Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/04/2017

Bắc Triều Tiên thử nghiệm mô hình kinh tế tự do

RFI tiếng Việt

Là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới, một trong những thành trì cuối cùng của mô hình kinh tế tập trung, Bắc Triều Tiên bắt đầu dành một chỗ đứng cho "thị trường". Còn quá sớm để nói tới một sự "chuyển mình", nhưng các phóng viên quốc tế đến Bình Nhưỡng tác nghiệp nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) nhận thấy một "sự thay đổi" tại Bắc Triều Tiên.

btt1

Hai thế hệ cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên : Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong-il.REUTERS/Damir Sagolj

Trong bài phóng sự, đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày 14/04/2017, Yann Rousseau ghi nhận : Các cửa hàng ở Bình Nhưỡng ồn ào không kém những khu thương mại tại các thành phố lớn Á Châu. Mọi người chen lấn nhau trước kệ bán bánh. Ở gian bán bia, bên cạnh những chai bia hàng "nội" mang nhãn hiệu Taedonggan của Bắc Triều Tiên còn có những chai Bia Saigon của Việt Nam.

Bất chấp cấm vận quốc tế, có tiền dân Bắc Triều Tiên vẫn có thể mua những chai rượu mạnh như Martini Bacardie hay rượu cô -nhắc Courvoisier của Pháp. Đến hàng rau quả, người mua không có nhiều sự lựa chọn.

Theo phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP, ở các siêu thị tại Bình Nhưỡng có cả những lon nước ngọt Coca Cola nổi tiếng của Mỹ. Trong các cửa hàng của Nhà nước, các dịch vụ mua bán được thanh toán bằng đồng won Bắc Triều Tiên. Nhưng đi taxi, hay ăn hiệu, hoặc mua bán lặt vặt ở vỉa hè, trả tiền bằng đô la, euro, hay đồng nhân dân tệ là chuyện thường tình mà không bị từ chối bao giờ. Đời sống của một phần dân cư thủ đô Bắc Triều Tiên "có vẻ dễ chịu hơn".

Ngoại tệ được mua bán khá dễ dàng trên thị trường "chợ đen". Điện thoại thông minh, xe hơi mới nhập của Trung Quốc hay được lắp rắp ngay tại Bắc Triều Tiên xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Những người bán rong thập thò ở các ngã tư, nhưng họ không còn bị đuổi bắt. Những người giàu có bắt đầu mua nhà ở các chung cư.

Về mặt chính thức, chế độ dòng họ Kim vẫn chủ trương "tự lực tự cường", không lệ thuộc vào hàng hóa, vào tiền tệ của nước ngoài. Thực tế thì khác.

Khác biệt giữa lập trường chính thức và thực tế

Kinh tế Bắc Triều Tiên đang "từng bước thay đổi". Đành là trên những đại lộ thênh thang ở Bình Nhưỡng không ai trông thấy bóng những bảng quảng cáo, mà chỉ đầy những bích chương hoành tráng, ca ngợi công lao các chiến sĩ, những người lao động, những vị anh hùng dân tộc Bắc Triều Tiên hay thành tích của Đảng.

Giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Khoa Học Xã Hội Bình Nhưỡng nói với phóng viên AFP : "Bắc Triều Tiên là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa (…) và không hướng tới một kế hoạch cải tổ theo mô hình kinh tế thị trường".

Có điều cả AFP lẫn báo Les Echos cùng đưa ra nhận định : Tuyên bố chính thức này của một quan chức tại Bình Nhưỡng khác hẳn với những quyết định gần đây của Kim Jong-un.

Les Echos nói tới "vùng xám" trong kinh tế Bắc Triều Tiên : nơi mà ở đó Nhà nước trên nguyên tắc vẫn kiểm soát tất cả các, nhưng dân tình bắt đầu được mua bán giữa tư nhân với nhau. Theo giáo sư Andrei Lankov giảng dây tại đại học Kookmin-Seoul, "giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hiểu được rằng, nếu không để cho thị trường hoạt động, thì kinh tế không thể khá lên được, cho dù là ở một mức còn kém cỏi như hiện tại". Andrei Lankov là tác giả một công trình nghiên cứu về tình hình kinh tế Bắc Triều Tiên vừa được đăng trên tạp chí của Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế, trụ sở tại Hoa Kỳ.

Vài dấu hiệu "cởi trói"

Về những sáng kiến của tư nhân, AFP nêu lên trường hợp của công nhân viên các hợp tác xã. Ngoài các khoản đóng góp cho Nhà nước, họ sản xuất thêm "cho sinh hoạt gia đình". Một số các hợp tác xã ở Bắc Triều Tiên đã được giải thể. Đất canh tác được trả lại cho nông dân. Phép lạ kèm theo là năng suất nông nghiệp tăng vọt.

Nhìn đến khu vực công nghiệp, AFP ghi nhận : một khi đạt chỉ tiêu về sản xuất mà chính quyền đặt ra, các lãnh đạo nhà máy được quyền "tự quản lý", tự giao dịch với khách hàng hay các nhà cung cấp. Một kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại thành phố Wonsan nói với phóng viên Pháp : ngoài hợp đồng cho Nhà nước, công ty của ông đã "mở rộng cả một mạng lưới thương mại" để tự kiếm thêm các nguồn mua bán với tư nhân.

Wonsan là một thành phố duyên hải, hướng ra biển Nhật Bản, sống nhờ công nghiệp dệt may, chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp hóa chất.

Cán bộ được chỉ thị "không can thiệp"

Một điều đáng chú ý khác, là cán bộ Nhà nước Bắc Triều Tiên được chỉ thị "không can thiệp vào các hoạt động kinh tế của tư nhân cho dù về mặt kỹ thuật thì đó vẫn là những hoạt động bất hợp pháp".

AFP trích dẫn một số các nhà nghiên cứu nước ngoài, cho rằng, lĩnh vực kinh tế tư nhân có thể chiếm từ 25 % đến 50 % GDP Bắc Triều Tiên. Tại một đất nước khép kín như Bắc Triều Tiên, chỉ số tăng trưởng được giữ kín như thuộc phạm trù bí mật quốc gia.

Ngay cả các chuyên gia Hàn Quốc không thể xác định được rằng trong năm 2015, kinh tế Bắc Triều Tiên có tăng trưởng hay đã bị thu hẹp lại. Có điều, bước chuyển biến, dù chỉ mới manh nha trên quê hương của Kim Nhật Thành, khiến mọi người liên tưởng đến những bước đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc dưới năm tháng Đặng Tiểu Bình.

Như ghi nhận của các chuyên gia, Bắc Kinh, đồng minh thân thiết nhất của chế độ Bình Nhưỡng đang khuyến khích Bắc Triều Tiên theo gương Trung Quốc. Giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Khoa Học Xã Hội Bình Nhưỡng nhìn nhận "chính sách cải tổ của Trung Quốc phù hợp với hoàn cảnh của quốc gia này. Người Trung Quốc ước ao và mong mỏi tiến trình cải tổ đó". Nhưng Bắc Triều Tiên thì vẫn "quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa" !

Trước lời lẽ này của chuyên gia Bắc Triều Tiên, giáo sư Lankov, đại học Seoul cho rằng Bắc Triều Tiên không bao giờ nhìn nhận là phải "học tập" kinh nghiệm của nước khác. Nhưng điều ấy không cấm cản Bình Nhưỡng âm thầm đi theo mô hình mà Bắc Kinh đã vạnh ra, bởi mô hình đó đã giúp cho kinh tế Trung Quốc thành công mỹ mãn, để quốc gia Châu Á này vươn lên thành nền kinh tế thứ hai thế giới.

Thái độ khăng khăng có tính toán của Bình Nhưỡng

Vẫn theo giáo sư Lankov, Kim Jong-un "hoàn toàn ý thức được" về tầm mức quan trọng của kinh tế thị trường. Lập luận khăng khăng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa chỉ là hình thức bề ngoài.

Marcus Noland, Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson tại thủ đô Washington cho rằng thái độ nói trên của Bình Nhưỡng là có tính toán. Về mặt chính thức, các hoạt động kinh tế tư nhân vẫn bị xem là bất hợp pháp – thậm chí những tội phạm có thể bị tử hình, và điều đó để ngỏ một cánh cửa cho phép chế độ "gài số lùi" trong trường hợp cần thiết.

Công khai nhìn nhận tiến hành cải tổ, hướng tới kinh tế thị trường không khác nào nhìn nhận một thất bại của chế độ.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng luôn gieo vào lòng dân ý tưởng Bắc Triều Tiên được gia đình xuất chúng của dòng họ Kim lãnh đạo. Nhà nghiên cứu Marcus Noland kết luận : Kim Jong-un bắt buộc phải "nuôi ảo vọng" về mặt ý thức hệ cho dù trên thực tế, chính sách kinh tế được thay đổi đến 180 độ.

Tại Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình xưa kia dám nhìn nhận đường lối của cố chủ tịch "Mao Trạch Đông đúng 70 % nhưng sai 30 %". Ở Bắc Triều Tiên, "Kim Jong-un không thể nào tuyên bố rằng hai đời lãnh tụ trước, là ông nội và bố đã sai lầm, dù chỉ là 1 %".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 731 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)