh Nghiên người con gái đã từng làm đau đầu nhiều nhân viên an ninh Hải Phòng và cả an ninh Bộ. Tôi hỏi : Sao cháu biết tên tôi ? Cháu Nghiên nói : Cháu nhận ra chú vì 2006, VTV3 đã từng giới thiệu chú là "Người đương thời" là "Thanh tra Đa vít", là thầy giáo chống tiêu cực nổi tiếng trong ngành Giáo dục và đào tạo của Hà Tây.
Phạm Thanh Nghiên - Ảnh We are the One
Khi nhắc lại cả loạt danh xưng một thời của tôi như thế, Phạm Thanh Nghiên đâu có biết cháu đã gợi dậy trong tôi những kỉ niệm thất bại đến đau buồn mà tôi đã cố gắng để quên đi. Giờ đây sau hơn 4 năm, đặc biệt là sau khi Người Đương Thời được cả nước yêu thích nhất năm 2006 Đỗ Việt Khoa bị báo chí "Lề Phải" và Lãnh đạo Giáo dục và đào tạo Hà Nội hạ nhục thành công, thì cuộc vận động 2 không rồi lại 4 không :
* Không gian dối trong thi cử
* Không vị thành tích trong thi đua, rồi lại thêm…
* Không băng hoại đạo đức đối với thày cô giáo..
* Không ngồi nhầm lớp với học sinh…
Chẳng còn thấy ai nhắc đến những nội dung này nữa. Giáo dục và đào tạo cả nước bước vào năm cuối cùng của thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 với những kết quả thi cử lại đạt tuổi của vàng "99,99%" và tác giả làm nên những thành tích đó là những gương mặt lộng lẫy, chỉ nhờ những "Mỹ phẩm hàng chợ loại 2"… và họ như cùng nhau vui vẻ à vào "Vở tuồng đồ" vĩ đại có cùng ngôn ngữ là :
"Nói Dzậy ! mà không phải Dzậy !". Nói "Hai Không !", nói "Bốn Không !", sau này là nói cải tiến…cứ nói, đừng nhẹ dạ mà làm thật, làm thật sẽ được coi là không bình thường, không hiểu biết đấy".
Vở Tuồng Giáo dục và đào tạo hôm nay có khác gì đâu hoạt cảnh : Tháng trước ông Nguyễn Minh Triết gõ cửa Vatican để đối thoại thân tình với Đức Giáo Hoàng, nhà lãnh đạo tinh thần của khối Công giáo toàn thế giới, cũng là Đấng Bề Trên cao cả của những người Công giáo ở Việt Nam đang có nhiều bức xúc trong nước, thì tháng sau lại có ông khác ngang nhiên xua lính đi đập nát Thánh Giá biểu tượng thiêng liêng của giáo dân một xứ đạo nghèo nơi xóm núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Tôi nhớ lúc đó tôi cố nhắc nhở cháu giữ gìn sức khoẻ vì tôi thấy cháu rất gầy và xanh. Ít ngày sau qua mạng, tôi đọc được bài viết rất xuất sắc của cháu có nhan đề "Uất ức biển ta ơi !", bài viết về chuyến cháu và sinh viên Ngô Quỳnh đi Hoằng Hóa, Thanh Hóa để thăm gia đình các ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông. Tôi và nhiều người khác rất xúc động khi đọc bài viết này.
Tôi nghĩ, bên trong những người con gái nhỏ bé, gầy yếu như Luật sư Lê Thị Công Nhân, như Phạm Thanh Nghiên là cả một hoả diệm sơn của lòng yêu nước, là cả một đại dương của tình yêu thương con người. Thật đáng buồn thay cho những Bác, những Chú… oai vệ như thần mà ấp a ấp úng gọi tầu Trung Quốc là những tầu lạ khi chúng đâm chìm tầu cá của ngư dân Việt Nam. Lại có những cụ lớn khi được Thiên Triều xếp cho ngồi vào ghế cao, ra mắt Bắc Triều, cụ nào cũng hạ mình nói những lời làm xấu mặt những người Việt Nam còn liêm xỉ, rồi lại ê a chữ vàng, chữ bạc với những kẻ vừa mới khoanh cái lưỡi bò một nhát là hết sạch Biển Đông của Con Hồng Cháu Lạc.
Ít ngày sau, tôi lại được biết Phạm Thanh Nghiên cùng với cựu chiến binh Vũ Cao Quận và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kí chung một đơn xin Ủy ban nhân dân Hà Nội cho phép tổ chức một cuộc biểu tình ở Hà Nội để lên án các tệ đoan tham nhũng, tăng giá, lạm phát… đang hành hạ người dân. Đáp lại nguyện vọng của 3 chiến sĩ dân chủ Hải Phòng là những gì, mọi người đều đã rõ. Cựu Chiến Binh Vũ Cao Quận được cơ quan an ninh "săn sóc" đặc biệt. Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa không thoát khỏi lao lí sau những nỗ lực kêu gọi mọi người chống tham nhũng bằng những khẩu hiệu, những băng rôn mà ông cùng với những bạn hữu của ông đã từng làm ra. Còn Phạm Thanh Nghiên, điều gì đã đến với một cô gái mảnh mai, yếu ớt trên cây cầu nổi tiếng vắt ngang qua thành phố nơi quê hương cô ? Tôi tin rằng, những biến cố đó chưa mấy ai quên.
Không phải chỉ là tôi, người Việt Nam bình thường nào cũng thấy, điều 69 Hiến Pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là điều khoản rất cần phải xem lại, rất cần phải sửa đổi.
Điều 69 Hiến pháp quy định rành rành :
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".
Vậy mà khi 3 công dân Hải Phòng thực hiên cái quyền đó thì họ đã bị đối xử như những người vi phạm pháp luật !? Ít ngày sau, Phạm Thanh Nghiên lại có một việc làm mà tôi chưa từng thấy có tiền lệ ở bất cứ nơi nào, cháu đã bầy tỏ khát vọng của mình, thái độ sống của mình bằng cách treo khẩu hiệu trong nhà có nội dung : "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam !" và " Phản đối công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng" và cháu Nghiên lặng lẽ tọa kháng bên cạnh như một ni cô tĩnh tâm trước bàn thờ Phật, một nữ tu đang nguyện ngắm trước bàn thờ Chúa. Giở Bộ luật Hình sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra để tra cứu, tôi cũng chả thấy có điều nào nghiêm cấm cách thể hiện ý nguyện theo kiểu ôn hòa và vô hại như thế. Vậy mà ít ngày sau Phạm Thanh Nghiên cũng bị lôi ra khỏi nhà và lọt vòng lao lý như một đối tượng nguy hiểm của xã hội (?!). Tôi nghĩ rằng, khi chính quyền bắt giữ rồi xử tù hàng loạt những người bất đồng chính kiến và khi các nhà lãnh đạo quốc gia công cán ở nước ngoài, họ hùng hồn thuyết phục những con người ở nơi xa lạ đó rằng :
"Ở Việt Nam không có đối lập chính trị, không có bất đồng chính kiến, chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật ! ?".
Có bao giờ các quý vị này chạnh lòng mà nghĩ, những kẻ vi phạm pháp luật đó chỉ đáng tuổi em, tuổi con cháu của mình, lại là những đồng bào được học hành phải nói là đến nơi đến chốn. Trong đó có người có văn bằng có lẽ cao hơn, "Xịn" hơn không ít người trong chúng ta. Cũng chỉ vì quá khát khao được sống như những đồng loại ở các xã hội văn minh mà họ đã phải lọt vòng tù tội và ít nhất với trường hợp của cháu Phạm Thanh Nghiên bị bắt giam vì những lí cớ thật chẳng ra làm sao mà hơn một năm nay không xét xử hay là không xét xử được ? Lẽ nào lương tâm của các quý vị không một chút cắn rứt, không một chút ăn năn !
Tôi rất ngạc nhiên trước câu hỏi : Tại sao người nước ngoài, HRW - Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, lại hiểu được cháu Phạm Thanh Nghiên đầy đủ đến thế, khi quyết định trao cho cháu giải thưởng của tổ chức quốc tế này… Trong khi đó là người cùng huyết thống, cùng ngôn ngữ của ông cha thì lại cố tình không hiểu nhau, cố tình hành hạ nhau, khép tội cho nhau những tội lỗi đâu đâu.
Mai này rồi người ta cũng sẽ lôi Phạm Thanh Nghiên ra trước vành móng ngựa thôi. Tôi không rõ người ta sẽ khép cho cháu Nghiên những tội lỗi gì ? Tội lật đổ chính quyền chăng ! Làm sao một cháu gái 30 tuổi, nặng không hơn 36 kKg lại cận thị nặng… lại có thể là mối đe dọa ghê ghớm cho chính quyền được.
Tội dám làm đơn xin biểu tình chăng ? Tội "thương người như thể thương thân" khi cùng với sinh viên Ngô Quỳnh đi thăm hỏi bà con ngư dân Thanh Hóa bị lính Trung Quốc bắn giết ngoài Biển Đông chăng ?
Tội cháu đã nhận những đồng tiền của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về chia sẻ với cháu lúc hoạn nạn không hề kèm theo bất cứ một điều kiện nào ? Làm sao mà các bậc cha chú có thể xử cháu cái tội đó được, khi chính cụ Đỗ Mười nhận cả triệu USD của tư bản Hàn Quốc hay Đài Loan gì đó để cho họ được thắng thầu ở Việt Nam. Khi có người chất vấn cụ vụ này, cụ lại trợn mắt lên mà mắng : "Đồ trâu buộc ghét trâu ăn, đồ ghen ăn tức ở !".
Về mặt chính danh và lương thiện, những đồng tiền của người đồng bào giúp người đồng bào lúc hoạn nạn… khác xa với mênh mang đất đai, biển, đảo. với bạt ngàn rừng nguyên sinh, bạt ngàn tài nguyên khoáng sản của nhân dân đã chui vào túi, vào trang trại, vào biệt phủ, vào các ngân hàng ngoại quốc, vào giấc mơ Mỹ… của các quan tham đang cai trị xứ xở này theo cung cách của những lực lượng chiếm đóng.
Hay người ta sẽ xử cháu Nghiên ở tội tọa kháng trong nhà mình dưới những khẩu hiệu chỉ nói lên lòng yêu nước và thái độ đầy ý thức trách nhiệm trước vận mệnh nước nhà. Nếu xử cháu Nghiên với tội này thì có xử các chú, các bác ở Trung ương, gần đây cũng bắt đầu người thì còn xa xôi, bóng gió, người thì cũng đã đủ can đảm để nói những điều có gì khác những điều mà cháu Nghiên đã la hét trước Đại sứ quán Trung Quốc và những khẩu hiệu xung quanh cháu, ngày cháu tọa kháng ngay trước cửa ngôi nhà của mình :
"Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam !"
"Phản đối Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng"
Có lẽ kỉ niệm dữ dội nhất, ấn tượng nhất giữa cháu Phạm Thanh Nghiên và tôi là kỉ niệm về lần tôi gặp cháu tại tư gia của nhà bất đồng chính kiến hàng đầu ở Hà Nội, Đại tá công an Lê Hồng Hà, nguyên Ủy viên đảng đoàn Bộ công an, nguyên Chánh văn phòng Bộ công an. Hôm đó trên đường tôi đưa tiễn cháu về, cháu Nghiên kể :
"Khi ở Thanh Hóa ra, một vị có chức sắc đã hỏi cháu : "Ai đã xúi giục cô và Ngô Quỳnh đi Thanh Hóa để thăm bà con ngư dân bị Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông ?". Cháu đã trả lời : "Anh có thể hỏi tôi cái gì cũng được, xin anh đừng bao giờ hỏi tôi câu hỏi đó. Hỏi câu hỏi đó thì… xấu hổ lắm".
Tôi nghĩ : Đây là một câu trả lời thật ghê gớm, thật đáng nể. Câu trả lời đó có thể làm ù tai, làm bạc tóc các bậc Chú – Bác có danh, có giá, dư thừa tiền bạc nhưng quá thiếu liêm sỉ và lòng tự trọng… mà cháu Phạm Thanh Nghiên không hẹn đã phải gặp họ trên cõi đời này.
Khai bút 15/1/2010 / Hoàn thiện lần giữa 9/2017
Nguyễn Thượng Long
Nguyên giáo viên Địa Lí của Giáo dục và đào tạo Hòa Bình & Hà Tây
Nguyên Thanh tra giáo dục kiêm nhiệm Hà Tây
Chỗ ở : Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
Điện thoại : 0433521066 & 01652323836
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.