Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/02/2020

Nhật Bản chật vật với Coronavirus trên du thuyền Diamond Princess

RFI tiếng Việt

Virus corona - Covid-19: Tại Nhật, 500 hành khách tàu Diamond Princess lên bờ sau 14 ngày cách ly (RFI, 19/02/2020)

Tại Nhật Bản, trên 500 hành khách tàu Diamond Princess, nơi đã có 542 ca nhiễm virus corona, hôm nay 19/02/2020 bắt đầu được lên bờ sau 14 ngày bị cách ly trên chiếc tàu neo ở cảng Yokohama. Trong khi nhóm đầu tiên được đổ bộ, trên tàu lại phát hiện thêm 79 ca dương tính.

nb1

Một chiếc xe buýt được cho là chở hành khách của du thuyền Diamond Princess, rời bến tàu Daikoku ở cảng Yokohama, phía nam Tokyo (Nhật Bản) ngày 19/02/2020. Reuters/Athit Perawongmetha

Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval cho biết thêm chi tiết :

"Việc xuống tàu bắt đầu trễ khoảng nửa tiếng đồng hồ, và người dân Nhật chẳng thể nhìn thấy gì, vì các camera bị buộc phải ở cách xa chiếc tàu vài chục mét, và chính quyền đòi hỏi phải làm mờ tất cả các hình ảnh.

Chỉ có trên 500 hành khách được phép lên bờ hôm nay, còn lại 2.727 người vẫn phải ở lại trên tàu. Hoạt động đổ bộ này còn kéo dài tới thứ Sáu 21/02. Những người xét nghiệm âm tính với virus được rời tàu, nhưng phải cam kết thông báo cho chính quyền tình trạng sức khỏe của họ, và đã được kiểm tra không bị sốt và ho.

Tuy nhiên trên mạng xã hội hôm nay có thể đọc được những lời bình đầy lo ngại. Người Nhật đã nghe những lời giải thích của các chuyên gia về thời kỳ ủ bệnh, và họ biết rằng hôm qua đã có thêm 88 trường hợp dương tính mới trên tàu.

Một số người tự hỏi, liệu những hành khách được xuống tàu sáng nay trong vài ngày tới có sẽ phát bệnh hay không, và trong thời gian đó, họ đã lây nhiễm cho bao nhiêu người.

Rõ ràng là có sự thiếu sót trong việc giải thích từ phía chính phủ. Theo một cuộc thăm dò dư luận công bố hôm qua, người dân cho rằng chính quyền đã xử lý kém cỏi vụ chiếc tàu bị nhiễm virus này. Chỉ có 39% người Nhật đánh giá là chính quyền đã hành động đúng mức".

Chiếc tàu Diamond Princess chở 3.711 người thuộc 56 quốc tịch khác nhau đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai, với số người bị lây nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Mỗi ngày lại có thêm vài chục ca mới, đặt ra dấu hỏi về hiệu quả của biện pháp cách ly trên tàu. Một số quốc gia đã quyết định gởi máy bay đến để đưa công dân về nước.

Chủ Nhật 16/02, hơn 300 du khách người Mỹ đã được hồi hương, trong đó có 14 người phát hiện dương tính trước lúc khởi hành, và đã được bố trí ngồi trong khu vực cô lập trên máy bay. Hiện vẫn còn trên 100 công dân Mỹ trên tàu. Sáng nay đến lượt Hàn Quốc, và tiếp đến Canada, Anh, Úc chuẩn bị điều phi cơ đến "giải cứu". Về phần thủy thủ đoàn sẽ bị cách ly một khi hành khách cuối cùng đã xuống tàu.

Trong khi đó tại Cam Bốt, những du khách còn lại trên tàu Westerdam xét nghiệm âm tính được lên bờ hôm nay, thủy thủ đoàn 700 người vẫn ở lại vì chưa xét nghiệm xong.

Số người tử vong ở Trung Quốc vượt ngưỡng 2.000

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm nay 19/02/2020 thông báo đã có thêm 136 người chết do virus corona (Covid-19) vào hôm qua tại Hoa lục, nâng tổng số ca tử vong lên thành 2.004 người, riêng Hồng Kông ghi nhận ca tử vong thứ hai. Số trường hợp mới bị nhiễm là 1.749 người, thấp hơn những ngày trước, và đến nay đã có trên 74.000 người bị lây nhiễm. Hôm nay phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) tuyên bố tình hình Vũ Hán vẫn nghiêm trọng.

Thụy My

****************

Virus corona - Covid-19 : Nhật bó tay trước nguy cơ lây lan dịch bệnh (RFI, 18/02/2020)

Đại cường kinh tế thứ ba thế giới chuẩn bị đương đầu với cuộc đổ bộ của siêu vi corona chủng mới. Quen với thảm họa thiên tai, bão tố, động đất, Nhật Bản bình tĩnh chuẩn bị đối phó với "cuộc chiến lâu dài". Chính phủ Shinzo Abe báo động và kêu gọi tinh thần trách nhiệm và công dân của mỗi người Nhật. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế không giấu lo ngại trước những thực tế vượt tầm khả năng phòng chống.

nb2

Du thuyền Diamond Princess đậu ở Yokohama, Nhật Bản ngày 11/02/2020. Reuters/Issei Kato

Du thuyền "Diamond Princess" cùng với 3.700 người đang cách ly ở cảng Yokohama, trong đó có 542 người bị lây nhiễm theo báo cáo hôm nay, không phải là ổ bệnh duy nhất tại Nhật. Nạn nhân tử vong hôm 13/02, một phụ nữ vô tình bị con rể là tài xế taxi lây bệnh, và 65 trường hợp dương tính với siêu vi Covid-19 trên toàn quốc, cũng chỉ là bề nổi của tảng băng sơn. Trong bối cảnh siêu vi lây lan ở Trung Quốc và nhiều nước Châu Á, sự kiện mỗi năm có hơn 9 triệu du khách Hoa lục đến Nhật là một bài toán nát óc.

Quen với thiên tai, chính quyền Nhật kêu gọi dân chúng, mỗi người trong khả năng của mình, đóng góp vào "cuộc chiến được dự báo lâu dài" : Đeo khẩu trang, dùng thuốc diệt trùng rửa tay thường xuyên, tránh sinh hoạt đông người. Hệ quả là cuộc đua việt dã Tokyo hàng năm (01/03) với 38.000 người tham gia bị hủy bỏ, thay vào đó là cuộc đua biểu tượng với 200 vận động viên chuyên nghiệp tham gia. Lễ hội mừng sinh nhật Hoàng đế, Chủ Nhật 23/02, cũng bị hủy bỏ.

Tìm virus nơi không có virus

Trên thực tế, chính phủ Nhật dường như không có một giải pháp khả thi : Làm cách nào biết được người bị nhiễm ? Làm sao truy ra hết những ai đã tiếp xúc với người này để cách ly ? Rồi hiệu năng của cách xét nghiệm vì sao không chính xác tuyệt đối ?

Kentaro Iwata, giáo sư khoa truyền nhiễm, đại học Kobe, rất bi quan. Được nhật báo Pháp Les Echos phỏng vấn, chuyên gia Nhật không hy vọng nhiều về khả năng đối phó của chính phủ vì ba vấn đề, nguyên tắc thì đơn giản nhưng làm cho đúng thì không dễ.

Trước hết là biện pháp xét nghiệm. Nước nào cũng nói "xét nghiệm" tìm virus. Nhưng dùng một chiếc que bọc bông gòn tìm "gien" lấy mẫu trong cổ họng, nếu chỉ có một vài bệnh nhân thì rất nhanh. Nhưng điều bất tiện là cần có máy đo tinh vi, và trong trường hợp có cả ngàn ca cùng lúc thì công việc sẽ ứ đọng ngay.

Giới hạn thứ hai của phương pháp này là do chính cách lây truyền của siêu vi. Covid-19 lúc mới xâm nhập, nằm sát dưới đáy lá phổi, tìm kiếm trong cổ họng hay trong mũi thì làm sao có ? Do vậy, tuy đã nhiễm siêu vi nhưng kết quả vẫn là âm tính. Thế nên cần phải cách ly 14 ngày.

Nhưng cách ly cũng có vấn đề của nó. Trong giai đoạn này, nếu kiểm soát lỏng lẻo thì bệnh nhân, vì tưởng lầm không có virus, có thể mang mầm bệnh của mình lây cho nhiều người khác. Đó là lý do mà vì sao trong du thuyền Diamond Princess, ngày nào cũng có thêm cả trăm người bị lây cho dù đã được cách ly.

Tuần lễ bất trắc

Theo giáo sư Kentaro Iwata, những gì sắp xảy ra trong những ngày tới sẽ có tác động quyết định. Hoặc là chính phủ ngăn chận được virus lây lan, hoặc sẽ có thêm hàng ngàn người bị nhiễm. Y tế Nhật đang gặp khó khăn trong việc cách ly người mang mầm bệnh, và truy tông tích để cách ly những người vô tình tiếp xúc với người bị nhiễm đó. Đã có rất nhiều ca lây bệnh cho nhau như thế ở các tỉnh thành nước Nhật, mà không biết ai là người đầu tiên.

Đừng chủ quan

Trong bối cảnh viêm phổi cấp tính chủng mới đang từ Trung Quốc lan rộng đe dọa thế giới, kiến thức về siêu vi cũng như thái độ bi quan của chuyên gia Kentaro Iwata là tiếng chuông cảnh tỉnh.

Một số nhà sinh học, dựa vào nhược điểm của siêu vi không chịu nóng và ẩm, để dự báo Covid-19 sẽ lụi tàn trong mùa xuân với khí hậu ấm lên và mưa nhiều.

Giáo sư Kentaro Iwata khuyến cáo đừng nhầm kết quả khảo sát trong ống nghiệm với thực tế : không thể trông cậy vào cái chết tự nhiên của Covid-19 trong những tuần lễ tới.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)