Philippines : Trung Quốc muốn hạn chế các lực lượng nước ngoài tại Biển Đông (RFI, 12/09/2019)
Ngoại trưởng Philippines hôm 11/09/2019 cho biết, Trung Quốc trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) muốn hạn chế sự hiện diện của quân đội nước ngoài, cũng như việc các công ty ngoại quốc tham gia vào các dự án dầu khí tại Biển Đông.
Ảnh hải quân Mỹ chụp Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 21/05/2015 cho thấy các tàu Trung Quốc hoạt động tại đó. Reuters/ Hải quân Mỹ
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khi trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN News tiết lộ, việc thương lượng "có lúc đã hết sức gay gắt", vì Bắc Kinh nhất định đòi "không có cường quốc quân sự nước ngoài nào được hiện diện tại Biển Đông", và "nếu các vị muốn khai thác dầu khí thì chỉ có thể làm việc với chúng tôi".
Cũng theo ông Locsin Jr., tuy nhiên hiện nay Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn hơn, không còn kiên quyết đòi loại bỏ sự hiện diện quân sự của nước ngoài, và theo ông, chủ yếu chỉ nhắm vào "các địch thủ của Trung Quốc và một số đồng minh của Philippines". Ông bày tỏ hy vọng những trở ngại có thể được tháo gỡ trong thời gian tới.
AP cho biết hiện nay cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều chưa đưa ra lời bình luận nào. Bắc Kinh luôn phản đối việc Washington cho chiến hạm tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông.
Trung Quốc bị phê phán là chỉ chịu đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử sau khi hoàn tất việc xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thời hạn mà Tập Cận Bình đưa ra để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử là ba năm cũng được coi là thủ thuật "câu giờ" để quân sự hóa vùng biển này, đặt các quốc gia ven biển trước "việc đã rồi".
Sự lợi hại của các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây lên được thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc sau khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã nhiều lần đến Đá Chữ Thập để tiếp liệu rồi nhanh chóng trở lại bãi Tư Chính để quấy nhiễu.
Đá Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết do Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1988, nay đã trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa, với nhiều cơ sở quân sự và đường băng dài trên 3.100 mét dành cho oanh tạc cơ chiến lược duy nhất trong khu vực.
Thụy My
*****************
Malaysia và Trung Quốc lập cơ chế đối thoại Biển Đông (RFI, 12/09/2019)
Trung Quốc và Malaysia đã đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại song phương về vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa hai bên. Hôm 12/09/2019, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cho biết như trên sau cuộc hội đàm với đồng nhiệm Malaysia hiện đang thăm Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị Wang Yi (P) và đồng nhiệm Malaysia Saifuddin Abdullah, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ngày 12/09/2019 Andrea Verdelli/Pool via Reuters
Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, ông Vương Nghị khẳng định rằng trong năm nay căng thẳng đã lắng dịu ở Biển Đông, và Trung Quốc cùng với các nước ven Biển Đông đã cam kết tiếp tục xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo ngoại trưởng Trung Quốc, chính trong chiều hướng đó mà Bắc Kinh và Kuala Lumpur đã đồng ý thiết lập "một cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải, một cấu trúc mới để đối thoại và hợp tác cho cả hai bên".
Về phần minh, ngoại trưởng Malaysia Abdullah cho biết là cơ chế này sẽ do bộ Ngoại Giao của cả hai nước lãnh đạo. Chi tiết về cơ chế này sẽ được chuyên viên hai bên thảo luận tiếp, nhưng đối với người lãnh đạo ngành ngoại giao Malaysia, quyết định thành lập cơ chế là "một kết quả quan trọng".
Trong những tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã không ngần ngại cho tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia cũng như Việt Nam, nhưng chính quyền Kuala Lumpur đã có giữ im lặng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc đã bơm hàng tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Malaysia.
Trả lời hãng tin Anh Reuters hồi tháng 8/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết là Kuala Lumpur thường xuyên theo dõi các tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Malaysia, nhưng cho đến giờ này Trung Quốc tôn trọng Malaysia và "không làm bất cứ điều gì gây rắc rối".
Theo ghi nhận của Reuters, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, và hai bên cũng có quan hệ văn hóa chặt chẽ.
Vào tháng 7, Trung Quốc và Malaysia đã nối lại việc xây dựng một dự án xe lửa ở phía bắc Malaysia, một phần trong kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, sau khi bị đình chỉ một năm và sau một thỏa thuận hiếm hoi để cắt giảm chi phí gần một phần ba, xuống còn khoảng 11 tỷ đô la.
Trọng Nghĩa
********************
Duterte sẵn sàng "lờ"phán quyết La Haye để khai thác chung với Bắc Kinh ở Biển Đông (RFI, 11/09/2019)
Tổng thống Philippines tiếp tục gây lo ngại với tuyên bố sẵn sàng gạt qua một bên phán quyết của Tòa án quốc tế La Haye, để khai thác dầu khí chung với Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuyên bố được ông Duterte đưa ra hôm qua, 10/09/2019.
Quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 21/04/2017 - Ted ALJIBE / AFP
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hôm nay, 11/09/2019, ngoại trưởng Philippines khẳng định chắc nịch là các hợp đồng khai thác chung với Trung Quốc, nếu có, sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của phán quyết.
Hãng tin Anh Reuters cho hay, trong cuộc họp báo hôm qua tại phủ tổng thống, nguyên thủ Philippines Rodrigo Duterte thuật lại : trong cuộc hội kiến mới đây với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ông Tập đã đề nghị, nếu Philippines "bỏ qua" phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (xử thắng cho Manila trong vụ kiện Bắc Kinh về Biển Đông), thì Trung Quốc chấp nhận tiến hành khai thác chung dầu khí với Philippines tại khu vực Reed Bank (Bãi Cỏ Rong), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trong cuộc trả lời báo giới hôm qua, tổng thống Philippines đã không nói thẳng có chấp nhận đề nghị của chủ tịch Trung Quốc hay không, nhưng để ngỏ ý có thể sẽ gạt qua phần phán quyết của Tòa liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, để tạo thuận lợi cho việc phối hợp khai thác.
Nguyên thủ Philippines cũng nhấn mạnh đến đề xuất của lãnh đạo Trung Quốc, nếu yêu cầu nói trên được chấp thuận, Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư và chấp nhận phương thức ăn chia 40/60, theo đó, Trung Quốc hưởng phần ít.
Ngoại trưởng Philippines : Phán quyết La Haye là không thể khiếu nại
Vẫn theo Reuters, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANC hôm nay, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin khẳng định : sẽ không có hợp đồng nào ký với Trung Quốc được phép vi phạm luật pháp Philippines, và việc gạt sang một bên phán quyết của Tòa án La Haye "không phải là điều quan trọng", bởi về nguyên tắc, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực là "mang tính ràng buộc và không thể khiếu nại".
Trong chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Philippines cuối tháng 8/2019, hai bên đã quyết định lập một ban chỉ đạo liên chính phủ nhằm hướng đến thăm dò và khai thác chung các nguồn tài nguyên dầu khí tại một số nơi ở Biển Đông. Tuy nhiên, hiện tại chưa hề có thông tin nào chính thức về các địa điểm khai thác được công bố. Trong chính giới Philippines, liên tục có những yêu cầu chính phủ đệ trình lên Quốc Hội mọi hợp đồng với ký kết với Trung Quốc, liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, theo các quy định trong Hiến pháp.
Theo giới quan sát, mọi thỏa thuận của Manila với Trung Quốc, cho phép tiến hành các dự án khai thác dầu khí chung ở vùng đặc quyền kinh tế Philippines, nếu vi phạm luật pháp quốc tế về biển, trong đó có phán quyết của Tòa án La Haye, sẽ gây khó khăn nghiêm trọng cho các quốc gia ven bờ Biển Đông khác, trước hết là Việt Nam và Malaysia, hiện đang thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế quốc gia.
Trọng Thành