Covid-19 - Đông Nam Á : Trốn dịch, lao động Miến Điện bỏ Thái Lan về nước (RFI, 31/03/2020)
Tại Thái Lan, nạn nhân Covid-19 tiếp tục gia tăng : 10 người chết và 1.651 ca nhiễm theo báo cáo ngày 31/03/2020. Để tránh siêu vi và tình trạng kinh tế Thái Lan đình trệ, hàng chục ngàn dân nhập cư lao động Miến Điện chạy về nước.
Người dân Thái Lan chờ buýt về nhà sau khi chính phủ ra lệnh đóng cửa mọi cửa hàng không cần thiết để chống dịch Covid-19, Bangkok, ngày 22/03/2020. Reuters - SOE ZEYA TUN
Miến Điện, với 14 ca chính thức loan báo, đa số là công dân du lịch trở về, lo sợ dịch bệnh theo chân di dân lao động hồi hương. Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Miến Điện, ngày 31/03/2020, cho biết vừa có bệnh nhân đầu tiên chết vì bệnh Covid-19 tại nước này. Đó là một người đàn ông 69 tuổi, bị ung thư, nhập viện tại Rangun.
Thông tín viên Sarah Bakaloglou, từ Rangun cho biết chi tiết :
"Từ nhiều ngày qua, hình ảnh từng đoàn người lao động Miến Điện từ Thái Lan kéo nhau hồi hương trốn dịch Covid-19 tràn ngập các trang mạng xã hội Miến Điện. Hàng ngàn người bám lấy nhau, tập trung ở các cửa khẩu biên giới Thái. Có người leo hàng rào biên giới rồi phân tán ra khắp khu vực nơi mà hệ thống y tế rất mong manh.
Từ giữa tháng Ba, hơn 20.000 di dân lao động Miến Điện ở Thái Lan đã trở về nước. Tại Thái Lan cũng đã có hơn 1.000 ca lây nhiễm siêu vi corona. Sự kiện di dân lao động hồi hương làm cho chính phủ Miến Điện lo ngại không kém. Chủ Nhật 29/03, Rangun thông báo phát hiện một ca dương tính với siêu vi ngay tại thủ đô kinh tế.
Còn tại biên giới, chính quyền ra lệnh cho công dân hồi hương tự cách ly nhưng chẳng mấy ai tôn trọng bởi vì không có theo dõi kiểm soát. Một số trung tâm cách ly cũng được thành lập ở biên giới nhưng di dân đã đi hết về nhà của họ từ lâu.
Tình trạng này là một lời cảnh báo đối với chính phủ Miến Điện rằng họ đang đứng trước nguy cơ đại dịch. Một số biện pháp cứng rắn chống dịch đã được thi hành : giao thông hàng không quốc tế bị đình chỉ từ hôm qua (30/03) cho đến giữa tháng Tư".
Tú Anh
****************
Covid-19 : Hàn Quốc kiểm soát dịch không kiểm soát dân (RFI, 30/03/2020)
Trong mùa đại dịch Covid-19, sáng hôm nay 30/03/2020, Seoul tiếp tục loan báo một loạt thông tin khích lệ : chỉ có 78 ca lây nhiễm mới, (tổng cộng 9.661 ca), chứng tỏ Hàn Quốc kiểm soát được làn sóng lây lan của siêu vi Corona chủng mới.
Tại Hàn Quốc, lộ trình di chuyển của người nhiễm virus corona sẽ được theo dõi và thông tin sẽ được chuyển đến điện thoại của dân cư trong khu vực có liên quan. Jung Yeon-je / AFP
Trong số các biện pháp hiệu quả, có chính sách xét nghiệm đại trà, công dân nào cũng được chăm sóc và nhất là phương pháp theo dõi lộ trình đi lại của người mang siêu vi dịch Covid qua ứng dụng định vị trên điện thoại di động.
Luật pháp Hàn Quốc quy định ra sao để công nghệ cao cấp không bị lạm dụng vào mục đích kiểm soát tự do của dân chúng như ở một chế độ độc tài ? Từ Seoul, thông tín viên RFI Frederic Ojardias giải thích :
"Tại Hàn Quốc, nhất cử nhất động của những người bị lây nhiễm siêu vi Corona đều được theo dõi từng giây từng phút : thông tin họ đến quán ăn nào, cửa hiệu nào, theo lộ trình xe bus nào, vào giờ nào... đều được ghi lại và chuyển đến smartphone của cư dân tại khu phố mà bệnh nhân đi tới.
Sau vài lần trật nhịp, biện pháp này được cải tiến để bệnh nhân không bị tiết lộ danh tính. Tại Hàn Quốc, luật pháp quy định rất nghiêm khắc về biện pháp theo dõi đường đi nước bước của người dân : Các dữ liệu liên quan đến vị trí, tọa độ phải được các công ty dịch vụ điện thoại chuyển thẳng cho Trung tâm quản lý khủng hoảng, được lưu trữ trong các công cụ không thuộc Nhà nước và phải được xóa bỏ sau khi khủng hoảng chấm dứt.
Những ai vô tình tiếp xúc hoặc đứng gần với người bệnh sẽ được báo động tức khắc và có thể xin xét nghiệm ngay lập tức và tự cách ly nếu cần. Các ổ dịch bị dập tắt trước khi bùng lên. Chiến lược này không gặp nhiều chống đối tại Hàn Quốc. Đại đa số dân chúng rất xem trọng quyền tự do cá nhân nhưng họ biết tình hình rất nghiêm trọng. Cho đến nay, Hàn Quốc không áp dụng biện pháp phong toả đi lại".
Cũng trong ngày hôm nay 30/03/2020, sau cuộc họp lần thứ ba giữa tổng thống Moon Jea-in với các chuyên gia thuộc Hội đồng Kinh tế Khẩn cấp, chính phủ Hàn Quốc loan báo một loạt biện pháp xã hội giúp các gia đình có thu nhập thấp và xí nghiệp nhỏ. Khoảng 14 triệu hộ gia đình 4 người, có thu nhập dưới 5.800 đô la Mỹ/tháng sẽ được hỗ trợ 816 đô la/tháng. Theo bản tin KBS, các công ty nhỏ và tư nhân nghèo sẽ được tạm miễn đóng góp bảo hiểm y tế và tiền điện.
Anh Vũ
******************
Singapore-Covid 19 : Không tuân thủ "khoảng cách an toàn" có thể bị phạt tù (RFI, 29/03/2020)
Công dân Singapore kể từ giờ có thể bị lãnh án tù nếu không tuân thủ khoảng cách an toàn một mét ở nơi công cộng. Cho đến lúc này, Singapore vẫn luôn từ chối áp dụng các giải pháp cách ly. Cách xử lý dịch bệnh của đảo quốc nhỏ ở Đông Nam Á được ví như là một hình mẫu.
Khoảng cách an toàn được đánh dấu trong quán ăn ở Singapore thời dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 25/03/2020. Reuters - EDGAR SU
Từ Singapore, thông tín viên Gabrielle Maréchaux :
Trước đó đã có nhiều lệnh cấm đặt ra cho khoảng 5 triệu người dân Singapore : nhả khói thuốc lá về phía một người nào đó, rời toa-lét công cộng mà không xả nước… Vào thời điểm đại dịch này, kể từ giờ họ còn bị phạt nếu không tuân thủ giữ khoảng cách một mét tối thiểu với một người khác ở nơi công cộng.
Cho đến lúc này, chính quyền Singapore đã được khen ngợi vì đã giám sát tốt tình hình dịch bệnh lây lan. Tuy có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc, và có một mật độ dân số cao, đảo quốc nhỏ này đã hạn chế thành công dịch bệnh ở mức 683 ca nhiễm và chỉ có 2 trường hợp tử vong. Singapore sử dụng chủ yếu các hệ thống viễn thông và định vị để truy tìm dấu vết mọi di chuyển trước đó của những người bị nhiễm.
Tuy nhiên, do mức tăng đáng báo động số ca nhiễm virus corona tại nhiều nước trong khu vực, nhất là từ Malaysia và Indonesia trong những tuần gần đây, tất nhiên, số ca nhiễm tại Singapore đã tăng vọt. Chính trong bối cảnh này mà biện pháp mới trên được ban hành. Bất kỳ người dân Singapore nào không tuân thủ giờ có nguy cơ bị lãnh án 6 tháng tù và 7.000 đô la tiền phạt.
Châu Á 24 giờ qua
Trên thế giới đại dịch Covid-19 đã làm cho hơn 662.700 người nhiễm bệnh và hơn 30.000 người chết, theo như các số liệu thống kế ngày 29/03/2020.
Tại Châu Á, Nhật Bản ghi nhận có thêm 68 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu mùa dịch, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên thành 1.700 người, trong đó có 55 người chết vì Covid-19.
Hàn Quốc hôm nay cũng cho biết có thêm 105 trường hợp nhiễm bệnh mới, giảm nhẹ so với một ngày trước đó. Tổng cộng Hàn Quốc có 9.583 người bệnh theo như thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Iran là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 2.517 ca tử vong, trong đó có 139 ca mới trong vòng 24 giờ. Theo số liệu chính thức, tại nước Cộng hòa Hồi giáo này đã có 35.408 trường hợp nhiễm bệnh. Chính quyền thông báo đóng cửa các điểm hành hương và đình chỉ các buổi lễ cầu nguyện công cộng cũng như là các hoạt động của Nghị viện.
Nhà sản xuất găng tay y tế bị quá tải
Trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh trên toàn cầu, hãng Top Glove Corporation Bhd của Malaysia, hãng chuyên sản xuất găng tay y tế cao su hàng đầu thế giới báo động quá tải, không đủ khả năng cung ứng với đỉnh nhu cầu đến từ Châu Âu và Hoa Kỳ.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Lim Wee, giám đốc điều hành hãng cho biết trước nhu cầu đặt hàng tăng 100%, khả năng của hãng chỉ đủ đáp ứng thêm có 20%. Ông cảnh báo nguy cơ "khan hiếm găng tay trong khoảng từ 50-80%".
Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm thứ Sáu 27/03 cho rằng tình trạng "khan hiếm trang thiết bị bảo hộ nhân viên nghiêm trọng" là một trong những vấn đề đáng lo nhất trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới này.
Minh Anh