Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/12/2019

Tương lai Hồng Kông vẫn bất định sau bầu cử hội đồng địa phương

RFI tiếng Việt

Trưởng đặc khu Hồng Kông lo ngại về hậu quả của luật Nhân Quyền Mỹ (RFI, 03/12/2019)

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng đặc khu Hồng Kông, hôm nay 03/12/2019 cảnh báo đạo luật được Hoa Kỳ ban hành nhằm ủng hộ người biểu tình có thể làm phương hại đến lòng tin của doanh nghiệp, trong lúc phong trào phản kháng đã làm cho nền kinh tế Hồng Kông lâm vào suy thoái.

hk1

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Reuters/Marko Djurica

Phát biểu trước các nhà báo, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông (Hong Kong human rights and democracy Act) gây tác động lên lòng tin của giới kinh doanh, vì họ "lo ngại về các hành động của chính phủ Mỹ trong tương lai". Trưởng đặc khu cũng loan báo sẽ có những biện pháp bổ sung để hỗ trợ cho nền kinh tế Hồng Kông, bên cạnh việc giải ngân tài trợ cho lãnh vực giao thông và du lịch.

Các cuộc biểu tình chống chính quyền làm rung chuyển đặc khu kể từ tháng Sáu đến nay đã khiến nền kinh tế Hồng Kông lần đầu tiên bị suy sụp kể từ 10 năm qua.

Đạo luật được Thượng Viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua (và chỉ có vỏn vẹn 1 phiếu chống trên 417 phiếu tại Hạ Viện), đòi hỏi bộ Ngoại Giao Mỹ phải xét mỗi năm ít nhất một lần xem Hồng Kông có đủ quyền tự quyết hay không. Nếu không, Hồng Kông sẽ không còn được dành cho các đặc quyền trong thương mại với Mỹ - một ưu tiên lâu nay đã giúp cho cựu thuộc địa Anh trở thành trung tâm tài chính thế giới.

Bên cạnh đó theo Hong Kong Free Press, các dân biểu dân chủ đang soạn thảo một dự luật nhằm giảm nhẹ mức phạt dành cho tội danh "tụ tập bất hợp pháp" từ 3 năm còn 6 tháng tù, và tội danh "nổi dậy" từ 10 năm còn 3 năm tù. Để bị kết tội "nổi dậy", số người liên can tối thiểu phải là 12, và phải có chung mục đích, và tội danh này phải do tòa án quyết định.

Thụy My

***************

Người Hồng Kông sang lánh nạn tại Đài Loan tăng gần 30% (RFI, 03/12/2019)

Từ khi khởi đầu các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đến nay, số người Hồng Kông chạy sang Đài Loan tạm trú đã tăng vọt. Theo AFP, trong 9 tháng đầu năm nay, số người Hồng Kông được cấp thẻ tạm trú tại Đài Loan tăng gần 30%. Phải chăng Đài Loan là mảnh đất lành cho dân Hồng Kông lánh nạn ?

hk2

Một cặp vợ chồng Hồng Kông tị nạn đang làm việc trong quán cà phê, tại thành phố Cao Hùng (Kaohsiung), Đài Loan. Ảnh chụp ngày 13/11/2019. Sam Yeh / AFP

Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre gởi về bài phóng sự :

"Liệu một ngày nào đó Đài Loan sẽ trở thành nơi tị nạn cho những người Hồng Kông bị Trung Quốc đe dọa ? Chỉ cách đặc khu có một giờ bay, câu hỏi này đã được nghiêm túc đặt ra. Nhưng vấn đề là Đài Loan không có luật tị nạn.

Yu Fan Chen, phát ngôn viên của một tập thể luật sư chuyên hỗ trợ người Hồng Kông tị nạn ở Đài Loan, cho biết : Theo các quy định hiện nay, rất hiếm có người được cấp giấy phép cư trú vì lý do chính trị. Chúng tôi đòi hỏi một luật di trú thực sự của Đài Loan, một đạo luật có thể áp dụng cho những người bị đe dọa vì quan điểm của họ, cho dù đó là người Hồng Kông, Trung Quốc, Tây Tạng hoặc bất kỳ nước nào khác.

Trong quá khứ, nhiều dự luật tị nạn có mục đích đón nhận các nhà ly khai Tây Tạng đã bị Quốc hội Đài Loan bác bỏ.

Hiện nay Đài Loan đang trong chiến dịch tranh cử, và đảng Dân Tiến cầm quyền muốn tránh đặt ra vấn đề này một lần nữa. Lý Yến Dong (Yen Jong Lee), phát ngôn viên của đảng Dân Tiến, nói : Chúng tôi liệu đã sẵn sàng để nhận hết những người này hay chưa ? Còn phải xem lại hệ thống y tế, xã hội… nhưng vấn đề còn là quan hệ giữa Đài Loan với Hồng Kông, với Trung Quốc. Đó là một chủ đề nhạy cảm.

Theo các tổ chức phi chính phủ, chỉ có vài trăm người Hồng Kông chạy sang Đài Loan vì lý do chính trị. Hầu hết trong số này hiện vẫn muốn quay về Hồng Kông tiếp tục tranh đấu".

Thụy My

*******************

Hồng Kông thâm thủng ngân sách vì thương chiến Mỹ-Trung và biểu tình (RFI, 02/12/2019)

Lãnh đạo tài chính Hồng Kông ngày 02/12/2019 cảnh báo nguy cơ thâm thủng ngân sách lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, do hai cú sốc kép : Các cuộc biểu tình đòi dân chủ và thương chiến Mỹ - Trung.

hk3

Người biểu tình cầm cờ Mỹ tại quảng trường Edinburgh, Hồng Kông ngày 28/11/2019 để cảm ơn việc Hoa Kỳ thông qua dự luật nhân quyền Hồng Kông. Reuters/Thomas Peter

Bộ trưởng Tài Chính Hồng Kông Paul Chan trước các nghị viên cho biết, tăng trưởng kinh tế của lãnh thổ này bị thu hẹp chỉ còn ở mức 1,3% cho năm 2019 đã tác động mạnh đến "két tiền" của chính phủ vốn dĩ luôn đầy ắp.

Năm tài chính 2019-2020, ngân sách bị thâm thủng do nguồn thu từ thuế giảm, các hoạt động kinh doanh tại đặc khu bị chựng lại và do các chính sách hỗ trợ kinh tế mà chính phủ vừa ban hành nhằm chinh phục công luận trong một năm đầy biến động.

Vẫn theo ông Chan, tình hình kinh tế Hồng Kông trong báo động đỏ, "trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn", do vậy, ông kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực. Các cuộc biểu tình từ 6 tháng qua đã làm giảm mạnh dòng du khách đến đảo (46%), khiến cho các hoạt động kinh doanh bán lẻ bị tụt giảm thê thảm.

Tuy nhiên, theo AFP, đặc khu hành chính này còn hứng chịu những tác động từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung kéo dài gần hai năm qua. Hồng Kông là điểm kết nối giữa Trung Hoa lục địa với các thị trường tài chính thế giới.

Lần thâm thủng ngân sách gần đây nhất của Hồng Kông là vào năm 2003, sau một trận dịch cúm gà chết người SARS làm 300 người chết.

Hưu chiến chấm dứt, cảnh sát lại dùng hơi cay

Một tuần yên tĩnh sau cuộc bầu cử địa phương đã chấm dứt. Hôm 01/12/2019, cảnh sát Hồng Kông lại dùng hơi cay để giải tán người biểu tình chống chính phủ.

Theo mô tả của Reuters, cảnh sát đã bắn thẳng hơi cay vào đoàn người biểu tình tại Kowloon, khu vực có nhiều khách sạn hạng sang và trung tâm thương mại. Nhiều vụ bắt bớ cũng đã được tiến hành.

Bất chấp kết quả bầu cử địa phương hôm Chủ Nhật 24/11/2019 mà phần thắng nghiêng về phe Dân Chủ, những người phản đối cho biết sẽ tiếp tục xuống đường trong tuần tới, mà cuộc hẹn sắp tới là 08/12/2019.

Minh Anh

****************

Trung Quốc tố cáo Liên Hiệp Quốc can dự chuyện nội bộ Hồng Kông (RFI, 01/12/2019)

Ngày 30/11/2019, Bắc Kinh lên án lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, đã có những can thiệp "không phù hợp" vào chuyện nội bộ Hồng Kông.

hk4

Nhiều người dân Hồng Kông tập hợp gần đại sứ quán Mỹ, giương cao cờ Mỹ để tỏ lòng cảm ơn sự ủng hộ của Washington, ngày 01/12/2019. Reuters/Thomas Peter

Đoàn ngoại giao của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc cho rằng bà Michelle Bachelet đang gây áp lực với chính quyền đặc khu Hồng Kông và có những lời lẽ "chỉ kích động thêm những người gây bạo động lao vào những hành động ngày càng bạo lực hơn".

Bắc Kinh có những lời chỉ trích này sau khi lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền có một bài viết đăng trên tờ South China Morning Post hôm thứ Bảy 30/11, cho rằng chính phủ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nên ưu tiên cho một cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Michelle Bachelet còn hối thúc chính quyền đặc khu nên mở "một cuộc điều tra độc lập và không thiên vị do một thẩm phán tiến hành" về hành vi bạo lực của cảnh sát nhắm vào những người biểu tình. Đây cũng chính là một trong những đòi hỏi chính yếu của những người biểu tình ủng hộ dân chủ trong suốt nhiều tháng qua.

Biểu tình "cảm ơn" Donald Trump

Tại Hồng Kông, hai cuộc biểu tình diễn ra sáng Chủ Nhật 01/12/2019 gần lãnh sự quán Mỹ, nhằm phản đối cảnh sát dùng khí hơi cay và cũng là để "cảm ơn" Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về Nhân quyền và tự do cho Hồng Kông.

Từ đặc khu hành chính, đặc phái viên đài RFI Stephane Lagarde tường thuật :

"Đó chỉ là bước khởi đầu. Hãy tiếp tục cuộc chiến ! Các nhà tổ chức dường như muốn tận dụng kết quả cuộc bỏ phiếu đông đảo dành cho phe ủng hộ dân chủ, được tổ chức cách nay một tuần trong cuộc bầu cử cấp quận huyện, để kêu gọi tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc biểu tình lớn và ôn hòa.

Giống như hồi tháng Sáu và tháng Tám năm 2019, xe nôi trẻ em và các hộ gia đình rất được trông đợi tại khu Tsim Sha Tsoi. Người về hưu cũng vậy, hôm qua, họ có mặt trên nhiều nẻo đường, bên cạnh những người trẻ tuổi phản đối chính quyền.

Cuộc tuần hành tại khu đại học Bách Khoa (PolyU), từng bị sinh viên chiếm đóng trong hai tuần vừa qua, cũng được phép. Mạng lưới LIHKJ, chuyên chia sẻ thông tin cuộc biểu tình, kêu gọi : ʺXin các bạn hãy cố gắng kềm chế trong khi biểu tình. Hãy tỏ ra 100% hợp lý và không có bạo lực !ʺ

Mục tiêu cuộc tuần hành là nhắc lại 5 yêu cầu chính : Chính quyền từ bỏ việc truy tố những người biểu tình bị bắt, lãnh đạo đặc khu từ chức, tổ chức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu hay lập ủy ban điều tra độc lập về hành động bạo lực của cảnh sát …

Bởi vì cho đến lúc này, cuộc bầu cử địa phương, vốn được xem như là một cuộc trưng cầu dân ý, vẫn chưa mang lại một lời đáp thỏa đáng như đánh giá của những người phản đối. Chính quyền đặc khu chỉ đơn giản cho biết sẽ lập một ủy ban độc lập để tìm hiểu nguồn cội cuộc khủng hoảng".

Trung Quốc bắt giữ hai người "xâm phạm an ninh quốc gia"

Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin từ nhật báo đảng Cộng Sản tỉnh Quảng Đông, ngày 30/11/2019, xác nhận việc bắt giữ một người Belize và một người Đài Loan.

Người thứ nhất là ông Lee Henley Hu Xiang, một doanh nhân quốc tịch Belize, sinh sống tại Trung Quốc, bị nghi ngờ cung cấp tài chính cho các "thế lực thù địch" tại Mỹ, gây tổn hại cho an ninh quốc gia. Ông này còn bị cáo buộc ủng hộ các hoạt động gây hỗn loạn tại Hồng Kông. Báo đảng Trung Quốc xác nhận công dân Belize bị bắt hôm 26/11/2019 tại Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.

Người thứ hai bị bắt hôm 31/10/2019 là một người Đài Loan, ông Lee Meng-Chu, ở Thâm Quyến. Ông bị nghi ngờ là đã đánh cắp và tiết lộ bí mật quốc gia cho các thế lực nước ngoài, sau một chuyến đi Hồng Kông nhằm ủng hộ phong trào "chống Trung Quốc".

Bản tin của hãng thông tấn Đài Loan Central News Agency nói rõ thêm là người đàn ông này, nhà cố vấn cho một thành phố nhỏ của Đài Loan, đã mất tích hôm 19/08/2019, sau chuyến đi đến Thâm Quyến. Ông đã cung cấp nhiều hình ảnh về cuộc biểu tình ở Hồng Kông và các cuộc tập hợp của lực lượng cảnh sát Trung Quốc ngay sát biên giới trước khi mất tích.

Phát ngôn viên Văn phòng Đại diện Đài Loan quan ngại người này có nguy cơ phải đối mặt với cáo buộc "tham gia các hành vi tội phạm đe dọa an ninh đất nước".

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)