Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/11/2019

Điểm báo Pháp - Hoàng Chi Phong, "Anh hùng của tự do"

RFI tiếng Việt

Hồng Kông : Hoàng Chi Phong, "Anh hùng của tự do"

Chiến thắng áp đảo của phe dân chủ Hồng Kông trong cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11/2016, sau gần 6 tháng biểu tình phản kháng, dĩ nhiên đã được các tuần báo cuối tháng 11 này chú ý phân tích.

phong0

Từ phong trào Dù Vàng năm 2014 đến nay, Hoàng Chi Phong, 23 tuổi, luôn đương đầu với Trung Quốc" và "đã làm cho Tập Cận Bình phải mất ngủ".

Nổi bật nhất là tạp chí Pháp Le Point, đã cử đặc phái viên qua tận Hồng Kông để gặp Hoàng Chi Phong, cậu thanh niên mà tạp chí giới thiệu là "Anh hùng của tự do", tựa lớn trang bìa, bên cạnh bức ảnh của gương mặt tiêu biểu cho phong trào phản kháng Hồng Kông kèm theo chú thích "Cuộc gặp gỡ với người đang đối đầu với Trung Quốc".

Le Point đã dành một hồ sơ 13 trang để đề cập đến phong trào biểu tình ở Hồng Kông và dĩ nhiên là Hoàng Chi Phong.

Phóng viên của Le Point tỏ vẻ rất ngưỡng mộ : "Từ phong trào Dù Vàng năm 2014 đến nay, Hoàng Chi Phong, 23 tuổi, luôn đương đầu với Trung Quốc" và "đã làm cho Tập Cận Bình phải mất ngủ". Là một tác nhân của phong trào phản kháng đa dạng tại Hồng Kông, chàng sinh viên này đã từng phải vào tù và có nguy cơ sẽ trở lại nhà tù.

Hoàng Chi Phong : Chuộng dân chủ, nhưng khá thực tế

Le Point ghi nhận hai điểm nơi Hoàng Chi Phong. Trước hết, cậu thanh niên có thể làm cho báo giới phương Tây thất vọng vì anh từ chối tô vẽ thêm cho huyền thoại đã có về anh, một thanh niên đang nối gót những gương mặt dân chủ vĩ đại, một nhân tài trẻ tuổi đã từng đọc qua sách của Martin Luther King hay Nelson Madela và như đang lao vào một cuộc thập tự chinh cho tự do.

Trái với những gì rất thường được viết về anh, Hoàng Chi Phong không hề được nuôi nấng trong sự sùng bái phong trào Thiên An Môn 1989.

Bên cạnh đó, theo tạp chí Pháp, Hoàng Chi Phong cũng có một quan điểm khá thực tế. Anh biết rõ rằng ly khai là một làn ranh đỏ đối với Bắc Kinh cho nên đã thiên về đòi hỏi quyền tự quyết và muốn cho người Hồng Kông có được khả năng quyết định về giai đoạn hậu 2047, tức là khi không còn quy chế "một đất nước hai chế độ".

Quan điểm ôn hòa này khiến Hoàng Chi Phong có hình ảnh "nhạt nhẽo" hơn so với những người thẳng thừng đòi độc lập.

Theo Le Point, Hoàng Chi Phong cũng rất bực tức đối với những gì các nhà báo nước ngoài thường nói về anh. Họ đọc trên Wikipédia và cứ nhại đi nhại lại cùng một ý, ví dụ như nói rằng ở Hồng Kông, tỉ lệ người ủng hộ và phản đối phong trào dân chủ ngang bằng nhau là 50/50. Theo Hoàng Chi Phong điều đó không đúng, mà phải nói là 80/20, với phong trào đấu tranh gần như giành được đồng thuận.

Theo tạp chí Pháp, thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua đã xác nhận đánh giá của Hoàng Chi Phong. Điều đó đã mang đến cho phong trào đấu tranh một hơi sức mới để tiếp tục qua năm 2020.

Về phần mình, Hoàng Chi Phong sẽ tiếp tục làm cho lãnh đạo Trung quốc đau đầu. Anh sẵn sàng "chờ xem họ sẽ tìm cách loại bỏ" anh ra khỏi đời sống chính trị Hồng Kông bao nhiêu lần nữa từ đây đến năm 2047. Lúc ấy thì Hoàng Chi Phong đã 51 tuổi.

Người Hồng Kông tiêu thụ theo quan điểm chính trị

Tạp chí Courrier International cũng chú ý đến tình hình Hồng Kông, nhưng nêu bật một khía cạnh khác của phong trào phản kháng qua tựa đề : "Tiêu thụ cũng là một lựa chọn chính trị".

Courrier trích dẫn phóng sự của trang mạng Đài Loan Baodaozhe, cho thấy phong trào biểu tình kéo dài từ hơn 5 tháng đã ảnh hưởng đến thói quen tiêu thụ của người dân Hồng Kông, phân biệt rõ những cửa hàng ủng hộ biểu tình hay thân Bắc Kinh và mua sắm theo xu hướng của họ.

Tác giả bài viết nhớ lại cảnh đi ăn tối với một cô bạn ở Hồng Kông (được đặt tên là Fang để tránh nêu tên thật). Vào giờ phút chót, cô bạn đề nghị một nhà hàng ở Mongkok, vì nhà hàng dự kiến lúc ban đầu bị đánh giá là rất "xanh", màu của phe thân Bắc Kinh.

Nhà hàng được chọn ở Mong Kok, treo những dải màu vang, màu phong trào dân chủ. Nhà hàng đông nghẹt khách và phát ra những bài hát phản kháng.

Cũng như những người chọn lựa nhà hàng ăn, những ai đi mua sắm cũng vậy. Thậm chí nhiều người còn sẵn sàng thay đổi thói quen di chuyển để khỏi bỏ tiền cho phe "địch". Để phản đối chính quyền, nhiều người đã cổ vũ cho "một chu trình kinh tế mầu vàng", tức là chỉ ăn uống, mua sắm tại cửa hiệu thân thiện với phong trào phản kháng.

Thậm chí hệ thống tàu điện cũng bị phe phản kháng tẩy chay. Như giải thích của cô Fang, từ 3 tháng qua, cô không đi tàu điện tuy có nhiều tiện lợi, nhưng phương tiện đó do chính quyền quản lý đã bị đánh giá không tốt, mở cửa cho cảnh sát vào đàn áp, để cho côn đồ đánh người biểu tình ở ga tàu điện. Cô Fang do đó đã dứt khoát không để công ty tàu điên lấy tiền của cô cho dù một xu.

Một cư dân mạng Hồng Kông đã có sáng kiến tạo ra một ứng dụng đặt tên là WhatsGap để giúp phân biệt những nhà hàng "dân chủ" màu vàng và những nhà hàng thân Bắc Kinh, màu xanh. Cũng có một bản đồ cho những cửa hiệu màu vàng phân biệt với màu xanh. Trên Facebook, nhóm "Thế giới mua sắm thức ăn của người Hồng Kông" thân dân chủ đã có 112.000 thành viên.

Phải lên tiếng về người Duy Ngô Nhĩ !

Ngoài Hồng Kông, nhìn về Trung Quốc, tạp chí Courrier International, còn chú ý đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương qua hàng tựa "Duy Ngô Nhĩ : Chúng ta phải đứng lên chống lại Trung Quốc !"

Courrier trích tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung, tố cáo Bắc Kinh cầm giữ gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tại Tân Cương và cho rằng với lịch sử của mình, Berlin có một trách nhiêm đặc biệt và phải chống lại chế độ gieo rắc kinh hoàng này.

Theo tờ báo Đức, truy bức có hệ thống cả triệu người Hồi giáo, phá hủy văn hóa của họ, đó là những tội ác. Những tài liệu rò rỉ cho thấy tình trạng này không thể tiếp tục kéo dài.

Trách nhiêm đối với Đức rất nặng. Do lịch sử của chính mình về đàn áp và truy bức, Berlin có một trách nhiệm lịch sử, cho nên phải can thiệp nhân danh cư dân vùng tây bắc Trung Quốc.

Cho đến giờ Đức đã không làm đủ trách nhiệm của mình. Các tập đoàn Đức như Volkswagen và BASF vẫn hoạt động trong vùng Tân Cương. Phớt lờ thảm kịch đang diễn ra, tập đoàn xe hơi mà Nhà Nước Đức là cổ đông, vẫn thu lợi béo bở tại đấy. Không thể chấp nhận được.

Tờ báo Đức kêu gọi phải áp đặt ngay trừng phạt đối với những người đã vi phạm nhân quyền (ở Tân Cương), cũng như những công ty có dính líu đến việc giam cầm hay kiểm soát, và cả đối với những công ty Đức đã nhắm mắt làm ngơ trước thảm họa nhân đạo.

Các trại giam là triệu chứng của một chế dộ sẵn sàng diệt trừ tất cả những ai đòi xét lại vấn đề quyền lực độc tôn của họ. Năm 1989 đã xảy ra vụ thảm sát phong trào mùa Xuân Bắc Kinh, 30 năm sau thì trấn áp phong trào dân chủ Hồng Kông. Tại Tây Tạng thì Trung Quốc đã phá hủy văn hóa và lối sống người dân bản xứ từ lâu, và đã cô lập vùng lãnh thổ này. Tại Tân Cương thì chỉ trong vài năm, nơi này đã trở thành một nhà tù lộ thiên.

Việc kiểm soát người dân bằng điện tử cũng là một tội ác chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Phương Tây mềm yếu

Tờ báo bực tức trước sự lộng hành của Trung Quốc nhưng càng bực tức hơn trước phản ứng không mấy mạnh mẽ của phương Tây trong đó có Đức.

Theo tờ báo, đã từ lâu rồi, chế độ Trung Quốc không giới hạn việc gây kinh hoàng ở trong nước. Những nền dân chủ, trong đó có Đức cũng càng ngày càng bị sức ép. Trung Quốc truy bức các nhà hoạt động, ly khai ngay trên lãnh thổ Đức, đe dọa truyền thông, đại học và tấn công, hù dọa các nghị sĩ dám nói đến nhân quyền ở Trung Quốc.

Trên cả thế giới Bắc Kinh gây xáo trộn nhân danh quyền lợi chính trị của họ. Khi Đức và 22 quốc gia trách cứ Trung Quốc giam cầm người một cách tùy tiện thì có ngay 37 nước hậu thuẫn Bắc Kinh, trong đó có Nga, Syria, Miến Điện, những nước không có gì gắn bó với nhau ngoài quan điểm khinh miệt dân chủ và dân quyền. Đây là một liên minh giới chuyên chế mà ngồi trên đỉnh là Trung Quốc.

Nhóm chuyên chế lại thường khi thống trị các cuộc tranh luận ở Liên Hiệp Quốc. Dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, họ phá các tổ chức quốc tế từ bên trong và biến các đinh chế này thành công cụ phục vụ lợi ích của họ. Trung Quốc mua chuộc sự trung thành với các khoản đầu tư, thỏa thuận thương mại, những ai không đi theo thì bị hù dọa.

Tuy nhiên, ở nhiều vùng, Trung Quốc không phải là tác nhân hùng mạnh nhất. Tại đấy, các đồng minh của Trung Quốc lại lợi dụng chính sách an ninh quốc tế do liên minh phương Tây đảm bảo. Nhưng thay vì tự bảo vệ mình, thì Phương Tây bất lực đứng nhìn Trung Quốc hành động.

Cho nên đối với tờ báo Đức, phải xem xét lại kỹ càng lại các mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc. Tranh luận về Hoa Vi cho thấy có nhiều người không hiểu gì cả. Không thể chấp nhận được việc để cho một tập đoàn chịu ảnh hưởng của một chính quyền đã áp đặt một hệ thống giám sát điện tử ở Tân Cương, lại có thể thiết lập hạ tầng cơ sở kỹ thuât số chiến lược ở Đức.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. nhưng Bắc Kinh đã lợi dụng vị trí này để gây sức ép với Berlin. Nếu muốn giữ được sự độc lập, Đức nên thoát ra sự kềm tỏa của Trung Quốc.

Theo tờ báo, phải có những quy tắc rõ ràng trong quan hệ với chế độ Bắc Kinh. Châu Âu nên có một chính sách chung đối với Trung Quốc.

Châu Mỹ La Tinh rối loạn

Dù đã đề cập đến vấn đề Tân Cương trong bài dài ở trang trong, Courrier International tuần này đã dành trang bìa và hồ sơ chính cho vùng châu Mỹ La Tinh. Bên cạnh hình vẽ một người đang la hét, tuần báo Pháp chạy tựa "Châu Mỹ La Tinh : Tại sao lại đổ vỡ ?" và ghi nhận tình hình rối loạn từ Ecuador, Colombia, cho đến Bolivia, Chile.

Theo Courrier International, tại Chile, biểu tình bùng lên vào trung tuần tháng 10, do giá tàu điện tăng, quân đội đã được triển khai để đàn áp, nhưng bạo động tiếp diễn. Tổng thống Sebastián Piñera đã cách chức một số nhân vật trong chính phủ, thông báo cải tổ Hiến Pháp năm 2020, nhưng biểu tình không kết thúc cho dù có người chết. Diều đó cho thấy là người dân đang chán ngán, muốn thay đổi triệt để hơn.

Còn tại Ecuador, các thổ dân đã vùng lên chống chính sách cải tổ kinh tế thắt lưng buộc bụng, trong lúc tại Bolivia, tổng thống Evo Morales phải lưu vong do biểu tình phản đối sau cuộc bầu cử tổng thống.

Courrier International trích dẫn trang mạng Mexico Animal Politico, giải thích là tại các quốc gia nói trên, người dân chán ngán cảnh tham nhũng, phân biệt đối xử, không muốn mình trở thành thành phần bị bỏ quên trong những xã hội mà tiền ngự trị.

Theo trang mạng trên, Châu Mỹ La Tinh là vùng bất bình đẳng nhất thế giới, không chỉ trên thu nhập, mà cả về các quyền được hưởng.

Điểm lại tình hình tại các nước này, vốn trong một thời gian dài chịu sự thống trị của quân đội, Courrier lo ngại cho chế độ dân chủ còn rất mong manh. Trong mắt tạp chí là cả một lục địa đang sụp đổ như một lâu đài cát. Courrier kêu gọi thế giới thận trong về hậu quả.

Những vết rạn trong xã hội Pháp

L’Express tuần này thì dành trang bìa cho xã hội Pháp, nói về hiện tượng mà tạp chí gọi là "Những vết rạn Pháp" và lời khuyên thành tựa đậm "Cuộc nói chuyện mà quý vị phải đọc", với chân dung hai khách mời của tạp chí : Nicolas Mathieu, giải văn học Goncourt 2018, và Jérôme Fourquet, tác giả quyển biên khảo chính trị "L’Archipel français".

Trong hồ sơ dài 13 trang, hai tác giả đã nêu lên những vết rạn nứt trong xã hội Pháp ngày nay, nêu lên nỗi hoang mang, thất vọng, phiền muộn ở những vùng có nhà máy đóng cửa. Nicolas Mathieu tóm lược tình hình trong một câu: có một "cảm nhận về thiên đường đã mất và đứng trước khả năng tuột hạng sắp đến".

Cả hai nhà văn đều chú ý đến những yếu tố nhỏ cuộc sống hàng ngày nhưng phản ánh một cái gì đó không ổn : Ví dụ mức tiêu thụ cần sa. Jerôme Fourquet nêu số liệu cụ thể khó tin : cần sa tạo ra đến 200.000 việc làm ở Pháp, không kém gì tập đoàn xe lửa Pháp SNCF !

Ông Fourquet còn nêu một ví dụ khác, được L’Express dành 4 trang đê khai thác, đó là vũ điệu Country du nhập từ Mỹ từ 15 năm nay và đã thành công chớp nhoáng ở Pháp, với 9% dân chúng Pháp từ 18 tuổi trở lên, tức khoảng 4 triệu người, bị lôi cuốn, và lập những câu lạc bộ, hiệp hội vũ điệu country.

Tận thế ?

Về phần mình, tạp chí L’Obs dành trang bìa cho một chủ đề rất thời thượng : Thế giới sụp đổ và nêu ngay trang bìa hàng tựa lớn dưới dạng câu hỏi : "Ngày mai, sụp đổ ?"

L’Obs ghi nhận suy nghĩ theo đó thế giới chúng ta đứng trước nguy cơ sụp đổ thực sự đang lan rộng, trở thành chủ đề bàn tán thời thượng. Ác mộng cận kề vì việc phá hủy môi trường thiên nhiên không thể cứu vãn được nữa.

Nhưng suy nghĩ bi quan xuất phát từ đâu ? L’Obs giải thích là ở Pháp, suy nghĩ về sụp đổ lan rộng với tác phẩm của hai nhà nghiên cứu Pablo Servigne và Raphaël Stevens : "Mọi sự sụp đổ như thế nào - Comment tout peut s'effondrer", xuất bản năm 2015, được người đọc truyền miệng cho nhau, và không mấy chốc đã bán được 45.000 quyển. Trong giới cổ vũ cho quyển sách này có cả thành viên của đảng cánh tả Nước Pháp Bất khuất.

Tạp chí L’Obs như đã chạy theo thuyết sụp đổ này và khuyên là nên tích trữ đồ hộp nếu sống trong một đô thị lớn : "Những người theo khuynh hướng sụp đổ này đã vẽ ra những cảnh hãi hùng, nhưng thực tế cho thấy họ cũng có lý. Ví dụ như ở các thành phố lớn hiện nay, dự trữ lương thực chiến lược chỉ đủ dùng trong vài ngày. Như vậy thì người dân Paris, hay New York sẽ ăn gì nếu không có xe lửa hay xe tải để vận chuyển lương thực ?"

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)