New Delhi loan báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng Ấn Độ (RFI, 13/01/2020)
Bắt đầu từ hôm 13/01/2020 và liên tiếp trong hai ngày, bộ Ngoại Giao Ấn Độ chủ trì hai cuộc hội thảo quan trọng trong lãnh vực đối ngoại mở ra tại New Delhi : Đối Thoại Ấn Độ Dương lần thứ 6 và Đối Thoại Delhi XI.
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar (ảnh chụp ngày 20/09/2019), sẽ cho biết cụ thể nội dung chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng New Delhi. Lehtikuva/Martti Kainulainen via Reuters
Theo báo chí Ấn Độ, đây là dịp để ngoại trưởng Ấn Độ, S Jaishankar, cho biết chi tiết về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của riêng nước này, có những điểm khác so với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ được Washington công bố vào năm ngoái.
Khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương đã ra đời từ hơn một thập kỷ nay, nhưng chỉ đặc biệt được nêu bật và phát triển thành chiến lược từ năm 2017, khi chính quyền của ông Donald Trump công nhận giá trị chiến lược của Ấn Độ và vùng Ấn Độ Dương. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mới đây đã công bố Báo Cáo Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương trên trang web chính thức của Lầu Năm Góc.
Về phía Ấn Độ, đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo nêu lên quan điểm của riêng New Delhi về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tại Đối Thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 06/2018, thủ tướng Ấn Narendra Modi đã từng phác họa lập trường của New Delhi, nhưng lần này, ngoại trưởng Ấn Độ có nhiệm vụ cho biết rõ nội dung cụ thể của của chiến lược này.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Ấn Độ dĩ nhiên sẽ nhằm phục vụ lợi ích của nước Ấn. Một đặc điểm được nêu bật trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của New Delhi : phạm vi địa lý rộng khắp.
Pham vi áp dụng trong chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ trải dài từ bờ biển phía tây Ấn Độ đến bờ biển phía tây của Hoa Kỳ. nhưng lại loại trừ các quốc gia vùng Vịnh ở khu vực Biển Ả Rập và Châu Phi (ở vùng bờ biển phía tây Ấn Độ Dương). Theo giới chuyên gia Ấn, việc loại trừ này như cho thấy Mỹ cần Ấn Độ chứ không phải toàn bộ vùng Ấn Độ Dương, với mục tiêu cơ bản là nhằm ngăn chặn Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Ấn Độ trái lại sẽ bao trùm cả khu vực phía tây Ấn Độ Dương, các nước vùng Vịnh, các quốc đảo trên biển Ả Rập và Châu Phi. Điều này cho phép Ấn Độ hợp tác với cả khu vực Đông Á, lẫn vùng Vịnh và Châu Phi, qua đó biến Ấn Độ thành trung tâm của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trọng Nghĩa
******************
WHO : Một ca virút mới từ Trung Quốc được phát hiện đầu tiên ở Thái Lan (VOA, 14/01/2020)
Ngày 13/1, Tổ chức Y tế Thế giới WHO xác nhận ca đầu tiên tại Thái Lan về một virút mới cùng loại với SARS đứng đằng sau một vụ bùng phát bệnh sưng phổi tại Trung Quốc.
Cơ quan y tế Liên hiệp quốc nói một người từ Vũ Hán đến Thái Lan đã nhập viện ở Thái Lan ngày 8/1 sau khi được chuẩn đoán bị sưng phổi nhẹ".
"Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm xác nhận novel coronavirus là tác nhân gây bệnh", phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic nói với AFP trong một email, khi đề cập đến virút mới.
WHO cho biết có thể sớm tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về sự lây truyền của virút mới.
Trường hợp này đánh dấu lần đầu tiên bệnh này phát hiện bên ngoài Trung Quốc, nơi 41 người có triệu chứng giống như sưng phổi được chuẩn đoán cho đến nay với virút mới tại trung tâm thành phố Vũ Hán, với một nạn nhân chết ngày thứ năm tuần trước.
Vụ này đã gây nên báo động vì lo ngại bệnh SARS, hay Triệu chứng Hô hấp Cấp tính Thình lình mà vào năm 2002-2003 đã giết chết 349 người tại Hoa lục và 299 người khác tại Hong Kong khiến cho kinh tế nơi này bị thiệt hại nặng vì ảnh hưởng tai hại của dịch bệnh đối với ngành du lịch.
WHO xác nhận là dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc là do một loại corona virus chưa hề biết trước đây, gây cảm lạnh thông thường đến những bệnh nghiêm trọng như SARS.
Tổ chức này ngày 13/1 cho biết đã được các giới chức y tế Thái Lan thông báo là bệnh nhân đã hồi phục.
WHO cũng nói không có gì ngạc nhiên khi virút vượt qua biên giới Trung Quốc.
"Khả năng những trường hợp khác được xác nhận tại các nước khác không được kỳ vọng xảy ra, và trầm trọng thêm. Đó là lý do tại sao WHO kêu gọi tiếp tục theo dõi và chuẩn bị tại các nước khác", WHO nói trong một thông báo.
WHO cũng cho biết là đã đưa ra những chỉ dẫn về cách thức phát hiện và chữa trị cho những người mắc bệnh do virút mới, và nhấn mạnh là quyết định của Trung Quốc nhanh chóng chia sẻ chu kỳ di truyền của virút giúp nhanh chóng chuẩn đoán các bệnh nhân.
WHO không khuyến cáo biện pháp rõ rệt nào đối với du khách hay hạn chế buôn bán với Trung Quốc, tuy nhiên nhấn mạnh vào ngày 13/1 là WHO xem tình hình là nghiêm trọng.
"Xét về sự phát triển này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ tham khảo khẩn cấp với các thành viên của Uỷ ban Khẩn cấp và có thể triệu tập một phiên họp của uỷ ban trong thời gian ngắn", WHO cho biết trong một tuyên bố.
*****************
Thái Lan : Hàng nghìn người tham gia cuộc chạy đua "chống độc tài" (RFI, 12/01/2020)
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình chính trị bị cấm, phong trào phản kháng chính quyền Thái Lan tìm được một phương pháp đấu tranh mới. Hôm nay, 12/01/2020, hàng nghìn người đã tham gia cuộc chạy đua "chống độc tài". Thực chất đây là một cuộc tập hợp công khai chống chế độ của tướng Prayut Chan-O-Cha, lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Những người tham gia cuộc "chạy đua chống độc tài" ngày 12/01/2020 tại Bangkok, Thái Lan. Reuters/Athit Perawongmetha
Hiện ông Chan-O-Cha đang lãnh đạo một chính phủ dân sự, nhưng bị dư luận đánh giá là độc tài, dựa vào sức mạnh của giới quân nhân để duy trì quyền lực.
Thông tín viên Carole Isoux tại Bangkok tường trình :
Mặt trời vẫn còn chưa lên đã có nhiều nghìn người đổ về một công viên nằm ở ngoại ô Bangkok. Họ mặc áo thun in dòng chữ "Chạy để đuổi Ông chú". "Ông chú" là biệt danh nửa cảm tình nửa hài hước dành cho vị thủ tướng mà họ đang đòi phải từ chức. Đa số người biểu tình là sinh viên. Theo họ, thế hệ mới không còn có thể chấp nhận những sai lầm của thế hệ cha anh.
"Thủ tướng nói ông lên nắm quyền qua con đường dân chủ, nhưng hoàn toàn không phải, ông ta sử dụng sức mạnh và thủ đoạn để có lợi cho mình. Ở Thái Lan, thực tế nhân dân không có quyền gì, ông ta không đếm xỉa tới việc đó".
Cuộc thi chạy ngắn ngủi trong ngày là cuộc biểu tình chính trị công khai lớn nhất do đảng Tương Lai Mới tổ chức từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Đảng Tương Lai Mới của giới trẻ này đang bị đe dọa giải tán bởi Tòa Bảo Hiến.
Tuy nhiên để đáp trả, hàng nghìn người ủng hộ chính phủ cũng tập hợp ở một công viên trong trung tâm thủ đô, cách đó hơn chục km. Tuổi trung bình của những người biểu tình này rõ ràng là cao hơn. Điều này cho thấy sự xung khắc thế hệ trong đất nước này.
Thái Lan từ nhiều thập kỷ qua bị chìm trong sự phân hóa xã hội sâu sắc giữa một bên là phe bảo thủ và bên kia là những người có đầu óc cải cách, nhất là về các vấn đề dính đến quân đội, tư pháp và nền quân chủ.
Anh Vũ