Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/02/2020

Điểm báo Pháp - Trung Quốc lại dọa nạt Đông Nam Á

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Trung Quốc chơi trò dọa nạt Đông Nam Á

Hiểm họa virus corona tiếp tục là chủ đề số một của báo chí Pháp hôm nay : Thảm họa đại dịch không tránh khỏi, kinh tế toàn cầu lên cơn sốt, Châu Âu trang bị đối phó hai mối đe dọa y tế và kinh tế. Trung Quốc tê liệt vì khủng hoảng, bài học nào cho Đông Nam Á và Châu Âu ?

doanat1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) nói chuyện với ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez (trái) và Lào Saleumxay Kommasith tại Vientiane (Lào), ngày 20/02/2020. Reuters/Phoonsab Thevongsa

Vẫn chưa phải đại dịch ?

Thế giới đang đứng bên bờ đại dịch hay đã thấy ánh sáng cuối đường hầm ? Không một nhật báo Pháp nào tán đồng các tuyên bố lạc quan của người điều hành Tổ chức Y tế Thế giới WHO về khả năng chống dịch của Bắc Kinh .

Cụ thể, Le Monde dành tám trang để báo động : Ổ dịch từ Trung Quốc lây lan khắp nơi… Hàn Quốc, Iran, Ý, làn gió hốt hoảng làm chao đảo thị trường chứng khoán. Tại Pháp, học sinh đi nghỉ từ các vùng dịch được lệnh tự cách ly hai tuần trước khi trở lại lớp.

Trong bài "Đại dịch khó tránh", nhật báo độc lập điểm qua các ổ dịch xuất hiện tại hơn 30 nước, khéo léo làm nổi bật những lời trấn an giáo điều của Tổ chức Y tế Thế giới như là "các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc đã mang lại kết quả, là thông điệp cốt lõi tạo ra niềm hy vọng và niềm tin đến tất cả các nước, là có thể ngăn chặn được siêu vi, thật như thế, vì nhiều nước đã làm được".

Tuyên bố khích lệ này làm nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Mỹ là giáo sư Marc Lipsitch, đại học Harvard đặt câu hỏi : "Nước nào đã chận được dịch và đâu là những bằng chứng vững chắc ?". Lời từ chối "chưa công nhận đại dịch" của giám đốc WHO, bác sĩ người Ethiopia, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng gây kinh ngạc. Theo báo cáo của Đại học Hoàng gia Luân Đôn thì bất chấp các biện pháp cách ly, phong tỏa từ hơn một tháng nay, "hai phần ba trường hợp Covid-19 từ Hoa lục lây khắp địa cầu đã không được phát hiện và sẽ tiếp tục lây lan một cách âm thầm từ người sang người".

Thẩm định này hoàn toàn phù hợp với một kết quả nghiên cứu khác của đại học Sorbonne, Paris : Người mang virus có thể lây cho người khác trước khi phát bệnh.

Về phần chính quyền Trung Quốc, Tập Cận Bình lần đầu tiên nhìn nhận là trong bộ máy Đảng có vấn nạn che giấu thông tin, để rồi khẳng định để "đánh thắng giặc" Covid-19, cần phải "tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng". Tuyên bố này mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, rõ ràng Tập Cận Bình không muốn làm Gorbatchev như trong vụ nổ Tchernobyl. Tuy ông Tập nhìn nhận có tệ nạn "bịt mắt trung ương", không có dấu hiệu nào cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc được bật đèn xanh đưa bất cập này ra thảo luận.

Sự kiện thứ hai là lần đầu tiên Quốc hội Trung Quốc phải dời khóa họp thường niên cho đến thời điểm vô hạn định. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh không dự đoán được khi nào hết dịch cũng như không muốn để cho dân Trung Quốc nhìn thấy cảnh đại biểu hai viện (Quốc hội và Chính hiệp) và quan khách, khoảng 8.000 vị, bịt mặt họp bàn quốc sự, thật là không đẹp chút nào.

Trung Quốc : yếu tố chia rẽ Đông Nam Á

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tê liệt vì Covid-19, bài xã luận của Le Monde phân tích thái độ trịch thượng của Bắc Kinh, dọa nạt một số quốc gia Đông Nam Á nhân hội nghị ASEAN-Trung Quốc tại Vientiane.

Trong cuộc họp ngày 20/02/2020 tại thủ đô nước Lào, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi đối tác Đông Nam Á cùng hợp tác chặt chẽ kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19.

Vì là bạn hàng số một của ASEAN, khủng hoảng tại Trung Quốc tác hại nghiêm trọng cho kinh tế, du lịch các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố bề mặt ủng hộ Trung Quốc, các nước ASEAN không thiếu những ẩn ý.

Các chế độ ở Thái Lan, Cam Bốt, Lào đã chọn làm đồng minh với Bắc Kinh, nhưng cũng có những nước bang giao với Trung Quốc khá phức tạp. Việt Nam đóng biên giới với Trung Quốc. Indonesia, Philippines và Singapore cấm hành khách đến từ Hoa lục nhập cảnh. Tại Vientiane, ngoại trưởng Trung Quốc chấm điểm từng nước. Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Singapore Vivian Balakrishnan, Vương Nghị gián tiếp công kích các biện pháp "hạn chế" công dân Trung Quốc nhập cảnh. Với hơn 85 người bị nhiễm, Singapore là quốc gia Châu Á đứng hàng thứ tư, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị dịch Covid-19.

Theo Le Monde, cuộc khủng hoảng siêu vi Corona, chưa biết bao giờ chấm dứt, là cơ hội tốt để các nước ASEAN xét lại, suy ngẫm về mô hình phát triển của Trung Quốc. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng để kinh tế quốc gia lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nhất là đại cường này có chiến lược tranh đoạt biển đảo với Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines gây căng thẳng trong khu vực.

Le Monde trích nhận định của Trịnh Lê, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Úc, như sau : "Đối với Đông Nam Á, thì Trung Quốc vừa là một đối tác vừa là một đe dọa cho ổn định khu vực". Dự án "Một vành đai Một con đường" với lời hứa đầu tư vào hạ tầng cơ sở cho những nước nghèo như Lào nghe rất cám dỗ. Nhưng mặt khác là nỗi sợ gánh nợ quằn lưng.

Xue Gong, một chuyên gia chính trị ở Singapore cảnh báo : Dự án Con đường tơ lụa của Bắc Kinh được thương lượng riêng rẽ với từng nước là nguồn chia rẽ các thành viên Đông Nam Á, làm cho hiệp hội ASEAN suy yếu.

Covid-19 : Cơ hội để Châu Âu học khôn

Đây không phải là bài học dành riêng cho những nước nhỏ tại Châu Á. Khủng hoảng virus corona còn là cơ hội để Châu Âu xét lại tình trạng lệ thuộc vào các công ty gia công tại Hoa lục.

Với bốn trang phóng sự, Libération đo thân nhiệt kinh tế thế giới : "Kinh tế toàn cầu bị lây nhiễm, cơ sốt lan đến các sàn giao dịch, đe dọa tăng trưởng thế giới. Công nghệ cao, du lịch, thời trang, thương mại đều bị ốm". Để chứng minh, Libération đưa độc giả đến hai nơi. Tại Bắc Kinh, giới doanh nghiệp than thở "nếu dịch kéo dài thì công việc làm ăn của chúng tôi sẽ rất phức tạp". Tại Aubervilliers, ngoại ô bắc Paris, nơi có khu chợ bán sỉ của người Hoa với 1.500 cửa hiệu và 100.000 người làm việc. Bình thường hàng quán sinh hoạt tấp nập nay vắng như "chùa bà Đanh". Một chủ hiệu bán ví tay giải thích : "khách hàng không đến vì chúng tôi là người Châu Á".

Trong bầu không khí lo âu này, Le Figaro Les Echos điểm qua các biện pháp mà nước Pháp đã chuẩn bị để đối phó với dịch : thiết bị xét nghiệm, khẩu trang, cơ sở y tế cách ly… mức độ báo động tại Pháp đã tăng lên một nấc từ khi virus corona xuất hiện tại Ý.

Bài xã luận của Le Figaro kêu gọi tránh các biện pháp thái quá như đóng cửa biên giới như một vài nhân vật cực đoan hoặc mị dân kêu gọi, bất chấp ý kiến của giới y tế. Nhật báo cánh hữu, trái lại, rất lo "virus corona là tia lửa điện gây khủng hoảng kinh tế địa cầu".

Về kinh tế, nguy cơ tăng trưởng của Pháp bị tác hại ngày càng rõ nét.

Trả lời phỏng vấn của La Croix, quốc vụ khanh kinh tế tài chính Agnès Panner-Runacher nhìn nhận nguy cơ này do hai lý do : Một là nhiều dây chuyền sản xuất có nguy cơ thiếu linh kiện do Trung Quốc sản xuất, trong lãnh vực xe hơi chẳng hạn. Thứ hai là do lượng du khách Trung Quốc giảm và người tiêu thụ Trung Quốc cũng giảm mua sắm hàng xa xỉ của Pháp.

Tuy nhiên, theo viên chức chính phủ này, điều mà nước Pháp và Châu Âu có thể chủ động khắc phục là đem về lại Châu Âu những ngành sản xuất chiến lược để bớt lệ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc.

Hosni Moubarak : quyết tâm ổn định cho đến lúc bị lật đổ

Cái chết của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak là cơ hội để báo chí đưa độc giả trở lại 30 năm cầm quyền của người được mệnh danh là "pharaon" Ai Cập cho tới khi phải từ chức trước áp lực đường phố. Phong trào Mùa Xuân Ả Rập tại Ai Cập chính là hệ quả tất yếu của chủ trương "bám trụ để ổn định chính trị".

Libération dành một bài dài cho cựu tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak từ trần hôm thứ Ba, thọ 91 tuổi. Điều ám ảnh nhà lãnh đạo này trong suốt 30 năm cai trị là làm sao cho Ai Cập luôn ổn định. Đó là lý do vì sao ông được Mỹ ủng hộ và viện trợ dồi dào.

Tuy nhiên, nhân vật ủng hộ chính sách hòa bình với Israel và ủng hộ Israel hòa giải với Palestine có một khuyết điểm : đó là ù lì không chấp nhận cải cách kinh tế, chính trị và xã hội. Ông đã làm cho dân Ai Cập chìm trong nghèo khó suốt 30 năm. Chuyện gì phải đến đã đến vào năm 2011, với ngọn gió cách mạng Mùa Xuân Ả Rập.

Nhân quyền : Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thiếu gan ?

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới bị nghi ngờ nhượng bộ Bắc Kinh thì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bị tố cáo đầu hàng trước các nhà lãnh đạo độc tài. Le Monde lo sợ cho tình trạng nhân quyền trên thế giới mà chiều hướng suy thoái bắt đầu từ trước thời Antonio Guteres .

Le Monde đưa ra một loạt trường hợp từ Tân Cương, Trung Quốc cho đến Syria, từ Nga cho đến Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nào các nhà độc tài biểu lộ uy quyền thì nơi đó Liên Hiệp Quốc lùi bước viện lý do "tiến hành chiến lược ngoại giao bí mật".

Đó là chưa kể vụ nhà báo đối lập Saudi Arabia Jamal Khashogi bị "mất tích" trong tòa lãnh sự của Ryad tại Istanbul. Theo giới nhân quyền, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ chối dùng uy tín của mình để thúc đẩy điều tra tận gốc cho dù ai cũng nghi ngờ thái tử nối ngôi là kẻ chủ mưu.

Một chuyện đáng được chú ý nữa là Liên Hiệp Quốc nhanh chóng lên án chính sách đàn áp phong trào xã hội ở Chilê nhưng lại phản ứng rất "nhu mì" trước cảnh phong trào dân chủ ở Hồng Kông bị đàn áp thô bạo.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)