Trung Quốc lộ mặt đồng hóa, tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (RFI, 30/11/2019)
Trung Quốc lộ mặt đồng hóa, tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ; Cử tri Hồng Kông dùng lá phiếu trừng phạt chính quyền ; Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi kiện một chuyên gia người Pháp tội "vu khống" ; Hạ Viện Mỹ mở điều trần công khai : Liệu đây có phải là một chiến lược tốt cho đảng Dân chủ ? Đây là một số chủ đề đáng lưu ý trong tháng 11/2019 của tạp chí Thế Giới Đó Đây.
Biểu tình tại Bandung, Indonesia ngày 21/12/2018 phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Reuters/Novrian Arbi
Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ) có thêm bằng chứng khẳng định hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi giáo, nói tiếng Thổ, ở vùng tự trị Tân Cương, bị giam giữ trong các trại tập trung, mà Trung Quốc gọi là "trung tâm dạy nghề".
Chỉ trong vòng hai tuần, hàng loạt tài liệu mật về chiến dịch trấn áp của chính quyền Bắc Kinh, được tổ chức quy mô nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, bị tiết lộ cho báo chí phương Tây : đợt đầu gồm 403 trang được New York Times đăng ngày 16/11/2019, đợt tiếp theo được Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế cho phép 17 tòa báo trên thế giới đăng từ hôm 24/11.
Trong một phóng sự ngày 25/11, đài France 24 đã gặp bà Guibahar Jelilova, một người Duy Ngô Nhĩ, hiện sống ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bị bắt vào tháng 05/2017, bà Jelilova phải sống trong trại 1 năm, 3 tháng và 10 ngày :
"Tôi kiệt sức trong thời gian bị giam giữ. Họ dẫn tôi vào một căn phòng có cửa thép dầy và nặng. Tiếng cửa kêu rất lớn mỗi khi họ mở. Căn phòng chỉ rộng khoảng 20 mét vuông, không có cửa sổ. Bên trong có khoảng 40 phụ nữ, một nửa trong số đó phải đứng, những người khác thì nằm sát nhau trên sàn. Chúng tôi phải mang xích ở cổ chân. Cứ mỗi tuần một lần, họ cho chúng tôi xem một đoạn video về Tập Cận Bình. Sau đó, họ bắt chúng tôi viết tự kiểm điểm. Họ muốn chắc rằng ý thức hệ của chúng tôi đã thay đổi và tiến bộ hơn".
Thực ra, đã có rất nhiều lời chứng, các cuộc điều tra về chiến dịch trấn áp ở Tân Cương. Những tiết lộ mới chỉ khẳng định thực tế trên, theo nhận định với RFI của ông Thierry Kellner, giảng viên Đại học Tự do Bruxelles (Université Libre de Bruxelles, Bỉ) :
"Sau khi những tài liệu này bị lộ, chính quyền Bắc Kinh khó lòng phủ nhận được sự tồn tại của hệ thống trại giam, cũng như bản chất của chiến dịch trấn áp được áp dụng từ 2-3 năm nay. Những tài liệu đó khẳng định rằng người Duy Ngô Nhĩ, cũng như một số cộng đồng thiểu số khác theo Hồi giáo ở Tân Cương, bị theo dõi trên diện rộng. Để làm được việc này, Bắc Kinh đã sử dụng đại trà công nghệ mới "big data", nhằm theo dõi, lập danh sách và trấn áp toàn bộ dân cư.
Thực ra, những tiết lộ này, gồm những tài liệu lưu hành nội bộ Trung Quốc, chỉ củng cố thêm cho những phân tích trước đây của phương Tây dựa trên nhiều nghiên cứu tỉ mỉ trong năm 2018-2019. Dù Bắc Kinh khẳng định những tài liệu trên là giả, thì chúng cũng khiến chính quyền Trung Quốc khó lòng thuyết phục được một phần công luận phương Tây".
Tân Cương : Vùng đất chiến lược trong dự án Con đường Tơ lụa mới
Chống khủng bố ở Tân Cương chỉ là cái cớ để chính quyền Bắc Kinh, theo dõi và đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ. Vẫn theo nhà nghiên cứu Thierry Kellner, một động cơ khác, không kém phần quan trọng, đó là vai trò của Tân Cương trong dự án Con đường Tơ lụa mới :
"Phải nói Tân Cương là một vùng chủ đạo, vô cùng quan trọng trong dự án Những Con đường Tơ lụa mới. Chúng ta có thể nhận thấy mọi biện pháp an ninh được triển khai là nhằm bảo đảm kiểm soát tối đa vùng này và về lâu dài là đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, nếu căn cứ vào các biện pháp được triển khai ở Tân Cương. Chúng ta hiện có những bằng chứng rõ ràng chứng minh ngược lại những phát biểu của chính quyền Bắc Kinh về việc "trấn áp khủng bố", "bài Hồi giáo cực đoan", mà thực chất là chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, dùng sức mạnh áp đặt quyền lực của Bắc Kinh ở vùng này".
Hồng Kông : Cử tri dùng lá phiếu trừng phạt chính quyền
Sau thất bại ê chề của chính quyền Hồng Kông trong cuộc bầu cử đại biểu cấp quận ngày 24/11/2019, hai hôm sau (26/11), trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo thành lập ủy ban đánh giá độc lập về tình hình Hồng Kông.
"Dĩ nhiên, chúng tôi dựa vào kinh nghiệm tương tự của những nước khác, đặc biệt là ở Anh Quốc, sau loạt bạo động ở Tottenham năm 2011. Dựa trên mô hình đó, chúng tôi thành lập một ủy ban đánh giá để xác định và phân tích những lý do dẫn đến giai đoạn bất ổn xã hội kéo dài này ở Hồng Kông, dù đó là lý do kinh tế-xã hội, thậm chí là chính trị, để có thể kiến nghị với chính phủ các biện pháp nên thi hành. Tôi chân thành hy vọng rằng những đánh giá đó sẽ giúp chúng ta có được những phương tiện để tiến lên phía trước".
Nếu không có kết quả áp đảo của phe ủng hộ dân chủ, chưa chắc chính quyền Hồng Kông đã tỏ ra khiêm nhường nhận trách nhiệm "để mất quá nhiều thời gian" giải quyết tình trạng bất ổn và bạo lực. Trả lời đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde, ông Keneth Chan, nghị sĩ phe đối lập ở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đánh giá chiến thắng ở 17 quận trên tổng số 18 của phe ủng hộ dân chủ được coi như là một cuộc trưng cầu dân ý để người dân bày tỏ bất bình đối với chính quyền đặc khu :
"Tôi nghĩ là người dân Hồng Kông trông đợi rất nhiều vào kết quả này. Họ chờ câu trả lời của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Bắc Kinh. Đối với họ, đây là cơ hội để làm giảm căng thẳng. Nếu chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh không nắm bắt thời cơ này, thì tôi e rằng xung đột còn kéo dài. Vì trên thực tế, cuộc bầu cử vừa rồi như một cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và về bạo lực cảnh sát. Những người ủng hộ Bắc Kinh cũng sử dụng cuộc bầu cử này như là một cuộc trưng cầu dân ý để phản đối người biểu tình. Bây giờ, mọi người phải tôn trọng kết quả bầu cử. Lực lượng ủng hộ dân chủ kiểm soát 17 trên 18 quận ở Hồng Kông. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ mà chúng tôi gửi đến Bắc Kinh, thông qua bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cũng như đến toàn thế giới".
Hoa Vi kiện một chuyên gia người Pháp "vu khống"
Nhà nghiên cứu người Pháp Valérie Niquet, một chuyên gia về Trung Quốc và thường trả lời đài RFI, cùng với chuyên gia về truyền thông Stéphane Dubreuil, bị tập đoàn Hoa Vi kiện vì tội "vu khống"
Luật sư Laurent Merlet của tập đoàn Hoa Vi tại Pháp cho rằng hai chuyên gia này "đã đi quá xa" khi chỉ trích mối quan hệ được cho là tồn tại giữa Hoa Vi và Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng không đưa ra bằng chứng, trong một số chương trình truyền hình (trên đài France 5 ngày 07/02/2019 và trên đài TF1).
Ba đơn kiện đã được Hoa Vi đệ vào đầu năm 2019, nhưng sẽ chỉ được đưa ra xét xử vào khoảng năm 2021. Đây là lần đầu tiên, Hoa Vi kiện đích danh một cá nhân. Trả lời RFI, chuyên gia Valérie Niquet tỏ ra bất ngờ khi bị kiện :
"Rõ ràng là Hoa Vi ở Pháp cảm thấy là bị chỉ trích khi người ta nhắc đến những sự việc mà mọi người đều biết, như chủ tịch tập đoàn Hoa Vi ở Trung Quốc là đảng viên Đảng cộng sản, từng tham gia Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, cũng như mối quan hệ vô cùng chặt chẽ giữa Nhà Nước, đảng và doanh nghiệp. Những thông tin này không hề nhằm tấn công vào danh tiếng của Hoa Vi, mà thực chất chỉ nhằm miêu tả tình hình của các doanh nghiệp ở Trung Quốc".
Hạ Viện Mỹ mở điều trần công khai : Chiến lược tốt cho đảng Dân chủ ?
Ông Donald Trump là vị tổng thống thứ tư của Mỹ chịu thủ tục luận tội phế truất : Bill Clinton (1998), Richard Nixon (1974), Andrew Johnson (1868). Sau khi 15 nhân vật có liên quan tham gia điều trần kín, 12 người trong số này đã tham gia các phiên điều trần công khai, được truyền hình trực tiếp, do Ủy Ban Điều Tra Hạ Viện, mà đa số nằm trong tay đảng Dân chủ, tổ chức vào giữa tháng 11/2019.
Tuy nhiên, dường như những phiên điều trần công khai này sẽ không gây tác động lớn đối với chủ nhân Nhà Trắng. Luật gia Anne Deysine, giảng viên trường đại học Ouest-Nanterre, giải thích trong chương trình Những thách thức Quốc tế ngày 15/11 trên đài France Culture :
"Liệu cách làm này có thay đổi được gì không ? Chúng ta biết là trong thủ tục truất phế tổng thống Nixon, công luận đã biến chuyển. Nhưng ngày nay, người dân ít quan tâm hơn bởi vì Hoa Kỳ bị chia thành hai phe. Vì thế, những người phản đối ông Trump vẫn giữ ý kiến của họ. Còn những người ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng thì vẫn tiếp tục trung thành.
Có khoảng 13 triệu người theo dõi trực tiếp các phiên điều trần về luận tội tổng thống Trump trong khi đó, người dân Mỹ chăm chú theo dõi tiến trình truất phế vào thời Nixon. Hơn nữa, nếu xem điều trần trực tiếp, họ cũng theo dõi trên các kênh ưa thích của họ. Ví dụ những người có khuynh hướng cánh tả thì xem CNN, còn những người ủng hộ ông Trump thì xem Fox News".
Dù có khoảng 47% ý kiến thăm dò ủng hộ "phế truất", nhưng chủ nhân Nhà Trắng hoàn toàn có thể tin tưởng vào lòng trung thành của cử tri Cộng Hòa, bất chấp cáo buộc về các mạng lưới "ngoại giao song song" gây tác hại cho hoạt động chính thức. Luật gia Anne Deysine giải thích :
"Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của nhà ngoại giao Kissinger, từng bí mật đến Trung Quốc để tìm cách thiết lập đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh. Nhưng thời đó, ngành ngoại giao, bộ Ngoại Giao và tổng thống, có chung tiếng nói và theo đuổi cùng mục đích. Điều chủ yếu trong vụ Trump-Zelensky thì lại làm suy yếu Ukraina, trong khi lợi ích ngoại giao của Mỹ là phải ủng hộ một đồng minh chống lại Nga sau khi Matxcơva sáp nhập Crimée và xâm chiếm vùng Donbass. Đó là những điều được nêu rất rõ trong các phiên điều trần ! Nhưng tôi cho rằng những người ủng hộ ông Trump không nghe thấy điều này !"
Thu Hằng
*****************
Thân phận Duy Ngô Nhĩ và sự lạnh lùng của các nước Hồi giáo (RFI, 29/11/2019)
Các báo cáo lên án chiến dịch thanh trừng sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, đang diễn ra tại Trung Quốc ngày một nhiều. Thế nhưng, nhà báo Sarah Leduc, kênh truyền hình quốc tế Pháp - France 24 lấy làm tiếc rằng các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lại không lên tiếng bênh vực cộng đồng tôn giáo thiểu số đang bị trấn áp như những gì họ đã làm đối với người Rohingya tại Miến Điện.
Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Istanbul, ngày 01/10/2019. Reuters/Huseyin Aldemir/File Photo
Một triệu người Duy Ngô Nhĩ dường như đang bị giam giữ trong các nhà tù của Trung Quốc ở Tân Cương. Bất chấp nhiều tiết lộ mới trong những ngày gần đây cho thấy rõ một chính sách trấn áp có hệ thống của cường quốc kinh tế thứ hai nhắm vào cộng đồng sắc tộc chiếm đa số ở Tân Cương, nhưng tình liên đới vẫn chưa thấy xuất hiện, các quốc gia bị chia rẽ và "im hơi lặng tiếng".
Duy Ngô Nhĩ – Rohingya : "Nhất bên trọng, nhất bên khinh"
Sự chia rẽ này được thấy rõ tại Liên Hiệp Quốc, giữa một bên là những nước bảo vệ nhân quyền và bên kia là các quốc gia ủng hộ các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Đài France 24 thuật lại, cuối tháng 10/2019, tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban phụ trách Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa, 23 nước – trong đó có Pháp, Anh và Mỹ – đã lên án chính sách đàn áp nhắm vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Thế nhưng, Trung Quốc lại nhận được sự ủng hộ của 54 quốc gia, chủ yếu là các nước Châu Phi. Những nước này đã lần lượt hết lời ca ngợi cách quản lý của Trung Quốc tại vùng tự trị.
Những lời lẽ qua lại này giữa hai phe đã bắt đầu từ tháng 07/2019. Cũng tại cùng một diễn đàn, các quốc gia vẫn chia rẽ : 22 nước yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc giam giữ tùy tiện tại Tân Cương. Và 37 quốc gia khác ủng hộ, tán thưởng Trung Quốc là đã đạt được những "thành tựu đáng chú ý trên phương diện nhân quyền". Trong số này, có đến 14 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) như Saudi Arabia, Ai Cập, Pakistan, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar hay Algeria…
Trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ lần này, các nước thuộc khối OCI, tổ chức liên chính phủ gồm 57 nước đã không có cùng một tiếng nói chung mà họ từng thể hiện như trong cuộc khủng hoảng người Rohingya. Năm 2017, việc bảo vệ cộng đồng sắc tộc thiểu số này, bị quân đội Miến Điện truy sát, đã tạo được sự liên kết của rất nhiều nước Hồi giáo trong đó có Saudi Arabia, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. Và OCI đã hoạt động tích cực tại Geneve để lên án Miến Điện tại Hội Đồng Nhân quyền.
Thân phận "hẩm hiu", người Duy Ngô Nhĩ không có được cơ may này. Lần cuối cùng mà OCI thể hiện tình đoàn kết với các sắc tộc Hồi giáo thiểu số là năm 2015 : Trong thông cáo chung, OCI đã bày tỏ mong muốn là cộng đồng này có thể thực hiện mùa chay ramadan.
Bà Sophie Richardson, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc cho tổ chức Human Rights Watch xác nhận với France 24 rằng trong trường hợp người Duy Ngô Nhĩ, "đúng là có ít tình liên đới hơn như là đối với các hồ sơ Palestin hay Rohingya. Trung Quốc đã thành công có được sự ủng hộ của những nước đó vì các quốc gia này rất cần đến các khoản đầu tư của Trung Quốc".
Thực tế chính trị
Saudi Arabia là một minh họa rõ nét cho điều này khi bày tỏ sự "tôn trọng" với Tập Cận Bình, vào tháng 02/2019, trước khi ký kết nhiều hợp đồng thương mại quan trọng. Về phần Ai Cập, chính quyền nước này, do cần các nguồn tài trợ của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng, đã cho phép công an Trung Quốc, vào năm 2017, đến thẩm vấn những người Duy Ngô Nhĩ tỵ nạn trên lãnh thổ của mình. Pakistan, vốn nhanh nhẩu trong việc bảo vệ người Rohingya, thì lần này gây chú ý khi lựa chọn sự im lặng.
Đáng ngạc nhiên nhất là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có một bộ phận lớn người Duy Ngô Nhĩ sinh sống - từ lâu vốn hay tỏ tình liên đới, nay dường như đang xuống giọng dần dần. Đầu năm 2019, Ankara từng lớn tiếng chỉ trích "chính sách đồng hóa có hệ thống của chính quyền Trung Quốc nhắm vào Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là một nỗi xấu hổ cho nhân loại".
Nhưng kể từ đó, chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng dần "im hơi lặng tiếng". Ông đánh tiếng cho biết là Ankara rất chú tâm vào việc thương thảo mậu dịch với Bắc Kinh, và không đi theo 22 nước khác ký thư chỉ trích chính sách trấn áp tại Tân Cương.
Về điểm này, Rémi Castets, nhà chính trị học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại đại học Bordeaux Montaigne giải thích như sau : "Công luận Thổ Nhĩ Kỳ rất có cảm tình với người Duy Ngô Nhĩ nhưng trên thực thế, ông Erdogan lại cần đến đồng minh Trung Quốc vì những lý do kinh tế hay để đối trọng với phương Tây hiện đang gây áp lực với nước này trong nhiều hồ sơ khác như Syria chẳng hạn".
Vẫn theo ông Rémi Castets, đây là sự thắng thế của "chính trị thực dụng", không hơn không kém. "Rất nhiều người biết rõ những gì đang xảy ra ở đó. Nhưng vấn đề nhân quyền thường bị lu mờ trước những lợi ích kinh tế và quốc gia, hay lợi ích của tầng lớp lãnh đạo khi mà họ nhìn thấy ở đó có nhiều lợi thế".
Bắc Kinh : Duy Ngô Nhĩ đồng nghĩa với "khủng bố"
Một yếu tố khác không có lợi cho người Duy Ngô Nhĩ : Đó là chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh bằng cách tung ra những thông tin xấu. Sau vụ tấn công khủng bố nhà ga Côn Minh năm 2014, Trung Quốc tiến hành một chiến dịch mới mang tên "Strike Hard Campaign against Violent Terrorisme" (tạm dịch là Đánh mạnh chống khủng bố bạo lực), biện minh cho việc kiểm soát chặt chẽ hơn tại Tân Cương bằng cuộc chiến chống khủng bố. Bắc Kinh bảo đảm chống được tình trạng những kẻ khủng bố trở nên "cực đoan hóa" trong các "trại đào tạo nghề".
Chuyên gia Rémi Castets giải thích tiếp với France 24 : "Thực ra đó làluận điệu quy luật tam lực, theo đó, Bắc Kinh cần phải tăng cường kiểm soát xã hội để chống lại ba hiểm họa : khủng bố, ly khai và cực đoan".
Hồi tháng 07/2019, luận điệu này của Trung Quốc tại Ủy ban Liên Hiệp Quốc lại mang hiệu quả : Thư ngỏ do các thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ký ủng hộ Bắc Kinh ca ngợi rằng "các biện pháp chống khủng bố và phi cực đoan hóa tại Tân Cương" đã mang lại cho người dân một "cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển và an toàn hơn"
Việc bắt được những người Duy Ngô Nhĩ trong mạng lưới Taliban trong cuộc chiến tại Aghanistan, và họ bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo của Mỹ, rồi sự hiện diện của nhiều người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến có liên kết với Al-Qaeda tại Syria chỉ làm gia tăng chính sách trấn áp. Nhưng các nhà bảo vệ nhân quyền tố cáo đó chỉ là một kiểu "lập luận lấy cớ"
Bénédicte Jeannerod, giám đốc chi nhánh Human Rights Watch tại Pháp nhận định : "Lấy cớ chống khủng bố để biện minh cho chính sách trấn áp, đó là một thủ thuật cổ điển của các chế độ chuyên chế. Sự hiện diện của người Duy Ngô Nhĩ trong các nhóm thánh chiến cực đoan không thể biện minh được gì cho chính sách đàn áp tùy tiện và có hệ thống nhắm vào hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, tất cả đều bị nghi ngờ chỉ vì sắc tộc và tôn giáo của họ mà thôi" !
Minh Anh