Hàn Quốc : Triều Tiên sẽ phải trả giá nếu có hành động quân sự (Zing, 17/06/2020)
Quân đội Hàn Quốc hôm 17/6 cảnh báo sẽ khiến Triều Tiên phải "trả giá" nếu có hành động quân sự chống lại Seoul.
Tuyên bố được Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) đưa ra vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tái triển khai quân đội tới một khu công nghiệp liên Triều tại thị trấn Kaesong ở biên giới phía tây và khu du lịch chung núi Kumgang ở phía đông, theo Yonhap.
Triều Tiên tuyên bố sẽ khôi phục các chốt canh gác đã bị dỡ khỏi khu phi quân sự ngăn cách hai miền bán đảo và nối lại toàn bộ các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên gần biên giới liên Triều, trong động thái rõ ràng nhằm xóa bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự đã ký năm 2018.
Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tuần tra gần biên giới liên Triều hôm 16/6. Ảnh : Yonhap.
"Những động thái này cản trở hai thập kỷ nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và gìn giữ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu Triều Tiên thực sự có động thái như vậy, chắc chắn họ sẽ phải trả giá", Jeon Dong-Jin, chỉ huy hành quân tại JCS, cho biết.
Trước đó, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, bà Kim Yo-Jong, đe dọa sẽ hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận trong sự tức giận vì các nhà hoạt động ở Hàn Quốc rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.
Bà Kim nói Seoul nên sẵn sàng cho việc "hủy bỏ thỏa thuận hai miền trong lĩnh vực quân sự mà hầu như không có giá trị" nếu không có biện pháp xử lý hoạt động rải truyền đơn.
Sau một loạt tuyên bố làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo, Bình Nhưỡng đã cho phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn Kaesong hôm 16/6.
"Về tình hình an ninh hiện nay, quân đội chúng ta đang theo dõi chặt chẽ các động thái của quân đội Triều Tiên một cách liên tục và duy trì tư thế sẵn sàng một cách vững vàng", ông Jeon nói.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ tình hình một cách ổn định, ngăn chặn sự việc leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự".
Đông Phong
*******************
Triều Tiên đưa quân đến gần biên giới sau khi phá văn phòng liên lạc (Zing, 17/06/2020)
Một ngày sau khi cho nổ tung văn phòng liên lạc hai miền hôm 16/6, Triều Tiên cho biết sẽ đưa quân trở lại khu công nghiệp liên Triều và thiết lập lại các đồn biên phòng.
Triều Tiên công bố video văn phòng liên lạc với Hàn Quốc nổ tung Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên vừa công bố đoạn video phá hủy văn phòng liên lạc giữa 2 miền, tại khu công nghiệp Kaesong, nằm gần biên giới với Hàn Quốc.
"Các đơn vị cấp trung đoàn và các đơn vị hỏa lực cần thiết sẽ được triển khai tại khu du lịch Núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong, nơi chủ quyền của Triều Tiên được thực thi", một phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu nói trên Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA).
Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên cũng cho biết họ sẽ nối lại "mọi loại tập trận quân sự thường xuyên" gần biên giới liên Triều, theo Yonhap. Đây là động thái rõ ràng nhằm xóa bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng mà hai miền bán đảo Triều Tiên đã ký năm 2018.
Quan chức Triều Tiên cũng cho biết "các đồn biên phòng" - vốn đã bị rút khỏi Khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa biên giới liên Triều theo thỏa thuận quân sự - "sẽ được thiết lập lại để tăng cường lực lượng bảo vệ ở tiền tuyến" và các khu vực mở dọc biên giới để hỗ trợ việc gửi tờ rơi của người dân Triều Tiên xuống Hàn Quốc.
Triều Tiên đã cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều vào chiều ngày 16/6. Ảnh : KCNA.
Bộ Tổng tham mưu sẽ "xây dựng các kế hoạch quân sự chống lại kẻ thù chi tiết hơn" và trình bày cho Ủy ban quân sự Trung ương Đảng lao động Triều Tiên phê duyệt "sớm nhất" có thể, KCNA nói.
KCNA cũng cho biết Triều Tiên đã "thẳng thừng" từ chối lời đề nghị gửi đặc phái viên để xoa dịu căng thẳng của Hàn Quốc để và gọi đó là đề nghị "vô nghĩa" và "nham hiểm".
Triều Tiên đã thực hiện một loạt các hành động trả đũa việc những người Triều Tiên đào tẩu xuống Hàn Quốc thả bóng bay rải truyền đơn chỉ trích sự lãnh đạo và chế độ của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đối phó với Hàn Quốc như một "kẻ thù", cắt đứt mọi kênh liên lạc xuyên biên giới và đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp khác, bao gồm cả hành động quân sự. Triều Tiên cũng đe dọa sẽ phá dỡ khu công nghiệp liên Triều đang bị đóng cửa ở Kaesong và hủy bỏ thỏa thuận quân sự năm 2018 mà hai miền bán đảo Triều Tiên đã ký để giảm căng thẳng xuyên biên giới.
Hôm 16/6, Bộ Tổng tham mưu của quân đội Nhân dân Triều Tiên cảnh báo rằng họ đang xem xét kế hoạch tiến vào "các khu vực phi quân sự theo thỏa thuận giữa hai miền, biến tiền tuyến thành một pháo đài và tăng cường cảnh giác hơn nữa" trước Hàn Quốc, theo Yonhap.
Sau đó cùng ngày, Triều Tiên đã cho nổ tung một văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong. Vụ nổ làm dấy lên mối lo ngại rằng Triều Tiên có thể thực hiện các lời đe dọa nhắm vào Hàn Quốc, bao gồm cả hành động quân sự.
Hàn Quốc đã cảnh báo sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Triều Tiên có nhiều hành động làm leo thang căng thẳng.
Như Trần
******************
Bắc Triều Tiên dọa tăng quân tại biên giới liên Triều (RFI, 17/06/2020)
Căng thẳng leo thang trên bán đảoTriều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng ngày 17/06/2020 thông báo tăng cường các hoạt động canh gác tại khu vực phi quân sự, tăng cường hiện diện của quân đội tại khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch tại núi Kim Cương. Để đáp trả, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố : tiến hành một chiến dịch quân sự, Bình Nhưỡng sẽ "trả giá đắt".
Một binh sĩ Hàn Quốc đứng gác ở Thống Nhất Đại Kiều, dẫn vào khu công nghiệp Kaesong, trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp ngày 17/06/2020 Reuters - KIM HONG-JI
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, quân đội Bắc Triều Tiên thông báo "khởi động lại các chiến dịch quân sự ở khu vực biên giới" liên Triều. Quyết định này bao gồm các biện pháp từ việc tái lập các đồn biên phòng dọc theo đường biên giới trong vùng phi quân sự, điều quân đến khu công nghiệp Kaeong và du lịch tại núi Kim Cương.
Đây là những quần thể biểu tượng cho sự hợp tác liên Triều nhưng cả hai cơ sở nói trên đều đã bị đóng cửa từ nhiều năm qua. Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết bà Kim Yo-jong, em gái lãnh tụ Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị của Hàn Quốc gửi đặc phái viên đến Bình Nhưỡng xoa dịu tình hình. Cùng ngày, Bình Nhưỡng công bố hình ảnh vụ đánh sập tòa nhà được dùng làm văn phòng liên lạc giữa hai nước Triều Tiên.
Về phía Hàn Quốc, một mặt bộ trưởng Quốc Phòng, Jeong Kyeong Doo tuyên bố sẽ đáp trả đích đáng trong trường hợp có xung đột quân sự, mặt khác Seoul đình chỉ chương trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong vùng phi quân sự, biên giới liên Triều. Theo tin mới nhất được Yonhap trích dẫn, một nguồn tin quân sự cho biết hai chiếc máy bay quan sát của quân đội Mỹ đã thi hành phi vụ trên bầu trời thủ đô Seoul để "quan sát tình hình".
Thanh Hà
*********************
Bắc Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc tại Kaesong (RFI, 16/06/2020)
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng với việc Bắc Triều Tiên hôm nay, 16/06/2020, đã phá hủy văn phòng liên lạc với miền Nam, đặt tại Kaesong, thành phố nằm ở biên giới liên Triều, theo thông báo của Seoul.
Khói đen bốc lên từ khu công nghiệp Kaesong. Ảnh chụp từ bên Hàn Quốc, ngày 16/06/2020 Reuters - YONHAP NEWS AGENCY
Phát ngôn viên của bộ Thống Nhất Hàn Quốc, tức bộ đặc trách về quan hệ liên Triều, ra thông cáo ngắn gọn một dòng : "Bắc Triều Tiên đã cho nổ sập văn phòng liên lạc ở Kaesong vào lúc 14 giờ 49 phút ( 6 giờ 49 phút, giờ quốc tế )". Trước đó vài phút, hãng thông tấn Yonhap cho biết đã nghe một tiếng nổ và thấy khói bốc lên từ khu công nghiệp Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc giữa hai miền.
Cũng hôm nay, hãng tin chính thức KCNA khẳng định quân đội Bắc Triều Tiên "hoàn toàn sẵn sàng" hành động chống Hàn Quốc. Cụ thể, theo KCNA, bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên thông báo đang vạch ra một "kế hoạch hành động" để "biến giới tuyến thành pháo đài". Kế hoạch này bao gồm việc gởi quân đến tái chiếm vùng phi quân sự nằm giữa hai miền.
Từ đầu tháng đến nay, chế độ Bình Nhưỡng liên tục đe dọa Seoul, đặc biệt là về việc những người Bắc Triều Tiên đào thoát vào miền nam thả truyền đơn ra miền Bắc quá giới hạn của vùng phi quân sự. Vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã thông báo đóng toàn bộ các kênh liên lạc về chính trị và quân sự với "kẻ thù" miền nam Triều Tiên. Theo hãng tin AFP, một số chuyên gia nghĩ rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách gây ra một cuộc khủng hoảng với Hàn Quốc vào lúc đàm phán về hạt nhân với Hoa Kỳ đang bế tắc.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
Một tiếng nổ lớn vang lên và một đám khói xám bốc lên từ khu vực biên giới giữa hai miền Triều Tiên : chế độ Bình Nhưỡng đã dùng chất nổ để phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều, được xây dựng từ tháng 09/2018 tại thành phố biên giới Kaesong, trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Văn phòng liên lạc này được xem như là một tòa đại sứ không chính thức của Hàn Quốc. Từ tháng Giêng đến nay không có ai làm việc ở đây do tình hình dịch Covid-19. Phía Seoul đã xác nhận vụ phá hủy văn phòng này. Kim Yo-jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, vào thứ Bảy tuần trước đã dọa sẽ phá hủy tòa nhà mà bà xem là "vô dụng". Phía miền Bắc cũng đã dọa sẽ dựng lại các đồn biên phòng, đã bị giải tỏa năm 2018 sau khi hai bên ký thỏa thuận về phi quân sự hóa.
Từ nhiều ngày qua, chế độ Bình Nhưỡng đã làm cho căng thẳng thêm trầm trọng, viện cớ phản đối việc những người tị nạn Bắc Triều Tiên dùng bong bóng gởi các truyền đơn chống chế độ ra miền Bắc. Dường như Bình Nhưỡng muốn đạt được những nhân nhượng từ phía Seoul hoặc muốn dùng những căng thẳng liên Triều để đoàn kết người dân chống một kẻ thù chung, nhằm làm cho họ quên đi những khó khăn kinh tế của Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
*********************
Triều Tiên phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong (VOA, 16/06/2020)
Triều Tiên phá hủy tòa nhà nơi tọa lạc văn phòng liên lạc được thiết lập để thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Hàn Quốc tại thị trấn biên giới Kaesong hôm 16/6, sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ hành động nếu người đào tị từ Triều Tiên thực hiện chiến dịch gửi tờ rơi vào miền Bắc.
Ảnh chụp được cho thấy vụ nổ đã phá sập Văn phòng liên lạc liên Triều ở Khu Công nghệp Kaesong, nhìn từ chốt quan sát của Hàn quốc ở Paju ngày 16/6/2020. (Photo by STR / YONHAP / AFP)
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết văn phòng liên lạc đã đóng cửa từ tháng 1 vì những lo ngại về virus corona chủng mới, hãng tin này mô tả tòa nhà bị hủy hoại "một cách bi thảm và với một vụ nổ kinh hồn".
Video giám sát thu hình trắng đen do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố cho thấy một vụ nổ lớn hình như đã phá sập cấu trúc bốn tầng. Vụ nổ hình như cũng làm sập một phần tòa nhà 15 tầng ở kế cận, từng là nơi các quan chức Hàn Quốc và nhân viên văn phòng liên lạc tạm trú.
Văn phòng liên lạc liên Triều, thời còn hoạt động, đóng vai trò như một đại sứ quán trên thực tế giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, và sự phá hủy của tòa nhà này là một bước thụt lùi lớn đối với các nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm thuyết phục Triều Tiên hợp tác.
Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn trong ngày thứ Ba và cho biết Hàn Quốc sẽ phản ứng nghiêm khắc nếu Triều Tiên tiếp tục gây căng thẳng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Kim You-geun nói: "Việc phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều đã phá vỡ kỳ vọng của tất cả mọi người từng đặt hy vọng vào sự phát triển của mối quan hệ liên Triều và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên".
Ông nói Hàn quốc muốn xác định rõ rệt rằng miền Bắc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả các hậu quả mà hành động của họ có thể gây ra.
Căng thẳng gần đây đã tăng giữa hai bên khi Triều Tiên đe dọa cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc để trả đũa vụ người đào tị rải các tờ rơi tuyên truyền, mang thông điệp chỉ trích lãnh tụ Kim Jong-un về nhiều vấn đề, kể cả vấn đề nhân quyền.
Hãng tin KCNA của nhà nước Triều Tiên nói văn phòng liên lạc đã bị phá hủy để buộc "những kẻ cặn bã xã hội và những người đã che chở cho chúng phải trả giá đắt cho tội ác của chúng". Bắc Triều Tiên thường gọi những người đào tị là "cặn bã xã hội".
Với chức năng tương tự như một cơ quan ngoại giao đầu tiên giữa hai bên, Văn phòng liên lạc liên Triều được thiết lập vào năm 2018 như một phần trong một loạt dự án nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
Tòa nhà ban đầu được dủng làm văn phòng để quản lý các hoạt động tại Khu công nghiệp Kaesong, một khu phức hợp liên doanh giữa hai miền Triều Tiên đã bị đình chỉ vào năm 2016 vì những bất đồng liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hàn Quốc đã chi ra ít nhất 9,78 tỷ won- tương đương với 8,6 triệu đô la Mỹ vào năm 2018 để tân trang tòa nhà, một cấu trúc bằng kính màu xanh lấp lánh giữa một thành phố công nghiệp buồn tẻ.
********************
Bán đảo Triều Tiên căng thẳng : Bình Nhưỡng đe dọa, Seoul tuyên bố sẵn sàng (RFI, 14/06/2020)
Trong một phản ứng cứng rắn, Hàn Quốc vào hôm nay, 14/06/2020 yêu cầu Bắc Triều Tiên tôn trọng nghiêm chỉnh thỏa thuận hòa giải liên Triều sau khi em gái chủ tịch Kim Jong-un đe dọa trả đũa Hàn Quốc và đã ra lệnh cho quân đội thi hành.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong tại cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều ở Bàn Môn Điếm, vùng biên giới Nam-Bắc Triều Tiên ngày 27/04/2018. Reuters - POOL New
Hôm thứ Bảy 13/06, Kim Yo-jong, em gái của lãnh đạo Bắc Trrều Tiên tuyên bố là đang tiến tới một "giai đoạn mới" trong cuộc đối đầu với Hàn Quốc và đã ra lệnh cho quân đội, cho tổng tham mưu trưởng chuẩn bị thi hành các biện pháp cần thiết.
Lòi tuyên bố này được KCNA loan báo tiếp theo vụ một tổ chức người tị nạn Bắc Triều Tiên gửi truyền đơn, gạo tiền qua bên kia vĩ tuyến 38 bằng bong bóng bay và chai nhựa.
Không rõ vai trò thật sự của Kim Yo-jong như thế nào, nhưng với chức vụ chính thức là phó chủ nhiệm bộ tuyên truyền Bắc Triều Tiên từ tháng ba năm nay, em gái của Kim Jong-un cho biết là bà đã được anh trao cho "trọng trăch mới"
Ngay lập tức, hôm nay, bộ Thống Nhất và bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đồng loạt kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết song phương .
Thông báo nhấn mạnh là Seoul rất cảnh giác về tình hình nóng bỏng hiện nay, hai bên cần phải tôn trọng triệt để lời hứa ghi trong thỏa thuận hòa giải.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thêm lời tuyên bố cảnh báo Bình Nhưỡng : Quân Đội Hàn Quốc được chuẩn bị chu đáo, với tinh thần không gì lay chuyển nổi, luôn theo sát mọi động thái của quân đội miền Bắc để kịp thời đối phó, theo bản tin của Yonhap.
Tú Anh
********************
Em gái Kim Jong-un dọa hành động trả đũa ‘kẻ thù’ Hàn Quốc (VOA, 14/06/2020)
Em gái của lãnh tụ Triều Tiên cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa nhắm vào Hàn Quốc mà có thể có sự tham gia của quân đội, trong đợt leo thang căng thẳng mới nhất liên quan đến những người đào tị chạy khỏi miền Bắc, những người đã thả truyền đơn và thực phẩm ngược trở về Triều Tiên.
Tư liệu - Kim Yo-jong, em gái của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un, giữ vai trò phụ tá hàng đầu không chính thức cho anh bà.
Kim Yo-jong, người giữ vị trí như một trong phụ tá hàng đầu không chính thức của Kim Jong-un, đưa ra cảnh báo trong một tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước KCNA loan tải vào ngày thứ Bảy.
"Bằng cách thực thi quyền hành của tôi được Lãnh tụ Tối cao, Đảng của chúng ta và nhà nước ủy quyền, tôi đã đưa ra chỉ thị cho cơ quan đặc trách sự vụ với kẻ thù thực hiện dứt khoát hành động tiếp theo", bà Kim nói.
Tuyên bố của bà không nói rõ hành động tiếp theo có thể là gì. Nó được đưa ra vài ngày sau khi Hàn Quốc có hành động pháp lí nhắm vào những người đào tị, những người đã gửi những thứ như gạo và truyền đơn chống lại miền Bắc, thường là bằng bong bóng thả bay qua biên giới được phòng thủ nghiêm ngặt hoặc trong những chai thả trôi ngoài biển.
Triều Tiên nói họ phẫn nộ về những người đào tị. Để biểu thị sự bất mãn của mình Triều Tiên trong tuần qua đã cắt đứt đường dây nóng liên Triều và đe dọa đóng cửa văn phòng liên lạc giữa hai chính phủ.
Như một phần trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ với miền Bắc, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tìm cách ngăn cản các chiến dịch phát truyền đơn và gạo, và những người đào tị đã phàn nàn về áp lực buộc họ tránh những chỉ trích Triều Tiên.
Các nhà phân tích nói rằng Triều Tiên dường như đang sử dụng vấn đề truyền đơn để tăng áp lực lên Hàn Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân đang bị đình trệ.
"Truyền đơn là một cái cớ hoặc một sự biện minh để gia tăng đòi hỏi, tạo ra một cuộc khủng hoảng và bắt nạt Seoul để đạt được điều họ muốn", Duyeon Kim, một cố vấn cao cấp của International Crisis Group, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập có trụ sở tại Bỉ, nói với Reuters.
Bình Nhưỡng cảm thấy bị phản bội và bị lừa gạt bởi tiên đoán của Seoul rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ một số chế tài để đổi lấy việc Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân của họ, và bực tức vì các truyền đơn và các cuộc tập trận quân sự của Mỹ-Hàn vẫn tiếp diễn, bà Kim nói.
"Họ bực tức vì Seoul đã không làm gì để thay đổi môi trường và giờ đang bảo Seoul hãy tránh xa các cuộc đàm phán hạt nhân của họ với Washington", bà nói thêm.