Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/04/2017

Aung San Suu Kyi : trên đe dưới búa, tiến thoái lưỡng nan

BBC tiếng Việt

Aung San Suu Kyi : Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích (BBC, 06/04/20147)

Chúng tôi gặp gỡ trong văn phòng của bộ ngoại giao, nơi chính thể cũ từng bàn thảo các chiến dịch chống lại trừng phạt và cô lập quốc tế.

aung1

Fergal Keane phỏng vấn Aung San Suu Kyi

Trên tường là chân dung các lãnh đạo Miến Điện cũ, đầu tiên là cha của bà Tướng Aung San, bị ám sát ngay trước ngày độc lập năm 1947, rồi tiếp theo là thời đại quân đội hà khắc. Đó là những gương mặt chưa từng được bỏ phiếu trong bầu cử dân chủ.

Vị lãnh đạo mới, được dân bầu với tỉ lệ ủng hộ áp đảo, đến đây, đi cùng là các nhân viên và cảnh sát.

Cuộc phỏng vấn bà là lần đầu tiên của năm nay, và cũng là dịp tiếp cận hiếm hoi với truyền thông.

aung2

Fergal Keane lần đầu gặp Aung San Suu Kyi năm 1995

Bà Aung San Suu Kyi bị thấm mệt vì sự chỉ trích cách bà giải quyết khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine. Thật khác xa những ngày khi phóng viên, kể cả tôi, lặn lội tới nhà bà đặt cạnh hồ ở Rangoon, lắng nghe bà nói về giá trị của nhân quyền phổ quát.

Khi tôi lần đầu gặp bà tháng Bảy 1995, bà còn là tù nhân chính trị chỉ mới tự do được vài ngày.

Bà theo dõi các bài của tôi trên BBC World Service, rất muốn biết làm thế nào đảng ANC tại Nam Phi kết thúc chế độ apartheid. Khi đó, có sự háo hức trong sáng ở bà, khao khát kiến thức về mọi thứ.

aung3

Bà Aung San Suu Kyi được trả tự do năm 2010

Người phụ nữ tôi gặp tuần này ở Nay Pyi Taw năm 2017 rõ ràng đã thay đổi.

Nữ anh hùng của cộng đồng nhân quyền nay bị cô lập trước nhiều người từng ủng hộ bà ở nước ngoài.

Bà lo ngại truyền thông, ghét bỏ những nhà chỉ trích quốc tế, nay bà giống một chính khách sắt đá hơn là thần tượng toàn cầu được mọi thủ đô tôn vinh khi bà được tự do bảy năm trước.

Cuộc trao đổi của chúng tôi về Rakhine lịch sự nhưng thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng những gì mình thấy ở bang Rakhine giống như thanh lọc sắc tộc. Bà có lo ngại mình sẽ bị nhớ như là người được giải Nobel mà lại không đối phó thanh lọc sắc tộc ở nước mình?

Bà không chấp nhận định nghĩa này. Bà nói về hai cộng đồng bị chia rẽ, giải thích vì sao bà ít có hoạt động công khai là vì không muốn việc lên án sẽ làm tăng ngọn lửa hận thù.

Cũng rõ ràng là sự xoay chuyển trong dư luận phương Tây, từ ca ngợi sang lên án, làm bà giận dữ.

Tôi nhận ra rằng các viên chức Liên Hiệp Quốc càng đòi bà hành động, thì bà càng ít khả năng chấp nhận.

Có sự mâu thuẫn sâu sắc ở đây. Tôi và các nhà báo ở Châu Âu vẫn nhớ ngày trước, khi chính quyền quân sự lên án các bài báo về vi phạm nhân quyền, tố cáo chúng tôi phóng đại.

Nay cũng những than phiền này lại đến từ một chính phủ được bầu dân chủ, do một cựu tù nhân chính trị đứng đầu.

aung4

Hồi tháng Hai, Liên Hiệp Quốc ra báo cáo lên án việc đối xử người Rohingya

Rõ ràng không phải mọi tố cáo từ bang Rakhine đều đúng, và bạo lực mới nhất xuất phát từ việc có tấn công bạo động với cảnh sát.

Nhưng sức nặng bằng chứng cho thấy người vô tội đang chết, và nó xảy ra từ trước khi có nhóm Rohingya quá khích gần đây.

Khủng hoảng ở Rakhine sẽ không gây vấn đề cho bà Suu Kyi với đa số người dân Miến Điện, họ trung thành với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà.

Nhưng sự lạnh nhạt từ người ủng hộ quốc tế có thể trở thành vấn đề nếu quân đội không chịu chấp nhận đòi hỏi của bà để thay đổi hiến pháp. Hiện hiến pháp cho họ có quyền lực với các bộ quan trọng như quốc phòng, nội vụ, và cũng ngăn không cho bà thành tổng thống.

Bà là một chính khách sắc sảo, dĩ nhiên nhận ra rủi ro này. Nhưng khả năng nhượng bộ trước giới chỉ trích quốc tế, mà sự phân tích của họ không được bà chấp nhận, sẽ là trái ngược với tính cách của bà.

Fergal Keane, BBC News

***********************

Suu Kyi : Không có chuyện thanh lọc sắc tộc ở Myanmar (BBC, 06/04/2017)

aung5

Nhà lãnh đạo Myanmar trả lời về nhiều chủ đề trong cuộc phỏng vấn của BBC

Bà Aung San Suu Kyi phủ nhận việc thanh lọc người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, bất chấp có những cáo buộc.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC, khôi nguyên Nobel hòa bình thừa nhận những vấn đề ở bang Rakhine, nơi đa số người Rohingya sinh sống.

Nhưng bà nói 'thanh lọc sắc tộc' là từ "quá mạnh" để nói về tình trạng ở đây.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar nói rằng nước này sẽ chào đón bất kỳ người Rohingya trở về với vòng tay rộng mở.

Bà nói với thông tín viên đặc biệt của BBC, Fergal Keane : "Tôi không nghĩ rằng việc thanh lọc sắc tộc đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng cụm từ 'thanh lọc sắc tộc' là quá mạnh để nói về những gì đang xảy ra".

aung6

Bé gái người Rohingya trong trại tỵ nạn ở Bangladesh

'Áp lực ngày càng tăng'

Bà Suu Kyi nói thêm : "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự thù địch ở đó - kể cả việc người Hồi giáo giết người Hồi giáo".

"Không phải chỉ là vấn đề thanh lọc sắc tộc như quý vị đề cập - đó còn là vấn đề của những người ở các bên khác nhau đang bị chia rẽ, và chúng tôi đang cố gắng thu hẹp sự chia rẽ này".

Người Rohingya bị từ chối quyền công dân ở Myanmar, còn được biết đến với tên Miến Điện, coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Họ phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử và kỳ thị công khai.

Hàng vạn người Rohingya sống trong những trại tỵ nạn tạm bợ sau khi bị sơ tán do tình trạng bạo lực tại bang Rakhine từ năm 2012.

Trong những tháng gần đây, khoảng 70.000 người đã trốn sang Bangladesh để tránh chiến dịch quân sự của chính phủ ở Rakhine được tiến hành lên sau vụ chín cảnh sát thiệt mạng trong một cuộc tấn công.

Tháng trước, Liên Hiệp Quốc tuyên bố tiến hành điều tra những cáo buộc rằng quân đội đã nhắm mục tiêu người Rohyaya một cách bừa bãi trong chiến dịch, cưỡng hiếp, tra tấn và giết hại họ. Chính phủ bác cáo buộc này.

Với nhiều người, việc bà Suu Kyi được hiểu là im lặng về vấn đề Rohingya đã làm tổn hại uy tín mà bà gầy dựng như người dẫn đầu về nhân quyền, với cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại chính quyền quân sự trong lúc bị quản thúc tại gia.

aung7

Những người biểu tình phản đối kế hoạch cấp quốc tịch cho người Hồi giáo Rohingya

Về vấn đề này, bà bị áp lực ngày càng tăng trên bình diện quốc tế.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn báo chí đầu tiên trong năm nay, bà Suu Kyi cho biết bà đã trả lời các câu hỏi về vấn đề này trước đó.

"Câu hỏi này đã được đặt ra từ năm 2013, khi những xáo trộn gần nhất xảy ra ở Rakhine.

"Và họ [các nhà báo] hỏi tôi, rồi tôi trả lời họ và người ta nói tôi không nói gì.

"Đơn giản là vì tôi không đưa ra những tuyên ngôn mà mọi người mong muốn, theo kiểu là lên án một cộng đồng này hay một cộng đồng khác".

Từ biểu tượng đến chính trị gia

Fergal Keane, bình luận cho BBC News từ Myanmar :

Tôi gặp bà ấy ở thủ đô Nay Pyi Daw, nơi được sắp đặt nhằm giữ cho các tướng lĩnh an toàn và cũng là nơi chính quyền dân chủ mới đang cố gắng củng cố quyền lực.

Lần đầu tiên tôi phỏng vấn bà Aung San Suu Kyi là hơn hai thập kỷ trước nhân việc bà được trả tự do sau đợt quản thúc đầu tiên hồi tháng 7/1995. Từ thời điểm đó, tôi đã dõi theo hành trình của bà khi bị quản thúc trở lại, bị quân đội trấn áp và sau đó là giành chiến thắng các cuộc bầu cử dân chủ năm ngoái.

Chúng tôi gặp nhau trong không khí thân thiện. Bà trao đổi về những thành tựu của chính phủ do bà điều hành nhưng nhất mực không chấp nhận rằng những người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine là nạn nhân của nạn thanh lọc sắc tộc.

Trong những ngày này, bà thận trọng khi tiếp xúc truyền thông quốc tế, xem nhẹ những lời chỉ trích của quốc tế, thể hiện phong thái chính trị gia cứng rắn hơn so với hình ảnh biểu tượng được khắp nơi tôn vinh khi bà được trả tự do bảy năm trước.

Quay lại trang chủ
Read 864 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)