Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/04/2017

Đông Nam Á : Tham nhũng, nhân quyền, quyền hội họp, ống dẫn dầu

Tổng hợp

Chống tham nhũng tại Indonesia : Một nghề nguy hiểm (RFI, 12/04/2017)

Hôm 11/04/2017, tại Jakarta, Indonesia, một nhà điều tra chống tham nhũng đã bị hai kẻ hành hung tạt axit vào mặt. Tại quần đảo lớn nhất thế giới này, tham nhũng vẫn là hiện tượng cực kỳ phổ biến. Hành động tấn công trên có lẽ liên quan đến các vụ điều tra hối lộ dính líu nhiều vị lãnh đạo cao cấp. Trên bảng xếp hạng của tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) về tình trạng tham nhũng trong năm 2016, từ trên xuống dưới, càng thấp càng nghiêm trọng, Indonesia xếp thứ 90 trên 176 quốc gia được xem xét.

indo1

Điều tra viên Novel Baswedan được đưa vào bệnh viện mắt sau khi ông bị tạt a-xít vào mặt, Jakarta, Indonesia, ngày 11/04/2017 - REUTERS

Từ Jakarta, thông tín viên Joel Bronner tường thuật vụ việc :

Đây là một hành vi tàn bạo mà tôi kịch liệt lên án". Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người luôn thể hiện rõ ý chí chống nạn tham nhũng đang hoành hành trên quần đảo này, đã có phản ứng như trên.

Nhà điều tra bị tấn công bằng axit ở Jakarta đã từng phụ trách vụ 160 triệu euro bốc hơi khỏi ngân quỹ Nhà nước. Ông Busyro Muqoddas, cựu trưởng ban loại trừ tham nhũng giải thích, đây không phải lần đầu tiên các điều tra viên của ủy ban là mục tiêu các vụ hành hung.

Ông nói : "Hăm dọa các nhà điều tra chống tham nhũng là chuyện thường xuyên. Chẳng hạn như, phương tiện đi lại của một trong số họ đã bị tấn công bằng axit, và nhà của ông ta còn bị ném trứng thối. Một người khác thì bị tông xe ngay cạnh trụ sở ủy ban và bị gãy một chân.

Còn về phần điều tra viên vừa bị tấn công, ông đã nhiều lần bị hăm dọa khi đang điều tra về một vụ tham nhũng liên quan đến ngân phiếu đi nghỉ hay những vụ khác nhắm vào cảnh sát. Tôi tin chắc đây là lần thứ 5 họ nhắm vào ông.

Cũng theo vị cựu lãnh đạo này, chẳng có chút nghi ngờ gì nữa : chính do những nhân vật quan trọng – doanh nhân, chính khách hay các quan chức cao cấp – những người có can dự vào các vụ án tham nhũng, nên mới có những kiểu hành hung như thế.

Minh Anh

************************

EU đòi hỏi chính phủ Philippines phải tôn trọng nhân quyền (RFA, 11/04/2017)

indo2

Một người bị giết ở Manila do nghi ngờ mua bán ma túy 9/3/2017. AFP photo

Ủy Ban Châu Âu cho biết tình trạng nhân quyền ở Philippines có thể gây trở ngại cho mối quan hệ thương mại giữa Manila và Ủy Ban, nhưng bác bỏ tin nói rằng Ủy Ban tạm ngưng các cuộc đàm phán mậu dịch tự do với Phi.

Điều này được Ủy Ban Châu Âu đưa ra sau khi nhóm dân cử cánh tả ở Quốc Hội Châu Âu loan tin Ủy Ban quyết định tạm ngưng đàm phán với Phi.

Theo văn phòng báo chí của Ủy Ban, cuộc đàm phán về bản hiệp định thương mại với Philippines chỉ mới ở giai đoạn đầu, đôi bên chưa định thời điểm để tiếp tục, không hề có chuyện tạm ngưng để phản đối Phi về nhân quyền.

Văn phòng báo chí của Ủy Ban cũng nói rằng thông thường, cuộc đàm phán hiệp định thương mại phải qua khoảng 20 vòng thảo luận mới hoàn tất, hiện giờ Ủy Ban và chính phủ Phi mới kết thúc vòng thứ hai.

Trước đó, một phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu có nói rằng Ủy Ban đang theo dõi rất sát tình trạng nhân quyền và môi trường ở Phi, xem Manila có hội đủ các tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường trước khi đồng ý bỏ thuế đánh trên các mặt hàng do Phi sản xuất và đưa vào thị trưởng các nước EU.

Điều này được nói tới liên quan đến chính sách bài trừ ma túy mà Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte cho thực hiện ngay sau ngày nhậm chức hồi cuối tháng Sáu năm ngoái. Đến giờ, có ít nhất 8,000 người bị cảnh sát hoặc lực lượng dân phòng bắn chết.

Cùng với một số nước và những tổ chức quốc tế, EU đã lên tiếng đòi hỏi chính phủ Phi phải tôn trọng nhân quyền và dân quyền, không thể để cho cảnh sát tự quyết định số phận của những kẻ buôn bán ma túy hoặc những người bị tình nghi, mà phải bắt giữ, điều tra, đưa ra tòa xét xử nếu có bằng chứng xác nhận họ phạm pháp.

**********************

Thái Lan sắp bỏ lệnh cấm các đảng phái hội họp (RFI, 12/04/2017)

indo3

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-O-Cha tới dự cuộc họp của chính phủ, Bangkok, ngày 18/10/2016 REUTERS/Chaiwat Subprasom

Thủ tướng Thái Lan hôm nay 12/04/2017 tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các đảng chính trị hội họp trước cuộc bầu cử năm tới, tuy nhiên không cho biết thời điểm bầu cử hoặc khi nào bãi bỏ lệnh cấm tụ tập.

Nói chuyện với báo chí, ông Prayut Chan-O-Cha cho biết : "Tiến trình bầu cử sẽ bắt đầu vào năm tới, và các đảng chính trị có thể tiến hành hội họp". Ông nhấn mạnh trước hết quốc dân phải lo tổ chức hỏa táng quốc vương Bhumibol Aduyadej, dự kiến vào cuối tháng 10.

Đây là lần đầu tiên thủ tướng Thái khẳng định các đảng phái dân sự có thể tổ chức mít-tinh trước bầu cử. Tuy nhiên vấn đề là chính phủ dân sự tương lai sẽ có quyền lực như thế nào theo Hiến Pháp mới – Hiến Pháp thứ 20 kể từ năm 1932.

Ông Prayut cũng nói rằng các chính phủ sắp tới phải cam kết tuân thủ một "kế hoạch 20 năm mang tính ràng buộc về luật pháp" hiện đang được soạn thảo. Một loạt dự luật sắp được công bố quy định những ai có thể lập đảng chính trị.

Ông Prayut Chan-O-Cha, tổng tham mưu trưởng quân đội trở thành thủ tướng Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, đã cấm các đảng chính trị tổ chức mít-tinh, đàn áp bất đồng chính kiến và tự cho mình quyền đứng trên luật pháp, nhân danh an ninh quốc gia.

Hiến Pháp mới của Thái Lan quy định Thượng Viện do tập đoàn quân sự cầm quyền bổ nhiệm, trong đó có 6 ghế dành cho giới quân nhân, và chế độ bầu cử theo tỉ lệ nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các đảng lớn. Tòa Bảo Hiến sẽ được củng cố, khiến việc truất phế một lãnh đạo dân sự trở nên dễ dàng hơn.

Theo AFP, trong 10 năm gần đây, tại Thái Lan đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình đẫm máu, một loạt chính phủ chỉ đứng được một thời gian ngắn và hai cuộc đảo chính của quân đội, mà chính phủ quân sự hiện tại là độc tài nhất.

Thụy My

**********************

Bước đột phá Trung Quốc ở Myanmar (Đất Việt, 12/04/2017)

Đường ống dẫn dầu thô từ Trung Quốc - Myanmar giúp an toàn và đỡ tốn kém hơn nếu tàu Trung Quốc đi qua 2 eo biển Malacca và Singapore.

Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết, Trung Quốc và Myanmar cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn dầu, đường ống được tiết lộ sẽ được khởi động "rất sớm".

Một nhà máy lọc dầu ở thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam phía Nam Trung Quốc cũng đã hoàn thành và sẵn sàng tiếp nhận dầu thô thông qua đường ống.

indo4

Một phần đường ống dẫn dầu Myanmar - Trung Quốc.

ầu thô sẽ được cung cấp cho nhà máy lọc dầu mới của Công ty PetroChina trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung quốc (CNPC) tại tỉnh Vân Nam. Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bắt đầu vào tháng 6 tới.

Đường ống dẫn dầu Myanmar - Trung Quốc dài 771km nối từ cảng Kyauk Phyu thuộc miền Tây Myanmar, chạy dọc suốt chiều dài nước này và điểm đến cuối cùng là ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc.

Theo thỏa thuận ký kết vào ngày 10/4, PetroChina sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày.

Đường ống dẫn dầu qua Myanmar sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì nó cho phép nước này nhập khẩu dầu từ Trung Đông và Châu Âu, dùng tàu chở về cảng Kyauk Phyu ở Myanmar và chuyển thẳng về Trung Quốc, mà không cần phải đi qua tuyến đường vận chuyển ở eo biển Malacca và Singapore.

Theo tờ Forbes (Mỹ), tránh đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua eo biển Malacca và Biển Đông là lợi ích vô giá trong mắt các lãnh đạo Trung Quốc. Khoảng 70 - 85% lượng dầu nhập khẩu hằng năm của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, vốn là nơi có nhiều hải tặc.

Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng địa chính trị Mỹ - Trung Quốc, Mỹ có thể điều động các hạm đội của mình phong tỏa eo biển, theo Forbes. Do vậy, đường ống dẫn dầu ở Myanmar giúp Bắc Kinh loại bỏ những nguy cơ này.

Dẫu tuyên bố khá chắc chắn về việc thông suốt đường ống dẫn dầu này, cuối tháng 3, Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Myanmar cho hay, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và chính phủ Myanmar vẫn chưa hoàn thành thỏa thuận về đường ống.

Không chỉ đang phải chờ phê duyệt cuối cùng từ các cơ quan chức năng của Myanmar, mà PetroChina còn chưa được Hải quân Myanmar cho phép đưa tàu chở dầu vào các cảng của nước này.

Dự án trị giá 1,5 tỷ USD này được hình thành từ 10 năm trước và đã hoàn thành vào cuối năm 2014, nhưng vẫn gác lại do mối quan hệ căng thẳng giữa Myanmar và Trung Quốc.

indo5

Sơ đồ đường ống dẫn dầu Myanmar - Trung Quốc.

Trung Quốc lâu nay vẫn bày tỏ lo ngại về những cuộc giao tranh giữa Chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang ly khai tại khu vực miền Bắc nước này. Hồi tháng 3, đợt giao tranh đã khiến nhiều người thiệt mạng và hàng ngàn người phải chạy nạn, đa số sang Trung Quốc.

Nhiều cuộc biểu tình từng diễn ra ở Myanmar phản đối xây dựng đường ống dẫn dầu với cáo buộc đền bù giải tỏa không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc do cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn, người ủng hộ dự án, bị điều tra và lãnh án 16 năm tù giam vì tội tham nhũng vào năm 2015.

Quế Chi

Quay lại trang chủ
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)