Tại tòa Liên Hiệp Quốc, bà Suu Kyi bác bỏ cáo buộc về diệt chủng người Rohingya (VOA, 11/12/2019)
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi hôm thứ Tư 11/12 bác bỏ các cáo buộc về tội diệt chủng xảy ra ở nước bà, nhằm vào người Hồi giáo Rohingya thiểu số. Bà nói những cáo buộc đó chứa thông tin "không đầy đủ và gây hiểu nhầm", và cho rằng lẽ ra không nên có phiên xét xử này ở tòa án tối cao của Liên Hiệp Quốc.
Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu tại tòa Liên Hiệp Quốc ở La Haye hôm 11/12
Bà Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, phản bác các cáo buộc nêu ra trong đơn kiện do Gambia trình lên ra hồi tháng trước. Gambia cáo buộc Myanmar vi phạm Công ước 1948 về tội diệt chủng.
Bà Suu Kyi phát biểu khoảng 30 phút tại phòng xử án ở La Haye để bào chữa cho hành động của quân đội Myanmar.
Bà nói chiến dịch tiễu trừ do quân đội thực hiện tại bang Rakhine ở miền nam vào tháng 8/2017 là hoạt động chống khủng bố và đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya đánh vào hàng chục đồn cảnh sát.
Tuy bà Suu Kyi thừa nhận rằng lực lượng quân sự có lẽ không cân xứng và có thường dân bị thiệt mạng, song bà nói rằng các hành vi này không cấu thành tội diệt chủng.
Hơn 730.000 người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar đến Bangladesh sau khi quân đội tiến hành đàn áp.
Hôm thứ Ba 10/12, các luật sư đại diện cho Gambia đã trình bày với hình ảnh chi tiết cho thấy nỗi thống khổ mà người Rohingya phải chịu do lực lượng an ninh Myanmar gây ra.
Trong ba ngày điều trần tuần này, các thẩm phán nghe tranh tụng về giai đoạn 1 của vụ kiện : Gambia đề nghị có biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn hành động của Myanmar để bảo vệ người Rohingya cho đến khi vụ kiện được xét xử đầy đủ.
Gambia lập luận rằng mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện công ước về ngăn chặn nạn diệt chủng diễn ra. Gambia nhận được sự ủng hộ chính trị từ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gồm 57 thành viên, Canada và Hà Lan.
****************
Bà Suu Kyi ra tòa Liên Hiệp Quốc bảo vệ Myanmar về tội diệt chủng (VOA, 10/12/2019)
Bà Aung San Suu Kyi hôm 10/12 đã ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở La Haye, Hà Lan, để bảo vệ cho đất nước Myanmar của bà bị cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya, theo Reuters.
Bà Aung San Suu Kyi hôm 10/12 đã ra Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở La Haye, Hà Lan.
Gambia, một quốc gia nhỏ có đông dân theo đạo Hồi ở Châu Phi, đã khởi động các thủ tục tố tụng đưa vụ việc ra tòa quốc tế từ tháng 11, cáo buộc Myanmar vi phạm nghĩa vụ theo Công ước Diệt chủng năm 1948 mà Myanmar là thành viên.
Trong phiên tòa dài ba ngày, bà Suu Kyi, người được giải Nobel Hòa bình, dự kiến sẽ lập lại bác bỏ tội diệt chủng và cho rằng các hoạt động quân sự được đề cập là một phản ứng chống khủng bố hợp pháp đối với các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya.
Bên ngoài tòa án La Haye, hàng chục người Rohingya đã biểu tình đòi công lý cho các nạn nhân. Trong khi đó tại Yangon, thủ đô thương mại của Myanmar, hàng ngàn người biểu tình ủng hộ bà Suu Kyi, vẫy cờ quốc gia khi họ hô vang : "Bảo vệ phẩm giá của đất nước, hãy đồng hành cùng Mẹ Suu", cũng theo Reuters.
Gambia lập luận rằng các lực lượng an ninh của Myanmar đã hành động tàn bạo trên quy mô lớn và có hệ thống trong suốt thời gian mà họ gọi là hoạt động "giải phóng mặt bằng", cấu thành tội diệt chủng từ tháng 8/2017.
Hơn 730.000 người Rohingya đã trốn chạy khỏi Myanmar sau cuộc đàn áp của quân đội. Họ đang ở trong các trại tị nạn bên Bangladesh giáp với Myanmar.
Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cho biết chiến dịch quân sự của Myanmar đã được thực hiện với ý định diệt chủng người Hồi giáo.
Myanmar trước đây đã bác bỏ gần như tất cả các cáo buộc của những người tị nạn chống lại quân đội của họ, bao gồm cưỡng hiếp tập thể, giết người và đốt phá, và hứa sẽ trừng phạt bất kỳ binh sĩ nào liên quan đến những gì họ nói là những trường hợp sai trái.