Đài Loan : Trung Quốc là "cường quyền" ở Thái Bình Dương (RFI, 07/10/2019)
Tại Đài Bắc, ngày 07/10/2019, trong cuộc hội thảo về hợp tác giữa các nước Thái Bình Dương, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp lên án Trung Quốc tiến hành một chính sách "bành trướng theo kiểu cường quyền", thiết lập căn cứ quân sự tại hai quốc đảo Salomon và Kiribati, sau khi quân sự hóa Biển Đông.
Khu phố Ngoại giao tại Đài Bắc, nơi đặt sứ quán của hơn mười quốc gia công nhận Đài Loan. Ảnh chụp ngày 23/08/2019. Reuters/Tyrone Siu
"Đài Loan được tin Trung Hoa lục địa muốn lập một đài ra-đa tại Kirabati và xây một quân cảng tại Salomon". "Chiến lược lâu dài của Bắc Kinh là nhằm biến Nam Thái Bình Dương thành ao nhà thứ hai của Trung Quốc sau Biển Đông".
Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp tại cuộc hội thảo về hợp tác giữa các nước Thái Bình Dương có sự tham dự của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Sandra Oudkirk, đại diện của các nước Úc, New Zealand và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Với nhận định này, ngoại trưởng Đài Loan kêu gọi Hoa Kỳ và các nước Nam Thái Bình Dương phải có phản ứng đừng để quá muộn. Cụ thể là phải mạnh mẽ chống lại các biện pháp của Bắc Kinh làm "giảm sự hiện diện của Đài Loan" trong vùng Thái Bình Dương.
Với hai quốc đảo Salomon và Kirabati vừa bỏ Đài Bắc để bang giao với Bắc Kinh, Đài Loan chỉ còn quan hệ với bốn đảo trong vùng là Palau, Marshall, Tuvalu và Nauru.
Theo Reuters, sự kiện trợ lý ngoại trưởng Mỹ Sandra Oudkirk tham dự hội thảo được xem là một nỗ lực của Washington gia tăng hỗ trợ Đài Loan. Tuy có quan hệ ngoại giao và thương mại quan trọng với Hoa lục và tuyên bố tôn trọng "nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất", Hoa Kỳ vẫn trợ giúp chính phủ Đài Loan về quân sự và đầu tư buôn bán.
Tú Anh
******************
Đài Loan : Trung Quốc thực thi ‘chủ nghĩa bành trướng độc đoán’ ở Thái Bình Dương (VOA, 07/10/2019)
Hôm 07/10, Đài Loan nói rằng Trung Quốc đang thực thi "chủ nghĩa bành trướng độc đoán" ở Thái Bình Dương, dẫn ra các tin tức về kế hoạch hiện diện quân sự của Trung Quốc tại hai quốc gia Thái Bình Dương mà gần đây đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc nhưng lại tuyên bố thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh, theo Reuters.
Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu
Reuters trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói tại một diễn đàn về hợp tác giữa các nước ở Thái Bình Dương: "Chúng tôi đã xem các tin tức cho rằng Trung Quốc quan tâm đến việc mở lại trạm radar ở Kiribati và xây dựng một căn cứ hải quân ở tỉnh Western thuộc Quần đảo Solomon."
"Từ quan điểm chiến lược dài hạn, những người bạn và đối tác cùng chí hướng nên thực sự lo lắng rằng liệu Thái Bình Dương có còn tự do và rộng mở hay không, và liệu các tác nhân chính có tuân theo trật tự dựa trên luật pháp quốc tế hay không," ông Wu nói thêm.
Vào tháng trước, Quần đảo Solomon và Kiribati đã quyết định công nhận Trung Quốc, và từ bỏ mối quan hệ với hòn đảo tự trị và dân chủ Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của mình và cho rằng Đài Loan không có quyền thiết lập quan hệ cấp nhà nước với nước ngoài.
Điều đó đã làm giảm số lượng các đồng minh ngoại giao của Đài Loan ở Thái Bình Dương xuống chỉ còn bốn nước: Palau, Quần đảo Marshall, Tuvalu và Nauru. Đài Loan hiện có quan hệ ngoại giao chính thức với 15 quốc gia.
Ông Wu kêu gọi các nước bao gồm Hoa Kỳ hãy chống lại các động thái của Trung Quốc hòng làm giảm bớt sự hiện diện của Đài Loan tại Thái Bình Dương.
"Tôi chắc chắn không muốn chứng kiến Thái Bình Dương biến thành một Biển Đông khác, [và] một ngày kia chúng ta sẽ thở dài than rằng đã quá muộn để làm bất cứ điều gì," ông Wu nói khi đề cập đến các động thái của Trung Quốc nhằm xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo và các rạn san hô trong vùng lãnh hải đang có tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi ngay trước yêu cầu bình luận của Reuters về phát biểu Đài Loan.
*******************
Biển Đông : Tàu Trung Quốc thăm dò ngày càng sát bờ biển Việt Nam (RFI, 06/10/2019)
Thông tin từ giới chuyên gia theo dõi tình hình lưu hành trên mạng Internet cho thấy là từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, tàu Trung Quốc đã mở hai mặt trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vị trí bãi Tư Chính - Nguồn : Google Map.
Ngày 03/10/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam tố cáo Trung Quốc cho tàu mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.
Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, một mặt, Bắc Kinh cho tàu thăm dò ngày càng áp sát bờ biển miền Trung Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc tung tàu hải cảnh đẩy mạnh các hoạt động phá hoại công việc của giàn khoan Hakuryu tại lô 6.1 gần Bãi Tư Chính.
Trên mạng Twitter, tài khoản Pham Thang Nam công bố một loạt hình ảnh sơ đồ vị trí chiếc tàu Trung Quốc dựa theo tín hiệu nhận dạng AIS, cho thấy rõ hành trình của tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 từ lúc chiếc tàu này trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam lần thứ tư hôm 28/09. Bản đồ công bố sáng ngày 06/10/2019 cho thấy chiếc tàu Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam không đầy 100 hải lý.
Ảnh chụp màn hình tin nhắn từ tài khoản Twitter Pham thang Nam về hành trình dọc bờ biển miền Trung Việt Nam của tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8. Copie écran Twitter
Tàu khảo sát Trung Quốc lần này không đi xuống phía bãi Tư Chính, mà đi ngược lên phía bắc, di chuyển lên xuống theo chiều dọc trong dải biển nằm giữa vĩ độ ngang với Phan Thiết ở phía dưới, và gần ngang với Quảng Ngãi ở phía trên.
Điều đáng nói là chiếc tàu này ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, và theo ghi nhận mới nhất vào 5 giờ sáng nay 06/10, giờ Việt Nam, vị trí con tàu có lúc chỉ cách đảo Hòn Lớn ở tỉnh Khánh Hòa hay mũi Đại Lãnh tỉnh Phú Yên khoảng 90 hải lý.
Các dữ liệu do tài khoản này tiết lộ trùng hợp với cảnh báo hôm 30 tháng 9 vừa qua của giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, cũng đã công bố một bản đồ xác định sự kiện là từ ngày rời Đá Chữ Thập ở Trường Sa hôm 27/09, tàu khảo sát HD 8 của Trung Quốc đã đi ngược lên phía bắc để thăm dò một khu vực dọc theo bờ biển Việt Nam từ Phan Thiết lên đến gần Quảng Ngãi.
Song song với việc cho tàu khảo sát lên hoạt động trong vùng biển Việt Nam ngoài khơi miền Nam Trung Bộ, Bắc Kinh tiếp tục cho tàu hải cảnh sách nhiễu hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 tại khu vực Lô 6.1.
Tài khoản IndoPacific_SCS_Info hôm 03/06 báo động là trong 24 tiếng đồng hồ trước đó, hai tàu hải cảnh Trung Quốc là 37111 và 31302 đã có những thao tác gây nguy hiểm, cắt đường đi của chiếc tàu hậu cần Crest Argus 5 phục vụ cho giàn khoan Hakuryu 5.
Theo nguồn tin này, thì đó là một hành vi « leo thang nghiêm trọng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường ».
Ngày hôm qua, 05/10, tài khoản này cho biết là một số nguồn tin tiết lộ rằng có đến 28 tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc hoạt động hỗ trợ cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và sách nhiễu giàn khoan của Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Bình luận về các thông tin nói trên, ông Shekhar Sinha, một phó đô đốc Hải Quân Ấn Độ đã hồi hưu, hiện là chuyên gia phân tích, trong một tin nhắn Twitter vào hôm qua đã cho rằng diễn biến tại Bãi Tư Chính đã « trở nên nguy hiểm cho hòa bình thế giới », và đã đến lúc Liên Hiệp Quốc phải quan tâm, và nhóm P4, tức là 4 thành viên thường trực còn lại (Nga, Anh, Pháp, Mỹ) của Hội Đồng Bảo An có trách nhiệm nêu lên vấn đề.
Trọng Nghĩa