Trung Quốc lên án Ấn Độ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma (RFA, 05/04/2017)
Trung Quốc lên án việc Ấn Độ quyết định để nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm một vùng đất có tranh chấp biên giới giữa hai phía.
Các tín đồ Phật giáo Ấn Độ tặng quà cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi ông giảng dạy về tôn giáo tại sân vận động ở Bomdila thuộc bang Arunachal Pradesh, miền đông bắc Ấn Độ vào ngày 5 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Hãng thông tấn Reuters loan tin vào ngày 5 tháng 4, dẫn lời phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh rằng Trung Quốc cương quyết phản đối quyết định của New Dehli như vừa nêu và sẽ nghiêm khắc nêu vụ việc ra với phía Ấn Độ.
Tuy nhiên phía Ấn Độ khẳng định rằng chuyến thăm của đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn vì mục đích tôn giáo, nhấn mạnh thêm rằng Ấn Độ không chung biên giới với Trung Quốc và chỉ chung với Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Ấn theo lời mời của người dân bang Arunachal Pradesh và được họ chào đón nồng nhiệt. Nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng cũng cho biết chuyến thăm này hoàn toàn vì mục đích tôn giáo và văn hóa chứ không dính líu đến các yếu tố chính trị.
Tháng trước Trung Quốc đã cảnh báo rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi và gây mất ổn định khu vực.
*********************
Đạt Lai Lạt Ma thăm vùng biên giới Ấn–Trung (RFI, 04/04/2017)
Lãnh tụ tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng bắt đầu chuyến thăm bang Arunachal Pradesh, giáp Trung Quốc, chuyến đi bị Bắc Kinh nhiều lần gây áp lực buộc New Delhi hủy bỏ. Bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ ngày 04/04/2017, kêu gọi Trung Quốc "không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Ấn Độ".
Trung Quốc luôn xem đức Đạt Lai Lạt Ma là một mối đe dọa. Ảnh : Reuters
Bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ Kiren Rijiju khẳng định : "Hoàn toàn không có vấn đề chính trị đằng sau chuyến đi của đức Đạt Lai Lạt Ma đến bang Arunachal Pradesh. Đây là chuyến đi hoàn toàn mang tính tôn giáo".
Liên quan đến vấn đề lãnh thổ, bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ nhắc lại : "Arunachal Pradesh là một phần lãnh thổ không thể phân ly của Ấn Độ và Trung Quốc không nên phản đối chuyến đi của đức Đạt Lai Lạt Ma và không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Ấn Độ", "chúng tôi tôn trọng chính sách ‘‘Một nước Trung Hoa’’ và cũng chờ đợi phản ứng tương tự của Trung Quốc".
Trong chuyến viếng thăm 9 ngày của đức Đạt Lai Lạt Ma tại bang Arunachal Pradesh, lãnh tụ Phật Giáo có kế hoạch giảng về đạo Phật tại tu viện lịch sử Tawang, được xây dựng từ thế kỷ XVII, và một số nơi khác.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, chuyến đi này sẽ làm "tổn hại nặng nề" quan hệ song phương. Bắc Kinh gọi Đạt Lai Lạt Ma là phần tử chủ trương ly khai, và coi bang đông bắc Ấn Độ này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, vùng đất mà Bắc Kinh gọi là "Nam Tây Tạng".
Theo báo Ấn Độ Hindustan Times, chuyên gia tại một số viện nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh thậm chí có thể có những phản ứng rất mạnh, kể cả về quân sự. Cụ thể là không loại trừ việc đưa quân tràn qua Đường Kiểm Soát Thực Tế ("Line of Actual Control"), tức đường phân định biên giới tạm thời tại các khu vực tranh chấp Ấn Độ và Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể gia tăng hợp tác với láng giềng Pakistan, đối thủ của New Delhi.
Lãnh tụ Phật Giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần trở lại Arunachal Pradesh, kể từ khi ông rời khỏi Tây Tạng vào năm 1959, sau khi Trung Quốc tiến chiếm khu vực này. Lần gần nhất là vào năm 2009. Lần này, đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên gặp lại một người lính biên phòng từng đón ông tại biên giới cách nay gần 60 năm.
Trọng Thành
************************
Đức Đạt Lai Lạt Ma tái ngộ với người lính biên phòng Ấn (VOA, 04/04/2017)
Gần 60 năm sau khi rời bỏ quê hương, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, cuối cùng đã gặp lại người lính biên phòng đã hộ tống Ngài vào lãnh thổ Ấn Độ thời ngài còn là một thanh niên 23 tuổi. Vào năm 1959, sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại chế độ cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cải trang thành một người lính, đi bộ trong hai tuần liên tiếp, vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn để tìm đường sang tị nạn ở Ấn Độ. Thông tín viên Anjana Pasricha của VOA gửi về bài tường trình chi tiết về cuộc hội ngộ vô cùng cảm động này như sau.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt tay với cựu lính biên phòng Ấn Naren Chandra Das, được biết là người hộ tống duy nhất còn sống.
Năm nay 81 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp lại người lính canh biên phòng ngày nào, ông Naren Chandra Das, 79 tuổi, ở thành phố Guwahati, thủ phủ bang Assam, ở đông bắc Ấn Độ, trong một buổi lễ do chính quyền bang Assam tổ chức.
Ôm lấy ông Das, người đã hộ tống Ngài một phần trong cuộc hành trình ở Ấn Độ, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng nói ngài rất vui mừng được gặp ông Das :
Đức Đạt Lai Lạt Ma đùa rằng : "Nhìn gường mặt của anh, tôi nhận ra rằng tôi cũng đã già lắm rồi".
Đó là lời trao đổi đầu tiên giữa hai người. Ông Das hồi tưởng rằng ông và một số lính canh khác hộ tống Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được lệnh không được phép nói chuyện với lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng khi Ngài vượt biên giới vào Ấn Độ. Từ đó, họ chưa gặp lại nhau cho đến mãi bây giờ.
Sau cuộc hội kiến, ông Das nói với các nhà báo rằng ông không sao diễn tả được hết nỗi hân hoan về tình cảm ấm áp mà Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho ông trong cuộc gặp gỡ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma ghé qua thành phố Guwahati trên đường đến thiền viện Tawang nổi tiếng của Phật giáo ở bang Arunachal Pradesh. Ngài nói ngài cảm thấy gắn bó với vùng đất đã làm hồi sinh những ký ức về cuộc đào thoát của ngài khỏi Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại rằng khi đoàn Tây Tạng cử người đến biên giới Ấn Độ, phía Ấn Độ đã đồng ý ngay cho nhóm người tị nạn nhập cảnh.
Hãng tin Press Trust của Ấn Độ trích lời Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại câu chuyện về cuộc hành trình của Ngài như sau :
"Những ngày trước khi đặt chân tới Ấn Độ là khoảng thời gian đầy căng thẳng, mối quan tâm duy nhất là vấn đề an toàn, nhưng tôi đã trải nghiệm thế nào là tự do khi được người dân và các quan chức địa phương đón tiếp nồng hậu, và cuộc đời tôi bắt đầu một chương mới".
Chuyến đi thăm của Đức Đạt Lai Lạt ma đến bang Arunachal Pradesh đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Trung Quốc vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nhân vật đòi ly khai nguy hiểm, nước này đã mạnh mẽ phản đối kế hoạch của chính phủ Ấn Độ đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt ma ở bang Arunachal Pradesh, một bang ven biên giới nhạy cảm đang nằm dưới quyền kiểm soát của New Delhi, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Đáp lại, chính phủ Ấn Độ nói đây là một cuộc viếng thăm có mục đích tôn giáo, và không có tính cách chính trị. Đức Đạt Lai Lạt Ma miêu tả sự chống đối của Trung Quốc là chuyện "bình thường".