Covid-19 : Tập Cận Bình muốn dập tắt mọi chỉ trích nội bộ (RFI, 17/02/2020)
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, với số người chết và nhiễm virus tăng hàng ngày, nhiều thành phố lớn tự phong tỏa, để chặn dịch. Đặc biệt đáng chú ý có thông tin ngày 15/02/2020, về việc chủ tịch Trung Quốc khẳng định ông đã chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu năm. Trái với quan điểm cho rằng, với thừa nhận này, uy tín của Tập Cận Bình bị tổn thương do để xảy ra khủng hoảng dịch, một số nhà quan sát nhận định là ông Tập muốn giành lại thế thượng phong, dập tắt mọi chỉ trích trong nội bộ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại Bắc Kinh chỉ đạo chống dịch virus corona ngày 10/02/2020. Tân Hoa Xã/ Reuters
Sau hai tuần trong hậu trường theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, ngày 10/02, chủ tịch Trung Quốc đột ngột xuất hiện trên "tuyến đầu". Ông đến thăm một khu phố ở Bắc Kinh, chỉ đạo hoạt động chống dịch tại Hồ Bắc qua truyền hình… Ngày 13/02, Bắc Kinh cách chức bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán. Cùng lúc, tỉnh Hồ Bắc cũng thay đổi cách tính người nhiễm virus. Chỉ trong một ngày, thêm 15.000 người bị coi là nhiễm Covid-19, so với hơn 40.000 người được tính là đã nhiễm từ đầu dịch. Số ca nhiễm bệnh tăng vọt cho thấy chính quyền thừa nhận quy mô dịch lớn hơn nhiều so với cách tính trước đó.
Vạch áo cho người xem lưng
Nhiều người cho rằng cách tính mới phản bác lại quan điểm lạc quan của ông Tập Cận Bình, về triển vọng tích cực, dịch bệnh đang từng bước được khống chế. Uy tín của chủ tịch Trung Quốc dường như đang bị thách thức, trước quy mô dịch có vẻ sẽ kéo dài, trở nên khó lường. Ngày 15/02, báo Cầu Thị (Qiushi), một tạp chí chính của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đăng tải một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, trong một cuộc họp ban lãnh đạo Đảng ngày 03/02, thừa nhận đã trực tiếp chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu, trong cuộc họp của Thường Vụ Bộ Chính Trị, ngày 07/01/2020.
Thông tin về vai trò số một của ông Tập trong việc chỉ đạo chống dịch có nhiều khả năng sẽ hướng mũi nhọn chỉ trích về trách nhiệm để xảy ra khủng hoảng - vốn lâu nay vẫn hướng về chính quyền địa phương - sang trực tiếp nhắm vào ban lãnh đạo tối cao. Chính quyền trung ương Trung Quốc phải đối mặt với trách nhiệm đã nhắm mắt trước nguy cơ xảy ra đại dịch, cũng như về các biện pháp cực đoan sau này (như bất thần phong tỏa thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và toàn bộ tỉnh hơn 50 triệu dân cư này), với danh nghĩa là để chống dịch, nhưng rất có thể đã góp phần làm cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn, thiệt hại nhân mạng lớn hơn, do hệ thống y tế tại chỗ đã hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với quy mô dịch bệnh lớn hơn rất nhiều so với các dự đoán từ phía chính quyền. Nhiều người thậm chí nói đến tội ác của chính quyền Trung Quốc, khi phong tỏa toàn bộ một tỉnh hàng chục triệu dân cư, các bệnh viện dã chiến được cấp tốc xây dựng bị tố cáo là nơi giam giữ những người bị nghi nhiễm virus, khiến nguy cơ lây lan dễ dàng, cái chết của những người dân thường thấp cổ bé họng được dễ dàng xóa sạch dấu vết.
Việc ông Tập đứng ra nhận trách nhiệm đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến phòng dịch ngày 07/01 chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng, đặt lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào tình thế bị động, như ghi nhận của tiến sĩ Bùi Mẫn Hân (California), được coi là một chuyên gia về chế độ cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu như điều này có thể là đúng đối với nhiều người dân Trung Quốc, đối với công luận bên ngoài, đối với quốc tế, thì tình hình có thể là hoàn toàn khác đối với nội bộ chính quyền Trung Quốc.
Đòi hỏi trung thành tuyệt đối với Trung ương
Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít Hồng Kông, trong những ngày gần đây ban lãnh đạo Đảng cộng sản dường như đang nắm lại thế chủ động, trên mặt trận an ninh, cũng như truyền thông. Ông Tập Cận Bình đã cử một người thân tín nắm bộ máy công an tại Vũ Hán, siết chặt kiểm duyệt thông tin, để tránh các chỉ trích đi quá xa, biến thành một phong trào chính trị chống lại chế độ.
Việc báo chí Trung Quốc công bố một diễn văn của Tập Cận Bình, khẳng định lãnh đạo tối cao chỉ đạo chống dịch ngay từ ngày 07/01/2020, cần được đặt vào bối cảnh chung này, đặt trong chiến lược nắm lại thế chủ động của ban lãnh đạo Đảng, trước hết là nắm lại thế chủ động trong nội bộ Đảng, vốn dường như đang bị phân hóa mạnh mẽ, khi chính quyền các cấp tỏ ra lúng túng trước khủng hoảng dịch Covid-19. Hôm qua, 16/02, báo Cầu Thị đăng tải một diễn văn khác của Tập Cận Bình, nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, do Tập chủ tịch đứng đầu, trong cuộc chiến chống dịch, đòi hỏi các cấp chính quyền, các cơ sở đảng phải "trung thành tuyệt đối" với Trung ương.
Khi khẳng định chỉ đạo ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch, ông Tập Cận Bình đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục tuân theo chỉ đạo của ông trong những ngày tới, và cuộc chiến chống dịch chỉ có thể thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh đạo tối cao. Chỉ có một con đường chống dịch đó là tuân theo sự chỉ đạo của Trung ương. Mọi quan điểm khác biệt trong nội bộ đều không được phép tồn tại.
Ông Tập chỉ đạo chống dịch từ 07/01 : Thực hư ra sao ?
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về khả năng đích thân ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo chống dịch ngay từ đầu. Nhà báo Amy Qin, trong bài viết trên New York Times, nhận xét : trong thông báo chính thức về nội dung cuộc họp ngày 07/01 của Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc, được Tân Hoa Xã đăng tải, đã không hề có dòng chữ nào nhắc đến dịch bệnh.
Phải chăng chống dịch là một thông tin xếp vào hàng bí mật nội bộ của Đảng ? Liệu có thực sự là ông Tập Cận Bình đã nói đến việc chống dịch ngay trong cuộc họp này ? Nội dung được đề cập đến như thế nào ?... Có lẽ rất khó mà biết rõ thực hư của câu chuyện này, trong bối cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc coi bí mật nội bộ là nguyên tắc tối cao. Chỉ có điều, cho đến nay, chưa có ai trong hàng ngũ ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc lên tiếng nói khác. Tuyên bố của Tập chủ tịch ắt hẳn phải đồng nghĩa với sự thực, với chân lý. Với bài diễn văn nói trên, dường như Tập Cận Bình đã có thêm một thành công trong việc bóp nghẹt mọi tiếng nói khác biệt trong nội bộ.
Trọng Thành
**********************
Virus corona - Covid-19 : Trung Quốc gia tăng phong tỏa Hồ Bắc, cấm cư dân rời nơi ở (RFI, 17/02/2020)
Số nạn nhân của virus corona tại Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu mới nhất ngày hôm nay 17/02/2020 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, số ca tử vong đã lên đến 1.765 người, trong lúc số bệnh nhân đã vượt mức 70.000, chính xác là 70.548 trường hợp.
Một trong những con đường bị chặn tại Vũ Hán, Hồ Bắc, sau khi dịch virus corona lan tràn. Ảnh chụp ngày 07/02/2020. Reuters/Stringer
96% các ca tử vong và đa số các vụ lây nhiễm đều ở tỉnh Hồ Bắc, với Vũ Hán bị coi là tâm điểm của dịch bệnh. Để đối phó, chính quyền Trung Quốc vừa tăng cường thêm các biện pháp phong tỏa áp dụng trên toàn tỉnh Hồ Bắc, trong đó có quyết định cấm mọi hoạt động di chuyển của toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Liu Zhifan giải thích :
Các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo tiếp tục được tăng cường ở Hồ Bắc, nơi hàng chục triệu cư dân đã bị buộc phải tự cô lập từ gần một tháng nay, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán, cái nôi của dịch bệnh.
Kể từ nay, chỉ có xe cảnh sát và xe cứu thương mới được phép lưu thông trên các tuyến đường của tỉnh, cũng như những phương tiện vận chuyển hàng hóa được coi là thiết yếu.
Đồng thời, các biện pháp cách ly nhắm vào 200.000 thị xã vùng nông thôn Hồ Bắc sẽ được củng cố thêm : 24 triệu dân ở các nơi này sẽ không được quyền rời khỏi nhà, trừ trường hợp thực sự cần thiết, và không được đi gần người khác ở ngoài đường, phải giữ một khoảng cách tối thiểu là 1,50 m.
Để thực thi các biện pháp nghiêm khắc đó, chính quyền đã sử dụng phương thức "cây gậy và củ cà rốt".
Tại thị trấn Hiếu Cảm (Xiaogan), các hoạt động công cộng như đánh mạt chược và cờ bạc rất phổ biến tại Trung Quốc đều bị cấm, với mức phạt nặng có thể lên đến 10 ngày tù giam.
Còn tại Hoàng Cương (Huanggang), một thị trấn giáp Vũ Hán, cư dân được yêu cầu khai báo việc họ có triệu chứng bệnh do virus corona hay không. Nếu khai báo, họ sẽ được thưởng 500 nhân dân tệ (khoảng 60 euro), và sẽ được điều trị ngay lập tức.
Mọi cách thức như đã được tung ra để ngăn chặn một dịch bệnh đã cướp đi gần 1.700 sinh mạng ở tỉnh Hồ Bắc.
Ở cấp độ Nhà nước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào hôm nay đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn để tìm cách giảm bớt tác hại của dịch virus Covid-19 đối với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, cũng vì dịch bệnh, Quốc hội Trung Quốc sẽ tính đến khả năng hoãn khóa họp thường niên, trên nguyên tắc sẽ mở ra vào tháng 03/2020
Chuyên gia WHO đến Bắc Kinh
Hôm 17/02/2020, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cử đến Bắc Kinh để thảo luận với các đồng nhiệm Trung Quốc, về diễn biến dịch bệnh Covid-19. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đang trong chuyến công tác tại Pakistan, đã bày tỏ tin tưởng vào "nỗ lực khổng lồ" của chính quyền Trung Quốc, cho phép dần dần đẩy lùi nạn dịch.
Tuy nhiên, WHO tối qua một lần nữa tuyên bố tình hình lây lan virus là "không thể dự báo trước". Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm qua thì tỏ ra nghi ngờ về tốc độ chính quyền Trung Quốc ngăn chặn dịch bệnh, cũng như bản chất thực sự của virus. Ghi nhận trước hết của lãnh đạo IMF là khủng hoảng dịch đã tác động đến các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Trọng Nghĩa
********************
Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ thông tin về virus corona (VOA, 15/02/2020)
Sáu tuần sau khi loan báo việc xuất hiện của virus mới, lây nhiễm cao và đôi khi gây chết người, các chuyên gia nói Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ dữ liệu có thể giúp chế ngự được dịch bệnh.
Hoa và khẩu trang trong Ngày Tình nhân (Valentine’s Day) tại Hong Kong (ảnh chụp ngày 14/2/2020)
"Trong lúc nỗ lực phát triển chiến lược kiểm soát của riêng mình, các nước đang tìm các bằng chứng xem tình hình tại Trung Quốc đang khá hơn hay tệ đi", bà Jennifer Nuzzo, một học giả kỳ cựu tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, nói. Tuy nhiên bằng chứng này chưa có.
"Chúng tôi vẫn chưa có tin tức cơ bản", ông Tom Friedman, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nói. Ông Friedman hiện đứng đầu tổ chức bất vụ lợi về y tế công cộng có tên là Resolve to Save Life.
Trong lúc một toán chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đến Trung Quốc để giúp đối phó với virus Covid-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán, ông Friedman nói "Chúng tôi hy vọng thông tin sẽ được phơi bày".
Ông nói thêm "Trong vài ngày tới sẽ là mấu chốt".
Bắc Kinh chưa chấp thuận đề nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ muốn gởi chuyên viên hàng đầu đến Trung Quốc.
Ông Mike Ryan, người đứng dầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, không nêu rõ quốc tịch của các thành viên trong đoàn chuyên gia WHO tại một cuộc họp báo ngày 13/2. "Tuy nhiên, tôi có thể đảm bảo cùng quý vị là đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới và tất cả các nước liên hệ đều có thể đóng góp để hoàn tất việc này", ông nói.
"Chúng tôi hơi thất vọng vì chúng tôi không được mời và chúng tôi cũng hơi thất vọng vì thiếu minh bạch về phía Trung Quốc", ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên ngày 13/2.
Đằng sau khúc quanh
Trung Quốc công bố hàng ngày con số ca nhiễm mới được xác nhận, nhưng không cho biết ngày các bệnh nhân này lâm bệnh. Điều này quan trọng vì nếu không có ngày triệu chứng bắt đầu, các nhà dịch tễ học không thể nói là dịch bệnh gia tăng hay giảm dần. Việc đếm các ca hàng ngày cho thấy là các phòng thí nghiệm đang xét nghiệm các mẫu nhưng không tiết lộ nhiều về tiến trình dịch bệnh bùng phát, các chuyên gia nói.
Khi các giới chức Trung Quốc thay đổi cách chẩn bệnh hôm 13/2, không thể nào nói rằng con số 13.000 ca mới Bắc Kinh báo cáo thực sự biểu hiện có gia tăng lây nhiễm vì Bắc Kinh không báo cáo ngày bắt đầu. Ông Ryan nói một số ca này xuất hiện từ lúc bắt đầu dịch bệnh nhưng WHO không biết chính xác là ca nào.
Trung Quốc không thường xuyên công bố dữ liệu về tuổi tác của bệnh nhân và ai là người bệnh nặng nhất. Hiện không rõ có bao nhiêu người thử nghiệm dương tính. Hiện cũng không rõ có bao nhiêu người bị lây nhiễm nhưng không được thử nghiệm.
Ông Frieden thuộc tổ chức Resolve to Save Lives nói "Chúng tôi biết có một số người bị bỏ qua, chắc chắn là như vậy".
Ông nêu câu hỏi "Cao hơn gấp 5 hay 10 lần ? Chúng ta không biết được".
Bỏ sót đáng nghi ngờ
Các nhân viên y tế có rất nhiều nguy cơ bị lây nhiễm trong bất cứ vụ bùng phát nào. WHO thường liệt kê lây nhiễm trong nhóm quan trọng này trong những báo cáo tình hình. Tuy nhiên, Bắc Kinh báo cáo rất ít về tình trạng của các nhân viên y tế.
Các nhà nghiên cứu tại Vũ Hán đã công bố một cuộc nghiên cứu nói rằng 40 trong số 138 bệnh nhân nhập viện là nhân viên y tế bị lây nhiễm tại bệnh viện.
"Việc này thực sự là công bố đầu tiên cho thấy các nhân viên y tế bị lây nhiễm", bà Nuzzo thuộc trường đại học Johns Hopkins, nói.
Ông Frieden đổ lỗi một phần do việc thiếu báo cáo về dữ liệu vì "không nhận thức được tình hình trong một vụ bùng phát quá mức". Lượng bệnh nhân vượt xa khả năng của hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Tuy nhiên câu hỏi không được trả lời "là liệu họ có che giấu một số thông tin hay không", ông nói thêm.
Đỡ hơn SARS
Lúc đầu khi vụ bùng phát xảy ra, nhà cầm quyền Trung Quốc làm áp lực lên các bác sĩ đã công khai lên tiếng về chứng bệnh mới.
Bắc Kinh đã khiến cho toàn thế giới lên án về việc che giấu thông tin trong vụ bùng phát dịch bệnh SARS trong 2 năm 2002-2003.
Lần này, các giới chức đã ca ngợi Bắc Kinh vì đã báo cáo vụ bùng phát Covid-19 nhanh chóng hơn và cũng nhanh chóng công bố mã số gene của virus.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt các cuộc nghiên cứu "đẹp đẽ" trong các tạp chí y học hàng đầu, phác họa một số chi tiết quan trọng của căn bệnh, bà Nuzzo nói.
Tuy nhiên thông tin quan trọng vẫn còn thiếu, và trong vụ bùng phát nghiêm trọng chứng bệnh mới, bà nói thêm, dữ liệu phải được chia sẻ càng rộng càng tốt.
"Quan niệm căn bản là nói cho mọi người biết khi bạn biết", ông Frieden nói thêm. "Và nếu bạn không biết chuyện gì đó, hãy nói rõ là bạn sẽ tìm ra thông tin đó như thế nào".