Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/05/2020

Bắc Triều Tiên sụp đổ ? Vắc-xin Covid-19 "Made in China" !

RFI tổng hợp

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un xuất hiện trở lại sau 3 tuần vắng bóng (RFI, 02/05/2020)

Sau 3 tuần vắng bóng gây ra nhiều lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trở lại. Hãng tin chính thức KCNA ngày 02/05/2020 loan tin là ông Kim Jong-un hôm 01/5 vừa khánh thành một nhà máy phân bón ở phía bắc Bình Nhưỡng. Kèm theo bài báo là nhiều bức ảnh về sự kiện này, trong đó có bức ảnh chụp lãnh đạo Bắc Triều Tiên với người chị và cũng là cố vấn Kim Yo-jong.

vac1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un, cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất phân bón, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, ngày 01/05/2020. via Reuters - KCNA

Ông Kim Jong-un đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc họp của Bộ chính trị ngày 11/04, thậm chí không đến dự các buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng và cũng là ông nội của ông.

Đã có nhiều tin đồn cho là ông lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong tình trạng nguy kịch, trong trạng thái sống thực vật, thậm chí đã chết. Nhưng ngay từ ngày 26/04, cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bác bỏ những tin đồn đó, khẳng định ông Kim Jong-un "còn sống và vẫn khỏe".

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :

"Các bức ảnh cho thấy một Kim Jong-un cười rất tươi, có vẻ vẫn còn khỏe, đang cắt một băng khánh thành. Thậm chí người ta thấy ông bước đi, bao quanh là cả một đoàn quan chức cao cấp, cũng với nụ cười rạng rỡ không kém.

Theo hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA, trước một đám đông công nhân, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã khánh thành một nhà máy sản xuất phân bón phosphate Sunchon, ở phía bắc Bình Nhưỡng.

Đây rất có thể không phải là những hình ảnh lồng ghép, bởi vì các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đúng là nhà máy này đã được xây dựng từ hai năm nay và rất khó mà ngụy tạo một sự kiện công chúng như vậy.

Kim Jong-un có vẻ mạnh khỏe đối với một người mà một số nguồn tin khẳng định đang trong "tình trạng nguy kịch" sau một cuộc phẫu thuật tim mạch. "Lãnh tụ tối cao" đã không dự nhiều buổi lễ quan trọng ngày 15/04, nhưng hiện chưa ai biết nguyên do của sự vắng mặt bất thường này. 

Đây không phải là lần đầu tiên mà sự mất tích của Kim Jong-un khiến báo chí thi nhau đồn đoán. Các phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa lại nhiều tin đồn đến từ những nguồn rất đáng ngờ. Sự tái xuất hiện của ông coi như đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn đã cho chúng ta biết nhiều điều về sự thu hút của chế độ Bình Nhưỡng đối với thế giới, hơn là về bản thân chế độ này."

Thanh Phương

********************

Giả thuyết Bắc Triều Tiên sụp đổ : Mỹ, Trung, Hàn sẽ phản ứng ra sao ? (RFI, 01/05/2020)

Từ nhiều thập niên qua, những dự báo về ngày tàn chế độ Bình Nhưỡng hầu như đều bị sai lệch sau mỗi lần Bắc Triều Tiên xảy ra một biến cố. Dù vậy, việc ông Kim Jong-un đột ngột vắng mặt trên chính trường từ nhiều tuần qua lại làm dấy lên những câu hỏi muôn thuở. Trong trường hợp Kim Jong-un qua đời vì bệnh tật như những lời đồn thổi trong mấy ngày qua, chế độ Bình Nhưỡng có trụ được nữa hay không ?

vac2

Hoa đặt trước tượng Kim Il-sung và Kim Jong-il (ông nội và cha của Kim Jong-un) tại điện Kumsusan nhân kỷ niệm 108 năm sinh nhật người sáng lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ảnh do KCNA phổ biến ngày 16/04/2020. © KCNA/via Reuters

Nếu bị sụp đổ chuyện gì sẽ xảy ra cho Bắc Triều Tiên ? Hãng tin Mỹ AP dự phóng ba kịch bản trong trường hợp điều tồi tệ nhất xảy ra cho Bắc Triều Tiên. 

Washington : Nỗi lo kho vũ khí hạt nhân

Nếu chế độ Bình Nhưỡng bị sụp đổ, một kế hoạch khẩn cấp Mỹ - Hàn, có tên gọi là OPLAN 5029 sẽ được kích hoạt, nhằm bảo đảm đường biên giới và khống chế được kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông Vipin Narang, chuyên gia về hạt nhân Bắc Triều Tiên thuộc MIT, có hai vấn đề trong bản kế hoạch trị giá triệu đô la này : Thời điểm khởi động OPLAN và những dấu hiệu cho phép để kích hoạt. Bởi vì chiến dịch "bảo vệ một quốc gia" của một nước có thể bị nước khác xem như là một "kế hoạch xâm lược", và điều này có thể dẫn đến một thảm họa.

Mối bận tâm lớn nhất của Hoa Kỳ chính là kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có nguy cơ bị sử dụng, đánh cắp hay bị đem bán. Thế nên, theo quan điểm của ông Ralph Cossa, chủ tịch danh dự nhóm cố vấn Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawai, ngoài vấn đề vũ khí hạt nhân ra, "chẳng có lý do gì để Mỹ và Hàn Quốc can dự vào chuyện đấu đá nội bộ của Bắc Triều Tiên".

Trong kế hoạch này Mỹ không được quên yếu tố Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh rất có thể cũng sẽ cho triển khai quân vào Bắc Triều Tiên và sẽ đầu tư nhiều cho các nỗ lực quân sự cũng như là nhân đạo. Do vậy, một nước đi sai của Mỹ có thể dẫn đến những hậu quả to lớn và Hoa Kỳ cần phải có một sự phối hợp với quân đội Hàn Quốc.

Theo AP, làm thế nào phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vẫn là mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ, bất kể tình hình nội bộ chính trị Bắc Triều Tiên có ra sao đi chăng nữa như tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo trong một cuộc họp báo. 

Bắc Kinh : Ổn định chính trị Bình Nhưỡng là an ninh quốc gia

Với Trung Quốc, nguồn viện trợ và ủng hộ ngoại giao chính của Bắc Triều Tiên, sự ổn định chính trị của nước láng giềng nghèo khổ này là điều cốt lõi cho an ninh quốc gia.

Đồng ý thông qua các lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên vì những chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này, không có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận để cho nền kinh tế của Bắc Triều Tiên bị suy sụp hay đảng cầm quyền bị lật đổ. Xung đột xảy ra có thể buộc Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng người tị nạn.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của Bắc Kinh có lẽ chính là viễn cảnh đội quân Mỹ và Hàn Quốc triển khai dọc theo biên giới Trung Quốc, một mối lo trong quá khứ đã từng buộc chính quyền của Mao Trạch Đông phải can dự vào cuộc chiến Triều Tiên cách nay 70 năm.

Ông Lu Chao, giáo sư Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc nhận định, một sự thay đổi lãnh đạo tại Bắc Triều Tiên ít có khả năng gây ra những thay đổi lớn trong quan hệ giữa hai nước.

Seoul : Mối lo Trung Quốc và người tị nạn

Cuối cùng chính quyền Seoul sẽ có phản ứng thế nào nếu chế độ Kim Jong-un sụp đổ ? Làm thế nào đối phó với dòng người di dân từ Bắc vào Nam và thiết lập một khu hành chính khẩn cấp là mục tiêu chính của chính quyền Hàn Quốc.

Theo Hiến pháp Hàn Quốc, lãnh thổ quốc gia bao gồm toàn bộ bán đảo Triều Tiên và các đảo gắn liền, tức bao gồm cả Bắc Triều Tiên. Do vậy, vào năm 2009, cựu ngoại trưởng Hàn Quốc thổ lộ với một nhà ngoại giao Mỹ, được AP trích dẫn, rằng "một cơ chế tạm thời sẽ phải được thành lập để bảo đảm việc điều hành địa phương và kiểm soát mọi di chuyển của các công dân Bắc Triều Tiên".

Vấn đề đặt ra là trái với Trung Quốc, chính quyền Hàn Quốc không thể huy động đông đảo binh sĩ cần thiết để bình ổn phía Bắc. Nguy cơ Trung Quốc gởi quân đội và thiết lập một chế độ "thân Bắc Kinh" là không nhỏ. Nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, trong một xã luận gần đây cho rằng "Seoul phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu sự can thiệp của Trung Quốc ở phía Bắc trên cơ sở một mối liên minh chặt chẽ với Washington".

Minh Anh

***********************

Covid-19 : Hy vọng đến từ vac-xin "made in China" ? (RFI, 30/04/2020)

Sinovac Biotech, được thành lập năm 2001, là một trong bốn viện bào chế của Trung Quốc được phép tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng một loại vac-xin ngừa Covid-19. Theo hãng tin AFP, tuy vac-xin của tập đoàn tư nhân này chưa thật sự chứng minh hiệu quả, Sinovac Biotech tuyên bố sẵn sàng sản xuất 100 triệu liều vac-xin hàng năm để chống virus corona chủng mới, xuất phát từ Trung Quốc cuối năm 2019 và nay đã lan ra toàn thế giới.

vac3

Trong một phòng thí nghiệm của Sinovac Biotech ngày 29/04/2020. AFP

Thái độ tự tin này không phải là quá đáng bởi vì Sinovac Biotech đã là tập đoàn đầu tiên đưa ra thị trường một loại vac-xin ngừa cúm heo H1N1 vào năm 2009. Vaccin mà Sinovac Biotech đã đặt tên là "Coronavac" hiện đang được thử nghiệm. Tuy vac-xin hãy còn lâu mới được cấp phép, nhà sản xuất phải chứng minh là họ có khả năng sản xuất với quy mô lớn và cung cấp các lô hàng cho cơ quan chức năng kiểm tra. Cho nên tập đoàn này phải khởi động sản xuất ngay cả trước khi kết thúc các cuộc thử nghiệm.

Mặc dù hơn cả trăm viện bào chế trên thế giới đang đua nhau chế tạo vac-xin ngừa Covid-19, nhưng hiện chỉ có chưa tới 10 trong số này tiến hành thử nghiệm trên người.

Đó là trường hợp của Sinovac Biotech. Sau khi đạt được các kết quả mà họ cho là đáng khích lệ trên loài khỉ, tập đoàn này lần đầu tiên đã thử nghiệm vac-xin "Coronavac" trên 144 người tình nguyện vào giữa tháng 4 tại tỉnh Giang Tô. Tuy nhiên, Sinovac Biotech không cho biết là đến khi nào họ mới có thể đưa vào thị trường vac-xin này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiến trình sản xuất một loại vac-xin có thể mất từ 12 đến 18 tháng. Trả lời hãng tin AFP, ông Meng Weining, giám đốc đặc trách các vấn đề quốc tế của Sinovac Biotech, hy vọng là cuối tháng Sáu năm 2020 họ sẽ đạt được các kết quả đầu tiên về sự an toàn của thuốc phòng ngừa này, trong khuôn khổ các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2.

Để bảo đảm tính hiệu quả của vac-xin, sau đó phải tiến hành các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3. Vấn đề là hiện nay có rất ít ca lây nhiễm mới tại Trung Quốc. Cho nên, Sinovac Biotech đang liên lạc với nhiều nước Châu Âu và Châu Á để tiến hành thử nghiệm trên hàng ngàn người khác ở những nước này.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 607 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)