Trung Quốc tính lập nhóm tác chiến gồm hai tàu sân bay, đe dọa Đài Loan, Biển Đông ? (VOA, 19/12/2019)
Tàu sân bay mới của Trung Quốc, tàu Sơn Đông, có thể kết hợp với chiếc Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hình thành một đội tàu sân bay tác chiến sẽ cắt đứt đường tiếp cận của các tàu quân sự nước ngoài và cô lập đảo Đài Loan.
Tàu sân bay đầu tiên sản xuất nội địa của Trung Quốc rời cảng Đại Liên trong chuyến chạy thử ngày 14/11/2019. Reuters/Stringer
Tạp chí quân sự Naval and Merchant Ship có trụ sở ở Bắc Kinh viết rằng thay vì chiến đấu đơn độc, tàu Sơn Đông sẽ hợp tác với tàu Liêu Ninh để tạo ra một nhóm tác chiến hùng mạnh hơn hầu ngăn chặn các tàu Mỹ và Nhật tiếp cận đảo Đài Loan, khi các tàu này tới hỗ trợ các lực lượng đòi độc lập.
Tạp chí này còn nói rằng các chiến đấu cơ của nhóm tàu tác chiến mới còn có nhiệm vụ ngăn, không cho các máy bay thả bom tầm xa của Mỹ cất cánh lên từ căn cứ không quân trên đảo Guam. Mục đích là để chặn máy bay Mỹ tấn công các đội hình vận tải đổ bộ của Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc và tàu ngầm Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh Zhou Chenming đồng ý, nói rằng nhóm tàu tác chiến sẽ là một "tấm khiên đỡ lớn hơn", cho phép Trung Quốc cản đường bất kỳ hạm đội nước ngoài nào có ý định can thiệp vào tình hình Đài Loan.
Ông Zhou nói : "Kết hợp với nhau, hai tàu sân bay có thể triển khai gần 30 chiến đấu cơ J-15, tấn công bất cứ máy bay chiến đấu nào từ các nhóm tàu tác chiến Mỹ".
Nhưng chuyên gia này nói thêm rằng nhóm tàu tác chiến sân bay hoàn toàn là một đội hình tác chiến có tính cách phòng vệ - và không đủ mạnh để tấn công các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt khi đối đầu với các nhóm tàu sân bay tác chiến Mỹ.
Ông Zhou nói Bắc Kinh coi Đài Loan là một trong các "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc và sẽ không từ bất cứ cố gắng nào để duy trì tính toàn vẹn lãnh thổ, nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.
Một bài báo đăng trên tờ The Japan Times cũng nói về Sơn Đông, tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc sản xuất ở trong nước, nói rằng tàu này sẽ là một thách thức đối với các tàu Mỹ, Nhật và đối với Đài Loan, chứ không chỉ là một biểu tượng của uy tín và sức mạnh mới của Trung Quốc.
Ngoài Đài Loan, Tàu Sơn Đông còn tập trung vào các vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, theo một bài bình luận tải lên trang mạng xã hội có liên hệ với tờ báo Nhân dân của Đảng cộng sản Trung Quốc hôm thứ Tư 18/12.
Bài viết có đoạn : "Nhóm máy bay chiến đấu do tàu Sơn Đông dẫn đầu có thể được triển khai tới Biển Đông. Có phần chắc nhóm tác chiến này có thể trực diện với các tàu quân sự nước ngoài", theo bài viết, "Tàu Sơn Đông đã được thiết kế để chế ngự cả vùng biển lẫn vùng trời".
Nhà bình luận quân sự đến từ Hồng Kông Song Zhongping nói nhóm tác chiến gồm hai tàu sân bay còn giúp cho Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc chiếm được ưu thế quân sự trên Biển Đông, nơi mà một số nước đang tranh giành chủ quyền với Trung Quốc, gồm có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Myanmar và Đài Loan.
******************
Việt Nam hy vọng Trung Quốc kiềm chế ở Biển Đông trong năm 2020 (RFA, 17/12/2019)
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng mới đây lên tiếng bày tỏ hy vọng của Việt Nam rằng trong năm 2020 Trung Quốc sẽ kiềm chế không có các hành động vi phạm ở Biển Đông như năm 2019.
Tàu sân bay tự đóng có tên Sơn Đông của Trung Quốc ở cảng Đại Liên hôm 13/5/2018 - AFP
Theo Reuters, ông Dũng phát biểu điều này tại một buổi thuyết giảng ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore.
Trong nhiều tuần từ giữa tháng 6 đến khoảng cuối tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối của Việt Nam và lên án của quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói "những gì mà Trung Quốc làm là rất đáng báo động và cũng là một dạng đe dọa không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với các quốc gia khác, những nước nhìn thấy khả năng bị đe dọa trong tương lai”.
Ông Dũng nói, trong vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2020, Việt Nam hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế các hành động của mình.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn nước này tự vẽ ra trên biển.
Ngoài Trung Quốc, một số nước ASEAN khác bao gồm Việt Nam cũng đòi chủ quyền ở khu vực này. Tuy nhiên trong các tuyên bố chung của mình, ASEAN từ trước đến nay chưa bao giờ chỉ đích danh Trung Quốc là người leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói rằng không phải các nước ASEAN ủng hộ các hành động của Trung Quốc mà chỉ là các nước phản đối theo các cách khác nhau.
Cũng tin liên quan, Trung Quốc hôm 17/12 đã bàn giao tàu sân bay thứ nhì của nước này cho hải quân trong một buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình ở tỉnh Hải Nam.
Tàu mới có tên Sơn Đông là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc là tàu Liêu Ninh, được bàn giao vào năm 2012. Tàu Liêu Ninh do Liên Xô đóng và được Trung Quốc mua lại từ Ukraina hồi năm 1998. Tàu sau đó được chuyển về cảng Đại Liên và tân trang lại.
Truyền hình Trung Quốc (CCTV) hôm 17/12 tường thuật buổi lễ bàn giao tàu Sơn Đông cho biết, tham dự buổi lễ có các quan chức thuộc Bộ tư lệnh Quân khu miền Nam, là đơn vị trực tiếp giám sát tình hình Biển Đông.
Tàu Sơn Đông, trước đó được đặt ký hiệu là 001A, đã thực hiện những chuyến chạy thử và tập dượt ở eo biển Đài Loan, rồi sau đó ra khu vực Biển Đông hồi tháng trước.
Tàu Sơn Đông có khả năng chứa tới 36 chiếc máy bay chiến đấu J-15, trong khi tàu Liêu Ninh chỉ có sức chứa là 24 chiếc.
*******************
Tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc chế tạo chính thức đi vào hoạt động (VOA, 17/12/2019)
Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước có tên là Sơn Đông (Shandong) đã được chuyển giao cho hải quân hôm 17/12, hãng tin Reuters dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin.
Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước có tên là Sơn Đông (Shandong) đã được chuyển giao cho hải quân hôm 17/12.
Chiếc hàng không mẫu hạm đã được Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức lập biên chế tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam vào hôm 17/12, theo trang South China Morning Post.
Việc tàu sân bay Sơn Đông được đưa vào hoạt động là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của Trung Quốc, điều mà các nước láng giềng và Mỹ vẫn theo dõi với ánh mắt hoài nghi.
Đài truyền hình nhà nước CCTV cho hay buổi lễ khánh thành có sự tham dự của các quan chức từ Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc, cơ quan giám sát khu vực Biển Đông đầy nhạy cảm và mang tính chiến lược.
Ông Tập chủ trì lễ duyệt binh danh dự và gặp gỡ các nhân viên phục vụ trên tàu chiến. Các quan chức cấp cao khác, bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He); ông Đinh Tiết Tường (Xu Xuexiang), Chánh văn phòng Chủ tịch Tập Cận Bình; ông Hà Lập Phong (He Lifeng), nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc; ông Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cũng có mặt tại buổi lễ.
Vào tháng trước, con tàu trước đây được gọi là tàu Type 001A, đã đi qua eo biển Đài Loan ‘để thực hiện các thử nghiệm khoa học và đào tạo’ và sau đó hướng ra Biển Đông.
Tàu sân bay Sơn Đông trước đây dự kiến được đưa vào vận hành chính thức vào tháng 4 vừa rồi. Nhưng giai đoạn thử nghiệm của nó mất nhiều thời gian hơn so với dự tính, khiến một số nhà quan sát quân sự nghĩ rằng con tàu đã gặp sự cố kỹ thuật, theo the South China Morning Post.
Tàu sân bay Sơn Đông đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển đầu tiên vào tháng 5/2018.
Năm 2012, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên là Liêu Ninh, đã đi vào hoạt động sau khi được trang bị thêm và hoàn thành các thử nghiệm trên biển.
**************
Máy bay chiến đấu Trung Quốc diễn tập trinh sát trên Biển Đông (VOA, 17/12/2019)
Global Times, tức Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết một đơn vị không hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hoàn tất một cuộc diễn tập trinh sát cảnh báo sớm dài ngày, trong đó những người tham gia xác định được hơn 10 loại tín hiệu vô tuyến của ‘kẻ thù’.
Tư liệu : Chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 114/2014. (Japan Defense Ministry)
Ông Yan Liang, Tư lệnh của một sư đoàn xác định các cuộc tập trận cảnh báo sớm đã được tiến hành hồi năm ngoái, Ông nói :
"Khác với cuộc diễn tâp năm ngoái, cuộc tập trận năm nay có thời gian dài hơn nhiều, và được đặt vào vị thế tác chiến ngay từ đầu, đồng thời tập trung huấn luyện vào ban đêm.
Global Times nói rằng các cuộc tập trận như thế này liên tục thách thức các giới hạn của nhân lực và trang thiết bị, đồng thời nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong các tình huống khẩn cấp.
Cuộc tập trận được tổ chức từ giữa tháng 11 và có sự tham gia của hai nhóm máy bay chiến đấu. Trong cuộc tập trận, nhóm máy bay chiến đấu thứ nhất chia sẻ tin tình báo với nhóm chiến đấu cơ thứ hai, sau đó nhóm nhận tin tình báo được phái đi tìm kiếm và thu thập thông tin về một nhóm mục tiêu trên biển, theo bản tin.
Một sĩ quan giấu tên từ cùng một sư đoàn cho biết, không quân Trung Quốc đã chuyển đổi cách tiếp cận của họ, từ thụ động sang chủ động. Ông này nói rằng hiện nay "hai chữ được dùng thường xuyên nhất trong các cuộc diễn tập của chúng tôi là ‘khó khăn’ và ‘tình báo’. Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết để tránh những rủi ro và nguy hiểm trong mỗi cuộc tập trận.
Theo ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh thì cuộc tập trận lần này trái ngược hẳn với các cuộc tập trận trước đó, khi máy bay chiến đấu được thông báo trước về các ‘đối thủ’ và những hiểm nguy mà họ có thể gặp phải.
Ông Zhou nói đây là một trong những thay đổi cần thiết đối với không quân Trung Quốc, vốn đã hoàn thành giai đoạn hiện đại hóa ban đầu, đòi hỏi phải tăng cường khả năng chiến đấu trong tình huống đối đầu gần giống với thực tế, theo ông.
Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở Biển Đông.
Hoa Kỳ đã thực hiện ít nhất 85 cuộc tập trận quân sự chung với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2019 giữa lúc Washington đang tìm cách chống trả sự trỗi dậy của Bắc Kinh, đặc biệt ở Biển Đông, theo Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông, một think-tank thuộc Đại học Bắc Kinh.
Tổ chức tư vấn chiến lược và chính sách này nhận định :
"Thông qua các cuộc tập trận đó, Hoa Kỳ đang tăng cường khả năng tương tác với các quốc gia khác và tăng cường sự hiện diện quân sự để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong tư cách một cường quốc hàng hải"
Vẫn theo think-tank của Trung Quốc thì trong thời gian sắp tới, có khả năng Hoa Kỳ sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận để nâng cáo các khả năng chiến đấu cốt lõi nhằm đối phó với điều mà họ tin là những mối đe dọa đối với an ninh khu vực."
******************
Biển Đông : Bắc Kinh tập trận không quân sẵn sàng trước "đụng độ bất ngờ" (RFI, 16/12/2019)
Quân đội Trung Quốc nâng cấp tập trận để sẵn sàng đối phó với "đụng độ bất ngờ" tại Biển Đông với Mỹ và đồng minh. Trên đây là thông tin báo chí Hồng Kông loan tải hôm nay, 16/12/2019.
Bức ảnh được chụp vào ngày 02/01/2017 cho thấy các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc được phóng từ tàu sân bay Liêu Ninh trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông. STR / AFP (Ảnh minh họa)
Báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lại bản báo cáo, được đăng tải trên nhật báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm qua 15/12, theo đó, một cuộc tập trận đặc biệt đã được tiến hành vào giữa tháng 11/2019. Hai đơn vị không quân chiến đấu trên biển thuộc Chiến Khu Miền Nam Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận này.
Theo chỉ huy của một trong hai đơn vị tham gia tập trận, thì khác hẳn với cuộc tập trận hồi năm ngoái, đợt tập trận diễn ra vào ban đêm này, đặt các quân nhân vào trạng thái chuẩn bị "giáp trận ngay từ đầu", thời gian tập trận "kéo dài hơn nhiều". Tình huống này đẩy xa hơn giới hạn tâm lý của các binh sĩ, nâng cao khả năng sẵn sàng. Trong bài tập hồi tháng trước, các quân nhân Trung Quốc học cách định dạng hơn 10 loại tín hiệu radar của "kẻ địch".
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming, tại Bắc Kinh, được báo Trung Quốc trích lời, loại hình luyện tập này là cần thiết, vì cho phép các binh sĩ sẵn sàng đáp trả trước các tình huống đụng độ gần với chiến tranh thực sự.
South China Sea Strategic Situation Probing Initiative, một trung tâm tư vấn thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết trong năm 2019, Hoa Kỳ đã tiến hành ít nhất 85 cuộc tập trận với các đối tác tại khu vực. Nhờ các cuộc tập trận này, quân đội Mỹ tăng cường được khả năng phối hợp với các nước, củng cố năng lực ngăn chặn đà bành trướng quân sự của Trung Quốc. Năm tới, trung tâm tư vấn Đại học Bắc Kinh dự đoán Washington có thể tổ chức nhiều tập trận hơn để đối phó với các mối đe dọa làm bất ổn an ninh khu vực.
Căng thẳng đặc biệt gia tăng tại Biển Đông trong những tháng vừa qua, với việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò, được tuần duyên hộ tống, vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam, suốt ba tháng. Trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc, Washington lên tiếng tố cáo Bắc Kinh leo thang căng thẳng, ngăn chặn Hà Nội khai thác dầu khí.
Không chỉ Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đầu tháng này cũng thống nhất tập trận không quân chung lần đầu tiên, để đối phó với các đe dọa từ Trung Quốc.
Trọng Thành