Trung Quốc thử nghiệm đập thủy điện đe dọa 8 tỉnh Thái Lan dọc sông Mê Kông (Thanh Niên, 30/12/2019)
Tám tỉnh của Thái Lan dọc theo sông Mê Kông được cảnh báo phải chuẩn bị đề phòng trước nguy cơ mực nước giảm từ ngày 1-4/1/2020 do Trung Quốc thử nghiệm đập tại nhà máy thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam.
Ngư dân đánh cá trên sông Mê Kông ở tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan ngày 24/7 Reuters
Theo Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan (ONWR), mực nước sông Mê Kông đi qua tỉnh Chiang Rai, Loei, Nakhon Phanom, Nong Khai, Mukdahan, Bung Kan, Amnat Charoen và Ubon Ratchathani sẽ giảm khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm đập Cảnh Hồng.
Dựa trên thông báo do Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc gửi đến Thái Lan, lượng nước chảy ra từ đập Cảnh Hồng sẽ giảm từ 1.200-1.400 m3/giây xuống còn 800-1.000 m3/giây trong quá trình thử nghiệm kể từ ngày 1/1, theo ONWR.
Lượng nước xả đập sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800 m3/giây vào ngày 4/1 rồi sau đó trở về mức ban đầu.
Mực nước dọc sông Mê Kông có nguy cơ giảm khoảng 40-60 cm trong giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm. Theo tổng thư ký ONWR Somkiat Prajamwong, nếu lượng nước xả đập Cảnh Hồng bị giới hạn ở mức 504-800 m3/giây thì mực nước sông Mê Kông có khả năng giảm thêm 30-50 cm.
"Bộ Nông nghiệp Thái Lan và các tỉnh chịu ảnh hưởng đã nhận được thông báo về cuộc thử nghiệm tại đập Cảnh Hồng để chuẩn bị biện pháp ứng phó", ông Somkiat nói với tờ Bangkok Post.
Theo ông Somkiat, tỉnh Chiang Rai sẽ bắt đầu chứng kiến mực nước sông Mê Kông giảm từ ngày 2-5/1/2020, trong khi tỉnh Ubon Ratchathani chịu ảnh hưởng từ ngày 16-19/1/2020.
Đáng chú ý là Trung Quốc thử nghiệm đập thủy điện giữa lúc Thái Lan đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng.
Trong một báo cáo, Viện Tin học Thủy văn Thái Lan dự đoán trong năm 2020 các hồ chứa lớn khắp Thái Lan có lượng nước ở mức thấp báo động do lượng mưa thấp hơn mức trung bình trong năm 2019.
Theo báo cáo, chín hồ chứa lớn hiện chỉ trữ được dưới 30% dung tích toàn bộ. Trong khi đó, tổng lượng mưa năm 2019 thấp hơn mức trung bình 18%, Viện Tin học Thủy văn Thái Lan lưu ý.
Viện Tin học Thủy văn, trực thuộc Bộ Giáo dục Đại học, Nghiên cứu Khoa học và Đổi mới Thái Lan, đồng thời cảnh báo nguy cơ ngập mặn nghiêm trọng ở sông Chao Phraya từ tháng 1-3/2020, ảnh hưởng đến việc sản xuất nước máy.
Phúc Duy
*****************
Trung Quốc thử đập thủy điện Cảnh Hồng, ảnh hưởng hạ lưu Mekong (VOA, 30/12/2019)
Tám tỉnh của Thái Lan dọc theo sông Mekong được cảnh báo phải chuẩn bị đề phòng trước nguy cơ mực nước giảm từ ngày 1-4/1/2020 do Trung Quốc thử nghiệm đập tại nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) ở tỉnh Vân Nam, theo Bangkok Post hôm 30/12.
Một cánh đồng ở Sóc Trăng, Việt Nam, trong mùa hạn tháng 3/2016.
Trước đó, hãng tin Nhật Nikkei cảnh báo rằng các hoạt động của đập thủy điện theo sông Mekong đang làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là gây nên nạn khô hạn và bóp nghẹt tuyến đường mưu sinh của người dân hạ lưu ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan (ONWR), các tỉnh Chiang Rai, Loei, Nakhon Phanom, Nong Khai, Mukdahan, Bung Kan, Amnat Charoen và Ubon Ratchathani dọc theo sông Mekong sẽ có mực nước giảm khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tại đập Cảnh Hồng.
Dựa trên thông báo do Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc gửi, các thử nghiệm này sẽ làm lượng nước giảm từ 1.200-1.400 m³/giây (m/s) xuống còn 800-1.000 m³/giây từ ngày 1/1, theo ONWR.
Cũng theo ONWR, lượng nước xả sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800m³/giây vào ngày 4/1.
Mực nước dọc sông Mekong có khả năng giảm khoảng 40-60 cm trong giai đoạn đầu của thử nghiệm. Theo tổng thư ký của ONWR, Somkiat Prajamwong, khi dòng chảy bị giới hạn ở 504-800m³/s, mực nước có khả năng giảm thêm 30-50cm.
Hơn nữa, việc nước biển đang xâm nhập làm tình trạng vùng hạ lưu thêm tồi tệ hơn.
Trạm bơm Samlae ở tỉnh miền trung Pathum Thani, Thái Lan, đã ghi nhận độ mặn 1,55g/l trên sông Chao Phraya vào lúc triều cường - cao hơn ngưỡng bình thường 0,25g, theo Bangkok Post.
Tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đang xâm nhập khiến 800 nghìn người thiếu nước ngọt, 160 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng, với độ mặn ghi nhận tại cống Cái Hóp, tỉnh Trà Vinh, là 8,7% vào tuần này, theo báo Giáo dục và Thời đại.
Truyền thông Việt Nam cho biết xâm nhập mặn sẽ diễn ra khắc nghiệt vào tháng 1, 2, 3 năm 2020, trong đó cao điểm vào tháng 3 và dự báo gây ảnh hưởng nặng nề hơn so với năm 2016.
Sông Mekong là tuyến đường huyết mạch đối với nhiều cộng đồng ở Đông Nam Á. Nhưng đợt hạn hán đang hoành hành cùng hàng chục nhà máy thủy điện đang ngăn dòng chảy khiến hệ sinh thái vốn dễ bị tác động lại thêm tồi tệ hơn.
Một báo cáo của Ủy ban sông Mekong (MRC) vào giữa tháng 7 cho rằng mực nước trong tháng trước đã giảm xuống "thấp kỷ lục".
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và chảy ra Biển Đông qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Khoảng 60 triệu người phụ thuộc vào con sông để sinh sống bằng các nghề như đánh cá, canh tác nông nghiệp và vận tải thủy.