Hội chứng 17/6 : "Uất nghẹn, giận dữ, cay đắng" (VOA, 29/06/2018)
Ba trong số hàng trăm người bị công an bắt giữ và đánh đập hôm 17/6 vì bị nghi là 'tụ tập làm mất trật tự công cộng' đã lên tiếng tố cáo sự tàn bạo và bất nhân của cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam khi đối xử với họ như "tội phạm" và "con vật".
Người dân biểu tình phản đối các dự luật an ninh mạng và Đặc khu kinh tế. Những người bị công an bắt giữ và đánh đập hôm 17/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh nói họ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và thể chất. (Facebook Lê Thiệu)
Gần hai tuần sau khi sự việc xảy ra, những người này nói với VOA rằng họ vẫn còn "bàng hoàng" trước những "hành xử côn đồ" và "tra tấn dã man" của công an đối với họ. Họ nói vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý cũng như về thể chất.
Đây là lần đầu tiên trong đời họ bị đánh đập như vậy. Một trong số họ bị trầm cảm. Người khác bị ‘sốc’ nặng. Người còn lại vẫn bị ảnh hưởng về sức khỏe và tâm thần.
Người dân cài hoa hồng lên hàng rào kẽm gai trước đó được dùng để quây khu vực "trại giam" của công an ở Công viên Tao Đàn, quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Facebook Lê Thiệu)
"Trại giam Tao Đàn"
Khoảng 200 người – gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ con – đã bị công an và lực lượng an ninh bắt giữ và câu lưu nhiều giờ trong một khu mà họ mô tả là "trại tập trung giữa lòng thành phố" ở Công viên Tao Đàn, quận 1 của Thành phố Hồ Chí Minh. Họ bị công an bắt vì nghi là tụ tập để phản đối dự luật An ninh mạng mới được thông qua và dự luật Đặc khu kinh tế đang gây tranh cãi.
Những người trả lời phỏng vấn VOA nói họ cùng hàng trăm người khác bị cảnh sát dùng bạo lực lục soát đồ đạc cá nhân, lấy điện thoại và yêu cầu họ mở mã khóa để công an kiểm tra xem họ có chụp hình, phát live stream hay đưa bất cứ thông tin gì về cuộc biểu tình lên mạng.
Nguyễn Nam Dương, một người từng là phát thanh viên đài Phát thanh Tây Ninh, nói anh bị khoảng 9-10 nhân viên an ninh dùng vũ lực trói tay và đánh anh ngay trên đường phố ngay sau khi anh bắt đầu truyền live stream về "không gian căng thẳng" của thành phố hôm 17/6. Anh Dương bị giam và tiếp tục bị đánh đập ở khu Công viên Tao Đàn cùng với hàng trăm người khác mà theo anh "đa phần là phụ nữ".
"Lần đầu tiên trong đời tôi bị đánh như vậy. Họ đánh tôi rất là nhiều đến nỗi tôi còn không nhớ tôi bị đánh như thế nào nữa".
Anh Dương nói anh bị sốc khi bị công an đối xử với mình và mọi người "như con vật".
"Trong hoàn cảnh đó dường như là luật pháp, những luân lý và luật lệ không tồn tại trong cái trại tập trung đó trong ngày 17/6".
Hội chứng 17/6
Anh Dương mô tả cảm giác của anh là "uất nghẹn, ngẹn ngào, giận dữ và cay đắng" và anh gọi những cảm xúc tiêu cực mà anh vẫn đang phải chịu đựng là "hội chứng ngày 17/6".
Nguyễn Tín, một người tham gia biểu tình ngày 10/6 cũng bị bắt giữ trong dịp càn quét của công an ngày 17/6. Cư dân của Thành phố Hồ Chí Minh nói anh bị công an triệu tập với lý do kiểm tra hành chính về tạm trú và sau đó bị bắt giam trong 3 đêm từ 16-18/6. Người đang sinh sống bằng việc kinh doanh bán hàng online ở Thành phố Hồ Chí Minh này nói đó là lần đầu tiên anh bị bắt và bị tra tấn như vậy.
"Chắc chắn nó ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tinh thần của mình trong một khoảng thời gian dài. Hiện tại tôi vẫn chưa làm việc lại được do bị đau và nhức cơ thể. Hiện tại tôi tạm dừng công việc để lo cho sức khỏe của mình trước".
Một phụ nữ, cũng là nạn nhân bị bắt giữ và đánh đập trong vụ càn quét ngày 17/6, cho VOA biết rằng chị "mong được nói ra sự thật kinh hoàng về sự cai trị độc ác của nhà nước Việt Nam".
"Sự phẫn uất làm chúng tôi bị trầm cảm cho đến ngày hôm nay", người không muốn nêu danh tính cho VOA biết hôm 28/6.
Cô chỉ là một trong số nhiều phụ nữ khác bị bắt và đánh đập hôm đó.
Một người có tên Đinh Thị Thu Thủy viết trên trang Facebook của cô về những gì xảy ra tại "trại giam Tao Đàn" ngày 17/6 trong một bài viết có tên "Tình người nơi đâu". Cô nói đó "vẫn là ký ức kinh hoàng đối với tôi. Và tôi chắc là với cả 200 người có mặt ở nhà thi đấu oan nghiệt đó".
Nguyễn Ngọc Lụa, một trong những người cũng là nạn nhân của vụ càn quét hôm 17/6 ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh nói trong một video đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng cô bị giam trong 18 tiếng và bị công an đánh đập "có lần sùi cả bọt mép". Cô gọi vụ bắt bớ đó "giống như cuộc bách đạo người Công giáo".
Chùn bước hay dấn thân ?
Mặc dù nhiều người đã lên tiếng về những hành động mà họ gọi là "mất nhân tính" và "không còn tình người" của công an trên Facebook trong những ngày qua, nhưng người phụ nữ không muốn nêu danh tính nói cô và nhiều người "bị giằng xé giữa trách nhiệm nói lên sự thật và sự an toàn cho người thân của mình".
Cô cho biết : "Hiện tại chúng tôi không một ai che chở. Chịu mọi sự rình rập khắp nơi. Bất kỳ lúc nào tai họa cũng có thể đổ lên đầu chúng tôi".
Nhưng Nguyễn Tín cho biết những gì công an đã làm đối với anh và với 200 người ngày 17/6 càng làm cho anh thêm quyết tâm "lên tiếng trước những bất công của nhà cầm quyền". Anh nói anh đã lường trước những khả năng sẽ "bị đánh đập, bị tra tấn, bị bắt hoặc bị đi tù" nhưng sẽ "dấn thân cho đến khi nào không còn thể làm được nữa thì thôi".
"(Nhà cầm quyền) vi phạm nhân quyền trầm trọng và những người như Tín sẽ tiếp tục đấu tranh cho việc đó và xem những việc đó là cần phải mang ra cho quốc tế để họ lên tiếng cho (tình trạng) nhân quyền ở Việt Nam".
Facebooker Nguyễn Ngọc Lụa đã nhắc tới một người phụ nữ dù bị công an đánh nhưng không chịu khuất phục. Theo chị Lụa, "người phụ nữ bị an ninh đánh nhiều, đánh gẫy răng (chỉ vì dám yêu nước, dám thực hiện quyền công dân, không khuất phụ bạo quyền) nhưng chị đã nuốt răng và máu vào trong".
Luật sư Lê Công Định gọi những hành động dùng vũ lực, đánh đập và bắt giữ người biểu tình và tình nghi biểu tình" của công an và lực lượng an ninh ngày 17/6 là "hành động vi phạm luật pháp nghiêm trọng của cơ quan an ninh".
Nói trong một video được đăng tải trên trang Facebook Nhật ký biểu tình, luật sư từng chịu án 5 năm tù giam tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" cho rằng "việc làm của cơ quan an ninh ngày 17/6 cho thấy nhà cầm quyền tự vi phạm luật pháp của chính mình".
Các nhóm nhân quyền và tôn giáo hôm 26/6 đã lên tiếng phản đối gay gắt vụ bắt người và đánh đập của công an hôm 17/6. Các tổ chức này "yêu cầu nhà cầm quyền phải khởi tố điều tra và xét xử những kẻ ra lệnh trực tiếp bắt, tra tấn, đánh đập, hạ nhục người dân vô tội". Họ cũng yêu cầu chính quyền phải xin lỗi những nạn nhân này.
********************
Xuất hiện phong trào Bất tuân Luật An ninh mạng (VOA, 29/06/2018)
Các nhà tranh đấu khởi xướng phong trào bất tuân Luật an ninh mạng, một bộ luật gây tranh cãi trong và ngoài nước, vừa được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành hôm 28/6.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Lê Công Định cho VOA cho biết từ việc người dân phản đối Luật an ninh mạng sẽ tiến tới phong trào bất tuân luật này khi luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2019 sắp tới.
"Rõ ràng là trong bao nhiêu năm qua khi có Internet và mạng xã hội, nhất là sự phát triển của Facebook khiến cho những tiếng nói chống lại chính sách sai lầm về mặt kinh tế, chính trị, xã hội của Đảng Cộng sản buộc họ phải siết chặt thông tin, họ biết kiểm soát toàn bộ việc tiếp cận thông tin của người dân. Nhà nước đã vi phạm chính bản Hiến pháp 2013.
"Luật an ninh mạnh ra đời khiến công dân thấy rằng các quyền hiến định của mình đã bị hạn chế, thậm chí bị tước đoạt. Vừa qua toàn xã hội dấy lên một phong trào phản đối Luật an ninh mạng và khi Luật an ninh mạng sắp có hiệu lực thì chúng ta sẽ có một phong trào bất tuân Luật an ninh mạng".
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người vừa được chính quyền Hà Nội phóng thích và trục xuất sang Đức, cho VOA biết người dân đừng vì bị Luật An ninh mạng đe dọa mà không dám bày tỏ quan điểm của mình.
"Trước sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và sự đòi hỏi của người dân trong nước, chính quyền Việt Nam nói rằng nếu có Luật an ninh mạng thì họ có được công cụ pháp lý trong tay để siết chặt sự kiểm soát của họ. Nhưng theo tôi, có hay không có Luật an ninh mạng thì đối với người cộng sản cũng chẳng quan trọng nhiều vì họ bất chất pháp luật. Khi họ cần đàn áp thì vẫn có thể đàn áp được. Người dân nếu sợ Luật an ninh mạng mà không dám bày tỏ quan điểm thì chỉ có lợi cho chính quyền cộng sản. Họ ra cái luật này chỉ nhằm mục đích đe dọa, khủng bố tinh thần người dân mà thôi".
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói :
"Luật an ninh mạng có một số điều khoản vi phạm công ước quốc tế do dó các tổ chức quốc tế và người dân trong nước phản đối rất mạnh mẽ về các điều khoản vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư của người dân trong khi trao quá nhiều quyền cho công an. Vì Việt Nam đã từng ký vào các công ước quốc tế về quyền con người, tôi với tư cách là một công dân sẽ vẫn thực thi các quyền tự do đó như đã ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam".
Trần Thu Nguyệt, một một nhà hoạt động nữ ở Sài Gòn chia sẻ :
"Họ ngăn chặn như vậy nhưng chúng ta có các nhà hoạt động trẻ hướng về hiện tình đất nước và đang tìm hiểu rõ sự thật. Khi Luật an ninh mạng đưa ra thì các em lại càng thông hiểu tình hình hơn. Các em sẽ bằng một cách nào đó có thể cất tiếng nói trên các trang mạng khác… Các em sẽ lên tiếng nói mạnh mẽ hơn và dám chấp nhận tất cả trong đất nước bị bịt miệng như thế. Nhà cầm quyền có thể đưa ra bất cứ luật gì họ muốn, nhưng các nhà hoạt động trẻ có cách riêng của họ".
Có cùng nhận định với nhà hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức nói :
"Tôi tin rằng chúng ta sẽ có nhiều biện pháp khác nhau, nhiều cách thức đấu tranh khác nhau để vô hiệu hóa Luật an ninh mạng của họ. Tôi sẽ có những bài viết để giúp các bạn hiểu và làm thế nào để vô hiệu hóa luật này và đấu tranh có hiệu quả hơn".