Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/01/2020

Biển Đông : Trung Quốc bỏ cuộc trước sự cứng rắn của Indonesia

Tổng hợp

Biển Đông : Trung Quốc tỏ hòa dịu, trấn an Việt Nam và Indonesia (RFI, 17/01/2020)

Ngày 16/01/2020, Trung Quốc liên tục thể hiện cử chỉ hòa hoãn, trấn an Việt Nam và Indonesia liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông và trong khu vực.

bien1

Giàn khoan JDC Hakuryu-5 và tàu hộ vệ ở ngoài khơi Vũng Tàu. Trong vòng ba tháng của năm 2019, các tàu Trung Quốc liên tục quấy phá hoạt động giàn khoan này tại bãi Tư Chính. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2019. Reuters/Maxim Shemetov/File Photo

Chủ tịch Trung Quốc đã điện đàm với đồng nhiệm Việt Nam ngày 16/01. "Tiếp tục củng cố niềm tin chính trị song phương" là điều được cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình hy vọng Hà Nội và Bắc Kinh "giải quyết các tranh chấp một cách thích hợp về lâu về dài".

Tuy nhiên, giữa hai nước dường như vẫn thiếu tin tưởng lẫn nhau. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post nhắc lại những căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt việc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ tháng 07 đến 09/2019.

Năm 2020 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc và Việt Nam, một mặt, đánh dấu 70 năm thiết lập bang giao, mặt khác, Việt Nam giữ vai trò nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trong hai kỳ họp thượng đỉnh ASEAN được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 04-05 và/10-11, Biển Đông có lẽ sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận gay gắt.

Trung Quốc thừa nhận xâm phạm vùng biển của Indonesia

Bắc Kinh cũng có thái độ hòa dịu hơn đối với Jakarta, khi thừa nhận tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Natuna của Indonesia vào/12/2019 và hứa "giải quyết tình hình một cách ổn thỏa".

Trả lời báo giới tại Jakarta ngày 16/01 sau cuộc họp với bộ trưởng Điều phối Indonesia, đại sứ Trung Quốc Tiếu Thiên (Xiao Qian) giảm nhẹ tình hình khi cho rằng ngay cả giữa những nước láng giềng tốt của nhau còn xảy ra mâu thuẫn, và điều quan trọng là thảo luận vấn đề đó một cách thân thiện.

Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ về việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải. Trong lĩnh vực ngoại giao, chính quyền Jakarta gửi công hàm phản đối, khẳng định vùng biển Natuna không nằm trong vùng tranh chấp với Trung Quốc. Về quân sự, nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu được điều tới khu vực, buộc thuyền đánh cá Trung Quốc phải rút lui sau ba tuần hiện diện. Thậm chí, đầu tháng Giêng, tổng thống Joko Widodo đích thân đến thăm Natuna để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền.

Thu Hằng

*******************

Trung Quốc thừa nhận ngư dân Hoa Lục xâm phạm vùng biển Indonesia (RFA, 17/01/2020)

Trung Quốc thừa nhận ngư dân nước này đã đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông. Hãng thông tấn Kyodo đưa tin hôm 17/1.

bien2

Tổng thống Joko Widodo của Indonesia tới một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna hôm 8/1/2020. AFP

Tuyên bố được Đại sứ Trung Quốc, ông Tiêu Thiên, đưa ra tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Bộ trưởng Điều phối Indonesia về các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh, Mahfud, ngày 16/1.

Tuy thừa nhận ngư dân Trung Quốc xâm phạm vùng biển xung quanh đảo Natuna của Indonesia nhưng ông Tiêu Thiên lại cho rằng đây không phải là điều nghiêm trọng và ông tin tưởng chính phủ hai bên có thể xử lý và giải quyết vấn đề một cách phù hợp. Ông cho biết thêm rằng chính phủ Trung Quốc đang chịu sức ép từ ngư dân đòi cho phép họ tiếp tục hoạt động trong EEZ của Indonesia. Phía Indonesia coi đây là hành động phi pháp, xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Trước sự hiện diện đông đảo của tàu cá Trung Quốc tại khu vực đảo Natuna, ngày 30/12 năm 2019, Jakarta đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia đến để phản đối.

Phát biểu tại họp báo ở Bắc Kinh hôm 31/12/2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước quanh đó và ngư dân hai nước vẫn có hoạt động đánh bắt cá bình thường tại vùng nước này.

Bộ Ngoại giao chính phủ Jakarta hôm 1/1/2020 tiếp tục lên tiếng phản đối và sau đó điều nhiều tàu chiến, thậm chí cả máy bay chiến đấu tới khu vực, buộc tàu Trung Quốc phải rút lui sau gần 3 tuần có mặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Quần đảo Natuna của Indonesia nằm về phía nam quần đảo Trường Sa và không nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông, đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này.

Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc, đồng thời không công nhận quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 398 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)