Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/12/2019

Hoa Kỳ tái xác định vai trò lãnh đạo khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương

Tổng hợp

Hoa Kỳ thực hiện 85 cuộc tập trận chung với các nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2019 (RFA, 15/12/2019)

Hoa Kỳ đã thực hiện ít nhất 85 cuộc tập trận chung với các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2019, theo một báo cáo mới được công bố của Sáng kiến Nghiên cứu tình hình Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Đại học về nghiên cứu Đại Dương Bắc Kinh.

bien1

Hình do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp hôm 15/9/2019 : Lính Hải quân Hoa Kỳ cùng tàu chiến diễn tập cùng các nước ASEAN ở vùng Vịnh Thái Lan hôm 5/9/2019 - AFP - Hình minh hoạ.

Báo cáo được công bố một ngày sau khi Tham mưu trưởng Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John C. Aquilino vào ngày 13/12 lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, đồng thời cam kết duy trì sự có mặt của Mỹ ở khu vực chiến lược này.

Theo báo cáo của SCSPI, những cuộc tập trận của Mỹ diễn ra từ tháng 1 đến tháng 11 dù có quy mô khác nhau nhưng đều nhắm vào một mục tiêu là mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực và gia tăng khả năng quốc phòng cho các đồng minh của Mỹ.

Báo cáo đánh giá Hoa Kỳ sẽ có thể diễn tập nhiều hơn vào khả năng tác chiến quan trọng để xử lý các vấn đề được coi là mối đe dọa cho an ninh của khu vực.

Cũng theo báo cáo này, Philippines là nước có nhiều cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ nhất với 16 cuộc, tiếp theo là Thái Lan với 9 cuộc, Singapore có 6 cuộc tập trận chung với Mỹ.

Hoa Kỳ ngoài ra cũng đã mời các đồng minh khác trong khu vực tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia, mà báo cáo gọi là "lôi kéo các quốc gia vào vấn đề".

Vào tháng 9 năm nay, Hoa Kỳ và ASEAN cũng đã có cuộc diễn tập chung đầu tiên ở ngoài khơi Vịnh Thái Lan và gần khu vực mũi Cà Mau của Việt Nam.

******************

Biển Đông : Mỹ - Nhật lên án Bắc Kinh đe dọa an ninh các nước láng giềng (RFI, 15/12/2019)

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ từ Bangkok, bộ trưởng quốc phòng Nhật từ Doha, trước sau vài tiếng đồng hồ, lên án đích danh Bắc Kinh sử dụng sức mạnh vũ khí và các căn cứ quân sự ở Biển Đông để áp chế các quốc gia trong vùng. Đô đốc John Aquillino cho biết không để yên cho Trung Quốc thao túng, bộ trưởng Taro Kono cảnh báo những kẻ gieo gió sẽ gặt bão.

bien2

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Mark Esper (trái) bắt tay đồng nhiệm Nhật, Taro Kono tại cuộc họp ở Bangkok ngày 18/11/2019. @The Yomiuri Shimbun

Trước hết theo AP, trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok hôm 13/12/2019, đô đốc tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương John Aquillino nhận định các hoạt động quân sự của Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền và xây dựng phi trường, đưa máy bay quân sự ra các đảo đá ở Biển Đông với mục tiêu tối hậu là "bức hiếp và hù dọa các nước trong vùng". Đô đốc John Aquillino tuyên bố thêm là "Mỹ không muốn tranh hùng với Trung Quốc" nhưng "sẽ hợp tác nơi nào hợp tác được và tranh đấu nếu cần phải tranh đấu" để bảo đảm hòa bình cho các quốc gia "chia sẻ những giá trị cùng với Mỹ".

Vài giờ sau, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, khi phát biểu tại một cuộc hội thảo về an ninh tại Qatar, cũng cho rằng Trung Quốc âm mưu khống chế Biển Đông. Bắc Kinh đơn phương phá hoại nguyên trạng trật tự thế giới, gia tăng võ trang kể cả vũ khí hạt nhân một cách thiếu minh bạch. Theo bộ trưởng quốc phòng Nhật, những kẻ âm mưu bành trướng bằng quân sự phải trả giá.

Trong năm 2019, Hoa Kỳ và các nước đồng minh Châu Á không thụ động. Báo Hồng Kông, China Morning Post, trích dẫn một bản báo cáo thường niên của một nhóm chuyên gia Trung Quốc thuộc đại học Bắc Kinh thì trong năm sắp kết thúc, hải quân Mỹ đã tiến hành "85 cuộc tập trận quân sự" với hầu hết các nước khu vực từ Singapore,Thái Lan, Philippines, Ấn độ, Nhật Bản cho đến Úc. Theo các chuyên gia Trung Quốc, các cuộc tập trận này nhằm giúp hải quân Mỹ "có nhiều đồng minh hơn và chuẩn bị tác chiến tốt hơn".

Tú Anh

*******************

Lầu Năm Góc : Trung Quốc là ưu tiên quân sự hàng đầu của Mỹ (RFI, 14/12/2019)

Trong khi về mặt thương mại căng thẳng Mỹ - Trung đang giảm bớt, thì về mặt quân sự, lãnh đạo Lầu Năm Góc lại khẳng định Trung Quốc nay đã qua mặt Nga để trở thành ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ.

bien3

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper (đầu bên trái) trong một hội nghị tại Washington ngày 11/12/2019. Reuters/Mary F. Calvert

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ( Council on Foreign Relations ), ở New York, hôm qua, 13/12/2019, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã lên án Trung Quốc phá hoại luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn.

Ông tuyên bố : "Ngày nay, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà Hoa Kỳ và các các đồng minh đã dày công xây dựng đang bị thử thách. Trung Quốc thứ nhất và Nga thứ hai nay là những ưu tiên hàng đầu của bộ quốc phòng Mỹ".

Bộ trưởng Esper khẳng định : "Bắc Kinh và Matxcơva không chỉ xâm phạm chủ quyền các quốc gia nhỏ hơn, mà còn tìm các phá hoại các luật lệ và các chuẩn mực của quốc tế".

Lãnh đạo Lầu Năm Góc còn cho rằng các nỗ lực "trơ trẽn" của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các quốc gia nhỏ hơn và xác quyết các yêu sách chủ quyền "phi pháp" đang đe dọa chủ quyền các nước láng giềng, tác hại đến sự ổn định của các thị trường khu vực và làm gia tăng nguy cơ nghèo đói.

Theo ông Esper, Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực hiện có ở vùng Biển Đông và như vậy đang phá vỡ nguyên trạng của khu vực. Lãnh đạo Lầu Năm Góc nói thêm là Hoa Kỳ sẽ kềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống.

Mối quan ngại của bộ trưởng quốc phòng Mỹ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh phản ánh mối quan ngại đã được nêu lên trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc cho Quốc Hội, được công bố tháng 5 vừa qua, nói về sự phát triển và sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Thanh Phương

******************

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ chức (RFA, 14/12/2019)

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chiến lược gia kỳ cựu về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vừa thông báo sẽ từ chức vì lý do gia đình.

bien4

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương Randall Schriver phát biểu với báo giới ở Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 3/5/2019 - Courtesy of Defensenews

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman cho biết như vậy trong cuộc họp báo vào ngày 11/12 vừa qua.

Chiến lược gia Randall Schriver là người có kinh nghiệm về khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương được đánh giá là không ai bì kịp tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, ở vị trí Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách một khu vực chiến lược quan trọng, ông Schriver phải đến các nước trong khu vực Châu Á thường xuyên và điều này ảnh hưởng tới gia đình, và vì vậy ông sẽ chuyển sang một vị trí khác.

Trước khi nhận nhiệm vụ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 2 năm về trước, ông Schriver là Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Một trong những dấu ấn quan trọng của ông Schriver khi ở Bộ Quốc phòng Mỹ là việc quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động trong chương trình tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và qua eo biển Đài Loan, thách thức Trung Quốc.

Ông cũng từng có những phát biểu khá cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trong một phát biểu tại buổi điều trần ở Thượng viện Mỹ hồi tháng 5 năm 2018, ông Schriver nói rằng mặc dù Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi mối quan hệ xây dựng và hướng đến kết quả với Trung Quốc nhưng Mỹ sẽ không chấp nhận những chính sách và hành động đe doạ nhằm phá vỡ trật tự theo luật quốc tế.

"Chúng ta sẽ đứng lên và bảo vệ trật tự đó, và chúng ta sẽ khuyến khích các nước khác làm tương tự ; và mặc dù chúng ta cam kết hợp tác với Trung Quốc trong mối quan hệ, nhưng chúng ta sẽ cạnh tranh, dữ dội, khi những lợi ích khác biệt", ông Schriver nói trước Thượng viện.

******************

Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tái khẳng định hiện diện ở khu vực (RFA, 13/12/2019)

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tái lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và khẳng định Mỹ tiếp tục hiện diện ở khu vực này.

bien5

Đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ngày 13/12/2019 ở Bangkok, Thái Lan -- RFA

Đô đốc John C. Aquilino, Chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, vào ngày 13 tháng 12, tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Biển Đông cũng như chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây lên ở đó.

Phát biểu của Đô đốc John C. Aquilino được đưa ra với báo giới tại Bangkok nhân chuyến thăm của ông này đến Thái Lan theo lời mời của đô đốc Luechai Ruddit, Tư lệnh Hải quân Hoàng Gia Thái Lan.

Theo lời của Đô đốc John C. Aquilino thì Hoa Kỳ hoạt động tại khu vực Biển Đông cũng như nhiều quốc gia khác. Suốt 80 năm qua, sự hiện diện của Mỹ tại đó giúp mang lại hòa bình và thịnh vượng cho các nước do đó thật cần thiết để tiếp tục có mặt tại khu vực nơi có tuyến đường hàng hải với lượng hàng hóa thông qua mỗi năm lên đến hơn 3 ngàn tỷ đô la Mỹ.

Đô đốc John C. Aquilino nhắc lại thực tế trong hơn chục năm qua Trung Quốc gia tăng qui mô, phạm vi của các lực lượng quân sự, cũng như mở rộng hoạt động trong khu vực. Thực tế này theo Đô đốc John C. Aquilino sẽ còn tiếp tục vì không hề có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ giảm sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Vị đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ còn cho rằng những thực thể mà Trung Quốc xây dựng lên ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, gây hại cho môi trường biển và dứt khoát có những mục tiêu quân sự, phô diễn sức mạnh để cưỡng bức và ức hiếp những nước trong khu vực.

Đô đốc John C. Aquilino nhắc lại là hãy nhìn những việc Trung Quốc làm chứ đừng nghe những gì họ nói. Tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cho lập nên nay đã có những hệ thống phòng không, hệ thống hỏa tiễn chống tàu, thiết bị chặn sóng radar. Gần đây, Trung Quốc cho máy bay ném bom đáp xuống những đường băng xây trên đảo nhân tạo.

Tất cả đều cho thấy một mục tiêu duy nhất là quân sự hóa khu vực Biển Đông.

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực Biển Đông. Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, còn có Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển này.

Hoa Kỳ duy trì chiến dịch tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông trong thời gian qua. Hoạt động này của phía Mỹ bị Trung Quốc phản đối cho là vi phạm chủ quyền lãnh hải của Hoa Lục.

*******************

Đại diện Trung Quốc : Bắc Kinh coi căng thẳng Biển Đông là vấn đề nhỏ, Hà Nội coi là vấn đề lớn (RFA, 14/12/2019)

Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Việt Nam hôm 12/12 nói với các phóng viên báo chí Việt Nam rằng Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn có những khác biệt trong vấn đề Biển Đông ; Trung Quốc coi đây là vấn đề nhỏ còn Việt Nam lại coi đây là vấn đề lớn.

bien6

Bà Doãn Hải Hồng (giữa) tại cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 4/6/2019 Courtesy of Chinese Embassy - Hình minh hoạ.

Theo truyền thông trong nước, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc - Doãn Hải Hồng đã gặp gỡ báo chí ở Hà Nội để thông tin về tình hình quan hệ Việt - Trung cũng như chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sau Đại hội Đảng 19.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về quan hệ hai nước, đặc biệt là những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, bà Doãn Hải Hồng trả lời :

"Biển Đông là vấn đề lịch sử để lại. Quan điểm của hai bên có những khác biệt, chẳng hạn Trung Quốc đánh giá đây là vấn đề nhỏ nhưng Việt Nam coi là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm tới lập trường của nhau để cùng giải quyết".

Bà Doãn Hải Hồng cũng nói đến cái mà bà gọi là tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến việc Bắc Kinh và Hà Nội giải quyết căng thẳng Biển Đông : "Tôi tin rằng nếu không có tác động từ bên ngoài, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và năng lực để giải quyết vấn đề phù hợp với tình hình khu vực. Những hành động của Trung Quốc là thực hiện theo luật pháp quốc tế, không nhằm vào Việt Nam và những quốc gia láng giềng"

Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng trong các tháng qua khi Trung Quốc điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng Bắc Kinh khẳng định đó là vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Hà Nội ngưng các hoạt động tại đây.

Hoa Kỳ thời gian qua cũng đã lên tiếng bênh vực Hà Nội và cáo buộc Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào chuyện nội bộ của khu vực và làm căng thẳng vấn đề Biển Đông.

Hoa Kỳ nói rằng sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay Mỹ ở khu vực Biển Đông là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển tranh chấp, đảm bảo duy trì trật tự khu vực theo luật quốc tế.

*****************

Biển Đông : Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng (RFI, 14/12/2019)

Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) hôm 13/12/2019 thông báo Malaysia đã nộp hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

bien7

Ngư dân trên một vùng Biển Đông gần Malaysia.TED ALJIBE / AFP - Ảnh minh họa

Theo Malaysia, đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Malaysia và Việt Nam hôm 06/05/2009 cũng đã cùng đệ trình về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

Ủy ban về giới hạn thềm lục địa nói thêm, theo Quy tắc về thủ tục của Ủy ban, sự kiện này sẽ được thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cũng như các nước đã ký kết Công ước về Luật Biển. Yêu cầu của Malaysia sẽ được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy ban tại New York từ ngày 06/07 đến 21/08/2021.

Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song ở Úc, viết trên mạng Facebook, phần thềm lục địa mở rộng (ECS) mà Malaysia xin công nhận chồng lấn với Việt Nam, và có thể với Philippines, như vậy Việt Nam, Philippines và Trung Quốc có thể có phản ứng. Tương tự, theo chuyên gia Greg Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), viết trên mạng Twitter, việc công nhận thềm lục địa mở rộng có thể gây ra sự chồng chéo.

Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về thềm lục địa mở rộng, và tư vấn nếu có yêu cầu. Các ranh giới được thiết lập trên cơ sở những khuyến nghị này được chính thức công nhận.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 396 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)