Quân đội Ấn mong hợp tác, không muốn đối đầu với Trung Quốc (VOA, 04/01/2017
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Tướng Bipin Rawat (bên phải)
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ ngày 3/1 tuyên bố quân đội nước này chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến hai mặt trận cùng lúc liên quan đến Pakistan và Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh cần phải hướng tới hợp tác chứ không phải đối đầu với Bắc Kinh.
Phát biểu của Tướng Bipin Rawat được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về việc Ấn thử phi đạn Agni 5 có tầm bắn 5000 km, có khả năng đưa toàn bộ Trung Quốc vào tầm ngắm.
Tướng Rawat nói mặc dù Ấn-Trung có thể đang cạnh tranh với nhau về không gian, phát triển kinh tế, thịnh vượng, nhưng cũng có những lĩnh vực hợp tác và nên đặt điều này làm trọng tâm.
Trước khi hồi hưu vào tháng trước, Tư lệnh Không quân Ấn, Marshal Arup Raha, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu, từng tuyên bố rằng Ấn chỉ xây dựng khả năng nghênh cản mà thôi.
Về các hoạt động hiện đại hóa quy mô lớn dọc theo biên giới với Trung Quốc, mua máy bay chiến đấu Rafale cũng như tàu và tàu ngầm mới, ông Raha cho biết Ấn ‘hiển nhiên đang gầy dựng’ khả năng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các bước này không phải để chiến đấu trong một cuộc xung đột vì New Delhi tin tưởng vào hòa bình.
***********************
Nepal và Trung Quốc sẽ tập quân sự chung lần đầu tiên (VOA, 02/01/2017)
Các binh sĩ quân đội Nepal trong lễ hỏa táng Thủ tướng Nepal Sushil Koirala, trên bờ sông Bagmati ở Kathmandu, Nepal. (Hình tư liệu)
Trong một tín hiệu về tăng cường các mối quan hệ với Bắc Kinh, Nepal loan báo sẽ tham gia diễn tập quân sự chung với Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng tới.
Diễn biến mới này được Ấn Ðộ theo dõi sát trong lúc New Delhi tiếp tục cảnh giác đối với ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với quốc gia nhỏ bé ở Hy Mã Lạp Sơn nằm kẹp giữa hai nước khổng lồ Á châu.
Quân đội Nepal cho hay cuộc thao diễn chú trọng vào mục tiêu huấn luyện cho các lực lượng Nepal đối phó với các tình huống bắt giữ con tin liên quan đến các nhóm khủng bố quốc tế và cách thức ứng phó các tình huống thảm họa.
Trung tướng Tara Bahadur Karki, phát ngôn viên quân đội Nepal nói : "Nepal và Trung Quốc đã trao đổi các phái đoàn quân sự, tổ chức các cuộc thăm viếng qua lại và các khóa học, nhưng diễn tập quân sự chung như vậy là lần đầu tiên".
Ấn Ðộ sẽ theo dõi sát cuộc tập trận
Một chuyên gia về Trung Quốc ở New Delhi, ông Jayadeva Ranade nói rằng Ấn Ðộ sẽ nghiên cứu thận trọng xem cuộc thao diễn này có ý nghĩa gì. Ông nói : "Liệu đây có phải là khởi sự của một xu hướng mở rộng quan hệ quân sự hay chỉ là một cuộc thao dượt rồi thôi".
Nepal gạt những lo ngại đó sang một bên và nói rằng đây chỉ là một cuộc thao diễn nhỏ và không mang theo một ý đồ chiến lược gì cả. Đại sứ của Nepal tại Ấn Ðộ, ông Deep Upadhyay nói với tờ Times of India rằng "Thật sự chẳng có chuyện gì ghê gớm cả. Dù quý vị có nhìn vào đó từ bất cứ góc độ nào, Nepal có một quan hệ đặc biệt với Ấn Ðộ và điều đó không thể nào thay đổi bởi một cuộc thao dượt nhỏ này.
Cuộc thao dượt quân sự chung sẽ diễn ra vào lúc New Delhi đang tìm cách giành lại ảnh hưởng bị Trung Quốc lấy đi hồi năm ngoái khi cựu Thủ tướng Nepal K.P. Oli tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc hơn để đáp lại chỉ trích rằng nước này bị lệ thuộc Ấn Ðộ quá nhiều tiếp theo sau vụ người biểu tình thuộc các nhóm sắc tộc đóng cửa biên giới làm cho Nepal rơi vào tình huống nan giải.
Kể từ khi Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal lên nắm quyền cách đây 5 tháng, Ấn Ðộ và Nepal đã hâm nóng lại các mối quan hệ và làm dấy lên hy vọng các mối quan hệ đầm ấm truyền thống sẽ được khôi phục.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng
Nhưng các nhà phân tích chính trị chỉ ra rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã có tại Nepal và sẽ tiếp tục trong lúc Bắc Kinh tìm cách mở rộng sự hiện diện trong nỗ lực giành một vị trí ở Nam Á.
Trong mấy năm gầy đây, Trung Quốc đã hấp dẫn Nepal với nhiều triệu đôla xây dựng đường xá, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác, và các hợp đồng cấp điện đến các vùng núi non hiểm trở.