Hong Kong : biểu tình lan rộng, cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay (VOA, 01/10/2019)
Hôm 01/10, người biểu tình Hong Kong ném bom xăng trong khi cảnh sát đáp trả bằng hơi cay trong các trận đụng độ trên đường phố, gây thách thức trực tiếp đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo Reuters.
Cảnh sát đã dùng vòi rồng và hơi cay để cố giải tán những người biểu tình ném bom xăng bên ngoài các văn phòng chính phủ ở khu vực Admiralty của Hong Kong.
Tại thị trấn New Territories thuộc khu vực Sha Tin, cảnh sát đã bắn hơi cay trực tiếp vào các cửa sổ cao tầng, mặc dù không rõ nguyên nhân vì sao, giữa lúc thành phố do Trung Quốc cai trị rơi vào tình trạng bạo lực lan rộng tệ hại nhất trong gần bốn tháng đầy bất ổn.
Trước đó người biểu tình thề sẽ đẩy mạnh lời kêu gọi dân chủ trên trường quốc tế nhân dịp Lễ Quốc khánh Trung Quốc. Họ chọn ngày lễ 1/10 để thực hiện mục tiêu này trong khi Bắc Kinh vẫn xem ngày Quốc khánh là cơ hội để phô trương tiến bộ kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Trái ngược với các cuộc biểu tình ở Hong Kong, các lễ hội kỷ niệm Quốc khánh ở Bắc Kinh được thiết kế chi tiết, với các đội quân diễn hành qua một phần Quảng trường Thiên An Môn, nơi đặt các tên lửa mới với những xe hoa nhằm nêu bật sức mạnh công nghệ của đất nước.
Trên truyền hình, bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hong Kong, cùng với các quan chức Trung Quốc, tươi cười khi đoàn xe hoa Hong Kong diễn hành tại buổi lễ ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu : "Trên hành trình tiến lên, chúng ta phải đề cao các nguyên tắc thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai hệ thống ; duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài ở Hong Kong và Ma Cao ... và tiếp tục phấn đấu cho sự thống nhất hoàn toàn của đất nước".
Chủ tịch Tập tuyên bố "không có lực lượng nào có thể làm cản trở sự phát triển của Trung Quốc, theo đài CNBC.
Theo một bản dịch chính thức được truyền thông nhà nước phát đi, ông Tập nói : "Không có lực lượng nào có thể làm lung lay nền tảng của quốc gia vĩ đại này. Không có lực lượng nào có thể ngăn chặn bước tiến của người dân Trung Quốc và quốc gia Trung Quốc".
Ông Tập không đề cập cụ thể đến tên bất kỳ quốc gia nào, và ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi sự phát triển hòa bình.
*********************
Lần đầu tiên một người biểu tình đòi dân chủ bị bắn ở Hong Kong (VOA, 01/10/2019)
Một giới chức cảnh sát Hong Kong cho biết một người biểu tình thân dân chủ đã bị bắn khi một viên cảnh sát nổ súng vào đám biểu tình trong các cuộc xung đột vào chiều tối thứ Ba 1/10, giờ địa phương.
Cảnh sát chống bạo động xông vào đám đông tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ tại khu vực Wanchai của Hong Kong, hôm 1/10/ 2019,
Đưa tin này, hãng tin AP nói đây là lần đầu tiên một người biêu tình bị bắn, một sự leo thang căng thẳng trong tình hình bất ổn đã kéo dài nhiều tháng và làm rúng động thành phố Hong Kong.
Lên tiếng với điều kiện danh tính được giữ kín vì ông không được phép phổ biến thông tin, giới chức cảnh sát trong cuộc xác nhận sự cố xảy ra tại khu vực Tsuen Wan, tuy nhiên ông không thể tiết lộ thêm chi tiết nào khác.
Theo AP, video chiếu sự cố này do Liên đoàn Sinh viên Hong Kong quay hình được tung lên truyền thông xã hội, cho thấy hàng chục người biểu tình mặc trang phục màu đen ném những vật thể vào một toán cảnh sát đang rượt đuổi họ. Một viên cảnh sát bị bao vây, rút khẩu súng ngắn ra chĩa vào đám đông. Anh ta bóp cò, và một người biểu tình ngã lăn xuống đường trong khi những người khác chạy thoát.
*******************
01/10 : "Ngày tang tóc" tại Hồng Kông (RFI, 01/10/2019)
Ngày 01/10/2019, những người biểu tình đòi dân chủ xuống đường ở Hồng Kông, đáp lại lời kêu gọi tham gia "ngày tang tóc", đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Người dân Hồng Kông phản đối chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quận Sam Shui Po, Hồng Kông, ngày 01/10/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Sau các vụ đụng độ dữ dội hôm Chủ nhật 29/09, ngay từ sáng sớm, chính quyền Hồng Kông đã huy động một lực lượng an ninh hùng hậu, quyết không để cho người biểu tình phá rối ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, mặc dù nhà chức trách đã ra lệnh cấm biểu tình và đã cảnh báo dân chúng là không được tham gia bất cứ cuộc "tụ tập bất hợp pháp" nào, những người biểu tình đòi dân chủ đã tập hợp tại khu Causeway Bay chiều 01/10. Khu thương mại này đã là nơi thường xuyên xảy ra các vụ xung đột dữ dội giữa cảnh sát chống bạo động và các nhóm biểu tình cực đoan.
Trước nhiều thương xá và cửa hàng đóng kín cửa, những người biểu tình giương khẩu hiệu : "Chúng ta hãy ủng hộ Hồng Kông. Hãy cùng chiến đấu vì tự do". Các cuộc tập hợp ít đông đảo hơn cũng đã diễn ra ở một số khu khác.
Theo hãng tin AFP, một người biểu tình đã bị thương ở ngực do trúng đạn từ một cảnh sát thuộc một đơn vị mà trước đó đã bị những người biểu tình tấn công trong các vụ đụng độ dữ dội giữa những thành phần cực đoan với cảnh sát.
Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, giới trẻ Hồng Kông hiện đang tham khảo rất nhiều một tấm bản đồ tương tác, được cập nhật liên tục, trên các mạng xã hội, chỉ rõ những quán nào ủng hộ biểu tình, quán nào chống.
Đặc phái viên RFI Vincent Souriau tại Hồng Kông gởi về bài phóng sự :
Những chiếc bàn bằng gỗ, ánh đèn rất dịu, trang trí như một công xưởng, đây là một quán bar thời thượng. Quản lý quán này là Mandy. Ông không cảm thấy phiền khi được xếp vào danh sách các quán ủng hộ dân chủ. Ông cũng không che giấu việc ủng hộ phong trào phản kháng. Mandy kể :
Chuyện xảy ra là, trong tháng 7 vừa qua, vào lúc đang có biểu tình, nhiều bạn trẻ bị đàn áp bằng lựu đạn cay và bị kẹt lại không thể về nhà được. Tôi bèn mời họ vào quán bar để ẩn náu, và tôi nghĩ chính vì vậy mà tôi bị xem là ủng hộ phong trào biểu tình.
Nhưng chỉ đích danh quán nào thân Bắc Kinh, quán nào ủng hộ dân chủ có nguy sẽ khiến căng thẳng leo thang hay không ? Phải chăng làm như thế chẳng khác gì khuyến khích bạo động ? Đối với Mandy, thật ra thì hai phe đã vượt quá mức giới hạn này rồi. Ông nói :
Dầu sao thì chúng tôi không có chọn lựa nào. Trong tình hình hiện nay, nếu anh tự xem mình là "trung lập", nếu anh không để lộ ý kiến, thì có nghĩa là anh cũng đang lấy lập trường. Anh chỉ che giấu lập trường để tránh phiền phức. Đừng nên lảng tránh chính trị, vì chính trị sẽ tìm đến anh. Thôi thì cứ công khai ra đi, như vậy không còn nhập nhằng nữa.
Mandy nói tiếp : Chuyện này chưa xảy ra, nhưng nếu tôi bị phe thân Bắc Kinh tấn công, bạn bè tôi sẽ bảo vệ tôi. Nhờ các ứng dụng điện thoại di động, thậm chí nhờ những người qua đường, chỉ trong 5 phút, sẽ có nhiều người đến ứng cứu tôi.
Thanh Phương
********************
Tập Cận Bình tái cam kết ‘trung thực’ đối với vấn đề Hong Kong (VOA, 30/09/2019)
Hôm 30/09, Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tái cam kết việc cho phép Hong Kong tự chủ các vấn đề của họ giữa lúc các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục ở lãnh thổ bán tự trị này, theo AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ hôm 30/09/2019.
Ông Tập phát biểu tại một sự kiện trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc hôm 30/09 :
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và trung thực các nguyên tắc Một quốc gia, hai hệ thống (và) người Hong Kong quản lý Hong Kong".
Cách tiếp cận của Trung Quốc là để đảm bảo Hong Kong và khu vực bán tự trị Macao "được thịnh vượng và tiến bộ cùng với đại lục và nắm lấy một tương lai thậm chí còn tươi sáng hơn", ông Tập nói.
AFP loan tin rằng đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dịp này đã phát các chương trình ca ngợi lòng yêu nước trong suốt ngày 30/09 và hiển thị hình ảnh ca ngợi công dân, bao gồm các dân tộc thiểu số trong trang phục truyền thống vẫy quốc kỳ Trung Quốc.
Ông Tập cũng bày tỏ lòng kính trọng trước linh cữu của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông ở Quảng trường Thiên An Môn, theo AFP.
Vào 1/10, ông Tập dự kiến sẽ chủ trì lễ Quốc khánh mang tính biểu tượng với cuộc diễn hành khí tài quân sự của Trung Quốc, có thể bao gồm cả tên lửa Dongfeng 41 có khả năng phóng hạt nhân tới Hoa Kỳ trong 30 phút. Dự kiến sự kiện này huy động đến 15.000 binh sĩ, hơn 160 máy bay và 580 thiết bị quân sự.
**********************
Giới ngoại giao : ‘Trung Quốc âm thầm tăng gấp đôi binh sĩ ở Hong Kong’ (VOA, 30/09/2019)
Hiện có tới 12.000 binh sĩ Trung Quốc có mặt ở Hong Kong, Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết hôm 30/09. Trong số này có các thành viên của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự, vốn báo cáo lên Quân ủy Trung ương với sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Binh sĩ Trung Quốc ở Tam Mei, Hong Kong, ngày 28/09/2019.
Vào tháng trước, Bắc Kinh đã đưa hàng ngàn binh sĩ qua biên giới vào thành phố Hong Kong bằng các phương tiện như xe tải, xe bọc thép, xe buýt và cả bằng tàu thủy, vẫn theo Reuters.
Tân Hoa Xã mô tả rằng đây là hoạt động "thường lệ" của lực lượng cấp thấp mà Trung Quốc đã cho đồn trú ở Hong Kong kể từ khi Anh chuyển giao thành phố này cho Bắc Kinh vào năm 1997. Tân Hoa Xã không đề cập đến các cuộc biểu tình chống chính phủ đang làm rúng động Hong Kong từ tháng 6 cho đến nay.
Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây tại Hong Kong trong tháng qua nói với Reuters rằng họ chắc chắn việc triển khai binh sĩ vào cuối tháng 8 vừa qua không phải là một sự luân chuyển thường lệ, mà là một sự củng cố lực lượng. Tất cả 7 nhà ngoại giao cho Reuters cho biết rằng họ chưa thấy bất kỳ lực lượng đáng kể nào ở Hong Kong đã quay trở về đại lục trong những ngày trước hoặc sau khi Tân Hoa Xã loan báo.
Ba trong số các đặc phái viên cho Reuters biết rằng đội ngũ nhân viên quân sự Trung Quốc tại Hong Kong đã tăng gấp đôi về quy mô kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Họ ước tính số lượng nhân viên quân sự hiện nay là từ 10.000 đến 12.000 người, tăng từ 3.000 đến 5.000 người so với trước.
Do đó, các đặc phái viên tin rằng Trung Quốc hiện đang tập hợp lực lượng quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở Hong Kong, bao gồm lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và lực lượng chống bạo động khác.
Đáng chú ý, năm trong số các nhà ngoại giao cho biết, việc tăng cường lực lượng này bao gồm các thành phần của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP), một lực lượng chống bạo động bán quân sự của đại lục và lực lượng an ninh đối nội dưới sự chỉ huy riêng của PLA.
Trong khi Reuters không thể xác định quy mô của đội ngũ PAP, các phái viên cho biết phần lớn binh sĩ ở Hong Kong là thuộc PLA.
Đầu tháng 9, một phát ngôn viên của Văn phòng Trung Quốc phụ trách các vấn đề Hong Kong và Ma Cao cho biết, Trung Quốc sẽ "không ngồi yên" nếu tình hình trong thành phố tiếp tục xấu đi và gây ra mối đe dọa cho "chủ quyền của đất nước".
Một số nhà phân tích nước ngoài cho rằng sự hiện diện quân sự được củng cố của Trung Quốc lớn hơn dự kiến và dường như đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Họ nói rằng quy mô của lực lượng này cho thấy nó đã vượt xa vai trò mang biểu tượng truyền thống của quân đồn trú địa phương ở Hong Kong.
*******************
Hồng Kông : Học sinh trung học bãi khóa trước ngày Quốc khánh Trung Quốc (RFI, 30/09/2019)
Trước cuộc biểu tình dự kiến có đông người tham gia vào ngày mai, nhân 70 năm ra đời nước Trung Hoa cộng sản, hôm nay 30/09/2019, học sinh trung học Hồng Kông bãi khóa, tuần hành rầm rộ, tố cáo bạo lực cảnh sát và đòi hỏi dân chủ cho đặc khu. Biểu tình, tuần hành là chuyện đã gần như diễn ra hàng ngày tại Hồng Kông kể từ gần 4 tháng nay, nhưng căng thẳng đặc biệt dâng cao trước ngày Quốc khánh Trung Quốc 01/10.
Biểu tình chống chính quyền ở Causeway Bay, Hồng Kông, Trung Quốc ngày 29/09/2019. Reuters/Tyrone Siu
Phóng sự của thông tín viên Vincent Souriau tại Hồng Kông :
"Tại trường học, mọi người thổi sáo. Còn trên đường phố tất cả hát vang ca khúc biểu tượng của phong trào ‘‘Vinh quang cho Hồng Kông’’. Chống lại nền độc tài tàn bạo, đó là khẩu hiệu của giới học sinh trung học. Tất cả xuống đường trong đồng phục, như cô Suki, 18 tuổi.
Suki bày tỏ : ‘‘Có hai điều. Trước hết là tự do và dân chủ, bởi chúng tôi sinh ra được hưởng tự do, nhưng người ta đã tước đoạt của chúng tôi. Chúng tôi phải chiến đấu, chúng tôi phải kháng cự, vì chính tương lai của chúng tôi. Còn điều thứ hai là cảnh sát. Bạo lực và sự độc đoán không thể mang lại điều gì. Họ đã lạm dụng quyền lực, và đã có rất nhiều nạn nhân, trong hàng ngũ những người biểu tình, và kể cả những người dân thường, những người không dính dáng gì đến phong trào. Tôi không thể chấp nhận như vậy’’.
Vị trí của các học sinh trung học có phải là ở trên đường phố như thế này ? Có nên bỏ học, tuần hành dưới hơi cay như vậy không ? Nếu bạn đặt ra những câu hỏi này thì điều đó chứng tỏ bạn đã quá già nua. Anh Keith, 18 tuổi, trả lời : ‘‘Hiện nay, tự do và dân chủ là hai giá trị nền tảng của toàn thế giới. Tôi tin rằng, nếu như thế hệ đi trước không muốn đứng lên để bảo vệ các giá trị ấy, để bảo vệ nguyên tắc ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’, thì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chỉ còn giới trẻ để cứu lấy tương lai của đất nước’’.
Bất chấp các nguy cơ, đa số họ muốn tuần hành vào ngày mai, mùng một tháng Mười, Quốc khánh Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, để tố cáo việc chính quyền Bắc Kinh thao túng vùng lãnh thổ Hồng Kông".
Bắc Kinh tăng gấp đôi số nhân viên an ninh
Theo AFP, hôm nay, trước ngày Quốc khánh, dự kiến sẽ căng thẳng tại Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tôn trọng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ". Ông Tập cam kết Bắc Kinh sẽ "tiếp tục thực thi toàn diện và thành thật (…) quyền tự trị của vùng lãnh thổ Hồng Kông", tuân thủ Hiến pháp (Trung Quốc) và Luật cơ bản Hồng Kông (tức Hiến pháp đặc khu). Tuy nhiên, phát biểu của chủ tịch Trung Quốc hoàn toàn không gây ngạc nhiên và không hề là một sự nhân nhượng. Đây đơn giản chỉ là một lời nhắc lại những gì mà chính quyền Bắc Kinh liên tục khẳng định từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một số chuyên gia về an ninh cho hay, chính quyền Trung Quốc đã kín đáo tăng gấp đôi số lượng các nhân viên an ninh, bố trí tại Hồng Kông. Các nhà quan sát châu Á và phương Tây nhấn mạnh đến việc Trung Quốc nhân cuộc luân chuyển các đơn vị quân đội đồn trú tại Hồng Kông, diễn ra hồi tháng trước, để tăng thêm lực lượng và phương tiện. Khoảng từ 10 nghìn đến 12 nghìn nhân viên an ninh Trung Quốc hiện có mặt tại Hồng Kông, so với từ 3 đến 5 nghìn trước đây.
Cảnh sát Hồng Kông cảnh báo tình hình sẽ "rất, rất nguy hiểm" vào ngày mai tại Hồng Kông, nơi những người biểu tình đòi dân chủ dự kiến sẽ xuống đường đông đảo.
Trọng Thành
****************
Hồng Kông : Xuống đường chống độc tài, xung đột cảnh sát-biểu tình (RFI, 29/09/2019)
Thêm một ngày xung đột tại Hồng Kông giữa người biểu tình đòi dân chủ và cảnh sát dã chiến. Đụng độ xảy ra tại khu thương mại Đồng La Loan (Causeway Bay). Cảnh sát sử dụng lựu đạn cay phá vòng vây và bắt một số người biểi tình tham gia "ngày chống chủ nghĩa độc tài" 29/09/2019.
Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông ra tay tại khu vực Admiralty ngày 29/09/2019.Reuters
Phong trào phản kháng tại Hồng Kông gia tăng áp lực vào hai ngày cuối tuần trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc chuẩn bị đại lễ đánh dấu 70 năm đảng cộng sản nắm quyền.
Cũng như cuộc tuần hành "kỷ niệm 5 năm cách mạng Dù Vàng" hôm 28/09/2019, cuộc "xuống đường chống các chủ nghĩa độc tài" ngày Chủ Nhật 28/09/2019 bắt đầu trong ôn hòa rồi kết thúc trong bạo lực. Theo AFP, cảnh sát sử dụng lựu đạn cay sau khi bị những người biểu tình nổi giận bao vây và mắng chửi ở khu thương mại sang trọng Đồng La Loan.
Hôm 28/09, tại công viên Tamar, hàng chục ngàn dân Hồng Kông tập họp cùng nhau "tổng kết" thành quả cuộc nổi dậy năm 2014 còn gọi là "cách mạng Dù Vàng" kéo dài 80 ngày.
Từ Hồng Kông, đặc phái viên Vincent Souriau gửi về bài phóng sự :
"Chúng tôi đang ở công viên Tamar, cách trụ sở chính quyền đặc khu 100 mét. Tất cả mọi người ngồi trên bãi cỏ, thảo luận, lắng nghe các diễn giả chuyền tay nhau máy vi âm.
Chủ đề cuộc thảo luận là tổng kết thành quả chiến dịch Dù Vàng mà theo nhận định của Micky, một công nhân 25 tuổi, thì chỉ mới đạt được "nửa vời". Cuộc nổi dậy không đưa đến kết quả chính trị nhưng đánh thức được phần nào công luận Hồng Kông.
Một người khác nhìn nhận là chưa giành được điều mong mỏi qua cuộc Cách mạng Dù. Tuy nhiên, không thể nói là thất bại bởi vì biến cố 2014 đã làm thay đổi Hồng Kông. Người dân tỉnh thức, thấy rõ đâu là những giá trị cần được bảo vệ. Về phương pháp đấu tranh cũng thế : từ cuộc bãi khóa của sinh viên, học sinh bước qua phong trào chiếm đóng thành phố. Ngày nay, chúng tôi tiếp tục lấy chiến dịch Dù Vàng làm cảm hứng.
Tại công viên Tamar, tất cả mọi người đều đồng ý. Phong trào Dù Vàng năm 2014 là bước đầu tiên, là cú thử trắc nghiệm, không thành công nhưng là chất xúc tác cho hành động của cả thế hệ sau.
Một thanh niên giải thích : Cách mạng Dù là một tiền lệ giúp chúng tôi thấy rõ có thể làm một điều gì hữu ích hơn là ngồi nhà mà than thở hết ngày này sang tháng nọ. Người sinh viên tham gia xuống đường hôm nay là những học sinh trung học năm 2014. Tia lửa là những chiếc dù mở đường và chỉ có vậy thôi mà đã làm một bước tiến thật to lớn.
Cuộc thảo luận lẽ ra kéo dài hai tiếng đồng hồ nhưng phải kết thúc sớm sau khi có nhiều vụ xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình cách công viên vài con đường".
Tú Anh
*******************
Dân Đài Loan xuống đường ủng hộ Hồng Kông (RFI, 29/09/2019)
Trong khi người dân Hồng Kông khởi động loạt biểu tình đòi dân chủ cho đến ngày quốc khánh Trung Quốc, hàng ngàn người ở Đài Bắc và Sydney (Úc) đã xuống đường ngày 29/09/2019 để ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông.
Uy tín của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tăng cao với hong trào đòi dân chủ Hồng Kông. Reuters/Tyrone Siu
Theo AFP, người dân hai thành phố lớn hưởng ứng chiến dịch "ngày chống chủ nghĩa độc tài"với khẩu hiệu "Cứu Hồng Kông, Chống Độc tài". Tại Sydney, nhóm thân Bắc Kinh không dám đến gần vì e ngại xảy ra đụng độ như hồi tháng 8.
Theo thông tín viên RFI Angélique Forget tại Thượng Hải, những sự kiện đang diễn ra ở đặc khu hành chính khiến người dân Đài Loan lo ngại cho số phận của hòn đảo.
"‘Cùng nhau ủng hộ Hồng Kông, cùng nhau chống chế độ chuyên chế’, đây là khẩu hiệu mà các nhà tổ chức đặt cho cuộc tuần hành diễn ra ở Đài Bắc.
Từ khi phong trào phản kháng nổ ra ở Hồng Kông, đây không phải là lần đầu tiên người dân Đài Loan tuần hành vì họ cũng sợ ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thực trạng của hai vùng đất lại rất khác nhau : trên nguyên tắc, Hồng Kông được hưởng một quyền tự trị nào đó, nhưng thuộc về Trung Quốc ; còn Đài Loan, thực tế là một hòn đảo độc lập nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Vào đầu năm 2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã đe dọa dùng vũ lực chiếm lại hòn đảo và áp dụng quy chế 'một quốc gia hai chế độ' tương tự như trường hợp Hồng Kông.
Tình trạng khủng hoảng hiện nay ở cựu thuộc địa Anh khiến người dân Đài Loan lo ngại, đồng thời tạo đà cho những người ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Uy tín của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người không khoan nhượng trước Trung Quốc, cũng được tăng lên trong các cuộc thăm dò, trong khi chỉ vài tháng trước đây, bà bị cho là sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông rõ ràng đã gây được thiện cảm ở Đài Loan".
Thu Hằng
**************************
Hồng Kông : Khởi động loạt biểu tình cho đến ngày quốc khánh Trung Quốc (RFI, 28/09/2019)
Tối 27/09/2019, những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông lại xuống đường, khởi động một loạt các cuộc biểu tình kéo dài cho đến ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, 01/10/2019.
Áp phích kỷ niệm 5 năm phong trào Dù Vàng, quận Wan Chai, Hồng Kông, ngày 28/09/2019. Reuters/Jorge Silva
Hàng ngàn người đã tập hợp tại một quảng trường để nghe lời kể của những nhà hoạt động từng bị cảnh sát bắt giữ. Những người này tố cáo là họ không được gặp luật sư và bác sĩ trong thời gian bị nhốt tại một trại giam nằm sát biên giới Trung Quốc.
Ngày 28/09, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng nhằm kỷ niệm 5 năm phong trào "Dù Vàng", một phong trào đã khiến đặc khu hành chính này bị tê liệt trong nhiều tuần lễ.
Những người tổ chức dự trù bốn ngày biểu tình, và chắc chắn sẽ nổ ra các vụ đụng độ, vì cảnh sát Hồng Kông đã ra lệnh cấm xuống đường đúng vào ngày quốc khánh Trung Quốc, viện lý do về an ninh.
Trong khi đó, ngày 28/09, nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) thông báo sẽ ra ứng cử hội đồng địa phương trong cuộc bầu cử năm 2020. Theo lời anh Hoàng Chi Phong, cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 là cuộc bầu cử trực tiếp duy nhất ở Hồng Kông và đây sẽ là dịp để gây áp lực lên chính quyền đặc khu cũng như lên chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để chứng tỏ dân Hồng Kông quyết tâm đấu tranh đòi được quyền bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu, có nghĩa là bầu cử tự do.
Trưởng đặc khu Hồng Kông "xin" chủ tịch Tập rút dự luật dẫn độ
Theo tin của nhật báo South China Morning Post hôm 28/09, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thật ra đã xin được chủ tịch Tập Cận Bình chấp thuận cho bà rút lại dự luật dẫn độ. Tiết lộ được đưa ra 3 tuần sau khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định chính bà đã quyết định rút lại dự luật này để có thể khởi động đối thoại với người dân Hồng Kông và đưa đặc khu này ra khỏi bế tắc chính trị. Trưởng đặc khu còn nói là Bắc Kinh đã rất hiểu và tôn trọng quyết định này của bà.
Thanh Phương
********************
Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông đối thoại với dân (RFI, 27/09/2019)
Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tối 26/09/2019 đã có cuộc đối thoại với 150 người dân được bốc thăm, trong tổng số 20.000 người đăng ký tham gia.
Lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc đối thoại với dân đầu tiên ngày 26/09/2019. Reuters/Tyrone Siu
Đây là lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng nổ ra tại Hồng Kông, cách nay 4 tháng, chính quyền Thành phố tổ chức đối thoại với dân để tìm lối thoát.
Trong vòng hơn hai giờ đồng hồ, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga giải đáp các câu hỏi của người dân. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định : "Trách nhiệm lớn nhất (về cuộc khủng hoảng) thuộc về tôi. Tôi sẽ không che giấu, lảng tránh điều đó".
Trong cuộc đối thoại, lãnh đạo đặc khu cũng phải đối mặt với nỗi tức giận, những lời chỉ trích nặng nề của người dân. Một người tham gia đối thoại phát biểu : "Bà nói muốn nghe dân chúng nói, nhưng chúng tôi có ý kiến từ suốt ba tháng nay rồi đấy chứ". Một số người khác kêu gọi tổ chức phổ thông bầu phiếu để bầu lãnh đạo đặc khu.
Nhiều người yêu cầu phải có một ủy ban điều tra độc lập về hành động bạo lực của cảnh sát. Một phụ nữ phát biểu : "Tất cả mọi người đã mất lòng tin vào cảnh sát".
Bên ngoài khu vực diễn ra cuộc đối thoại, hàng ngàn người đấu tranh vì dân chủ tập trung, hô vang các khẩu hiệu, dưới sự canh gác của cảnh sát chống bạo động. Hàng ngàn học sinh phổ thông nắm tay nhau nối thành một hàng rào trên một con phố lân cận. Một sinh viên 17 tuổi thì lấy làm tiếc, nói với hãng tin Pháp AFP : "Cuộc đối thoại này được tổ chức quá muộn !".
Thùy Dương