Hàng chục người chết : thiên tai hay nhân tai ? (RFA, 28/06/2018)
Thiên tai là điều không tránh khỏi và có thể xảy ra ở mọi nơi, không ngoại trừ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Việt Nam cũng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai ; tuy vậy yếu tố con người hay còn gọi là nhân tai còn là nhân tố khiến nguy cơ thêm phần nặng nề.
Nạn phá rừng tràn lan ở Việt Nam. AFP
Hai nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và của trong trận mưa lũ ở miền núi phía Bắc vừa qua được các chuyên gia đánh giá là vì rừng đầu nguồn bị phá và thủy điện xả lũ với vận tốc lớn.
Phá rừng, không từ rừng phòng hộ !
Trận mưa lũ và sạt lở đất xảy ra chỉ trong 2 ngày nhưng khiến 23 người chết và 10 người mất tích, tính đến sáng ngày 28 tháng 6.
Ngoài ra thiệt hại về tài sản lên đến gần 459 tỷ đồng.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến đợt lũ này là do rừng bị phá nghiêm trọng :
Nguyên nhân sâu xa là vấn đề không bảo vệ được rừng cho tốt. Rừng nguyên sinh có nhiều tầng lớp giúp giữ nước trên đỉnh cao của các khu rừng, đỡ xói lỡ và sụt lún. Nguyên nhân này không phải một lúc một chiều có thể giải quyết được. Cũng đang cố nâng tỷ lệ rừng lên nhưng rừng mới trồng làm sao bằng rừng nguyên sinh được.
Nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội. Đây không chỉ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, mà rừng phòng hộ đầu nguồn có chức năng bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn cũng đang bị tàn phá tan hoang để lấy gỗ và khai thác khoáng sản… Năm 2015, chỉ tính riêng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, gần 2.000 vụ phá rừng bị phát hiện, diện tích rừng bị mất hàng nghìn ha.
Vài năm trở lại đây, các địa phương khu vực Tây Bắc đã trồng rừng bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, việc trồng rừng được nói là diễn ra ì ạch, quá thấp so với kế hoạch đề ra.
Trong một hội nghị về phòng chống thiên tai do Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô ngày càng lớn.
Năm ngoái, lũ quét và sạt lở đất đã làm 71 người chết và mất tích, hơn 4.000 ngôi nhà bị sập. Và cho đến hiện nay vẫn còn hơn 13.000 hộ dân đang sinh sống tại những nơi không đủ an toàn, có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho rằng để giảm bớt hậu quả thiên tai ở vùng núi phía Bắc, thì trước hết phải khắc phục những yếu tố nhân tai do con người gây ra :
Cần di dân khỏi những nơi có khả năng xảy ra lũ ống, luc quét. Chủ trương Nhà nước đã làm nhiều, vì thế đã giảm được hậu quả.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phục hồi rừng, giữ rừng cho tốt. Đây là hai biện pháp quan trọng nhất, chứ một khi lũ đã xảy ra rồi thì không ai chống đỡ nổi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở là do phá rừng. Ông Trần Quang Hoài còn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục trả giá vì nhiều rừng và đồi núi đã bị "cạo trọc".
Thủy điện xả lũ
Nguyên nhân chính thứ 2 gây ra trận lụt lịch sử vừa qua được các chuyên gia nhận định là do thủy điện xả lũ. Do lượng nước mưa lớn nên các hồ chứa thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Bản Chát và Tuyên Quang đều phải đồng loạt xả lũ để tránh vỡ đập. Công suất xả lũ luôn ở mức cao nhất cho phép. Thậm chí các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200m3/s đến 1.300 m3/s, tức là cao hơn nhiều mức cho phép. Do đó, mực nước trên sông Lô tại thành phố Hà Giang lên nhanh, gây tình trạng ngập lụt.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật của Câu Lạc Bộ Rừng Gọi, nhà hoạt động môi trường được biết đến với chiến dịch Bảo vệ Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyền thế giới ở tỉnh Đồng Nai, trước sự đe dọa của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nói rằng việc xả lũ thủy điện đã góp phần gây ra trận lũ lịch sử này :
Thủy điện người ta bị vỡ đập nên rất nhiều thủy điện đồng loạt xả lũ ở mức độ cao nhất. Mức cao nhất Nhà nước mình cho phép là 8.000 m3/giây nhưng họ có thể xả cao hơn thế bởi nếu không sẽ bị vỡ đập.
Tình trạng thủy điện xả lũ khiến người dân không kịp trở tay thường xuyên xảy ra trên khắp cả nước, gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng và của cải của dân.
Trước đây thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh đã từng bất ngờ xả lũ với công suất gấp nhiều lần mức tối đa cho phép. Lượng nước xả ra trong một giờ lên đến 7,2 triệu khối nước khiến hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm, dân phải bỏ của chạy lấy người. Các đàn gia súc, gia cầm cũng bị cuốn trôi và hàng ngàn hecta hoa màu của dân chỉ còn là đất trơ trụi. 40 người dân đã thiệt mạng trong trận lũ này.
Một người dân khu vực hay xảy ra thủy điện xả lũ nói với RFA :
Bởi vì thủy điện của mình nó quá nhiều, chứ nước lũ thì nó không đến nỗi như hiện tại. Nếu như trước đây các ổng tính đến chuyện thiệt hại thì chắc là không xây. Vì các ổng nghĩ là có lợi nên mới xây, mà tính sai nước nên đâm ra lợi không bằng hại. Nếu như ở các nước khác thì thủy điện phải đền bù thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở đây (Việt Nam) thì không có chuyện đó đâu, cải cách gì cũng thua mấy ổng thôi. Nếu như các thiết kế thủy điện hợp lý thì bây giờ đâu đến nỗi thiệt hại như đang thấy.
Một gia đình người Hmông đang đi bộ giữa những ngôi nhà bị phá hủy sau trận lũ quét tại Mù Cang Chải, Yên Bái, hôm 4 tháng 8 năm 2017. AFP
Dưới sự quan sát của một nhà hoạt động môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng sự điều hành của cơ quan chức năng còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng thủy điện xả lũ bừa bãi :
Nói tóm lại mình chưa có một vị tổng tư lệnh. Nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ mang tính hình thức, không đủ tâm, đủ tầm để điều tiết việc này. Bởi vì vấn đề thủy điện liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Chẳng hạn làm thủy điện ở vườn quốc gia Cát Tiên thì liên quan đến 6 bộ ngành. Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng phải điều tiết, nhưng họ quá nhiều việc. Cho nên cần có một tổng tư lệnh điều phối được 6 bộ ngành này nhưng Việt Nam chưa có. Mạnh ai nấy làm, cuối cùng dân chết thì không ai chịu trách nhiệm.
Rất nhiều tổ chức độc lập và người dân đã từng lên tiếng phản đối xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam vì các hậu quả về nhân mạng và tài sản có thể gây ra. Tuy nhiên đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gợi ý rằng nếu cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa thì sẽ góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước.
Số liệu năm 2012 cho biết Việt Nam có khoảng 7.500 nhà máy thủy điện và đập chứa nước trên các sông.
Khoảng chục năm trở lại đây Việt Nam tăng cường xây dựng nhà máy thủy điện vì cho rằng mang lại nhiều nguồn lợi về năng lượng. Nhưng lợi chưa nhìn thấy đâu mà chỉ thấy hàng trăm người dân chết do thủy điện gây ra. Trong khi đó, phía nhà máy thủy điện nói rằng họ luôn xả lũ "đúng quy trình".
***************
Việt Nam : Lũ cuốn và tình người trong thiên tai (RFI, 27/06/2018)
Số lượng nạn nhân bị thiệt mạng vì lũ cuốn tại Việt Nam cho đến hôm nay 27/06/2018 đã lên đến 21 người. Chính quyền cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, đất lở còn rất cao tại sáu tỉnh miền núi Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, với dự báo những trận mưa lớn sắp tới. Lai Châu là nơi bị thiệt hại nặng nhất với ít nhất 16 người chết và 9 người bị lũ cuốn mất tích ; Hà Giang có 5 người thiệt mạng.
Một căn nhà của người dân Quản Bạ, Hà Giang bị hư hại vì nước lụt và đất lở. Ảnh chụp ngày 26/06/2018.Đỗ Nam Trung
Trả lời RFI Việt ngữ, anh Đỗ Nam Trung thuộc nhóm No U thiện nguyện cho biết nhóm anh đã lên đến nơi bị nạn thuộc tỉnh Hà Giang rất sớm, sau đó một số đoàn từ thiện cũng đã đến giúp đỡ đồng bào địa phương trong cơn hoạn nạn.
" Nhóm No U thiện nguyện lên đây chỉ có ba anh em thôi. Chiều tối nghe thông tin thì ba anh em lên kế hoạch đi. Tiền bạc không có gì vì tụi em là hội nhóm tự phát, toàn anh em tự ngồi lại với nhau chứ chẳng có nguồn vốn gì cả. Định đi ngay trong đêm nhưng tiền chưa có, đồ cũng không mua được. Đợi đến sáng mới đánh xe đi mua đồ đạc, đến gần trưa thì xuất phát từ Hà Nội đi. Vừa đi vừa kêu gọi, thì bà con mới gởi tiền nong.
Phải mua lương khô, muối i-ốt, bột canh, mì tôm…từ dưới Hà Nội mang lên. Ở trên này đâu có gì để mua. Lúc đó loạn cả lên, cả thành phố Hà Giang đang chìm ngập trong biển nước. Nước hôm đó lên cao, xả lũ, nhiều người không ra được khỏi nhà. Bởi vậy phải mua từ Hà Nội, chứ mang tiền lên trên này đâu mua được gì. Điện mất, internet mất, mình có muốn rút tiền cũng không rút được.
Chiều tối hôm qua em lên đến Hà Giang. Rất may là khi lên đến thành phố Hà Giang thì nước rút nhiều không còn ngập, không bị cô lập nữa, chỉ ngập trên Quản Bạ thôi.
Ban đầu em vào thì bị tắc đường, những tảng đá lớn trên núi và đất lở trùm kín đường không vào được. Đi vòng hai, ba lần vẫn không vào được, phải chờ máy xúc, máy ủi dẹp bớt đất bùn mới vô được. Đoàn em là đoàn đầu tiên vào trong đó, hai xã Cán Tỷ và xã Lùng Tám. Tất nhiên sẽ có sạt lở tiếp nhưng mình tranh thủ đi thật nhanh thôi. Tụi em đi núi nhiều rồi, đi làm thiện nguyện nhiều, biết địa lý, tình hình khu vực nên không sợ lắm.
Lên đến huyện Quản Bạ, có mấy khu vực sạt lở. Hôm qua vẫn bị cách ly, sáng nay cũng không tiếp cận được, ngồi đợi đến trưa, máy xúc, máy ủi gạt đất bùn đi thì anh em mới vào được đúng nơi bà con bị thiệt hại nặng nề nhất.
Nơi đó thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, thôn bị nặng nhất là thôn Tùng Nùn. Chính quyền địa phương cũng nghèo, mình lên trên đó thì họ hỗ trợ về nhân lực cho mình. Thí dụ mình mang đồ đạc, quà cáp lên thì có đội thanh niên tự vệ khoảng mấy chục người ra khuân vác đồ giúp, mở đường cho mình vào. Chính quyền không có tiền, chỉ có thể chỉ đạo về việc đó, rồi hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm.
Trên này lũ ống quét đột ngột, sau đó rút dần, để lại thiệt hại về người và của. Người thì có mấy trường hợp thiệt mạng, còn nhà thì khá nhiều nhà bị mất trắng. Cả cái nhà bị đất đá trên núi sụt xuống đổ ụp vào nhà. Có hai mẹ con một chị không kịp chạy, nhà sập đè cả hai.
Ở chỗ em đang làm có danh sách số hộ bị mất nhà và số người bị thiệt mạng. Hôm nay em có vào thăm những gia đình đó. Có trường hợp vợ mất, con mất rồi, còn lại mỗi người chồng, em có vào ủng hộ tiền bạc, vật dụng cho anh ấy để sinh hoạt. Mất nhà mất cửa, mất cả vợ lẫn con, còn có mỗi mình.
Qua những hình ảnh em đưa lên và livestream, em có nói rõ là ở địa bàn nào, bị thiệt hại như thế nào…thì cũng có những hội nhóm từ thiện lên và vào trong đó được. Hôm nay thì thông đường rồi, ô tô đã vào được tận nơi, quà cáp các thứ đã mang đến được.
Cái mà người dân cần bây giờ là một nếp nhà mới để ở, chứ đâu ở tạm bợ mãi được. Có người phải đi ở nhờ nhà anh chị em, bà con, có người ở tạm tại các trường tiểu học, trung học. Tại vì có còn chỗ nào về đâu ?
Nền nhà bây giờ đất núi sạt xuống, vùi lấp kín cả cái nhà. Bình thường thì nền nhà phẳng, giờ bị phủ lấp nên có độ dốc, bùn đất lấp hết cả lên, nên phải dựng nhà chỗ khác. Trong đống đổ nát đó họ lục tìm những gì còn tận dụng được, nhưng đa phần là mất hết. Ở trên này đa số bà con là người Mông, họ trồng ngô làm mèn mén để ăn, hoặc chăn nuôi gia súc. Bây giờ ngô bị hư hại hết rồi. "
Thụy My
***************
Các cuộc biểu tình quy mô và thế lưỡng nan của Hà Nội trước Trung Quốc (RFI, 27/06/2018)
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc làm rung chuyển Việt Nam cách đây gần hai tuần đã làm nổi bật bài toán khó của Hà Nội khi giao dịch với Trung Quốc – vừa là cừu địch ở Biển Đông, lại vừa là đối tác thương mại và nhà đầu tư chủ chốt.
Người biểu tình ở Hà Nội phản đối dự luật Đặc khu, ngày 10/06/2018. Reuters/Staff
Lịch sử quan hệ Việt-Trung chìm đắm trong một ngàn năm Bắc thuộc, chiến tranh, loạn lạc. Cuộc xâm lược gần đây nhất của Trung Quốc là cuộc chiến tranh biên giới kéo dài hai tháng vào năm 1979.
The Diplomat ghi nhận, các cuộc xuống đường mới đây nhằm phản đối Luật Đặc khu, một dự luật đặt ra các "đặc khu kinh tế" (SEZ) với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, viễn cảnh những giao dịch đáng ngờ, được cho là nhượng đất cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đã gây ra một làn sóng các cuộc biểu tình phản đối.
Những người biểu tình cầm các biểu ngữ trên đó người ta đọc được "Không đặc khu – Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày", "Đả đảo bán nước". Phong trào phản kháng khởi đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rồi nhanh chóng lan ra các thành phố ở sáu tỉnh, có thể kể : Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Tây Ninh.
Ông Phạm Chí Dũng, cựu sĩ quan quân đội nay là chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói với The Diplomat : "Luật Đặc khu bị người dân Việt Nam gọi là luật bán nước. Rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ. Đây là kiểu nhượng địa mà chỉ những quốc gia nghèo, lạc hậu mới vận dụng đến".
Chắc hẳn ông Dũng muốn nói đến hai nước láng giềng nghèo nàn là Lào và Cam Bốt, đã chấp nhận cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất đến 99 năm.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhượng bộ về việc cho thuê ba đặc khu ở vị trí chiến lược 99 năm. Điều khoản này 99% giúp người ngoại quốc sở hữu đất đai, và các nhà đầu tư Trung Quốc hầu như là người hưởng lợi chính. Chính quyền dường như muốn giảm thời hạn cho thuê đất còn 70 năm như 18 đặc khu đã có.
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một blogger đấu tranh ở Hà Nội có 42.500 người theo dõi trên Facebook, không bị thuyết phục trước lời hứa xem xét lại thời hạn cho thuê đất của thủ tướng Phúc. Ông nói : "Chúng tôi có một lịch sử lâu dài với người Trung Quốc, họ luôn muốn xâm lăng đất nước chúng tôi, thế nên rất nguy hiểm khi cho phép họ sử dụng các đặc khu này để kiểm soát đất nước".
Mặt khác, Việt Nam lên án Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, và đòi hỏi chủ quyền trên nhiều đảo ở vùng biển mà Hà Nội luôn khẳng định phải gọi đúng tên này, chứ không phải "Biển Nam Trung Hoa".
Chỉ vài ngày sau đợt biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên, ngày 14/06/2018, ngoại trưởng Việt Nam tố cáo việc Trung Quốc tái bố trí hỏa tiễn trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Hà Nội đòi hỏi chủ quyền. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam gọi việc Bắc Kinh triển khai hỏa tiễn là "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam".
Cho dù tình hình trên biển vẫn căng thẳng, và một lịch sử đầy biến động sâu sắc với nước láng giềng khổng lồ, chính phủ Việt Nam vẫn hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, để đầy mạnh nền kinh tế đang khó khăn.
Nhưng Luật Đặc khu được đưa ra tranh luận tại Quốc Hội bao gồm cả đặc khu Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, mà đối với nhiều người Việt, nằm sát biên giới Trung Quốc một cách đáng ngại. Một đặc khu khác là đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm cạnh vùng duyên hải Cam Bốt đang bị các dự án của Trung Quốc thống trị.
Những nghịch lý cố hữu trong việc giữ thăng bằng giữa đối đầu trên biển và hợp tác kinh tế trên đất liền, giữa việc cao giọng xác quyết chủ quyền lãnh thổ nhưng lại bắt tay với các nhà đầu tư Trung Quốc, đã bị giới trí thức chỉ trích dữ dội, kể cả một vài đại biểu Quốc Hội Việt Nam.
Một trong những tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất là ông Nguyễn Quang Dy, nhà cựu ngoại giao nay là nhà phân tích, giảng viên, đã công bố một bài viết với các lý lẽ chống lại Luật Đặc khu, vài tuần trước khi diễn ra các vụ biểu tình.
Ông viết : "Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn… Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia".
Các bộ trưởng đã cố gắng quảng bá cho đặc khu kinh tế là "Singapore thu nhỏ" - môi trường kinh doanh thân thiện, tập trung công nghệ cao.
Tuy nhiên nhà kinh tế Vũ Quang Việt, từng là cố vấn cho thủ tướng cải cách Võ Văn Kiệt (1992-1995) không chấp nhận lý lẽ này. Ông nhấn mạnh, các đặc khu mới sẽ thúc đẩy "đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu, chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc và casino". Theo ông : "Cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và đầu tư vào giáo dục để tăng năng suất lao động, và một nền kinh tế tri thức, chứ không phải địa ốc và dự án sòng bạc".
"Nhóm lợi ích" là cụm từ thường được dùng để chỉ lớp đại gia mới đầy quyền lực, và những người đầu cơ địa ốc được cho là thông đồng với các nhà đầu tư Trung Quốc. Nông dân nghèo tố cáo giới này cướp đất của họ với sự đồng lõa của quan chức địa phương tham nhũng.
Một vài đại biểu trong Quốc Hội do đảng cộng sản kiểm soát cũng không cảm thấy thuyết phục. Đại biểu Dương Trung Quốc nói trước nghị trường, là "dự luật nếu được thông qua thì chỉ làm lợi cho các nhà đầu cơ địa ốc, chứ không phải các công ty công nghệ cao".
Một trong ba đặc khu là đảo Phú Quốc, gần vùng duyên hải Kep của Cam Bốt, cảng biển chính Shihanoukville và đảo Koh Kong. Nhà phân tích Nguyễn Quang Dy nhìn thấy ở đây mối nguy hiểm cực kỳ cho an ninh quốc gia : "Trung Quốc hết sức quan tâm đến Phú Quốc, coi đây là mục tiêu sắp tới".
Chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer ở Úc cũng coi Phú Quốc là địa điểm chiến lược, chỉ rõ "Koh Kong đang nhanh chóng trở thành lãnh địa của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Phú Quốc dựa trên vị trí là điểm cuối phía nam của Biển Đông tiếp giáp với tuyến đường hàng hải đi qua eo biển Malacca và Singapore".
Việt Nam đứng ở đâu ?
Hầu hết mồi lửa nhen nhóm cho làn sóng phẫn nộ gần đây là từ di sản độc hại của nhiều vụ xì-căng-đan đầu tư Trung Quốc. Trong đó có dự án bô-xít ở Tây nguyên đã gây ra đợt phản kháng trên toàn quốc năm 2009. Vai trò của công ty Trung Quốc và mối đe dọa khổng lồ cho môi trường từ bùn đỏ độc hại đã gây ra phong trào phản đối rộng lớn, từ các nhà ly khai cho đến các đảng viên tên tuổi, thậm chí cả vị tướng huyền thoại đã nghỉ hưu là Võ Nguyên Giáp.
Dù vậy, dự án này vẫn được tiến hành, sau khi cải thiện các biện pháp bảo vệ môi trường và có giám sát của bộ Môi Trường vốn có tiếng nói yếu ớt.
Rõ ràng là chính quyền đã bị rúng động bởi các vụ biểu tình mới đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cố gắng tỏ ra hòa giải, khẳng định với công chúng là "Chúng tôi đã lắng nghe nhiều nhà trí thức, nhân dân, đại biểu Quốc Hội, cán bộ lão thành và Việt kiều".
Tuy nhiên đúng vào tuần lễ mà thủ tướng bắt đầu lắng nghe, internet, một trong những không gian tranh luận chính trị chủ yếu, lại bị đặt dưới những quy định nghiêm ngặt và bị kiểm duyệt bởi Luật An ninh mạng mới được thông qua, bất chấp dư luận lên án.
Trước hàng loạt các xì-căng-đan tham nhũng có liên quan đến đầu tư Trung Quốc, đã có những lời kêu gọi tranh luận và đối thoại nhiều hơn từ trong nội bộ đảng, báo chí do Nhà nước kiểm soát, và trên các mạng xã hội.
Một nhà xã hội học Việt Nam giấu tên mong muốn đối thoại và mở cửa nhiều hơn. "Chính quyền cần chấp nhận quan điểm đa phương, lắng nghe xã hội dân sự và trí thức, như chúng tôi đã từng kêu gọi trong thời kỳ đổi mới của ông Võ Văn Kiệt", thủ tướng cải cách trong thập niên 90.
Tương tự, chuyên gia về Việt Nam, tiến sĩ Benedict Kerkvliet, giáo sư danh dự trường đại học quốc gia Úc bình luận : "Chính quyền cần tỏ rõ là họ tôn trọng quan ngại của công dân về chủ quyền quốc gia, và chân thành về điều này".
Cho đến nay, chính quyền vẫn không chịu thừa nhận là độc lập quốc gia có thể bị nguy hiểm khi Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi bình tĩnh, nhưng ông cũng như các nhà lãnh đạo khác đều tránh nhắc đến Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh tỏ ra tức giận trước các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Cuộc đấu tranh lâu dài cho độc lập
Chiến đấu để giữ vững nền độc lập cho Việt Nam, không bị người láng giềng khổng lồ phương bắc nuốt chửng, chẳng phải là công việc dễ dàng gì. Kerkvliet nhận định : "Trung Quốc là một thách thức vĩ đại, và Hà Nội cần phải phối hợp với các nước láng giềng cũng đang lo ngại trước các hành động của Trung Quốc".
Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, nhưng Việt Nam là tiếng nói lớn nhất đả kích chính sách hung hăng của Bắc Kinh. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có kháng cự lại việc Trung Quốc bóp nghẹt tài nguyên nước của dòng sông Mêkông.
Philippines dưới thời chính quyền cũ đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, và giành được một chiến thắng lịch sử. Nhưng tân tổng thống Rodrigo Duterte chủ yếu tập trung vào đầu tư kinh tế hơn là chủ quyền lãnh thổ, bỏ lại Việt Nam đơn độc.
Tuy Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không ngăn được việc Trung Quốc nhe nanh múa vuốt đe dọa về quân sự, buộc Hà Nội phải ngưng thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong năm nay, một dự án khai thác dầu khí trị giá 200 triệu đô la của tập đoàn Tây Ban Nha Repsol, có tên Cá Rồng Đỏ, đã bị ngưng lại do áp lực của Trung Quốc.
Sự bành trướng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc qua sáng kiến Một vành đai, một con đường có thể vấp phải một số trở ngại tại Việt Nam. Tất cả các cố vấn chính phủ và các chuyên gia mà The Diplomat gặp tại Hà Nội đều bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc, tin rằng chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông và sông Mêkông đều có mục đích làm Việt Nam yếu đi.
Mỗi học sinh Việt Nam đều được dạy rằng đất nước bị các hoàng đế và lãnh chúa Trung Hoa thống trị trong suốt một ngàn năm, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938 sau Công nguyên. Đến thế kỷ 19 thì Pháp lập ra Đông Dương để đô hộ.
Bản sắc Việt Nam với tư cách một quốc gia độc lập đã được khắc họa qua việc đánh bại các kẻ thù mạnh hơn rất nhiều – đế quốc Trung Hoa cũ, thực dân Pháp năm 1954, và Hoa Kỳ năm 1975.
Nhưng chiến thắng khó khăn hơn hết là phải duy trì cho được nền độc lập, trước cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt trận – đặc khu, sông Mêkông và Biển Đông.
Các cuộc biểu tình đậm màu sắc dân tộc của các công dân Việt Nam gần đây rõ ràng trái hẳn với các nhà lãnh đạo Hà Nội đang chia rẽ, thiếu vắng một chiến lược rõ ràng để đối phó với sự thống trị ngày càng tăng trong khu vực của người khổng lồ kinh tế, ngay trước cửa nhà mình.
Thụy My