Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/02/2020

Việt Nam và Đông Nam Á đối diện với dịch covid-19 : những hệ quả

Tổng hợp

Lo ngại dịch Corona, hàng ngàn công nhân đình công yêu cầu cách ly chuyên gia Trung Quốc (RFA, 17/02/2020)

Sáng 17/02/2020, khoảng 5 ngàn công nhân thuộc công ty may gấu bông JY Hà Nam đồng loạt đình công sang ngày thứ ba để yêu cầu cách ly những người Trung Quốc vừa về quê và trở lại làm việc hôm thứ bảy 15 tháng 2.

covid1

Công nhân thuộc công ty may gấu bông JY Hà Nam đình công hôm 17/2/2020 yêu cầu cách ly lao động Trung Quốc vì lo ngại dịch bệnh corona lây lan - Ảnh chụp màn hình FB

Một công nhân cho biết đây là những chuyên gia thường được cho về Trung Quốc nghỉ Tết nguyên đán 1 tháng. Họ về nước hôm 22/1, tức ngày 28 tháng Chạp và ngày 15/2 trở lại công ty.

Các công nhân may lo ngại, có thể họ đã không cách ly đủ 14 ngày như quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Một công nhân giấu tên nói qua điện thoại như sau :

"Có một toán đầu người Trung Quốc về trong năm (trước Tết nguyên đán) và trở lại hôm mùng 6 Tết, thì những người ấy không có biểu hiện gì.

Nhưng mà những công nhân đang đình công là do những người về muộn hơn và trở lại hôm kia, hôm kìa thì công nhân yêu cầu những người ấy không lên xưởng, tiếp xúc với công nhân".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh văn phòng Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho hay không có chuyện công nhân đình công do trong thời gian nghỉ và việc tập trung chỉ để làm rõ việc có người Trung quốc làm việc hay không.

Tuy nhiên, công nhân của công ty phủ nhận lời của cán bộ huyện, họ cho biết đã bắt đầu làm việc từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 15/2 thì bắt đầu đình công khi nhóm chuyên gia Trung Quốc thứ hai quay lại làm việc.

Ngoài ra công nhân cũng lên tiếng về trường hợp có công nhân bị cho thôi việc hôm thứ bảy vì đình công yêu cầu cách ly người từ vùng dịch Trung Quốc và bữa ăn không hợp vệ sinh do xuất hiện dòi.

Hiện chưa rõ vụ việc đã được chính quyền hay công ty JY Hà Nam giải quyết hay chưa, tuy nhiên các công nhân tuyên bố sẽ tiếp tục đình công đến khi nào yêu cầu được đáp ứng.

Cũng tại công ty có vốn Hàn Quốc này, hôm 31/1, các công nhân tiến hành đình công khi một kỹ thuật viên người Trung Quốc có biểu hiện lâm sàng của dịch Covid-19.

Người này sau đó được cách ly, đưa đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus Corona chủng mới.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hôm 13/2 cho biết 63 tỉnh, thành của Việt Nam có khoảng hơn 33.000 lao động Trung Quốc làm việc tại các địa phương đã được cấp phép lao động, trong số này có hơn 26.000 người đã về nước ăn tết.

Theo bộ, tính đến thời điểm này, có khoảng hơn 7.600 lao động Trung Quốc quay trở lại sau dịp tết. Báo cáo nhanh của 41 địa phương cho biết, hiện có 5.112 lao động Trung Quốc đang được cách ly, theo dõi.

*****************

Virus corona - Covid-19 : Du lịch Đông Nam Á trả giá đắt vì dịch từ Trung Quốc (RFI, 17/02/2020)

Khách sạn trống không, bãi biển vắng tanh, hủy tour hàng loạt. Đó là bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp không khói nói chung ở Châu Á trong suốt gần hai tháng qua. Riêng Đông Nam Á, khu vực có nền kinh tế trông chờ nhiều vào du lịch, đang phải trả giá đắt cho trận dịch virus corona bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

covid2

Một góc khu chợ nổi Pattaya, Thái Lan, nơi trước dịch virus corona luôn tấp nập du khách Trung Quốc. Ảnh chụ ngày 12/02/2020. Mladen ANTONOV / AFP

Theo ước tính sơ bộ, Đông Nam Á đang mất hàng tỷ euros vì trận dịch này.

AFP ghi nhận một bầu không khí ảm đạm trong khu bãi biển Pattaya, một trong những địa chỉ được du khách Trung Quốc ưa chọn nhất ở Thái Lan : Phía trước mặt biển, trước kia vốn là nơi nhộn nhịp, giờ vãn sạch khách, những con tàu chở khách du lịch nằm chết trên bến và các lều quán của khu chợ nổi thật ảm đạm.

Trong khu trại voi Chang Siam Park, một điểm hút khách du lịch chủ đạo của thành phố, Ma Mya, người bán đồ lưu niệm cho biết thu nhập của bà bị giảm một nửa. "Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, tôi sẽ phải trở về quê", người phụ nữ dân tộc Kayan, trên cổ đeo sợi dây chuyền vàng, thở dài ngao ngán.

Công viên này trước đây mỗi ngày vẫn đón từ 1.500 đến 2.000 khách thăm, "giờ chỉ còn không quá 200 khách. Tôi đã bị lỗ mất hai triệu bath (trên 60 nghìn đô la)", Nantakorn Phatnamrob, ông chủ của khu trại voi nói với AFP.

Tại Cam Bốt, khu đền nổi tiếng Angkor cũng không còn thu nhập như trước. Tiền vé tham quan đã bị sụt giảm 30 đến 40%, theo số liệu của bộ Du lịch Cam Bốt.

Hoàn cảnh tương tự với ngành du lịch Việt Nam : 13 nghìn đăng ký đặt phòng khách sạn tại Hà Nội bị hủy. Lượng khách đến vịnh Hạ Long, báu vật của du lịch Việt Nam, đã giảm hơn 60%.

Để chứng tỏ đã rút ra bài học từ đợt dịch SARS năm 2002-2003, chính quyền Trung Quốc đã có các biện pháp nghiêm ngặt nhất chống dịch virus corona chủng mới, đến giờ đã làm trên 1.700 người chết và hơn 70 nghìn người bị nhiễm bệnh.

Bắc Kinh đã cô lập từ cuối tháng Giêng 56 triệu dân ổ dịch trong tỉnh Hồ Bắc đồng thời cấm toàn bộ tổ chức các tour du lịch ra nước ngoài.

Hệ quả của quyết định hạn chế người Trung Quốc đi lại thấy ngay tại Thái Lan, nơi mà năm ngoái đón hơn 10 triệu khách Trung Quốc (chiếm 27% du khách nước ngoài). Từ đầu tháng Hai, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 86%, theo bộ trưởng Du lịch, Phiphat Ratchakitprakarn.

Còn ở Việt Nam, du khách Trung Quốc gần như vắng bóng hoàn toàn, giảm từ 90% đến 100% tùy theo từng khu vực.

Thiệt hại lớn vì lệ thuộc vào du lịch

Cho dù dịch virus corona chủ yếu hoành hành tại Hoa lục và số người nhiễm virus ở Đông Nam Á vẫn còn là thấp nhưng hậu quả kinh tế sẽ rất nặng nếu không muốn nói là tai họa vì tăng trưởng của các nước này lệ thuộc nhiều vào du lịch.

Thái Lan, du lịch chiếm tỷ trọng 20% GDP, tổn thất kinh tế liên quan đến đợt dịch này năm nay sẽ phải lên tới gần 7,4 tỷ euro (1,5 GDP), theo tính toán của Don Nakornthab, quan chức cao cấp Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

Về phần mình, Việt Nam ước tính sẽ mất khoảng 5,4 đến 7,1 tỷ euros, ngay trong ba tháng tới.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu hệ lụy kinh tế còn kéo dài sang năm 2021 như lo ngại của một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch ?

Ý thức được nguy cơ, Thái Lan và Cam Bốt không từ chối khách Trung Quốc mà chỉ chủ trương tăng cường kiểm soát ở sân bay và các cửa khẩu biên giới. Thái Lan thậm chí còn cho du khách Trung Quốc miễn visa.

Còn thủ tướng Cam Bốt, Hun Sen thì lên án cái mà ông gọi là "căn bệnh sợ hãi". Ông Hun Sen làm tất cả để sao khỏi mếch lòng Bắc Kinh và để nhất là kéo người Trung Quốc trở lại với vương quốc chùa tháp

Chính quyền Việt Nam thì tỏ ra thận trọng phòng chống hơn, đã nhanh chóng cho ngừng các chuyến bay đi và đến Trung Hoa đại lục. Các chuyến tàu hỏa chở khách liên vận cũng đã bị dừng hoạt động.

Còn Lào thì đã đóng cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc và cũng đã cho hủy một số chuyến bay hàng ngày qua lại Trung Quốc. Một bà bán hàng nước trái cây tại thành phố cổ Luang Prabang nói : "Từ khi chúng tôi không thấy người Trung Quốc nữa, tình hình có vẻ ngày càng tồi tệ".

Nhiều văn phòng du lịch và khách sạn trong vùng đã hạ giá, cho phép khách thay đổi miễn phí thời gian lưu trú nhằm giảm tình trạng hủy đặt chuyến hoặc phòng.

Indoesia "miễn dịch" ?

Trong khi virus corona tiếp tục lây lan, các nước Đông Nam Á đều được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ thì dường như virus Covid-19 đến biên giới Indonesia thì dừng lại. Đất nước vạn đảo này đến giờ vẫn không phát hiện thấy một ca lây nhiễm nào.

Không hề có một trường hợp nhiễm bệnh nào. Làm sao có thể như vậy được khi mà mỗi năm Indonesia vẫn đón 2 triệu khách du lịch Trung Quốc và các chuyến bay từ Trung Quốc tới chỉ bị dừng lại rất muộn, hơn một tháng sau khi dịch bùng phát và nhất là trong khi tất cả các nước láng giềng của Indonesia đều bị nhiễm dịch ?

Theo các chuyên gia của Đại học Harvard, Hoa Kỳ, về mặt thống kê là không thể. Trong một nghiên cứu công bố tuần trước, các nhà khoa học Mỹ khuyến cáo Indonesia phải nâng cao mức độ cảnh giác.

Thực tế tại Indonesia, thiết bị y tế bị thiếu nghiêm trọng. Phải đợi đến ngày 05/02 thì các dụng cụ phát hiện virus corona mới được triển khai hoạt động. Cho đến giờ các bác sĩ Indonesia chỉ có thể phát hiện bệnh trong trường hợp đối tượng bị sốt. Còn những bệnh nhân nhiễm virus không có biểu hiện lâm sàng cụ thể chắc chắn bị lọt lưới.

Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự nước này thừa nhận tình trạng thiếu trang thiết bị y tế và trong một đất nước gồm hàng nghìn hòn đảo thì việc kiểm soát bệnh dịch rất khó khăn.

Trong khi đó bộ trưởng Y tế Indonesia phản bác các nghi ngờ và khẳng định : "Chúng tôi tuân theo các trình tự thủ tục quốc tế. Chúng tôi không giấu gì. Có thể là ngạc nhiên nhưng đó là như vậy : Chúng tôi chưa được thông báo có ca nhiễm virus Corona nào".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 568 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)