Hồng Kông : Những người biểu tình đầu tiên bị ra tòa về tội đeo mặt nạ (RFI, 07/10/2019)
Một số người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị bắt trong những vụ xuống đường mới đây chống lệnh cấm đeo mặt nạ đã phải ra tòa vào hôm nay, 07/10/2019.
Dân Hồng Kông lại xuống đường sau khi chính quyền thông báo lệnh cấm những người biểu tình đeo mặt nạ. Ảnh chụp ngày 05/10/2019Philip FONG / AFP
Trong ba ngày qua, nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại Hồng Kông nhằm phản đối chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga viện dẫn một đạo luật có từ thời thuộc Anh năm 1922 để ra lệnh cấm che mặt khi biểu tình.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đã có hai người đầu tiên - một nam sinh viên và một phụ nữ 38 tuổi - bị một tòa án ở Hồng Kông truy tố về tội đeo mặt nạ, có thể bị đến 1 năm tù, bên cạnh tội danh tụ tập bất hợp pháp, có mức án tối đa ba năm tù. Cả hai đều được tại ngoại.
Bên ngoài tòa án, nhiều người biểu tình đã xếp hàng để chờ vào nghe xử, một số hô to các khẩu hiệu "Đeo mặt nạ không phải là một tội", "Luật cấm che mặt là luật bất công". Nhiều người cho rằng cấm đeo mặt nạ chỉ là bước mở đầu cho một loạt lệnh "độc tài" khác sắp tới, mà sắp tới đây là thiết quân luật.
Sau khi trưởng đặc khu Hồng Kông loan báo lệnh cấm đeo mặt nạ, một nghị sĩ ủng hộ phong trào phản kháng đã nộp đơn kiện lên Tòa Án Tối Cao Hồng Kông.
Tuy nhiên, theo đặc phái viên RFI Vincent Souriau tại Hồng Kông, đơn kiện này đã bị bác vào hôm qua, 06/10/2019.
"Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã thua keo đầu. Khi kiện lệnh cấm đeo mặt nạ theo thủ tục khẩn cấp, họ muốn ngăn chận việc áp dụng lệnh này trước khi văn bản được xem xét về mặt nội dung. Thế nhưng họ đã thất bại.
Theo một luật sư xin giấu tên đã theo dõi phiên tòa thì bên nguyên đơn cho rằng luật cấm mặt nạ hoàn toàn không cân xứng vì lẽ cảnh sát đã có quyền chận bắt bất kỳ ai khả nghi trên đường phố để yêu cầu người này trình giấy tờ. Nếu luật đã cho cảnh sát quyền này thì cần gì đến một luật mới.
Bên nguyên đơn còn lập luận rằng cũng có những người đeo mặt nạ tại các cuộc tụ tập vì họ sợ bị chủ nhân của họ nhận ra, sợ bị những cá nhân ủng hộ phe đối diện biết mặt, hoặc vì đủ mọi lý do khác. Vấn đề là lệnh cấm che mặt là một hành động hạn chế bừa bãi quyền tự do ngôn luận cơ bản.
Dẫu sao thì tiến trình kiện tụng chưa kết thúc, vì lẽ ngoài lệnh cấm đeo mặt nạ, tư pháp Hồng Kông còn phải xem xét việc liệu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quyền áp dụng các biện pháp đàn áp dựa trên một văn bản rất cũ từ năm 1922 hay không.
Theo vị luật sư xin giấu tên thì bên nguyên đơn đã cho rằng sắc lệnh của lãnh đạo Hồng Kông "vi hiến" vì không phù hợp với cả Hiến Pháp lẫn các luật lệ hiện hành ở Hồng Kông. Hơn nữa, sắc lệnh về các biện pháp khẩn cấp còn cho phép trưởng đặc khu thông qua bất cứ điều gì nếu cho rằng tình hình đã trở nên khẩn cấp hoặc là trật tự công cộng bị xáo trộn. Điều đó có nghĩa là lấn vào quyền hạn của nghị viện, một điều không bình thường.
Có một dấu hiệu cho thấy Tòa Án Tối Cao Hồng Kông rất nhạy cảm với những lập luận này : Tòa sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết về nội dung của vụ việc, chậm nhất là vào cuối tháng 10".
Lính Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông cảnh cáo người biểu tình
Cũng vào hôm qua, 06/10, lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông đã có động thái cảnh cáo người biểu tình, dọa rằng họ có thể bị bắt giữ khi sử dụng đèn laser soi lên tường doanh trại của lực lượng này.
Theo hãng Reuters, một người lính Trung Quốc đã đứng trên nóc tòa nhà và giơ cao một lá cờ bên trên có viết bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa hàng chữ lớn : "Cảnh cáo. Bạn đang vi phạm pháp luật. Bạn có thể bị truy tố".
Phản ứng trên đây được đưa ra khi có hàng trăm người biểu tình chiếu đèn laser lên tường doanh trại quân đội Trung Quốc. Ngoài việc trương cờ cảnh cáo, lính Trung Quốc còn chiếu đèn xuống người biểu tình, đồng thời dùng ống nhòm và máy quay video để theo dõi.
Trọng Nghĩa
******************
Liên Hiệp Quốc kêu gọi điều tra bạo lực liên quan đến biểu tình ở Hong Kong (VOA, 06/10/2019)
Trưởng đặc trách nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày thứ Bảy kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kong Kong, nói rằng những thương tích là đáng báo động.
Cảnh sát truy đuổi hai người biểu tình đeo khẩu trang ở khu Trung Hoàn của Hong Kong, một ngày sau khi lãnh đạo của thành phố ban hành lệnh cấm đeo khẩu trang để ứng phó với các cuộc biểu tình ngày càng bạo lực, ngày 5/10/2019.
Hai người biểu tình thiếu niên đã bị bắn trong khi một nhà báo bị mù mắt vĩnh viễn trong tuần qua trong vụ bạo lực tồi tệ nhất sau bốn tháng bất ổn ở thành phố do Trung Quốc cai trị.
"Chúng tôi lo ngại về mức độ bạo lực cao liên quan đến một số cuộc biểu tình... và cũng báo động về mức độ thương tích đối với cảnh sát và người biểu tình, bao gồm các nhà báo và người biểu tình bị bắn bởi các nhân viên thực thi pháp luật", Trưởng Cao ủy Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet nói trong một cuộc họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Hong Kong nên ngay lập tức thực hiện một "cuộc điều tra hữu hiệu, nhanh chóng, độc lập và vô tư" về các hành vi bạo lực bao gồm các vụ nổ súng, bà Bachelet nói. Bà nói thêm rằng những người có trách nhiệm phải đối mặt với trình tự pháp lí.
"Tôi mạnh mẽ lên án tất cả các hành vi bạo lực từ mọi phía và tôi kêu gọi tất cả những người phản ứng với các cuộc biểu tình và những người tham gia biểu tình hành động một cách ôn hòa và bất bạo động", bà nói.
Chính quyền Kong Kong đã áp đặt lệnh cấm đeo khẩu trang vào ngày thứ Bảy, một ngày sau khi đặc khu trưởng Carrie Lam viện dẫn quyền lực khẩn cấp từ thời thuộc địa trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn bạo lực.
Đáp lại lệnh cấm, bà Bachelet nói khẩu trang không nên được sử dụng để kích động bạo lực nhưng cảnh báo Kong Kong không sử dụng lệnh cấm này để nhắm mục tiêu vào các nhóm cụ thể hoặc hạn chế quyền tự do tụ tập.
"Mọi người nên được hưởng quyền tự do tụ tập ôn hòa không bị hạn chế ở mức độ lớn nhất có thể, nhưng mặt khác, chúng tôi không thể chấp nhận những người sử dụng khẩu trang để kích động bạo lực", bà nói.
*******************
Lãnh đạo Hồng Kông nói ‘bạo lực cực đoan’ khiến bà viện dẫn luật khẩn cấp (VOA, 06/10/2019)
Lãnh đạo Kong Kong Carrie Lam ngày thứ Bảy nói rằng "bạo lực cực đoan" tại trung tâm tài chính này của Châu Á là lí do cho quyết định của bà lần đầu tiên viện dẫn quyền lực khẩn cấp trong nửa thế kỉ, sau một đêm biểu tình bạo lực.
Người biểu tình chống chính phủ châm lửa đốt một trong những cổng vào trạm tàu điện ngầm tại Causeway Bay, sau khi lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam loan báo luật khẩn cấp cấm đeo khẩu trang tại các cuộc biểu tình, ngày 4/10/2019.
Giao thông công cộng ở cựu thuộc địa của Anh bị tê liệt khi hệ thống tàu điện ngầm Kong Kong vẫn đóng cửa vào ngày thứ Bảy, sau vụ hỗn loạn hôm thứ Sáu mà trong đó cảnh sát bắn một thiếu niên và những người biểu tình ủng hộ dân chủ phóng hỏa các cơ sở kinh doanh và trạm tàu điện ngầm, theo Reuters.
"Hành vi cực đoan của những kẻ bạo loạn đã khiến Kong Kong trải qua một đêm rất đen tối, khiến xã hội hôm nay bị tê liệt một nửa", bà Lam nói, trong những phát biểu đầu tiên của bà kể từ lệnh cấm đeo khẩu trang được ban hành ngày thứ Sáu trên cơ sở các điều khoản của luật về tình trạng khẩn cấp.
"Bạo lực cực đoan cho thấy rõ ràng rằng sự an toàn công cộng của Kong Kong đang bị đe dọa rộng khắp", bà nói trong một thông báo thu sẵn phát trên truyền.
"Đó là lí do cụ thể mà chúng tôi phải viện dẫn luật khẩn cấp ngày hôm qua để đưa ra luật chống đeo khẩu trang".
Người biểu tình sử dụng khẩu trang để che giấu thân phận của họ trong các cuộc biểu tình ngày càng bạo động đã làm rối loạn thành phố này trong bốn tháng.
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ sự chống đối một dự luật được giới thiệu vào tháng 4 mà lẽ ra sẽ cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục, nhưng từ đó đã chuyển hóa thành một phong trào ủng hộ dân chủ rộng lớn hơn.
Sau vụ bạo lực hôm thứ Sáu, công ty khai thác đường sắt MTR Corp đã thực hiện bước đi chưa từng có là đóng cửa toàn bộ mạng lưới vốn chuyên chở khoảng 5 triệu hành khách mỗi ngày, trong khi các trung tâm mua sắm và siêu thị cũng đóng cửa.
Các cuộc biểu tình tiếp theo được lên kế hoạch khắp Kong Kong cho đến thứ Hai, là ngày nghỉ lễ, nhưng không rõ ngay lập tức việc đình chỉ hệ thống tàu điện ngầm sẽ ảnh hưởng đến các cuộc biểu tình như thế nào.
********************
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc "quan ngại" về bạo lực tại Hồng Kông (RFI, 06/10/2019)
Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 05/10/2019, bày tỏ "quan ngại" về tình trạng bạo lực gia tăng trong những ngày gần đây tại Hồng Kông và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Đa số trạm xe điện ngầm tại Hồng Kông vẫn đóng cửa. Hàng nghìn người Hồng Kông hôm nay tiếp tục xuống đường, với mặt nạ, bất chấp lệnh cấm người biểu tình che mặt của chính quyền.
Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình che mặt. Ảnh chụp ngày 06/10/2019. Reuters/Jorge Silva
Lãnh đạo Phủ Cao ủy Nhân quyền, Michelle Bachelet, "lên án mọi hành động bạo lực, bất kể nguồn gốc". Bà Bachelet đặc biệt lo ngại về mức độ bạo lực tăng cao, và tình trạng nhiều cảnh sát, người biểu tình và phóng viên tác nghiệp bị thương trong những ngày gần đây. Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc nhắc lại là mọi biện pháp trấn áp bạo động cần phải được thực thi theo pháp luật và quyền tự do tập hợp ôn hòa phải được triệt để tôn trọng, đồng thời chỉ trích nhiều người sử dụng mặt nạ để có các hành động bạo lực.
Phát biểu của lãnh đạo Phủ Cao ủy Nhân quyền được đưa ra sau đêm bạo động chưa từng thấy tại Hồng Kông, bất chấp chính quyền ban hành một loạt các biện pháp khẩn cấp, trong đó có quy định không được che mặt, dựa trên một đạo luật từ thời thuộc địa (năm 1922), lần đầu tiên được áp dụng từ 52 năm nay.
Về phía Bắc Kinh, hôm qua, Văn phòng đại diện Hoa lục tại Hồng Kông ra thông cáo ủng hộ sắc lệnh chống che mặt của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và cảnh báo : phong trào phản kháng đòi dân chủ tại Hồng Kông đang chuyển thành một cuộc "Cách mạng Màu", cụm từ mà chính quyền thường dùng để chỉ các phong trào tranh đấu lật đổ chế độ độc tài tại nhiều quốc gia Liên Xô cũ.
Điều đáng lo là chính quyền sẽ lấn tới
Công ty quản lý xe điện ngầm Hồng Kông thông báo 45 trạm metro được mở lại hôm nay, trong lúc 48 trạm, chủ yếu tại các khu phố du lịch ở trung tâm thành phố, tiếp tục đóng cửa. Hôm nay, tại Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông, các nghị sĩ dân chủ bảo vệ một khiếu nại chống lại quyết định cấm mang mặt nạ của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Một cuộc biểu tình mới dự kiến sẽ diễn ra chiều nay.
Phóng sự của thông tín viên Vincent Souriau, có mặt tại tuần hành sáng nay ở Hồng Kông :
"Tất cả đều che mặt, bất chấp nguy cơ bị bắt. Phe dân chủ lên án thái độ giả dối của chính quyền, cứng rắn với những người biểu tình, nhưng lại khoan dung với bạo lực cảnh sát. Một phụ nữ bày tỏ : ‘Thật là bất công. Phía cảnh sát thì được phép che giấu căn cước của họ, số hiệu của họ, gương mặt của họ, còn chúng tôi buộc phải để hở mặt, trong khi không thể trách cứ chúng tôi về điều gì, chúng tôi ở đây chỉ cốt để tiếng nói của mình được lắng nghe’.
Sắc lệnh chống che mặt là một chuyện, nhưng điều đáng lo là những gì xảy ra tiếp theo : Nguy cơ chính quyền đàn áp mạnh hơn trong những tuần tới. Một người đàn ông khác cho biết : ‘Tôi cho rằng đây chỉ là bước đầu tiên. Tiếp theo đó họ sẽ hủy bỏ các cuộc bầu cử địa phương, dự kiến diễn ra tháng 11 này. Theo tôi, giai đoạn tiếp theo sẽ là cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông năm tới, bởi họ biết họ sẽ bị thua".
Những người biểu tình bảo đảm là họ sẽ tiếp tục cuộc chiến này. Không có lựa chọn nào khác, họ nói, chúng tôi phải bảo vệ các quyền tự do căn bản của mình".
Trọng Thành
*********************
Hồng Kông : Mạng xe điện ngầm bị tê liệt, sau đêm phản kháng dữ dội (RFI, 05/10/2019)
Hồng Kông hoàn toàn không lắng dịu trở lại, như lãnh đạo đặc khu hứa hẹn. Lệnh cấm đeo mặt nạ đã châm ngòi thuốc súng cho bạo động bùng phát trong đêm thứ Sáu, mùng 4 qua ngày thứ Bảy, mùng 5 tháng 10/2019, ngay sau khi chính quyền đặc khu ban bố hàng loạt biện pháp khẩn cấp. Toàn bộ hệ thống xe điện ngầm hôm nay, 05/10, hoàn toàn tê liệt. Nhiều trung tâm thương mại, ngân hàng cũng đóng cửa.
Cảnh biểu tình phản đối chính quyền ở Hồng Kông, ngày 05/10/2019. Reuters/Jorge Silva
Sáng hôm nay, lãnh đạo Hồng Kông thừa nhận : "Bạo lực cực kỳ nghiêm trọng tại tất cả các khu phố của Hồng Kông", "tất cả mọi người đều rất lo ngại, thậm chí hoảng sợ" sau biến cố vừa qua. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên án "những phần tử gây bạo động, mang mặt nạ".
Theo AFP, biểu tình bùng phát, chỉ vài giờ sau khi chính quyền ban bố sắc lệnh tăng cường trấn áp biểu tình, đặc biệt với lệnh cấm mang mặt nạ. Nhiều đụng độ nổ ra trong đêm giữa người biểu tình và cảnh sát. Nhiều người biểu tình giận giữ đập phá tại trung tâm thành phố, phóng hỏa nhiều trạm xe điện ngầm và một số trung tâm thương mại. Trạm xe điện ngầm tại khu phố Tseung Kwan O, vốn được coi là nơi bình an, cũng bị một số người phản kháng cực đoan phá phách.
Tại một địa điểm gần Hoa lục, một thiếu niên 14 tuổi bị trúng đạn cảnh sát vào chân. Tại quận Yuen Long, cảnh sát đã nổ súng khi xe bị đám đông bao vây.
Sắc lệnh chống mang mặt nạ bị phản kháng dữ dội nói trên dựa vào một công cụ pháp lý có từ gần một thế kỷ trước, rất gây tranh cãi. Việc sử dụng công cụ pháp lý này, tuy giúp chính quyền không phải đưa vấn đề ra trước Nghị Viện, nhưng gây lo ngại sâu sắc trong xã hội dân sự Hồng Kông, trước nguy cơ chính quyền toàn quyền sử dụng bạo lực để trấn áp phong trào đòi dân chủ.
Đặc phái viên Vincent Souriau từ Hồng Kông cho biết cụ thể :
Vickie Lui là một luật sư, chuyên về luật hình sự. Bà tham gia vào một nhóm các luật gia cấp tiến, gần gũi với giới tranh đấu vì dân chủ. Nữ luật sư nói đến tình trạng sai lạc với Hiến pháp : "Đối với tôi, điều này là hoàn toàn vô ích và đi ngược lại với các nguyên tắc pháp lý. Luật pháp của chúng ta, giống như trong mọi xã hội dân chủ, đều phải là có ích, cần thiết và ở mức độ tương xứng. Trong khi đó, văn bản vừa được ban hành này lại chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm và đặc biệt là nó không giúp gì trong hoàn cảnh của Hồng Kông hiện nay".
Chính quyền Hồng Kông lợi dụng một đạo luật có từ năm 1922 về tình trạng khẩn cấp, để ra quyết định này. Theo luật sư Vickie Lui, văn bản rất mơ hồ này để ngỏ cánh cửa cho việc đàn áp ngày càng nặng nề nhắm vào phong trào phản kháng.
Bà nói : "Cách nói 'vì lợi ích của Hồng Kông', được sử dụng trong văn bản này, cho phép người ta giải thích tùy tiện. Chính quyền có thể nói là điều này cho phép họ ngăn chặn việc truy cập một số địa chỉ Internet, cấm một số ứng dụng trên điện thoại di động, như các dịch vụ nhắn tin trên mạng, được sử dụng rất nhiều kể từ đầu phong trào đến nay. Hay áp đặt lệnh thiết quân luật. Và còn nhiều biện pháp khác".
Hiện tại, đã có hai khiếu nại chống lại các biện pháp khẩn cấp của chính quyền. Xã hội dân sự cho rằng các biện pháp này đi ngược lại "Luật cơ bản", được coi là Hiến pháp của Hồng Kông. Phía tòa án đang thụ lý hồ sơ này.
Quà tặng 128 triệu đô la cho các doanh nghiệp bị thiệt hại
Theo AFP, tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), 91 tuổi, hôm qua, thông báo sẽ tặng các doanh nghiệp vừa và nhỏ số tiền nói trên, để chia sẻ phần nào các thiệt hại sau hơn bốn tháng biểu tình với quy mô chưa từng có, và diễn ra gần như hàng ngày. Lượng hàng hóa bán lẻ tại Hồng Kông liên tục sụt giảm trong những tháng qua (23% so với cùng kỳ năm ngoái hồi tháng 8, và 11,5% hồi tháng 7).
Ông Lý Gia Thành nằm trong số nhóm nhỏ các đại gia rất có thế lực tại Hồng Kông. Hồi tháng trước đại gia họ Lý bị một cơ quan chính quyền Trung Quốc lên án là "dung túng cho tội phạm", sau khi kêu gọi chấm dứt khủng hoảng chính trị.
Một số bình luận khác của ông Lý cũng được giải thích theo hướng có lợi cho phong trào đòi dân chủ. Lập trường của ông Lý Gia Thành khác biệt hẳn với nhiều đại gia khác, công khai ủng hộ chính quyền thân Bắc Kinh. Sau khi nhận được phản hồi nói trên từ chính quyền Trung Quốc, ông Lý Gia Thành đã lên tiếng nhấn mạnh quan điểm chống lại mọi hành động đi ngược lại luật pháp Hồng Kông.
Trọng Thành