Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/06/2020

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương : Úc và Ấn hợp tác quốc phòng

Tổng hợp

Biển Đông căng thẳng, Úc - Ấn Độ siết chặt hợp tác quốc phòng (Pháp Luật Online, 05/06/2020)

Úc và Ấn Độ ký thỏa thuận cho phép lực lượng hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau trong bối cảnh Trung Quốc liên tục leo thang căng thẳng ở Biển Đông. 

ucando02

Ngày 4/6/2020, Úc và Ấn Độ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương dưới tên gọi Thỏa thuận Tương hỗ Hậu cần (MLSA)

Trong hội nghị trực tuyến Ấn - Úc ngày 4/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức ký thỏa thuận mới tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với tên gọi Thỏa thuận Tương hỗ Hậu cần (MLSA), đài CNN cho hay.

Theo tờ The Times of India, MLSA cho phép tàu chiến, máy bay quân sự hai nước được quyền bảo trì và tiếp nhiên liệu ở các căn cứ quân sự của nhau. Đây là một trong chín thỏa thuận hai bên ký kết tại phiên làm việc trên. 

ucando01

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) trong hội nghị trực tuyến với người đồng cấp Úc Scott Morrison (màn hình, trái) ngày 4/6. Ảnh : CNN

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo nhắc lại Ấn Độ và Úc có chung tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Hai bên đồng thời cũng cam kết thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật pháp, không xâm phạm quyền tự do hàng hải, tự do không phận. 

CNN cho hay thỏa thuận MLSA được ký kết trong bối cảnh Trung Quốc liên tục mở rộng ảnh hưởng, tăng cường các hoạt động khiêu khích ngoài thực địa.

Trước Ấn Độ, Úc đã có lịch sử dài hợp tác với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Úc từ năm 1980 đã bắt đầu gửi máy bay trinh sát đến làm nhiệm vụ ở đây và đến năm 2020 đã tham gia nhiều đợt tập trận chung với Mỹ, lần gần nhất là vào tháng 4. 

Trong khi đó, Ấn Độ dù lâu nay vẫn giữ quan điểm trung lập về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vẫn đề phòng khả năng Bắc Kinh làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nước này. 

Bên cạnh đó, cả Ấn Độ, Úc đều là thành viên của nhóm "Bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD) bên cạnh Mỹ và Nhật. Liên minh này trong tương lai hứa hẹn sẽ là một đối trọng đủ sức thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. 

Vĩ Cường

**********************

Úc và Ấn Độ ký kết thỏa thuận về việc cùng sử dụng căn cứ quân sự (RFI, 04/06/2020)

Ấn Độ và Úc vào hôm nay 04/06/2020 đã ký một thỏa thuận cho phép hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau vào việc hỗ trợ hậu cần. Hai bên đồng thời đồng ý tăng cường hợp tác ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ của hai nước với Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng

ucando1

Tầu chở trực thăng HMAS Parramatta của Hải Quân Úc tập trận với tầu đổ bộ Mỹ USS America, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry và tầu USS Bunker Hill, tại Biển Đông, ngày 18/04/2020. © Reuters - Australia Department Of Defence

Thỏa thuận liên quan đến việc "hỗ trợ hậu cần song phương - Mutual Logistics Support" đã được thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Úc Scott Morrison ký kết trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến.

Thông cáo công bố sau cuộc họp nêu rõ : "Hai bên đồng ý tiếp tục thắt chặt và mở rộng hợp tác quốc phòng qua việc tăng cường quy mô và tính phức tạp các cuộc tập trận song phương và các hoạt động khác nhằm phát triển những hướng mới đối phó với những thách thức về an ninh mà hai bên cùng chia sẻ".

Thỏa thuận này được ký trong bối cảnh tranh chấp Ấn -Trung về biên giới ở vùng Himalaya nổi cộm trở lại và quan hệ Canberra-Bắc Kinh cũng bị khuấy động sau khi Úc kêu gọi mở điều tra quốc tế về vụ virus corona xuất phát từ Vũ Hán.

Riêng về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hai bên đã nhắc lại cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở một khu vực rộng lớn mà cả Ấn Độ lẫn Úc đều nhấn mạnh là rất quan trọng đối với thế giới.

Tuyên bố chung về tầm nhìn trên vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Một tuyên bố chung về tầm nhìn chung của hai quốc gia về hợp tác hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nêu rõ : "Ấn Độ và Úc có mối quan tâm lâu dài đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở", không loại trừ bất kỳ nước nào và vận hành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế.

Hai bên đã khẳng định cùng quan tâm đến việc " bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Theo giới quan sát, tuyên bố về hợp tác hàng hải Ấn Độ-Úc đã gián tiếp đề cập đến Trung Quốc và các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông.

Trung Quốc phản đối Mỹ về Biển Đông

Liên quan đến Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào hôm qua, 03/06, đã tiếp tục nhắc lại các luận điểm về "chủ quyền lãnh thổ lịch sử" của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đây là phản ứng của Trung Quốc chống lại việc Mỹ vừa gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)