Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/02/2020

Xả đập trên sông Mekong, Bắc Kinh để lộ chân tướng lãnh chúa

RFA tiếng Việt

Trung Quốc xả đập thủy điện trên sông Mekong, sự hợp tác mang tính ‘kẻ cả’ (RFA, 21/02/2020)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi phát biểu tại một cuộc họp hôm 20/2, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5 tại Lào, cho biết Trung Quốc đã xả nước ở các đập thủy điện trên sông Mekong để giúp các nước ở hạ nguồn đối phó với hạn hán. Ông Vương Nghị nói việc các nước trong khu vực đang bị hạn hán là do thiếu mưa và Trung Quốc cũng gặp khó khăn tương tự.

mekong1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc họp hôm 20/2, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5 tại Lào, AFP

Quá muộn

Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Trường đại học Cần Thơ, nhận định :

"Trung Quốc đang cố chứng tỏ họ có thiện chí trong việc chia sẻ nguồn nước sông Mekong. Tuy nhiên tôi cho rằng, tuyên bố này là quá muộn rồi, bởi vì Đồng bằng sông Cửu Long hay các vùng hạ lưu ở Campuchia, nói đang giữa mùa khô hạn, không còn gì để cứu nữa. Những cánh đồng khô hạn hiện không ai canh tác nữa. Bây giờ Trung Quốc nói xả nước xuống cũng không đáng kể bao nhiêu, tình trạng mặn đã nhiễm sâu, không có nguồn nước nào có thể cứu".

Theo ông Lê Anh Tuấn, Trung Quốc xả đập thủy điện trên sông Mekong, nhưng nước không tới được Đồng bằng sông Cửu Long, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó lúa đang thiếu nước ở đó cũng đã chết.

Theo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mới giữa tháng 2, là giai đoạn bắt đầu bước vào mùa khô, nhưng nhiều địa phương đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn.

Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân mùa khô năm nay sẽ khốc liệt hơn do toàn bộ thượng nguồn sông Mekong thiếu 65% tổng lượng mưa. Do thiếu nước, hiện độ mặn 2,9% trên sông Tiền đã vào sâu cách biển 81km. Sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6% đã vào cách cửa biển 75km.

Một người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long giấu tên, hôm 21/2 cho RFA biết tình hình hiện tại ở địa phương mình :

"Ở khu vực này bị thiếu nước, giờ đang cắt lúa… Trà Ôn, Vũng Liêm, những tỉnh gần Trà Vinh, nước biển vô thì bị ngập mặn… do nắng hạn".

Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến giữa tháng 2, tổng cộng thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 29.700ha, trong đó vụ mùa thiệt hại 16.000ha, và vụ đông xuân thiệt hại 13.700ha.

Thái độ "kẻ cả" của Trung Quốc

Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, các nước hạ nguồn sông Mekong phải thương thảo, đấu tranh để Trung Quốc chia sẻ thông tin về các dòng chảy trên sông, cũng như việc vận hành các đập thủy điện. Vì từ trước đến nay, Trung Quốc không chia sẻ các thông tin về việc đóng mở đập để các nước hạ nguồn chuẩn bị :

"Đến mức khô hạn như thế mới thả ít nước ra rồi nói đây là thiện chí của mình, hợp tác đó mang tính hơi ‘kẻ cả’ chút xíu đối với các nước hạ nguồn. Ngoài ra, mọi người cũng nhận thấy rằng, Trung Quốc sử dụng các đập này như công cụ để kiểm soát các nước hạ nguồn, nhiều hơn cho mục đích kinh tế hay phát điện, dù đó cũng là mục tiêu của họ, nhưng không phải là mục tiêu chính".

mekong2

Ảnh minh họa : Hạn hán ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trước đây. AFP

Trong phát biểu của mình tại hội nghị ở Lào, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc đang xem xét để chia sẻ thông tin với các nước khác trong tương lai.

Theo thông tin từ Ủy hội sông Mekong, hiện trên sông Lan Thương, là thượng nguồn sông Mêkông đoạn chảy qua Trung Quốc, đã có 11 đập thủy điện, với tổng sản lượng điện 21.300 megawatt. Tổng sản lượng này hơn cả tổng sản lượng của tất cả các đập thủy điện của các nước hạ nguồn cộng lại. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập ở lưu vực sông, cả ở dòng chính và trên các nhánh phụ.

Một nghiên cứu của Mekong Freedom Network công bố hồi năm ngoái xác định 8 đập thủy điện trên sông Mekong của Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu. Và đây được xác định là nguyên nhân chính khiến dòng chảy sông Mekong trở nên bất thường thời gian qua.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố xả đập với lý do cứu hạn mặn cho các nước hạ nguồn. Vào năm, 2015-2016, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng hạ nguồn, bị khô hạn nghiêm trọng. Lúc đó Bộ ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho xả nước ở đập Cảnh Hồng, với lưu lượng khoảng trên 2100 m3/ giây. Sau đó Trung Quốc đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên theo quan sát của Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn khi đó, không giúp nhiều mà còn gây thiệt hại :

"Thứ nhất là nó không đều đặn, thứ hai là nó không đủ để giúp cho chuyện khô hạn và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long bao nhiêu, mà nó gây thêm cái hại vì người dân không hiểu thông tin đầy đủ, họ nghĩ là Trung Quốc xả nước thôi, chứ không hiểu là đến Đồng bằng sông Cửu Long được bao nhiêu, vì dọc đường lượng nước đã bị hấp thu ở hành lang ở Lào và biển hồ Campuchia. Khi đó nông dân đã gieo xạ để cứu một số lúa trước đó, nhưng nước không có bao nhiêu và nông dân bị thiệt hại nhiều hơn. Nhưng Trung Quốc vẫn lấy điều này tuyên truyền rằng, những đập ở Trung Quốc có tác dụng cứu hạn trong mùa khô, do trữ nước trong mùa mưa và xả trong mùa khô".

Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Stimson ở Washington DC, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, cơ hội để Việt Nam tự giải quyết vấn nạn hạn mặn, có thể xem là không nhiều. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng yếu của Việt Nam, cách để giảm thiểu tác động từ thượng nguồn là trữ nước trong mùa mưa cho mùa khô.

Ông Brian Eyler cho rằng, Việt Nam cần làm việc với cả Lào, Campuchia, Trung Quốc trong hợp tác xúc tiến phương cách thay thế có thể chuyển đổi tương lai sản xuất thủy điện sang các nguồn điện khác ; cũng như bàn bạc với các quốc gia thượng nguồn, đừng tích nước mà phải xả nước xuống hạ nguồn trong thời gian khô hạn, để lưu lượng dòng chảy được tự nhiên như bình thường.

Còn theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, cần nghiên cứu những giải pháp về công trình xây dựng cơ bản, về các chính sách thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi cây trồng, thay đổi công thức luân canh, các giải pháp kỹ thuật như nghiên cứu các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn…

**************

Trung Quốc nói đã xả nước từ đập thủy điện để chống hạn ở hạ nguồn (RFA, 20/02/2020)

Trung Quốc hôm 20/2 cho biết nước này đã xả thêm nước từ các đập trên dòng sông Mekong để giúp các nước hạ nguồn chống hạn, đồng thời cho biết sẽ xem xét việc chia sẻ thông tin để giúp các nước trong tương lai. Reuters loan tin này vào cùng ngày.

mekong3

Hình minh họa. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp với các nước ASEAN ở Vientiane, Lào hôm 20/2/2020 - AP

Tuyên bố này được đưa ra tại hội nghị Hợp tác sông Mekong và Lan Thương được tổ chức giữa Trung Quốc và các nước thuộc lưu vực sông Mekong khác đang diễn ra ở Lào hôm 20/2.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp rằng : "Trung Quốc đã khắc phục được những khó khăn của chính mình và đã gia tăng lượng nước từ sông Lan Thương (tên gọi của Trung Quốc đối với sông Mekong) để giúp các nước sông Mekong giảm thiểu tác hại của hạn hán".

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng đồng thời cho biết các bên đã đồng ý để thắt chặt hơn hợp tác giữa các nước trong khuôn khổ Lan Thương – Mekong để đảm bảo việc sử dụng nguồn nước bền vững.

Trong những tháng qua, các nước hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng do thiếu nước từ sông Mekong. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá là do 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông của Trung Quốc đã giữ một lượng nước đáng kể.

Hạn hán trong năm qua đã gây tổn hạn nghiêm trọng đến nông nghiệp và ngư nghiệp các nước Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchaia và Myanmar.

Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng hạn hán ở khu vực sông Mekong là do thiếu mưa và Trung Quốc cũng chịu tình trạng tương tự.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 522 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)