Một tướng Trung Quốc dọa tấn công Đài Loan (RFI, 30/05/2020)
Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hiệp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng) ngày 29/05/2020 tuyên bố Bắc Kinh sẽ không ngần ngại "tấn công nếu không có phương tiện nào khác để thống nhất Đài Loan một cách hòa bình, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ".
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc bị chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan áp sát và ngăn chặn ngày 10/02/2020. Reuters/Taiwan Ministry of National Defense
Tuyên bố cứng rắn nói trên của một trong những vị tướng cao cấp nhất trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 15 năm Bắc Kinh ban hành luật chống ly khai.
Trong bài diễn văn đọc trước Lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hiệp Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh : "Nếu khả năng thống nhất Đài Loan bằng giải pháp ôn hòa thất bại, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc sẽ cùng với tổ quốc, kể cả nhân dân Đài Loan, có những biện pháp cần thiết nhằm quyết tâm tiêu diệt mọi âm mưu hay hành vi ly khai".
Hãng tin Anh Reuters ghi nhận, đành rằng Bắc Kinh thường xuyên đe dọa thống nhất Đài Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự, nhưng hiếm khi một trong những quan chức cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc đang tại chức công khai đưa ra tuyên bố như trên.
Tuần trước, trong diễn văn khai mạc khóa họp Quốc hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã tránh dùng từ ngữ "hòa bình" khi nêu lên quyết tâm thống nhất Đài Loan.
Đáp trả tuyên bố mạnh mẽ của tướng Lý Tác Thành, chính quyền Đài Bắc ngày 30/05/2020 lên án Bắc Kinh "hù dọa" Đài Loan, "vi phạm luật pháp quốc tế" và nhân dân Đài Loan sẽ không bao giờ "thuần phục một chế độ độc tài, cai trị đất nước bằng bạo lực".
*********************
Tướng Trung Quốc : Tấn công Đài Loan vẫn là một giải pháp (VOA, 30/05/2020)
Một trong những tướng lãnh cao cấp nhất của Trung Quốc tuyên bố một cuộc tấn công vào Đài Loan vẫn là một giải pháp để ngăn chặn Đài Loan độc lập. Đó là cảnh báo của ông Li Zuocheng ngày 29/5.
********************
Quốc hội Trung Quốc sắp thông qua bộ luật dân sự (RFI, 27/05/2020)
Phải mất ba năm để các nhà làm luật Trung Quốc nghiên cứu, hệ thống hóa các văn bản luật về đời tư và bảo vệ quyền sở hữu thành bộ luật dân sự. Dự luật dân sự sẽ được trình thông qua tại Quốc hội vào thứ Sáu (29/05). Trong số các điều khoản, dự luật chú trọng đến ly hôn, một vấn đề đang có nhiều biến đổi trong xã hội Trung Quốc ngày nay.
Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh họp Đại hội ngày 27/05/2020. Ảnh minh họa
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh :
Đơn giản hóa quy trình truy tố tội quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cải tiến thủ tục ly dị, bộ luật dân sự mới để thích ứng với sự phát triển của xã hội Trung Quốc, nơi mà từ nhiều thập kỷ nay, số lượng các cặp vợ chồng tan vỡ ngày càng lớn. Năm ngoái có hơn 4 triệu cặp vợ chồng chia tay ở Trung Quốc.
Đợt phong tỏa (vì dịch covid-19) vừa rồi cũng không cải thiện được gì, ngược lại vấn đề còn trầm trọng thêm. Các quy định mới sẽ tránh cho những bà vợ không phải ở nhờ nhà chồng cũ hay người này gánh nợ cho người kia.
Tuy nhiên, người làm luật cũng có tâm "cứu vớt tình yêu". Để tránh tình trạng ly thân được cho là bốc đồng thiếu suy nghĩ, luật bắt buộc những "người tình cũ" phải qua giai đoạn "hạ hỏa" 30 ngày. Tức là họ có một tháng để cân nhắc trước khi nói không trước thẩm phán.
Tuy nhiên, "các vụ ly hôn thiếu suy nghĩ giờ ngày càng phổ biến", theo nhận xét của phát ngôn viên của Ủy Ban Pháp Luật Quốc hội, được AFP trích dẫn.
Về phần các gia đình, dự luật dân sự mới có điều khoản xóa bỏ giới hạn mỗi gia đình chỉ có 2 con. Một điểm trống đáng chú ý khác là điều luật về hôn nhân đồng giới. Đây là một trong số đề xuất đã được nêu trong đợt tham khảo ý kiến nhân dân về sửa đôi luật dân sự hồi năm ngoái. Dự luật hiện tại, theo AFP, vẫn quy định hôn nhân là "sự kết hợp giữa nam và nữ".
RFI tiếng Việt
********************
Lãnh tụ Trung Quốc hối thúc quân đội chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (VOA, 27/05/2020)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ ba 26/5 tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường các bước chuẩn bị để sẵn sàng chiến đấu trong các cuộc xung đột vũ trang, đồng thời cải thiện khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự giữa lúc đại dịch corona đang ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh quốc gia, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Các đại biểu quân sự đeo khẩu trang tới Đại Sảnh đường Nhân dân trước phiên khai mạc Đại Hội Đại biểu Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22/5/2020.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng thành tích của Trung Quốc trong nỗ lực chống Covid cho thấy sự thành công của chương trình cải cách quân sự. Ông Tập Cận Bình nói thêm rằng các lực lượng vũ trang nên thăm dò những cách huấn luyện mới trong bối cảnh đại dịch.
Ông Tập, chủ tịch Ủy ban Quân Vụ viện Trung ương Trung Quốc, phát biểu như vừa kể khi ông tham dự một phiên họp khoáng đại của phái đoàn Quân đội Giải phóng Nhân dân và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân bên lề phiên họp thường niên của quốc hội.
*******************
Phi cơ ném bom của Mỹ 'bay qua Đài Loan và gần Hong Kong' (BBC, 27/05/2020)
Một báo Đài Loan vừa đăng tin hai phi cơ ném bom tầm xa, B-1B của Không lực Hoa Kỳ đã bay qua phía nam đảo Đài Loan và gần vào Hong Kong hôm thứ Ba 26/05/2020.
Taiwan News nói hai phi cơ ném bom tầm xa, B-1B của Không lực Hoa Kỳ đã bay qua phía nam đảo Đài Loan và gần vào Hong Kong hôm thứ Ba, 26/5
Trang Taiwan News trích nguồn từ tài khoản Twitter của Aircraft Spots cho hay phi vụ của Không quân Mỹ gồm công tác tiếp dầu trên không diễn ra khi quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng.
Hai chiếc phi cơ ném bom cùng một phi cơ tiếp dầu trên không (KC-135R tanker aircraft) bay từ căn cứ Air Force Base ở Guam vào Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) trong ngày, theo nguồn tin trên.
Tuần này, tình hình Hong Kong tiếp tục căng thẳng sau khi chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị thông qua Luật an ninh cho phép can thiệp trực tiếp vào Hong Kong.
Hoa Kỳ cùng một số nước Phương Tây đã lên án hành động của Quốc hội Trung Quốc.
Đầu tháng 5, theo tin CNN, Hoa Kỳ tạm gửi trở lại Guam bốn phi cơ ném bom tầm xa B-1.
Sự kiện này được cho là để "khiến Trung Quốc phải dè chừng về ý định của Hoa Kỳ".
Trước đó vài tuần, Không lực Hoa Kỳ chấm dứt chương trình duy trì phi cơ ném bom ở Guam, kéo dài 16 năm (Continuous Bomber Presence).
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Không quân Hoa Kỳ (US Pacific Air Forces -PACAF) công bố hồi đầu tháng rằng bốn chiếc B-1, có cơ số bom lớn nhất trong các phi cơ ném bom của Mỹ, đã đến Guam, hòn đảo nằm ở Thái Bình Dương, để "huấn luyện và thực hiện "các chuyến bay răn đe chiến lược" (strategic deterrence missions) trong cả vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Các phi cơ này đến từ căn cứ Dyess Air Force, Texas, thường được điều lên không trung khi Hoa Kỳ muốn chứng tỏ sức mạnh và tạo ra tình huống "chiến thuật khó lường trước" (operational unpredictability), cho các nước khác, theo Không quân Hoa Kỳ.
Nếu đúng là hai B-1B của Hoa Kỳ bay gần Hong Kong thì việc thực hành sứ vụ mang tính 'răn đe chiến lược' đang xảy ra như một phần của đối sách Washington nhắm tới Bắc Kinh.
Tàu USS Ronald Reagan ở Biển Philippines (hình chụp 11/2017)
Sau dịch Covid-19 làm một số không nhỏ thủy thủ, sĩ quan của hải quân Hoa Kỳ bị mắc bệnh, hôm 22/05, quân lực Hoa Kỳ loan báo bảy trên 11 hàng không mẫu hạm của họ "đã sẵn sàng hoạt động".
Đó là các tàu Ronald Reagan, Gerald R. Ford, Abraham Lincoln, Nimitz, Harry S. Truman, Theodore Roosevelt và Dwight D. Eisenhower, theo tin của trang Stars and Stripes đăng trên Facebook kèm ảnh các hàng không mẫu hạm đó.