Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/05/2020

Bắc Kinh thông qua Luật an ninh mới : Hồng Kông mất quyền tự trị

RFI tiếng Việt

Hong Kong ‘xuống giá, bất ổn’ vì luật an ninh mới ? (BBC, 29/05/2020)

Một vòng xoáy mới bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội có thể đang chờ đón Hong Kong sau khi Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5/2020 thông qua một nghị quyết về Luật an ninh mới cho đặc khu hành chính, theo báo chí quốc tế.

anninhmoi1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp Quốc hội ngày 28/5 ở Bắc Kinh

Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 đã biểu quyết thông qua "Quyết định Quốc hội về xây dựng, kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về Đặc khu hành chính Hong Kong bảo vệ an ninh Quốc gia".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh quyết định này là để đảm bảo "Một nước hai chế độ" sẽ "đi vững, đi xa, bảo vệ sự phồn thịnh và ổn định lâu dài của Hong Kong".

Giá nhà cửa, địa ốc trượt dốc trở lại và luật an ninh mới sẽ chặn đà tái phục hồi kinh tế của Hong Kong, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 29/5 nhận định.

Kế hoạch cho dự luật an ninh quốc gia có thể làm hỏng các dấu hiệu háo hức làm ăn của thị trường sau khi càng khuyến khích thêm việc bán nhà đã diễn ra trong những tuần gần đây, tờ báo có trụ sở tại Hong Kong bình luận.

"Các vết rạn nứt trên thị trường nhà ở Hong Kong có thể mở rộng trong vài tuần tới sau khi Trung Quốc tán thành đạo luật được đề xuất mà đã làm rung chuyển thị trường bất động sản và chứng khoán thành phố", Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng viết.

Vẫn theo quan sát của tờ báo này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang chuẩn bị công bố các chính sách mới về Trung Quốc, sau khi chính quyền của ông trong tuần này xác định Hong Kong đã mất quyền tự trị từ Trung Quốc.

"Hiện tại là bất ổn", Derek Chan, người đứng đầu nghiên cứu tại hãng Ricacorp Properties được SCMP dẫn lời đưa ra nhận định.

"Thị trường rất biến động… Nếu sức mua và niềm tin một lần nữa bị giảm sút do tác động vào nền kinh tế sau đạo luật về an ninh mới và hành động của Mỹ, giá nhà có thể chịu áp lực".

Trong một thảo luận trực tuyến về thời sự thứ Năm tuần này, với BBC News tiếng Việt hôm 28/5, một số nhà quan sát từ Việt Nam đã nêu quan điểm của mình về hệ quả của đạo luật mới nếu được thông qua cuối cùng với Hong Kong.

"Việc ra đạo luật này cũng gây ra những mâu thuẫn so với những cam kết trước đây của Trung Quốc với chính phủ Anh và có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Hong Kong và gây ra những xáo trộn nhất định cho những thương gia người Mỹ hay người Anh hay một số thương gia nước ngoài tại Hong Kong", Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

"Nhưng dư luận ở Trung Quốc cũng có những hy vọng là những tình hình căng thẳng như thế sẽ được sớm giải quyết và mặc dù có thông qua đạo luật, nhưng có vẻ dư luận cũng không muốn là có những động thái lớn ngay, mà họ vẫn áp dụng những chính sách là cương và nhu kết hợp để hòa hoãn tình hình".

anninhmoi2

Người phản đối luật an ninh Hong Kong tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 28/5

Mất đi vị trí Châu Á ?

Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao bình luận :

"Đây là một phản ứng có tính chất đối phó một cách mạnh mẽ với phong trào dân chủ của Hong Kong đã thể hiện, liên quan đến luật dẫn độ trong năm vừa qua. Họ muốn dùng luật pháp của Trung Quốc để kiểm soát phong trào dân chủ đòi quyền tự trị của nhân dân Hong Kong.

"Thứ hai, bất chấp chuyện họ biết rằng họ vi phạm luật cơ bản của Hong Kong và áp đặt dự án luật này với Hong Kong là một sự vi phạm và điều đó đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ từ phía quốc tế".

Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận :

"Việc Trung Quốc đưa ra nghị quyết về Luật An ninh mới đối với Hong Kong, thì phía Mỹ đã nói trước khi có sự biểu quyết rằng nếu biểu quyết nghị quyết này thì thực chất là để cho Hong Kong không còn mang trạng thái tự trị nữa và điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc đã từ bỏ chính sách "một nước, hai chế độ.

"Và hôm nay (28/5), khi mà thông qua nghị quyết này, thì Mỹ đã nhắc lại sẽ có những biện pháp để đáp ứng với nghị quyết này mà người ta nói sẽ là toàn diện, mà ở đây chúng ta thấy khá rõ đó là những biện pháp đối với chính phủ Trung Quốc, đối với Trung Quốc.

"Thứ hai là phải có những biện pháp thích hợp để coi Hong Kong không phải như một nơi tự trị nữa, mà đặc biệt xem xét lại dự luật năm 1992 của Mỹ coi Hong Kong như một trạng thái kinh tế đặc biệt, mà nếu bây giờ bỏ trạng thái này đi, thì đồng nghĩa với việc Hong Kong sẽ mất đi vị trí của một trung tâm tài chính lớn nhất của khu vực Châu Á".

anninhmoi3

Người phản đối ở một siêu thị tại Hong Kong ngày 29/5

Vốn và nhân tài bay biến ?

Cũng hôm thứ Sáu, báo mạng Hong Kong Business có bài viết với tựa đề "Người giàu Trung Quốc trốn tránh Hong Kong để tìm kiếm sự an toàn tài sản ở nơi khác", trong đó có đoạn viết :

"Một số người đang tìm cách chuyển cơ sở thịnh vượng kinh tài của họ ra nước ngoài đến Singapore và Thụy Sĩ".

Trong khi đó, những người giàu có của Trung Quốc dự kiến sẽ đổ ít tiền hơn vào Hong Kong.

"Vì lo ngại rằng việc Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia cho thành phố có thể cho phép chính quyền đại lục theo dõi và tịch thu tài sản của họ", giới chủ ngân hàng và các nguồn tin trong ngành được Hong Kong Business dẫn lời cho biết.

"Hơn một nửa số người Hong Kong có khối tài sản tư nhân ước tính hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ là từ các cá nhân từ Trung Quốc đại lục đã gửi tiền ở đó, vẫn theo các chủ ngân hàng.

"Thành phố đã được hưởng lợi từ sự gần gũi với Trung Quốc và một hệ thống pháp lý riêng biệt, cũng như đồng tiền được 'chốt' bằng đô-la, nhưng hiện đang lo lắng về việc mất đi vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu do vốn và tài năng bay biến", Hong Kong Business quan ngại.

Trò chơi nguy hiểm ?

Trước đó, hôm 27/5, tạp chí mạng Foreign Policy có bài viết cảnh báo và cho rằng Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang chơi một "trò chơi nguy hiểm" gây tác hại chính với nước này.

Tạp chí này viết : "Với luật an ninh mới, Trung Quốc có nguy cơ chịu hậu quả lớn về kinh tế và chính trị. Việc khinh suất này của ông Tập có thể gây lo lắng các cho quốc gia dân chủ ở khắp mọi nơi".

Ngay trước đó, hôm Chủ Nhật, 24/5, báo mạng The Diplomat cũng cảnh báo đạo luật an ninh mới cho Hong Kong sẽ gây ra rủi ro cho chính Trung Quốc :

"Đối với chính Trung Quốc, bước đi này cũng mang đến những rủi ro tài chính và kinh tế đáng kể. Hong Kong là huyết mạch tài chính của Trung Quốc, và hoạt động như một nguồn vốn nước ngoài quan trọng nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

*****************

Nhận định về tình hình Hồng Kông mất quyền tự trị ! (RFA, 28/05/2020)

Luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hong Kong do Trung Quốc thông qua vào ngày 28/5 cho phép Bắc Kinh có thể gia tăng kiểm soát đối với đặc khu hành chánh này do Anh Quốc trao trả lại hồi năm 1997.

anninhmoi4

Tập Cận Bình bỏ phiếu về luật an ninh quốc gia cho Đặc khu hành chính Hồng Kông. Reuters

Cùng ngày, trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố chung cùng các quốc gia Úc, Canada và Anh Quốc lên án quyết định của Bắc Kinh khi áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông. Thông cáo này cho rằng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tự do của người dân Hồng Kông cũng như làm xói mòn quyền tự trị và hệ thống xã hội tự do đã thúc đẩy sự thịnh vượng cho nơi này bấy lâu nay.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho hành động của Trung Quốc đã phản bội lời hứa với quốc tế khi trở tay biến một nước 2 chế độ thành 1 nước 1 chế độ. Trước phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho các vấn đề liên quan đến Hồng Kông là việc nội bộ của Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A nhận định :

"Không có gì là lạ cả ! Họ nhất quyết là phải nói như vậy, bởi vì họ không thể phản đối chuyện Trung Quốc vi phạm các điều lệ quốc tế của mình, bởi vì lúc đấy nó rắc rối cho quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ; cái đấy thì họ tìm mọi cách để họ tránh. Tôi dự đoán 100% là họ phải nói như vậy thôi.”

Mạng báo South China Morning Post, khi so sánh quy chế pháp luật giữa Trung Quốc và Hồng Kông, nêu rõ pháp luật Trung Quốc được quy định trên cơ sở các chỉ thị quan chức ban hành với quan điểm là đúng và người dân buộc phải tuân theo ; trong khi đó, tại Hồng Kông, luật pháp được ban hành chủ yếu để duy trì trật tự công cộng bằng cách đảm bảo các quan chức chính phủ phải tuân thủ luật pháp được ban hành và có hành xử đúng đắn trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ. Vì vậy, luật an ninh quốc gia do Trung Quốc thông qua đối với Hồng Kông bị cho sẽ đe dọa nền dân chủ của khu tự trị này.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định chính luật an ninh quốc gia tại Việt Nam cũng đã được bàn luận rất nhiều từ khi Luật An ninh mạng ra đời cách đây 2 năm và đã ảnh hưởng đến rất lớn cho hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước :

"Từ khi có cái luật đó, họ ra tay đàn áp mạnh hơn, bắt bớ nhiều hơn, nhưng mà thật sự cũng không phải là hoàn toàn như vậy, bởi vì trước đó khi chưa có Luật An ninh Mạng, họ cũng đã bắt bớ, cũng đã đàn áp rất khốc liệt rồi.”

anninhmoi5

Người dân Hồng Kông bị bắt giữ khi biểu tình lên án chính phủ. Reuters

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung Luật An ninh Quốc gia của Việt Nam, ban hành vào năm 2004 gồm 5 Chương và 36 Điều, được quy định theo điều ước quốc tế :

"Trên nước nào cũng vậy, nội dung luật an ninh quy định theo những Điều ước quốc tế về hình sự mà Việt Nam đã ký kết, hoặc gia nhập, hoặc có thể dẫn chiếu vào pháp luật Việt Nam, đó là Luật An ninh Quốc gia.

Luật An ninh Mạng giải quyết về vấn đề ứng phó và khắc phục sự cố an ninh mạng với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh của quốc gia, cũng như phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng. Cũng giống như Nhật Bản, Anh xếp vào tội phạm an ninh mạng tương đương với tội chống nhà nước của họ. Bên Anh, khi tôi nghiên cứu tôi cũng thấy điều đó ; bên Nhật cũng vậy. Họ xếp các loại tội phạm này ngang với loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lo ngại rằng luật an ninh cho Hồng Kông mà nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc vừa thông qua sẽ trở thành điều nguy hiểm không chỉ cho người dân Hồng Kông, mà còn cho cả người dân Trung Quốc và Việt Nam, vì việc này sẽ góp phần đẩy xung đột giữa các nước trong khu vực và thế giới lên cao :

"Tôi tin rằng trong cái thời gian ngắn trước mắt, nó sẽ đẩy cái sự xung đột giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và cả thế giới gồm cả Nhật Bản, EU… ; tôi cho rằng nó sẽ đẩy lên tới mức độ xung đột rất là nguy hiểm và có thể dẫn tới những cái trầm trọng hơn về chính trị, thông qua những cái trừng phạt mới về kinh tế mà chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian sớm nhất, thì điều đó có nghĩa rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam họ cũng phải lưu tâm, để làm sao trong tình huống như thế này chính sách của họ bấy lâu nay là một chính sách rất lỗi thời và nguy hiểm không những cho Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn tất nguy hiểm cho toàn bộ dân tộc Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng rất lớn như vậy.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng khi nào chế độ Cộng sản độc quyền vẫn còn, thì việc đàn áp dân chủ sẽ tiếp tục duy trì. Ông nhận định, nếu người dân muốn thay đổi chế độ thì việc chỉ hô hào, nói suông và không thực hiện quyền của mình sẽ không giúp thay đổi :

"Nó sẽ chỉ bớt nếu mà người Việt Nam ở trong nước này lên tiếng, thực hiện các cái quyền của mình, được Hiến pháp hiện thời của Việt Nam nhấn định, mà thực hiện những quyền đấy một cách xây dựng, gây áp lực 24/7 lên Đảng Cộng sản Việt Nam, và họ thấy rằng biến cái quyền trên giấy thành quyền thật trong cuộc sống ; chỉ có cách đầy, với cái áp lực đấy thì chính quyền Việt Nam mới có thể bớt đi phần nào.”

Dưới cái nhìn của một người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo phản đối việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh riêng cho Hồng Kông khi xu thế chung của người dân trên thế giới hiện nay là muốn tiến bộ và dân chủ hóa :

"Tôi mong Nhà nước Việt Nam phải có thay đổi trong luật pháp theo hướng càng ngày càng dân chủ--người dân được làm chủ cuộc sống của mình thông qua cái lá phiếu trong bầu cử.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng những xung đột giữa Trung Quốc và Hồng Kông có thể có ảnh hưởng lan rộng đến các nước trong khu vực và cả thế giới.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính và có quan hệ với Việt Nam về xuất nhập khẩu cũng như ngành du lịch, nên nếu tình hình tại Hồng Kông mất ổn định sẽ có thể gây ảnh hưởng đến thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định mọi chuyện vẫn tùy thuộc vào những diễn biến xảy ra sắp tới :

"Điều đó nó còn tùy thuộc vào mối quan hệ đó nó sẽ diễn ra như thế nào ; luật an ninh đó nó ảnh hưởng đến đâu và việc Hoa Kỳ có thái độ đối với lại Hồng Kông, nó làm giảm quy chế đặc biệt của Hồng Kông như thế nào, thì điều đó nó đang tiếp diễn. Hiện nay tôi chưa có thể có nhận định gì về số lượng, nhưng chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển thương mại, cũng như quan hệ với trung tâm tài chính Hồng Kông.”

Vào ngày 27/5, Bộ Trưởng Ngoại giao Hòa Kỳ, ông Mike Pompeo, đã tuyên bố rằng Hồng Kông sẽ mất những quy chế và ưu đãi kinh tế đặc biệt từ phía Hoa Kỳ khi mất đi quyền tự trị trước việc Trung Quốc thông qua luật an ninh đối với đặc khu này.

Nguồn : RFA, 28/05/2020

*******************

Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông (RFI, 27/28/2020)

Luật an ninh quốc gia Hồng Kông đã được gần như toàn thể đại biểu Quốc hội Trung Quốc thông qua trong phiên họp ngày 28/05/2020. Trong số gần 3.000 đại biểu, chỉ có 1 người bỏ phiếu chống, và 6 người bỏ phiếu trắng. Với đạo luật này, Bắc Kinh gia tăng kiểm soát đặc khu hành chính Hồng Kông. Vài giờ trước cuộc biểu quyết của Quốc hội Trung Quốc, ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng Hồng Kông không còn đủ điều kiện hưởng quy chế ưu đãi của Hoa Kỳ.

hk1

Một người biểu tình đòi dân chủ giơ hai bàn tay biểu tượng cho "Năm yêu sách" trong cuộc biểu tình tại Hồng Kông ngày 28/05/2020 phản đối luật an ninh. Reuters - TYRONE SIU

Văn bản vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua có tên gọi chính thức là "Quyết định của Quốc hội về xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hồng Công". Trên cơ sở quyết định này, Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc soạn thảo và có thể ban hành các luật liên quan trong một vài tuần tới mà không cần thông qua hội đồng lập pháp Hồng Kông.

Luật an ninh Hồng Kông nhằm "ngăn cản, chận đứng và trừng phạt mọi hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, như các hoạt động ly khai, lật đổ chế độ, khủng bố và sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài". Luật này cũng sẽ cho phép các cơ quan trực thuộc Bắc Kinh thiết lập cơ sở tại Hồng Kông.

Nhiều quốc gia, đứng đầu là Anh, Mỹ, đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền tự do và tự trị của Hồng Kông. Pháp cũng đã bày tỏ "quan ngại" về tình hình Hồng Kông.

Pompeo : " Hồng Kông đã mất quyền tự trị"

Đối với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo "Hồng Kông không còn là vùng lãnh thổ tự trị nữa" và như vậy có thể sẽ mất quy chế thương mại ưu đãi. Ông Pompeo tuyên bố như trên tối qua, một ngày trước khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luân an ninh quốc gia cho đặc khu hành chính này. Washington đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp về đạo luật này, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

"Do lệch giờ, khi ông Pompeo tuyên bố như trên thì ở Châu Á đã là đêm khuya, nhưng ngay lập tức đã vang lên nhiều tiếng "thank you" và những câu "cám ơn đã ủng hộ Hồng Kông".

Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ khiến các nhà đấu tranh dân chủ phấn khởi trở lại, sau khi lực lượng an ninh hôm qua đã bắt giữ hàng loạt người biểu tình : 360 người đã bị cảnh sát bắt đi, con số gấp đôi hôm Chủ Nhật tuần trước. Hình ảnh các vụ bắt giữ này đã được chiếu đi chiếu lại trên các mạng xã hội của Hoa lục và nhất là trên các trang mạng của báo chí Nhà nước. Nhưng báo này mô tả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông "những vụ tụ tập bất hợp pháp", với một số người đem theo cả "vũ khí sát thương".

Đối với những người phản đối sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, Hồng Kông giống như đang sống dưới thiết quân luật với việc chính quyền huy động một lực lượng cảnh sát hùng hậu và đặc khu hành chính này chắc chắn sẽ bị mất quyền tự trị.

Nhưng đối với các lãnh đạo Trung Quốc, luật an ninh quốc gia mà các đại biểu Quốc hội Trung Quốc biểu quyết hôm nay là "chuyện nội bộ" của Trung Quốc, như điều mà thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc lại chiều nay khi bế mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội. Bắc Kinh đã dọa sẽ trả đủa nếu tổng thống Donald Trump loan báo các trừng phạt".

Thanh Hà - Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)