Hải quân, không quân Mỹ liên tiếp hành động để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 20/05/2020)
Trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành "các hoạt động ứng phó dự phòng" ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Lầu Năm Góc.
Một tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ đến Philippines (ảnh tư liệu, 2014)
Động thái này là để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng phần nào bác bỏ quan niệm cho rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu vì đại dịch virus corona chủng mới đang diễn ra, theo National Interest.
Trung Quốc trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và "bắt nạt" các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.
Tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông
National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy rõ rằng Lầu Năm Góc có thể tiến hành các hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước được.
Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương. Ngoài ra, trong trường hợp này, động thái của Mỹ cũng có thể nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn linh hoạt tuy phải đối phó với đại dịch.
Hải quân Mỹ tuyên bố rằng các tàu ngầm của họ đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sử dụng các khả năng tác chiến trong lòng biển để hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ.
"Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác là họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi", Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.
Ông khẳng định : "Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh sát hại, đa năng và sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay".
Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, và lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Hải quân Hoa Kỳ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ba trong số các tàu ngầm thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã tham gia một cuộc tập trận tác chiến tiên tiến trong tháng này ở Biển Philippines, trong đó bao gồm thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, kịch bản chiến đấu trên mặt nước và trong lòng biển.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có năng lực tác chiến chống ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.
"Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế", Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Guam, tháng 4/2020
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tái xuất
Sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục hồi phục với việc tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5, các quan chức Hải quân cho biết hôm thứ 19/5, được Fox News dẫn lại.
Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu chiến khổng lồ bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai tháng vì hơn 1.000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.
Kể từ khi tàu sân bay này phải quay về cảng, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, bản tin của Fox News viết.
Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ tấp vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đã không chỉ diễn ra trên trời.
Ông Werner cũng nhắc đến vụ quấy rối đối với tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Mustin đóng quân ở Nhật Bản hồi tháng trước khi tàu này ở gần một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc đang tuần tra qua Biển Đông. Một tàu hộ tống của Trung Quốc đã chạy "một cách không an toàn và không chuyên nghiệp" gần tàu của Mỹ, ông Werner nói với Fox News.
Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 18/5, nói từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Thuyền trưởng Carlos Sardiello bày tỏ rằng ông tự tin về khả năng con tàu sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ sau 2 tháng tạm dừng hoạt động ở đảo Guam.
Ông nói : "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để có xác suất thành công cao, chúng tôi sẽ ra khơi và thực hiện nhiệm vụ của mình", theo tin của AP.
Các quan chức khác của Mỹ không muốn nêu tên cho AP biết trong vài ngày tới nếu mọi việc suôn sẻ, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động hải quân ở khu vực Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian trước khi trở về cảng nhà ở San Diego.
Một máy bay ném bom B-1 của Mỹ
Không lực Hoa Kỳ nhập cuộc
Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc, theo tin của South China Morning Post. Quân chủng này của Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung Quốc.
Các chuyến bay đó diễn ra giữa lúc cả Hải quân lẫn Không quân Mỹ đều gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay.
South China Morning Post dẫn lại thông báo mới nhất của Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter hôm thứ Ba 20/5 cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii.
Phi vụ này "thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định".
Không lực Hoa Kỳ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 lính không quân từ Texas đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam vào ngày 1/5. Không lực Hoa Kỳ cho biết việc điều động này là nhằm hỗ trợ cho Không lực ở Thái Bình Dương và để tiến hành huấn luyện và hoạt động với các đồng minh và đối tác.
Không lực Hoa Kỳ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.
Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc.
Ông Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự, có văn phòng ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lời nói rằng các chuyến bay thường xuyên của B-1 và B-52 không chỉ nhằm thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ mà còn là những cuộc thao dượt hướng tới những trận chiến tiềm tàng trong tương lai.
"B-1, đang dần thay thế B-52, cần phải bay quanh vùng biển để biết rõ các điều kiện chiến trường", ông nói.
"Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn xấu hơn thời Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ. Không thể loại trừ rủi ro xung đột quân sự ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và các nguy cơ vẫn đang tăng lên", ông Song nói.
*******************
Máy bay ném bom của Mỹ bay qua Biển Đông (VOA, 20/05/2020)
Không lực Hoa Kỳ cho biết mới triển khai máy bay ném bom B-1B Lancer đi "làm nhiệm vụ" trên vùng Biển Đông.
Một chiếc B-1B Lancer của Mỹ.
"Các máy bay B1 đã làm nhiệm vụ trên Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện với hải quân Mỹ gần Hawaii, thể hiện sự tín nhiệm của không quân Mỹ nhằm xử lý môi trường an ninh bất trắc và đa dạng", Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương viết trên Twitter hôm 18/5, nhưng không cho biết cụ thể.
Theo tờ South China Morning Post, Mỹ gia tăng các chuyến bay của B-1B Lancer trên các vùng biển gần Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Bắc Kinh "trên mọi phương diện".
Tờ báo này cũng dẫn lời các nhà quan sát quân sự Trung Quốc cảnh báo về các nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước, nhất là khi không quân cũng như hải quân Mỹ năm nay tăng cường các hoạt động ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải.
South China Morning Post đưa tin rằng Không lực Mỹ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 phi công từ Texas tới căn cứ không quân Andersen ở Guam hôm 1/5 để hỗ trợ lực lượng không quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương cũng như nhằm tiến hành các đợt huấn luyện với đồng minh và đối tác.
Tờ báo đưa tin thêm rằng Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục khẩu chiến về cách xử lý đại dịch Covid-19 và nhất là về nguồn gốc của virus đã làm gần 325 nghìn người thiệt mạng trên toàn thế giới.
Việc đổ lỗi cho nhau càng làm trầm trọng thêm sự căng thẳng trong quan hệ song phương, vốn đã ảnh hưởng tới một loạt các vấn đề từ báo chí, thương mại, công nghệ tới quân sự, theo South China Morning Post.
*******************
Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ (RFI, 20/05/2020)
"Một cuộc đối đầu năm nước" vừa qua đã diễn ra xung quanh một giàn khoan của Malaysia trên Biển Đông, giữa lực lượng Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc. Trang War On The Rocks ngày 18/05/2020 phân tích trong bài "Học được gì trên Biển Đông qua phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ đối đầu West Capella".
Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần giàn khoan dầu West Capella ngày 13/05/2020. Ảnh do Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Hải quân Mỹ) công bố. © US Navy/MC2 Brenton Poyser
Chiến dịch West Capella
Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Malaysia và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung Quốc bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).
Đáp lại, Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện gần West Capella trong gần một tháng. Trước hết là tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đã từng được điều đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ tháng 9/2019, nay tuần tra từ ngày 26 đến 28/04. Ngày 29/04, hai oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở South Dakota, tiến hành phi vụ 32 tiếng đồng hồ trên Biển Đông.
Chưa đầy một tuần sau, chiến hạm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez lên đường tuần tra trong khu vực (USS Montgomery là tuần dương hạm thứ hai được điều đến từ Singapore). Các oanh tạc cơ B-52 và B-2 thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược ở khu vực mà Bộ tư lệnh Châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vào ngày 07/05. Ngày 08/05, thêm hai oanh tạc cơ khác cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua Biển Đông. Theo ít nhất một báo cáo, các phi vụ được tiến hành ở gần West Capella, và các phi cơ này thuộc phi đội viễn chinh thứ 9.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương ngày 08/05 loan báo tất cả các tàu được triển khai trong chiến dịch phòng bị. Vì tàu ngầm chỉ hoạt động dưới nước, để nhấn mạnh thêm thông điệp, Đệ thất hạm đội tung ra bức ảnh một chiếc tàu ngầm đang nổi lên trên mặt biển. Kèm theo là thông báo ba tàu ngầm này cùng với các chiến hạm và chiến đấu cơ tiến hành tập trận tại Biển Philippines ngày 09/04.
Hải quân Mỹ cũng có hai hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải và di chuyển ngang eo biển Đài Loan vào thời kỳ này. Cuối cùng, khi West Capella đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếc USS Gabrielle Giffords đi qua một lần cuối.
Lực lượng phối hợp của Mỹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa các phương tiện đã được triển khai trước đó và lực lượng được điều gấp từ Hoa Kỳ.
Vì sao lại đơn phương hành động ?
Xuất hiện đầy ấn tượng, nhưng vì sao Hoa Kỳ không phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Malaysia ?
Trong nhiều năm qua, Malaysia vẫn im lặng trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển, do cựu thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông "không nên có những chiến hạm lớn". Malaysia ngại đối đầu trực diện với Trung Quốc, vừa do lực lượng hải quân yếu, vừa do kinh tế quá lệ thuộc vào thị trường Hoa lục.
Malaysia duy trì các yêu sách quá đáng, đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Hoa Kỳ từng thách thức qua các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trước đó. Khi lực lượng Mỹ tiến về phía nam, các chính khách và cơ quan quốc phòng Malaysia không chắc chắn là để giúp mình hay lại phản ứng trước các yêu sách. Tác giả bài viết cho rằng lẽ ra có thể tránh được sự nhập nhằng này.
Hoa Kỳ đã cung ứng mạng lưới thông tin an toàn cho Malaysia thông qua Sáng kiến An toàn Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chắc cũng đã trang bị mạng lưới tương tự trên đất liền cũng như các chiến hạm. Trong khi việc hợp tác trên biển có thể gây rủi ro với một số đối tác như Malaysia, vụ West Capella là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin và hình ảnh qua mạng lưới mà Hoa Kỳ đã đầu tư, nhưng Mỹ đã bỏ qua.
Một cách giải thích khác cho sự thiếu phối hợp, là Hoa Kỳ cho rằng Malaysia sẽ rất dè dặt, nên cứ tự mình hành động. Tại Biển Đông, chính quyền Malaysia luôn đứng bên lề trong khi các đối tác khác của Mỹ ngày càng kiên quyết hơn. Thế nên có thể hoạt động rầm rộ của Hoa Kỳ nhắm đến một công chúng rộng rãi trong khu vực, hơn là chỉ nhằm vào Malaysia.
Việt Nam và Indonesia đã chứng tỏ không ngại ngần đầy lùi các khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, và theo lời đồn đãi thì Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa quốc tế. Đây là thời điểm tốt để Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực. Không một bên yêu sách chủ quyền nào quên được sự do dự của chính quyền Obama khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, thế nên càng cần phải xóa nhòa đi ký ức tệ hại này, vào lúc Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là người bảo đảm an ninh cho khu vực.
Bắc Kinh dịu giọng trước sự hiện diện quân sự rầm rộ của Mỹ
Ngoài tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của lực lượng viễn chinh Mỹ làm trầm trọng thêm tình hình gần tàu khoan dầu West Capella. Một khu trục hạm lớp 052 B Guangzhou của Trung Quốc đã đi ngang khu vực này cùng lúc với chiến hạm USS Mỹ, nhưng nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ khá khiêm tốn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo không có sự đối đầu nào gần West Capella, và tình hình Biển Đông "cơ bản ổn định".
Với sự tham gia của Úc, các tuyên bố của Mỹ ngày càng mạnh hơn. Ban đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nước ASEAN, đồng thời tố cáo những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 22/04. Bộ Quốc Phòng có phần chậm chạp hơn trong tuyên truyền. Chuyến hải hành đầu tiên của USS Gabrielle thậm chí còn không được trực tiếp nêu ra, trong thông cáo báo chí không ghi rõ nơi làm nhiệm vụ là Biển Đông.
Tuy nhiên đến đầu tháng Năm, các thông cáo cho biết cụ thể các oanh tạc cơ, chiến hạm và tàu ngầm được triển khai cùng với máy bay không người lái. Ngày 06/05, lực lượng Hải quân Thái Bình Dương loan báo việc tuần tra cùng với Úc, bị ngưng vì đại dịch virus corona, sắp được tái lập. Điều này chứng tỏ có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Quốc Phòng, kể cả Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đệ thất hạm đội và các lực lượng tác chiến trực thuộc.
Bài học rút ra từ chiến dịch West Capella
Sau khi tàu khoan dầu West Capella kết thúc hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, vụ này cần được coi là một bước tiến trong cách thức của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc và trấn an các đồng minh. Một sự hiện diện hiệu quả của nhiều lực lượng cùng với công tác tuyên truyền sẽ phải là căn bản cho các tiến triển trong tương lai. Tuy nhiên Hoa Kỳ cần phải thông tin rõ hơn để tránh cho các đối tác khỏi lo ngại, đồng thời tạo cơ hội hợp tác.
Nhìn lại vụ đối đầu West Capella vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ năng lực phối hợp chiến đấu trước thái độ hiếu chiến của hải quân Trung Quốc. Chiến dịch phối hợp kéo dài nhiều tuần lễ của lực lượng viễn chinh Mỹ đã dập tắt những chỉ trích là Hoa Kỳ chỉ "dạo chơi" trong khu vực.
Tuy không được Malaysia "mời" vào, nhưng rõ ràng Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, vào thời điểm gay gắt nhất. Chỉ có Hoa Kỳ mới phối hợp được giữa các lực lượng từ các căn cứ trong nước và hải ngoại để đáp ứng ngay lập tức hoặc dài ngày, nhằm hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác. Chỉ đáng tiếc là không được thông tin rõ, gây băn khoăn cho các nước liên quan.
Câu khẩu hiệu "ủng hộ tự do hàng hải và hàng không" thường được sử dụng đã trở nên nhàm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy trưởng Đệ thất hạm đội đưa ra một thông điệp cụ thể hơn : "Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế của họ".
Tờ báo kết luận, cho dù một loạt các hoạt động trên là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, không thể có thành công thực sự nếu không có sự cam kết và ủng hộ đáng kể đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền trong khu vực, trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế biển và chủ quyền.
Thụy My
*******************
Mỹ-Trung căng thẳng : Quân đội Trung Quốc muốn tăng ngân sách quốc phòng ít nhất 7,5% (RFI, 20/05/2020)
Thế lực ly khai tại Tân Cương, Tây Tạng, xu hướng độc lập tại Đài Loan, nhưng đứng đầu là nguy cơ xung đột với Mỹ là những lý do giúp quân đội Trung Quốc được tăng ngân sách ít nhất 7,5% trong hai năm liên tiếp, theo nguồn tin của báo Hồng Kông 19/05/2020.
Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc rời Đại Lễ Đường Nhân Dân sau cuộc họp trù bị của Quốc hội, Bắc Kinh, ngày 04/03/2019 Reuters - Aly Song
Theo South China Morning Post, trước ngày Quốc hội Trung Quốc họp thường niên vào thứ Sáu tới đây, các tướng lãnh Trung Quốc chờ mong được thông báo tăng ngân sách, ít nhất là 7,5% như năm 2019 hoặc nhiều hơn thế nữa.
Quân đội Hoa lục cho biết cần thêm vũ khí, tài nguyên để đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc : tình hình bất trắc biến đổi không ngừng bên ngoài lẫn bên trong lãnh thổ. Nhưng đứng đầu các mối đe dọa là quan hệ căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang, tiến gần đến nguy cơ xung đột.
Hai hồ sơ nóng thấy rõ là tình hình biển Đông và đại dịch Covid-19.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển "sát cửa" Trung Quốc từ đầu năm đến nay nhiều gắp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Một cựu sĩ quan Trung Quốc nay là nhà bình luận quân sự tên Tống Trọng Bình (Song Zhong Ping) phân tích trên South China Morning Post : Bắc Kinh cảm thấy an ninh đang bị Mỹ và nhiều nước khác đe dọa ngày càng nguy hiểm. Do vậy, quân đội Trung Quốc cần thêm ngân sách để tiếp tục hiện đại hóa và tập trận.
Ngân sách quân đội Hoa lục, theo nguồn tin chính thức, là 177 tỷ đô la trong năm 2019.
Tú Anh
*********************
Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ (RFI, 20/05/2020)
"Một cuộc đối đầu năm nước" vừa qua đã diễn ra xung quanh một giàn khoan của Malaysia trên Biển Đông, giữa lực lượng Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc. Trang War On The Rocks ngày 18/05/2020 phân tích trong bài "Học được gì trên Biển Đông qua phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ đối đầu West Capella".
Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần giàn khoan dầu West Capella ngày 13/05/2020. Ảnh do Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Hải quân Mỹ) công bố. © US Navy/MC2 Brenton Poyser
Chiến dịch West Capella
Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Malaysia và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung Quốc bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).
Đáp lại, Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện gần West Capella trong gần một tháng. Trước hết là tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đã từng được điều đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ tháng 9/2019, nay tuần tra từ ngày 26 đến 28/04. Ngày 29/04, hai oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở South Dakota, tiến hành phi vụ 32 tiếng đồng hồ trên Biển Đông.
Chưa đầy một tuần sau, chiến hạm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez lên đường tuần tra trong khu vực (USS Montgomery là tuần dương hạm thứ hai được điều đến từ Singapore). Các oanh tạc cơ B-52 và B-2 thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược ở khu vực mà Bộ tư lệnh Châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vào ngày 07/05. Ngày 08/05, thêm hai oanh tạc cơ khác cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua Biển Đông. Theo ít nhất một báo cáo, các phi vụ được tiến hành ở gần West Capella, và các phi cơ này thuộc phi đội viễn chinh thứ 9.
Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương ngày 08/05 loan báo tất cả các tàu được triển khai trong chiến dịch phòng bị. Vì tàu ngầm chỉ hoạt động dưới nước, để nhấn mạnh thêm thông điệp, Đệ thất hạm đội tung ra bức ảnh một chiếc tàu ngầm đang nổi lên trên mặt biển. Kèm theo là thông báo ba tàu ngầm này cùng với các chiến hạm và chiến đấu cơ tiến hành tập trận tại Biển Philippines ngày 09/04.
Hải quân Mỹ cũng có hai hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải và di chuyển ngang eo biển Đài Loan vào thời kỳ này. Cuối cùng, khi West Capella đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếc USS Gabrielle Giffords đi qua một lần cuối.
Lực lượng phối hợp của Mỹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa các phương tiện đã được triển khai trước đó và lực lượng được điều gấp từ Hoa Kỳ.
Vì sao lại đơn phương hành động ?
Xuất hiện đầy ấn tượng, nhưng vì sao Hoa Kỳ không phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Malaysia ?
Trong nhiều năm qua, Malaysia vẫn im lặng trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển, do cựu thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông "không nên có những chiến hạm lớn". Malaysia ngại đối đầu trực diện với Trung Quốc, vừa do lực lượng hải quân yếu, vừa do kinh tế quá lệ thuộc vào thị trường Hoa lục.
Malaysia duy trì các yêu sách quá đáng, đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Hoa Kỳ từng thách thức qua các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trước đó. Khi lực lượng Mỹ tiến về phía nam, các chính khách và cơ quan quốc phòng Malaysia không chắc chắn là để giúp mình hay lại phản ứng trước các yêu sách. Tác giả bài viết cho rằng lẽ ra có thể tránh được sự nhập nhằng này.
Hoa Kỳ đã cung ứng mạng lưới thông tin an toàn cho Malaysia thông qua Sáng kiến An toàn Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chắc cũng đã trang bị mạng lưới tương tự trên đất liền cũng như các chiến hạm. Trong khi việc hợp tác trên biển có thể gây rủi ro với một số đối tác như Malaysia, vụ West Capella là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin và hình ảnh qua mạng lưới mà Hoa Kỳ đã đầu tư, nhưng Mỹ đã bỏ qua.
Một cách giải thích khác cho sự thiếu phối hợp, là Hoa Kỳ cho rằng Malaysia sẽ rất dè dặt, nên cứ tự mình hành động. Tại Biển Đông, chính quyền Malaysia luôn đứng bên lề trong khi các đối tác khác của Mỹ ngày càng kiên quyết hơn. Thế nên có thể hoạt động rầm rộ của Hoa Kỳ nhắm đến một công chúng rộng rãi trong khu vực, hơn là chỉ nhằm vào Malaysia.
Việt Nam và Indonesia đã chứng tỏ không ngại ngần đầy lùi các khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, và theo lời đồn đãi thì Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa quốc tế. Đây là thời điểm tốt để Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực. Không một bên yêu sách chủ quyền nào quên được sự do dự của chính quyền Obama khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, thế nên càng cần phải xóa nhòa đi ký ức tệ hại này, vào lúc Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là người bảo đảm an ninh cho khu vực.
Bắc Kinh dịu giọng trước sự hiện diện quân sự rầm rộ của Mỹ
Ngoài tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của lực lượng viễn chinh Mỹ làm trầm trọng thêm tình hình gần tàu khoan dầu West Capella. Một khu trục hạm lớp 052 B Guangzhou của Trung Quốc đã đi ngang khu vực này cùng lúc với chiến hạm USS Mỹ, nhưng nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ khá khiêm tốn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo không có sự đối đầu nào gần West Capella, và tình hình Biển Đông "cơ bản ổn định".
Với sự tham gia của Úc, các tuyên bố của Mỹ ngày càng mạnh hơn. Ban đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nước ASEAN, đồng thời tố cáo những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 22/04. Bộ Quốc Phòng có phần chậm chạp hơn trong tuyên truyền. Chuyến hải hành đầu tiên của USS Gabrielle thậm chí còn không được trực tiếp nêu ra, trong thông cáo báo chí không ghi rõ nơi làm nhiệm vụ là Biển Đông.
Tuy nhiên đến đầu tháng Năm, các thông cáo cho biết cụ thể các oanh tạc cơ, chiến hạm và tàu ngầm được triển khai cùng với máy bay không người lái. Ngày 06/05, lực lượng Hải quân Thái Bình Dương loan báo việc tuần tra cùng với Úc, bị ngưng vì đại dịch virus corona, sắp được tái lập. Điều này chứng tỏ có sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Quốc Phòng, kể cả Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đệ thất hạm đội và các lực lượng tác chiến trực thuộc.
Bài học rút ra từ chiến dịch West Capella
Sau khi tàu khoan dầu West Capella kết thúc hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, vụ này cần được coi là một bước tiến trong cách thức của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc và trấn an các đồng minh. Một sự hiện diện hiệu quả của nhiều lực lượng cùng với công tác tuyên truyền sẽ phải là căn bản cho các tiến triển trong tương lai. Tuy nhiên Hoa Kỳ cần phải thông tin rõ hơn để tránh cho các đối tác khỏi lo ngại, đồng thời tạo cơ hội hợp tác.
Nhìn lại vụ đối đầu West Capella vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ năng lực phối hợp chiến đấu trước thái độ hiếu chiến của hải quân Trung Quốc. Chiến dịch phối hợp kéo dài nhiều tuần lễ của lực lượng viễn chinh Mỹ đã dập tắt những chỉ trích là Hoa Kỳ chỉ "dạo chơi" trong khu vực.
Tuy không được Malaysia "mời" vào, nhưng rõ ràng Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, vào thời điểm gay gắt nhất. Chỉ có Hoa Kỳ mới phối hợp được giữa các lực lượng từ các căn cứ trong nước và hải ngoại để đáp ứng ngay lập tức hoặc dài ngày, nhằm hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác. Chỉ đáng tiếc là không được thông tin rõ, gây băn khoăn cho các nước liên quan.
Câu khẩu hiệu "ủng hộ tự do hàng hải và hàng không" thường được sử dụng đã trở nên nhàm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy trưởng Đệ thất hạm đội đưa ra một thông điệp cụ thể hơn : "Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế của họ".
Tờ báo kết luận, cho dù một loạt các hoạt động trên là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, không thể có thành công thực sự nếu không có sự cam kết và ủng hộ đáng kể đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền trong khu vực, trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế biển và chủ quyền.
Thụy My