Mỹ phản đối Trung Quốc lợi dụng đại dịch để bành trướng Biển Đông (VOA, 29/04/2020)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink vừa cho biết rằng Mỹ kịch liệt phản đối việc Trung Quốc lợi dụng đại dịch virus corona để tiến hành các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông đồng thời khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh hơn.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink trả lời phỏng vấn VTC1. (Ảnh chụp màn hình VTC1 qua Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam)
Tuyên bố của đại sứ Mỹ nhất quán với những gì mà chính phủ Mỹ đưa ra trong thời gian vừa qua sau khi Bắc Kinh bị Hà Nội cáo buộc đã dùng tàu hải cảnh đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa giữa lúc cả cộng đồng quốc tế đang tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona khởi nguồn từ Trung Quốc.
Trong bài trả lời phỏng vấn VTC1 được đăng tải trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Đại sứ Kritenbrink nói rằng Việt Nam đã gửi hàng triệu khẩu trang tới các quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ.
"Thật không may Trung Quốc đang có quan điểm khác", ông Kritenbrink nói với phóng viên VTC1 trong cuộc phỏng vấn được dịch sang tiếng Việt. "Thay vì tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc, trong vài tháng qua, đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều tàu ra doạ dẫm tàu cá nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lợi dụng thời điểm khu vực đang tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 để cưỡng ép các nước láng giềng và thúc đẩy các tuyên bố hàng hải mang tính khiêu thích của mình tại Biển Đông", theo trích dẫn trên trang Facebook của Sứ quán Mỹ phần trả lời của Đại sứ Kritenbrink với VTC1.
Sau khi Việt Nam trao công hàm phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của họ trong vụ đụng độ xảy ra hôm 3/4, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ngay lập tức đưa ra thông cáo chỉ trích hành động của Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 cũng như kêu gọi họ kiềm chế gây bất ổn để tập trung chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rằng tàu cá của Việt Nam đâm tàu hải cảnh của họ dù không đưa ra bằng chứng nào.
Cũng trong tháng này, Trung Quốc đã công bố "tên tiêu chuẩn" cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập "quận Tây Sa" và "quận đảo Nam Sa" để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đều đã lên tiếng phản đối các động thái này của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Nhà Trắng gần đây cho biết Mỹ sẽ tiến hành điều tra một cách nghiêm túc về việc Bắc Kinh xử lý sự bùng phát dịch Covid-19 cũng như tìm cách buộc Trung Quốc phải đền bù thiệt hại liên quan tới virus corona cho Mỹ.
Nhận định về việc chính quyền ở Washington đang tìm cách buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm vì để lây lan đại dịch ra toàn thế giới như Tổng thống Trump nói, Đại sứ Kritenbrink cho biết "Mỹ đang khuyến khích các quốc gia phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc. Và rất nhiều đối tác và bạn bè của chúng tôi đã làm như vậy".
Đại sứ Kritenbrink còn nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong tháng này về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sức mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Hôm 29/4, một ngày trước khi Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày "Giải phóng Miền Nam" theo cách gọi của Hà Nội, Đại sức Kritenbrink viết trên trang Facebook của ĐSQ Mỹ rằng "sau nhiều năm gian khó và hy sinh từ cả hai phía, ngày nay Mỹ và Việt Nam đang hợp tác để cùng xây dựng một tương lai mới".
Năm nay đánh dấu 25 năm ngày hai cựu thù bình thường hóa quan hệ, và theo Đại sứ Kritenbrink, Mỹ và Việt Nam trong 25 năm qua đã "phát triển mối quan hệ đối tác và tình bạn đích thực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng cho người dân hai nước. Chúng tôi biết rằng cùng nhau hai nước sẽ vững mạnh hơn".
******************
Biển Đông : Mỹ liên tiếp cử hai chiến hạm áp sát Trường Sa và Hoàng Sa (RFI, 29/04/2020)
Theo thông tin mới nhất được Hải Quân Mỹ loan báo vào hôm nay, 29/04/2020, hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry vừa "quá cảnh" vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Chiến hạm USS Bunker Hill (CG-52) thuộc Hạm Đội 7 Hải Quân Mỹ. © wikipedia
Trên trang Facebook của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, đã xuất hiện bản tin ngắn gọn vào lúc 9 giờ 22 (giờ Paris) ngày 29/04 theo đó : "Tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill đang quá cảnh vùng biển gần quần đảo Trường Sa ngày 29 tháng Tư. Chiếc Bunker Hill đã được triển khai trong Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong vùng Thái Bình Dương".
Trước đó, một bản tin khác, công bố cùng ngày, vào lúc 0 giờ 22 (giờ Paris), cũng cho biết là "khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đang tiến hành một chiến dịch trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa".
Thông tin về chiến dịch tại Trường Sa của tuần dương hạm Bunker Hill chưa được xác nhận chính thức, riêng chuyến tuần tra sát Hoàng Sa của khu trục hạm Barry đã được Hải Quân Mỹ xác nhận.
Theo trang tin của Học Viện Hải Quân Mỹ (USNI News) vào hôm qua 28/04, các quan chức Hải Quân Hoa Kỳ đã xác nhận rằng chiếc USS Barry (DDG-52) có thực hiện một hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở "vùng lân cận chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam", tức là quần đảo Hoàng Sa.
Theo một quan chức Mỹ, hoạt động của chiến hạm Barry đã diễn ra theo kế hoạch "không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung Quốc". Thông tin này nhằm phản bác lập luận mà Bắc Kinh đưa ra tối hôm qua, theo đó Quân Đội Trung Quốc ngày hôm qua đã theo dõi sát một tàu chiến Mỹ bị cáo buộc là đã "xâm nhập" vào vùng Tây Sa ở Biển Đông (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa).
Một phát ngôn viên của Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Nam Bộ - Trung Quốc, phụ trách cả khu vực Biển Đông, đã khoe rằng các lực lượng Không Quân và Hải Quân Trung Quốc đã bám theo, giám sát, nhận diện, cảnh báo và trục xuất tàu USS Barry của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh phô trương các hành động mà họ gọi là "trục xuất" tàu Mỹ bị họ cho là đã "xâm nhập trái phép" vùng biển của Trung Quốc gần Hoàng Sa hay Trường Sa.
Về phía Mỹ, Washington luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ luôn luôn theo đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Hai chiến hạm Mỹ tuần tra Trường Sa và Hoàng Sa lần này, mới đây đã phối hợp với tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ và hộ tống hạm HMAS Parramatta của Úc đến khu vực ngoài khơi Malaysia vào lúc tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc và đội tàu hộ tống hoành hành gần một dàn khoan thăm dò của công ty dầu khí Malaysia Petronas.
Trọng Nghĩa