Người cao tuổi Hong Kong đổ ra đường biểu tình ủng hộ học sinh (VOA, 01/12/2019)
Học sinh trung học cấp hai và người về hưu cùng nhau biểu tình ở Hong Kong vào thứ Bảy. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong số nhiều cuộc biểu tình cuối tuần được lên kế hoạch diễn ra khắp thành phố trong khi các nhà hoạt động dân chủ tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại điều mà họ nói là sự tàn bạo của cảnh sát và những vụ bắt giữ bất hợp pháp.
Người biểu tình giơ tay trong khi họ hát theo ca khúc biểu tình "Glory to Hong Kong" trong một cuộc tập hợp ở khu Trung Hoàn của Hong Kong, ngày 30/11/2019.
Một quan chức hàng đầu của Hong Kong cho biết chính phủ đang xem xét thành lập một ủy ban độc lập để thẩm xét việc xử lí cuộc khủng hoảng này mà trong đó các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực kể từ khi bùng lên hơn năm tháng trước.
Hong Kong tương đối yên ổn mấy ngày qua kể từ khi các cuộc bầu cử địa phương vào tuần trước mang về chiến thắng áp đảo cho các ứng cử viên ủng hộ dân chủ. Nhưng các nhà hoạt động dường như muốn duy trì động lực của phong trào biểu tình.
Người biểu tình tức giận về điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào các quyền tự do đã được hứa hẹn khi Anh trao trả lại Hong Kong cho Bắc Kinh cai trị vào năm 1997.
Mặc dù các cuộc biểu tình được khơi mào bởi một dự luật dẫn độ mà sau đó đã bị hủy bỏ, những người biểu tình giờ đang đưa ra "ngũ đại tố cầu" (năm đòi hỏi lớn) bao gồm quyền phổ thông đầu phiếu trong việc lựa chọn người lãnh đạo thành phố và một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng vũ lực.
Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp và nói rằng họ cam kết tuân theo công thức "nhất quốc lưỡng chế" được áp dụng cho trung tâm tài chính Châu Á này vào năm 1997. Bắc Kinh quy trách các lực lượng nước ngoài kích động bất ổn.
Người dân tụ tập để tưởng niệm vào ngày thứ Bảy bên ngoài nhà ga đường sắt Prince Edward, nơi một số người dân tin rằng những người biểu tình đã bị cảnh sát giết chết ba tháng trước. Cảnh sát phủ nhận điều này.
Trong khu vực vịnh Cửu Long, vài trăm người biểu tình đứng cạnh nhau thành một hàng và nắm tay nhau.
Hôm thứ Bảy, tờ báo của Đảng cộng sản ở thành phố Quảng Châu thuộc miền nam Trung Quốc cho biết cảnh sát đã bắt giữ một công dân Belize vì cáo buộc thông đồng với những người ở Mỹ để can thiệp vào những việc ở Hong Kong.
Chính quyền thành phố Hong Kong đang cân nhắc thành lập một ủy ban độc lập để duyệt lại cách thức họ xử lí cuộc khủng hoảng, Matthew Cheung, Ti trưởng Ti Chính vụ, nói với các phóng viên khi được hỏi về một ủy ban thẩm xét độc lập.
Một số người chỉ trích trên mạng xã hội nói rằng một ủy ban như vậy chưa đáp ứng được đòi hỏi của họ về một cuộc điều tra độc lập.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet, cũng kêu gọi một cuộc điều tra về các cáo buộc cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá trong một bài bình luận đăng trên báo The South China Morning Post vào ngày thứ Bảy.
******************
Hồng Kông : Người về hưu xuống đường ủng hộ sinh viên (RFI, 30/11/2019)
Những người về hưu Hồng Kông hôm nay 30/11/2019 tham gia cuộc biểu tình tố cáo bạo lực cảnh sát và các vụ bắt người trái phép.
Người già Hồng Kông xuống đường ủng hộ giới trẻ đòi tự do và dân chủ ngày 08/09/2019. BFMTV
Sau một tuần lễ tương đối yên tĩnh với chiến thắng lịch sử của các ứng cử viên dân chủ trong cuộc bầu cử địa phương Chủ nhật tuần trước, Hồng Kông chuẩn bị biểu tình ngày cuối tuần. Một phụ nữ 71 tuổi nói với Reuters : "Tôi đã tham gia cuộc biểu tình ôn hòa hồi tháng Sáu với hơn một triệu người, nhưng chính quyền không lắng nghe các đòi hỏi của người dân".
Bà mang theo một chiếc ghế nhựa để hòa vào cuộc biểu tình nhiều thế hệ tại Charter Garden. Những người về hưu, một số chống gậy, đứng cạnh những người biểu tình trẻ hơn mặc toàn đồ đen, lắng nghe những bài diễn văn ủng hộ dân chủ trong không khí lễ hội vui tươi.
Ông Ponn, đi biểu tình cùng với con gái và con rể, tâm sự : "Tôi chứng kiến rất nhiều vụ cảnh sát sử dụng bạo lực, bắt bớ vô cớ. Đó không phải là Hồng Kông của chúng tôi lâu nay. Tôi đến đây hôm nay vì muốn chính quyền biết rằng người dân không hài lòng trước những gì họ đã làm với thế hệ chúng tôi".
Từ hơn năm tháng qua, Hồng Kông rúng động với phong trào phản kháng nhằm tố cáo ảnh hưởng của Trung Quốc, đòi hỏi phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ. Người biểu tình cũng đòi điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Tuần trước khoảng 1.100 người đã bị bắt tại trường đại học Bách Khoa trên bán đảo Cửu Long, nơi diễn ra những vụ đối đầu vào giữa tháng 11.
Cựu tổng thống Chile nay là cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Michelle Bachelet, hôm nay cho rằng một cuộc điều tra độc lập là cần thiết nhằm tái lập lòng tin. Chính quyền Hồng Kông tuyên bố đang chuẩn bị thành lập một ủy ban điều tra về việc xử lý khủng hoảng.
Tờ báo của Đảng cộng sản Quảng Đông cho biết Trung Quốc đã bắt một công dân của nước Trung Mỹ Belize, vì nghi ngờ đã âm mưu với những người ở Hoa Kỳ để can thiệp vào Hồng Kông. Báo này cũng xác nhận vụ bắt giữ công dân Đài Loan Lý Mạnh Cư (Lee Meng Chu) hôm 31/10 vì cáo buộc đánh cắp và tiết lộ bí mật nhà nước cho nước ngoài. Ông Lý là một tình nguyện viên đã mất tích sau khi công bố các hình ảnh quân đội Trung Quốc tập trung đông đảo gần biên giới Hồng Kông.
Thụy My
******************
Ngày mà "Bác Tập" bị Hồng Kông làm mất mặt (RFI, 30/11/2019)
Trên tuần báo Le Point số ghi ngày 28/11/2019, nhà bình luậnLuc de Barochez đã phân tích tác động của tình hình Hồng Kông trên Trung Quốc trong một bài phân tích dài mang tựa đề "Ngày mà "Bác Tập" bị mất mặt" và ghi nhận rằng uy quyền của nhân vật số 1 Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị thách thức nghiêm trọng sau gần sáu tháng biểu tình ở Hồng Kông, và nhất là sau chiến thắng áp đảo của phe dân chủ trong cuộc bầu cử cấp huyện ngày 24/11.
Dân Hồng Kông nô nức đi bầu và sẽ giáng cho Bắc Kinh một đòn đau. Ảnh chụp ngày 24/11/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Theo Le Point, sự bất lực của ông Tập Cận Bình trong việc áp đặt quyền khống chế của Bắc Kinh trên vùng lãnh thổ bán tự trị này khiến ông có nguy cơ không hoàn thành được những mục tiêu đề ra.
Hồng Kông là thất bại đầu tiên của ông Tập từ khi lên nắm quyền năm 2012. Giấc mơ của ông về sự "hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Hoa" đã bị lu mờ, thậm chí bất thành. Đối với nhà bình luận của Le Point, "Bác Tâp", như ông thích người ta gọi ông, đã bị rơi xuống khỏi tượng đài của mình.
Bầu cử cấp huyện tại Hồng Kông : Cái tát chưa từng thấy
Tác giả bài viết nhắc lại khá gay gắt: Vào đầu năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc được hoan nghênh ở Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, được chào đón như một cột trụ của trật tự quốc tế, có năng lực giúp giảm nhẹ cú sốc sau cơn "địa chấn" phát sinh từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với thắng lợi của ông Trump.
Thế nhưng không đầy 3 năm sau thì người dân Hồng Kông đã giáng cho ông một cái tát tai chưa từng thấy khi ồ ạt bỏ phiếu cho phe đối lập hôm 24/11. Hệ quả chính trị của sự kiên này chỉ giới hạn thôi vì đó chỉ là một cuộc bầu cử địa phương, ở một vùng lãnh thổ đã trở về dưới trướng Trung Quốc từ 22 năm nay. Nhưng giá trị biểu tượng của sự kiện thì rất to lớn.
Chuyên gia Pháp Philippe le Corre mà bài viết trích dẫn, đã nhận định như sau : "Khi người ta cho dân chúng quyền được phát biểu, thì họ bỏ phiếu chống chính quyền trung ương. Đa số ứng cử viên của Bắc Kinh đều bị mất ghế và gần 3 triệu người Hồng Kông đi bỏ phiếu : Quả là điều chưa từng thấy. Kết quả này cho thấy thế mong manh của guồng máy Tập Cận Bình tại các vùng phiên trấn của Trung Quốc".
Các cuộc biểu tình liên tục tại Hồng Kông đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới, không kém gì chính sách bành trướng mọi mặt của Tập Cận Bình, cũng như việc kiểm soát dân chúng và chính sách đồng hóa "không thương tiếc" nhắm vào thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương.
Bài viết nhắc rằng đề án lớn của Tập Cận Bình là hoàn toàn hòa nhập Hồng Kông và Macao, mở màn cho việc kéo Đài Loan về dưới trướng Trung Quốc chậm lắm là nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tức vào năm 2049.
Tại Đại hội Đảng vào tháng 10/2017, chủ tịch Trung Quốc đã khoe rằng : Từ khi Hồng Kông và Macao trở về với Tổ Quốc, việc áp dụng nguyên tắc "một đất nước hai chế độ" ở hai vùng lãnh thổ này là một thành công vang dội".
Le Point nhận thấy là thực tế đã phủ nhận những lời này. Người dân Hông Kông, trên đường phố và bằng lá phiếu, đã cho thấy là sự tự do chính trị của họ quý báu hơn là việc sát nhập với Hoa Lục. Và nếu Đảng cộng sản Trung Quốc không nắm được Hồng Kông thì làm sao có thể một ngày nào đó thôn tính được Đài Loan và số 24 triệu dân tại đó, trừ phi là dùng đến vũ lực ?
Hồng Kông củng cố quan điểm của Đài Loan
Khủng hoảng ở Hồng Kông càng làm cho người Đài Loan cảm nhận rằng họ có bản sắc riêng biệt, đồng thời thêm củi thêm lửa cho những người muốn độc lập như tổng thống Thái Anh Văn đang ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ hai. Theo chuyên gia Philippe Le Corre, những gì đang xẩy ra rất thuận lợi cho bà Thái Anh Văn.
Bắc Kinh thì ngược lại đang ở trong một tình thế rất tế nhị. Bài học có thể rút ra được từ các diễn biến ở Hồng Kông, là nước Trung Quốc của ông Tập Cận Bình không còn làm ai mơ tưởng nữa, kể cả những người dân của Trung Quốc.
Trước tình hình này chọn lựa của Bắc Kinh khá giới hạn. Chính quyền trung ương không muốn rơi vào vết xe đổ của vụ thảm sát Thiên An Môn, cách đây 30 năm, đã làm cả thế giới phẫn nộ. Hậu thuẫn của Quốc Hội Mỹ dành cho sinh viên Hồng Kông có trọng lượng trên bàn cân cho dù ông Trump có tính khí khó lường và Châu Âu thì im hơi lặng tiếng.
Ngoài ra, sự phồn thịnh của kinh tế Trung Quốc cũng dựa vào sức khỏe của Hồng Kông, nơi tiếp xúc giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Gần một nửa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc năm 2018, là qua ngã Hồng Kông. Cho nên Bắc Kinh phải thận trọng. Thế nhưng, mặt khác, chính quyền trung ương không thể cho virus dân chủ lan qua Hoa Lục.
Bài báo cho là Tập Cận Bình nên đọc lại Tôn Tử, thế kỷ III trước công nguyên, thời Chiến Quốc, vốn đã viết rằng : "Vua là thuyền, dân là nước. Nước nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền".
Và nhà bình luận của Le Point kết luận: Kể từ giờ, chính quyền Trung Quốc đang đi vào vùng sóng to gió lớn.
Thụy My
******************
Cảnh sát Hong Kong rút khỏi Đại học Bách khoa (VOA, 29/11/2019)
Cảnh sát Hong Kong hôm 29/11 đã rút khỏi đống đổ nát trong khuôn viên Đại học Bách khoa vốn đã bị hư hại sau nhiều tuần đụng độ, trong khi các nhà hoạt động dân chủ đã thảo luận trên mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình nữa vào mỗi cuối tuần.
Một viên cảnh sát đang thu thập bằng chứng trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hong Kong
Các giảng viên cao cấp của Đại học Bách khoa Hong Kong đã đi thăm khuôn viên trường sau khi cảnh sát rời đi, ghé qua căng-tin, vận động trường và kiểm tra các cửa sổ bị vỡ và đống rào chắn bị cháy thành than.
Sau hơn năm tháng biểu tình ngày càng bạo lực, Hong Kong đã tương đối tĩnh lặng kể từ cuộc bầu cử địa phương hôm 24/11 mà khi đó các ứng cử viên thuộc phe dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo.
Các nhà hoạt động đang cố gắng giữ nhiệt cho phong trào, sau khi giành được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự hậu thuẫn này đã làm cho thế giới quan tâm trở lại tình hình của trung tâm tài chính Châu Á và khiến Bắc Kinh đưa ra những cảnh báo gay gắt.
"Nhiều phòng học, phòng thí nghiệm và thư viện đã bị phá hủy. Mặc dù vậy, không có tổn thất nhân mạng. Chúng tôi nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách nhân đạo", hiệu trưởng trường, ông Đằng Cẩm Quang, nói với các phóng viên.
Ông cho biết hơn 1.000 người biểu tình đã rời khỏi trường trong hai tuần qua. Mặc dù chịu thiệt hại rất lớn, ông nói ông tự tin rằng học kỳ tiếp theo sẽ bắt đầu đúng lịch trình.
Bắc Kinh cảnh báo Washington họ sẽ có ‘các biện pháp đáp trả mạnh mẽ’ sau khi ông Trump hôm 27/11 đã ký thành luật dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong đã được Quốc hội thông qua.
Trong chuyến thăm tới Bangkok hôm 29/11, Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Carrie Lam đã cố gắng trấn an chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan rằng Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính hấp dẫn.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ kể từ tháng 6 đã làm rung chuyển thuộc địa cũ của Anh này, có khi đã buộc các doanh nghiệp, cơ quan chính quyền, trường học và thậm chí là sân bay quốc tế phải đóng cửa.
Những người biểu tình có kế hoạch tập trung tại lãnh sự quán Anh lúc 7 giờ tối hôm 29/11 để kêu gọi chính phủ Anh bảo vệ công dân của họ làm việc tại Hong Kong.
Trước đó, một cựu nhân viên lãnh sự quán Anh, ông Simon Cheng, cho biết ông đã bị cảnh sát chìm của Trung Quốc đánh, không cho ông ngủ và xiềng xích ông để nhằm buộc ông cung cấp thông tin về các nhà hoạt động dẫn đầu các cuộc biểu tình.
Áp phích kêu gọi cuộc tập hợp vào ngày 29/11 bao gồm những khẩu hiệu như "Tất cả chúng ta có thể là Simon". Cheng là một công dân Hong Kong làm việc cho chính phủ Anh trong gần hai năm.
"Tự do đang trong tình thế hiểm nghèo. Hãy bảo vệ tự do bằng tất cả sức lực. Chiến đấu cho tự do. Sát cánh với Hong Kong", một băng rôn khác ghi.
Các cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch cho dịp cuối tuần bao gồm một cuộc tập hợp của học sinh cấp hai, một cuộc tuần hành để phản đối cảnh sát phun hơi cay gần trẻ em và một ‘cuộc tuần hành biết ơn’ tiến đến lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Một cuộc tuần hành đã được Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nhóm đứng ra tổ chức các cuộc tuần hành với hàng triệu người tham gia vào tháng 6, lên kế hoạch vào ngày 8/12. Cuộc tuần hành này được cho sẽ là ‘thước đo tốt nhất’ về mức độ ủng hộ mà phong trào dân chủ vẫn còn duy trì được.
Trước đó, hàng trăm cảnh sát đã vào khuôn viên trường để thu thập chứng cứ cũng như tháo dỡ các món đồ nguy hiểm, trong đó có hàng ngàn bom xăng, tên bắn và hóa chất vương vãi khắp nơi.
"Môi trường hiện tại trong khuôn viên trường vẫn không an toàn, và công việc dọn dẹp, kiểm tra và phục hồi hàng sẽ mất thời gian", Đại học Bách khoa ra thông cáo nói và cho biết hàng rào cảnh sát đã được dỡ bỏ.
Nằm trên bán đảo Cửu Long, ngôi trường này đã trở thành bãi chiến trường vào giữa tháng 11, khi những người biểu tình dựng rào chắn và đụng độ với cảnh sát chống bạo động với bom xăng, vòi rồng và hơi cay đã được sử dụng. Khoảng 1.100 người đã bị bắt hồi tuần trước, một số người trong số đó bị bắt trong khi tìm cách trốn thoát.
Cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy hơn 3.000 bom xăng và hàng trăm chai chất lỏng ăn mòn ở trong khuôn viên trường.