Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/11/2019

China Cables tố cáo Bắc Kinh tẩy não người Uighur

BBC tiếng Việt - RFI tiếng Việt

Lộ tài liệu Trung Quốc ‘tẩy não’ dân Tân Cương trong trại cải tạo (BBC, 26/11/2019)

Các tài liệu bị rò rỉ lần đầu tiên cho thấy chi tiết về việc tẩy não có hệ thống của Trung Quốc với hàng trăm ngàn người Hồi giáo trong một mạng lưới các trại tù an ninh cao.

cables1

Những trại cải tạo như thế này giống như nhà tù quân đội hơn là một trung tâm giáo dục, đào tạo nghề, theo các tài liệu bị rò rỉ

Chính phủ Trung Quốc nói các trại ở vùng Tân Cương là các trung tâm giáo dục và đào tạo tự nguyện.

Nhưng các tài liệu chính thức mà BBC Panorama có được cho thấy các tù nhân đã bị giam giữ, bị ép phải học thuộc lòng các thông tin truyền bá và bị trừng phạt.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã bác bỏ và nói các tài liệu này là tin giả.

Vụ rò rỉ được công bố bởi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), tổ chức này đã làm việc với 17 đối tác truyền thông, bao gồm BBC Panorama và tờ The Guardian ở Anh.

Cuộc điều tra đã tìm thấy bằng chứng mới trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh rằng các trại giam, được xây dựng trên khắp Tân Cương trong ba năm qua, là dành cho cải tạo tự nguyện để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết : "Anh có những lo ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở Tân Cương và cuộc đàn áp leo thang của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là việc giam giữ tư pháp ngoài một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác".

"Vương quốc Anh tiếp tục kêu gọi Trung Quốc cho phép các nhà quan sát của Liên Hợp Quốc truy cập ngay lập tức và không bị cản trở vào khu vực".

Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh cho biết các biện pháp của họ đã bảo vệ người dân địa phương và không có một cuộc tấn công khủng bố nào ở Tân Cương trong ba năm qua.

"Khu vực hiện có sự ổn định xã hội và sự thống nhất giữa các nhóm dân tộc. Người dân đang sống một cuộc sống hạnh phúc với ý thức về bổn phận và cũng như an ninh tốt hơn nhiều.

"Hoàn toàn phản đối với việc một số người ở phương Tây đã lên án gay gắt và bôi nhọ Trung Quốc về Tân Cương trong nỗ lực can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, phá vỡ các nỗ lực chống khủng bố của Trung Quốc tại Tân Cương và ngăn chặn sự phát triển ổn định của Trung Quốc".

Khoảng một triệu người - chủ yếu đến từ cộng đồng người Hồi giáo Uighur - được cho là đã bị giam giữ mà không qua xét xử.

Các tài liệu bị rò rỉ của Trung Quốc, mà ICIJ gọi là "The China Cables", bao gồm một tài liệu dài 9 trang do Chu Hải Luân, khi đó là phó bí thư của Đảng Cộng sản Tân Cương và quan chức an ninh hàng đầu của khu vực, gửi tới những người điều hành trại.

Các hướng dẫn nêu rõ rằng các trại cần được điều hành như các nhà tù an ninh cao, với kỷ luật nghiêm khắc, có hình phạt và không cho ai trốn thoát.

Một số yêu cầu trong tài liệu :

"Không bao giờ có trốn trại"

"Thắt chặt kỷ luật và xử phạt các hành vi vi phạm"

"Thúc đẩy sự ăn năn, xưng tội"

"Học tiếng Quan Thoại là ưu tiên hàng đầu"

"Khuyến khích học viên thực sự biến đổi"

"[Đảm bảo] camera giám sát mọi ngóc ngách của ký túc xá và lớp học, không có điểm mù"

Các tài liệu tiết lộ cách mọi khía cạnh của cuộc sống của những người bị giam giữ, bị theo dõi và kiểm soát : "Học viên nên có một vị trí giường cố định, vị trí xếp hàng cố định, chỗ ngồi trong lớp học cố định và trạm làm việc cố định, và nghiêm cấm thay đổi.

"Áp dụng quy tắc hành vi và kỷ luật trong việc thức dậy, điểm danh, vệ sinh, dọn phòng, ăn, học, ngủ, đóng cửa…".

Các tài liệu khác xác nhận quy mô khổng lồ của khu giam giữ. Một người tiết lộ rằng hồi 2017, có 15.000 người từ miền nam Tân Cương đã bị gửi đến các trại chỉ trong một tuần.

Sophie Richardson, người phụ trách Trung Quốc của Tổ chức theo dõi Nhân quyền, cho biết tài liệu bị rò rỉ nên được các công tố viên xem xét.

Bà nói : "Đây là một bằng chứng có thể sử dụng, ghi lại hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tôi nghĩ có thể nói là những người bị giam giữ ít nhất là đang bị tra tấn tâm lý, bởi vì họ thực sự không biết họ sẽ ở đó bao lâu".

Tài liệu chỉ rõ rằng những người bị giam giữ chỉ có thể được thả khi họ có thể cho thấy mình đã thay đổi hành vi, niềm tin và khả năng ngôn ngữ của họ.

Trong tài liệu có đoạn "Đề cao sự ăn năn và thú tội của các học viên để họ hiểu sâu sắc bản chất bất hợp pháp và nguy hiểm của hành vi trong quá khứ của họ".

"Đối với những người vẫn còn hiểu biết mơ hồ, thái độ tiêu cực hoặc thậm chí có tâm lý kháng cự... tiếp tục thực hiện giáo dục chuyển đổi cho tới đạt được kết quả".

Ben Emmerson QC, luật sư nhân quyền và là cố vấn cho Hội đồng Uighur Toàn cầu, cho biết các trại này đang cố gắng thay đổi danh tính của học viên.

"Rất khó để coi đó là điều gì khác ngoài 'sự tẩy não' hàng loạt được thiết kế và nhắm đến cả một cộng đồng dân tộc.

"Đó là một sự biến đổi hoàn toàn được thiết kế đặc biệt để quét sạch người Hồi giáo Uighur tại Tân Cương khỏi bề mặt Trái đất".

cables2

Các chuyên gia cảnh báo về "tra tấn tâm lý" đằng sau những hàng rào này

Chuyện gì xảy ra ở Tân Cương ?

Trung Quốc nói rằng người dân ở Tân Cương đang theo học ở "các trung tâm đào tạo nghề" nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhưng các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc nói rằng Trung Quốc đang giam giữ một triệu người Uighur và những người Hồi giáo khác trong các trại giam.

Ngày càng có nhiều đơn tố cáo từ Hoa Kỳ và các nước khác về hành động của Trung Quốc tại Tân Cương.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cáo buộc rằng Trung Quốc "yêu cầu công dân tôn thờ chính phủ, chứ không phải Thiên Chúa" trong một cuộc họp báo ở Vatican.

Và vào tháng 7, hơn 20 quốc gia tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã ký một bức thư chung chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với người Uighur và những người Hồi giáo khác.

cables3

Em bé Uighur ở Urimqi, Tân Cương

Người Uighur là ai ?

Người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) là tộc người Turk theo đạo Hồi. Họ chiếm khoảng 45% dân số của khu vực Tân Cương; 40% còn lại là người Hán.

Trung Quốc tái lập quyền kiểm soát vào năm 1949 sau khi đánh bại nhà nước Đông Turkestan tồn tại trong thời gian ngắn.

Kể từ đó, đã có sự di cư quy mô lớn của người Hán mà người Uighur lo sợ đang làm xói mòn nét văn hóa của họ.

Tân Cương chính thức được chỉ định là khu vực tự trị ở Trung Quốc, giống như Tây Tạng ở phía Nam.

*****************

"China Cables" : Lời chứng của một người Duy Ngô Nhĩ sau 11 tháng tù (RFI, 25/11/2019)

Trong hồ sơ "China Cables" trên Le Monde hôm nay 25/11/2019, có thuật lại câu chuyện của bà Tursunay Ziavdun, một người Duy Ngô Nhĩ khoảng 40 tuổi, đã trải qua 11 tháng trong một "trung tâm giáo dục và đào tạo" của Trung Quốc ở Kunas, tiếng Hoa là Tân Nguyên (Xinyuan), phía tây Tân Cương.

cables4

Bên ngoài một cơ sở mang danh là "trường dạy nghề" nhưng thực chất là trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ tại Đạt Phản Thành (Dabancheng), Tân Cương. Ảnh chụp ngày 04/09/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo

Tursunay nằm trong số các tù nhân được trả tự do nhờ có thân nhân ở nước ngoài, trong trường hợp của bà là ở Kazakhstan, nơi người chồng (quốc tịch Trung Quốc nhưng thuộc thiểu số Kazakhstan) sinh sống. Những lời kể của bà từ Almaty, được Le Monde ghi lại trong hai cuộn video dài, cho thấy chính sách tống giam đại trà người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đi kèm với sự tùy tiện, đe dọa, dối trá.

Năm 2016, bà Tursunay cùng với người chồng đã định cư nhiều năm tại Kazakhstan quyết định trở về Trung Quốc, vì bà chưa được nhập tịch Kazakhstan và visa hết hạn. Hai vợ chồng không có chút nghi ngờ gì, tuy nhiên Tursunay có chút ngạc nhiên khi gia đình ở Trung Quốc "dường như không được vui khi tôi quay về".

Cả hai người đã phải nộp lại hộ chiếu Trung Quốc khi đến Hoa lục - hộ chiếu của những người Duy Ngô Nhĩ đương nhiên bị tịch thu. Họ sống tại Ghulja, một thành phố lớn ở tây Tân Cương. Vài tháng sau, Tursunay nhận được một cuộc gọi yêu cầu "đi họp" ở thành phố nguyên quán là Kunas. Tại đây, bà bị công an đưa vào một trường dạy nghề cũ, được bảo là ở lại một đêm… nhưng rốt cuộc là 20 ngày.

Bà kể : "Chúng tôi được phép giữ lại điện thoại. Phòng có 15 người, nhưng cửa không bị khóa, nói chung điều kiện không đến nỗi khắc nghiệt lắm". Do trước đó từng bị giải phẫu, bà cần phải nhập viện. Bệnh viện gởi trở lại trung tâm, nhưng người chồng vốn là bác sĩ, nên đã thành công trong việc đưa bà ra khỏi nơi bị giam vì lý do sức khỏe, vào tháng 5/2017.

Cuộc sống dưới sự khủng bố

Hai vợ chồng tiếp tục sống tại Ghulja. Người chồng nhận lại hộ chiếu, được phép quay về Kazakhstan, với điều kiện người vợ phải làm bảo lãnh rằng chồng sẽ trở lại Hoa lục trong vòng hai tháng. Họ cho rằng đây là giải pháp tốt nhất : "Nếu chúng tôi ở lại Trung Quốc thì cả hai đều bị bắt. Tôi đi Kunas với anh ấy và ký giấy. Chồng tôi đi Kazakhstan, còn tôi trở về Ghulja".

Vào lúc đó, người dân bắt đầu sống trong nỗi sợ bị bắt đi cải tạo. Tursunay kể : "Khi gặp một người quen ngoài đường, câu duy nhất mà người ta nói với nhau là "A, bạn vẫn còn đây à !" Gia đình nào cũng có một người bị bắt, và đôi khi cả gia đình phải vào trại". Hai người anh em trai của Tursunay lần lượt bị tống giam vào tháng 2/2018 vì lý do đã gọi điện ra nước ngoài.

Bà biết rằng giờ của mình cũng sắp điểm : công an sách nhiễu từ nhiều tháng qua vì người chồng không quay lại như dự kiến. "Ngày 08/03/2018, họ gọi cho tôi, bảo rằng có chuyện muốn nói. Tôi hỏi ngay : "Tôi phải nhập trại, có phải thế không ? – Vâng, nhưng không bao lâu đâu, đừng lo". Họ nói như thế để trấn an, vì đã có những trường hợp tự sát. Tôi nói, thế thì đồng ý, tôi sẽ đến".

Người vào trại "cải tạo" bị coi như súc vật

Tursunay đến Kunas, và hôm sau được đưa vào khu trại cũ, nhưng đã được sửa chữa toàn bộ. "Ngay từ lúc bước vào, tôi hiểu rằng hoàn toàn không giống như trước nữa. Họ khám người rất kỹ, họ cởi hết quần áo của chúng tôi rồi phát cho bộ khác, không có nút áo. Tôi có mang theo giấy tờ xác nhận sức khỏe rất kém, nghĩ rằng họ sẽ cho mình ra. Khi tôi trình giấy chứng nhận, người nữ quản giáo đã quát nạt : ‘Đừng có đóng kịch, mày tưởng người ta sẽ thương hại à ? Có những người gần chết mà cũng không được thả đó’. Tôi vô cùng sợ hãi".

Hôm đó, Tursunay trông thấy một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã trên 70 tuổi nhập trại cùng một lượt, bị buộc phải cởi chiếc váy dài trước mặt các quản giáo. "Họ để lại cho bà cụ chiếc vớ dài, rồi giựt đứt hàng nút áo len, và chiếc khăn quàng cổ của bà. Bà ấy không có tóc. Bà cố che đi bộ ngực chảy xệ, nhưng bị quát phải bỏ tay xuống. Bà cụ khóc vì xấu hổ, và tôi cũng khóc theo. Hầu hết những kẻ quát nạt tù nhân là người Hán, còn những người Kazakhstan thì chỉ thi hành theo lệnh".

Tursunay bị đưa vào một căn phòng khóa kín với cửa sắt, và những chiếc giường tầng. Bà kể lại sinh hoạt hàng ngày và kỷ luật trại giam. "Ban đêm lúc ngủ trên giường, phải thò hai tay ra khỏi mền. Chỉ được phép nằm nghiêng một bên. Trại viên tiêu, tiểu trong một chiếc xô. Mỗi đêm, phải thay phiên nhau đứng canh, mỗi lần hai người một, trong vòng hai tiếng đồng hồ, để bảo đảm tất cả đều trong trật tự. Ban ngày, chúng tôi chỉ có ba phút để vào nhà vệ sinh : các quản giáo vũ trang tận răng, nếu ở lâu một chút sẽ bị họ quát tháo".

Ba tuần sau, bà mới được tắm lần đầu. "Các nữ trại viên đều bị đẩy vào chung một lượt như súc vật. Nước lạnh ngắt từ trần nhà chảy xuống, chúng tôi đều lo sẽ bị cảm lạnh".

"Trung Quốc mạnh lắm, chẳng có ai đến cứu đâu !"

Được gọi là "học viên lớp 31", Tursunay nhiều lần bị thẩm vấn về cuộc sống ở Kazakhstan : Có cầu nguyện không ? Có mang khăn choàng Hồi giáo không ? Bà cũng bị chất vấn về các hoạt động của người chồng, vốn đã mở một dưỡng đường. Bà hiểu rằng lý sự với công an là vô ích. "Họ thường xuyên nói với chúng tôi là Trung Quốc là một quốc gia rất hùng mạnh, chẳng có ai đến cứu chúng tôi đâu ! Họ sẽ tống chúng tôi vào những nhà tù còn tệ hại hơn trại này nhiều".

Tursunay cũng bị buộc theo học đủ thứ, từ tiếng Hoa cho đến luật pháp, ý thức hệ, trong những "phòng học" bên ngoài bị rào bằng song sắt và có quản giáo vũ trang canh gác. Mùa hè năm 2018, các "học viên" từng người một lần lượt vào một gian phòng, trong đó có một quan tòa lần lượt thông báo bản án của mỗi người, với sự hiện diện của thân nhân họ được triệu tập đến. "Tôi được lãnh bản án thấp nhất là hai năm, vì không có người thân nào để có thể mời đến. Sau đó tất cả mọi người đều tìm thấy một tờ giấy để trên giường, nêu lý do bị kết án".

Nguyên nhân khiến Tursunay bị đi cải tạo là "đã đi ra nước ngoài và cư trú tại đó". Dù vậy bà cũng được thả vào cuối năm 2018, khi nổ ra xì-căng-đan về việc tống giam những người Kazakhstan tại Trung Quốc hay người thân của các công dân Kazakhstan, gây bối rối cho Bắc Kinh. Tất cả những tù nhân may mắn này đều được nhận chỉ thị cuối cùng : "Không được hé răng về những gì đã trải qua".

Thụy My

********************

Tân Cương : Tiết lộ về chiến dịch tẩy não người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 25/11/2019)

Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) ngày 24/11/2019 tiết lộ tài liệu với nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành một cuộc "tẩy não có hệ thống" nhắm vào hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáotại Tân Cương. Số này đã bị đưa vào những nhà tù mà chính quyền Bắc Kinh gọi là "trung tâm giáo dục và đào tạo".

cables5

Ảnh chụp ngày 04/06/2019 : Quốc kỳ Trung Quốc trên một khu trại giam ở Yangisar, Tân Cương… GREG BAKER / AFP

Các "trung tâm giáo dục và đào tạo" này phải được quản lý như một nhà tù có mức độ an ninh cao. ICIJ công bố kết quả điều tra do các phóng viên của 17 cơ quan truyền thống quốc tế thực hiện về những điều kiện khắc nghiệt tại các nhà tù ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.

Những thông tin mới về các nhà tù ở Tân Cương được ICIJ công bố bao gồm một tài liệu dài 9 trang do ông Chu Hải Luân (Zhu Hailu), lãnh đạo an ninh Tân Cương, gửi đến nhân viên các trại tù. Văn bản này quy định rõ những "hình thức kỷ luật và hình phạt nghiêm khắc" nhắm vào những người bị giam giữ, mà tài liệu này gọi là những "học viên" ; "không bao giờ để xảy ra chuyện trốn trại", các tù nhân phải "hối cải và nhận tội", phải học tiếng Quan Thoại, và nhất là nhân viên cai tù phải dùng hệ thống camera theo dõi sát mọi ngõ ngách trong trại. Quy định nói trên gọi các tù nhân là "học viên" được đưa vào trại với mục đích phải "tốt nghiệp ra trường" và "có bằng cấp chứng nhận". Thời hạn ở trong trại tối thiểu là một năm.

Đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn, Lưu Hiểu Minh bác bỏ tính xác thực của các tài liệu hiệp hội ICIJ thu thập được và gọi đấy là những thông tin "thất thiệt". Về phần chuyên gia Úc nghiên cứu về các sắc tộc thiểu số tại Trung Quốc, Đại học La Trobe, James Leibold cho rằng tiết lộ của ICIJ "phá vỡ chiến dịch truyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc, theo đó các nhà tù khổng lồ ở Tân Cương đơn thuần là những "trung tâm giáo dục và đào tạo" dành cho người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác theo đạo Hồi. Vẫn theo Bắc Kinh, những học viên tại đây đều những người tự nguyện.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFI tiếng Việt
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)