Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/06/2020

Trung Quốc : công ty quân đội, nguy cơ xung đột Biển Đông

RFI tổng hợp

Mỹ : Nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc do quân đội kiểm soát (RFI, 25/06/2020)

Chính quyền Donald Trump ngày 24/06/2020 xác nhận nhiều công ty hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả tập đoàn Hoa Vi và công ty Hikvision chuyên về video giám sát, đều do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Theo Reuters, thông tin này có thể được coi là cơ sở để Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

xung1

Mạng viễn thông 5G của Hoa Vi, một tâm điểm đối đầu Mỹ - Trung. Ảnh minh họa. Reuters - Dado Ruvic

Tài liệu của bộ Quốc Phòng Mỹ liệt kê 20 công ty Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ, bị Washington tố cáo là được quân đội Trung Quốc hỗ trợ. Ngoài Hoa Vi và công ty Hikvision, theo Reuters, trong danh sách của bộ Quốc Phòng còn có các hãng lớn khác của Trung Quốc về viễn thông, hàng không vũ trụ, tàu hoả…, chẳng hạn China Mobile Communications hay China Aerospace Science and Industry Corp. Còn CRRC là tập đoàn lớn nhất thế giới về chế tạo tàu chở khách và có nhiều hợp đồng ở Boston, Philadelphia, Chicago và Los Angeles.

Các tập đoàn Hoa Vi, China Mobile, China Telecom, AVIC và cả đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đều không đáp ứng yêu cầu bình luận. Còn công ty Hikvision cho rằng những cáo buộc của Washington là "vô căn cứ", khẳng định họ không phải là một "công ty quân sự của Trung Quốc", và cũng chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ hoạt động nghiên cứu và phát triển nào về các ứng dụng quân sự. Hikvision cho biết sẽ làm việc với chính phủ Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề.

Washington hồi năm 2019 đã đưa Hoa Vi và Hikvision vào danh sách đen về thương mại, liên quan đến an ninh quốc gia và đã có một chiến dịch quy mô quốc tế để thuyết phục các nước đồng minh loại tập đoàn Hoa Vi ra khỏi việc triển khai mạng 5G.

Thời gian qua, Lầu Năm Góc chịu áp lực lớn từ các dân biểu của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đòi công bố danh sách, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh về công nghệ, thương mại và chính sách đối ngoại. Tháng 9 năm ngoái, thượng nghị sĩ Dân Chủ Chuck Schumer, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton và đại diện đảng Cộng Hòa Mike Gallagher đã viết thư cho bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh, thông qua các tập đoàn Trung Quốc, khai thác các công nghệ dân sự mới vào mục đích quân sự. Hôm qua, hai ông Cotton và Gallagher đã ca ngợi việc bộ Quốc Phòng công bố danh sách và kêu gọi tổng thống Trump ban hành lệnh trừng phạt kinh tế đối với các công ty nói trên.

Nhà Trắng không bình luận về việc xử phạt các công ty trong danh sách, nhưng một quan chức cấp cao cho biết danh sách này có thể được xem là "một công cụ hữu ích" cho chính phủ Mỹ, các công ty, nhà đầu tư, tổ chức nghiên cứu và các đối tác Hoa Kỳ xem xét quan hệ đối tác với các thực thể này. Danh sách các công ty, bị tố cáo do quân đội Trung Quốc kiểm soát, sẽ còn được mở rộng.

Thùy Dương

*****************

Trung Quốc cảnh báo nguy cơ xung đột trên biển với Hoa Kỳ (RFI, 24/06/2020)

Ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, hôm qua 23/06/2020 cho rằng quân đội Mỹ triển khai ồ ạt chưa từng thấy tại Châu Á-Thái Bình Dương, và cảnh báo khả năng xảy ra xung đột.

xung2

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trong một lần đi qua vùng Biển Đông. @wikimedia/ U.S. Navy photo

Nhân dịp giới thiệu một báo cáo về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, Ngô Sĩ Tồn cho biết Mỹ đã triển khai 375.000 quân nhân và 60% số chiến hạm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ba hàng không mẫu hạm đã được Washington gởi đến khu vực này. Trong suốt tám năm dưới thời Barack Obama, Hải quân Mỹ chỉ tiến hành 4 hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, trong khi con số này chỉ trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump đã là 22.

Theo Ngô Sĩ Tồn, nếu có sự cố về quân sự, binh lính hai bên nổ súng sẽ là thảm họa cho quan hệ song phương. Đôi bên "cần phải tăng cường thông tin để tránh những hiểu lầm và tính toán sai lạc", qua việc tái lập các cuộc họp quân sự cấp cao, mở một đường dây điện thoại trực tiếp và tiến hành tập trận chung. Cũng theo báo cáo, Trung Quốc không coi Hoa Kỳ là đối thủ tiềm năng, và "không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Mỹ".

Căng thẳng Mỹ-Trung đã tăng lên kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống năm 2017. Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh xây nhiều đảo nhân tạo và quân sự hóa, gây lo ngại cho các nước láng giềng.

Mỹ-Nhật thao dượt chung trên Biển Đông

Hải quân Hoa Kỳ ngày 23/06/2020 cho biết các chiến hạm Gabrielle Giffords, Kashima và Shimayuki đã cùng thao dượt để cải thiện khả năng phối hợp và thông tin. Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh (ESG) 7 nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thao dượt song phương Mỹ-Nhật, nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Đệ thất Hạm đội, đơn vị có nhiều chiến hạm nhất của Hải quân Mỹ, thường có những hoạt động phối hợp với 35 quốc gia ven biển nhằm duy trì an ninh hàng hải, tránh xảy ra những xung đột.

Thụy My

********************

Biển Đông : Mỹ báo động nguy cơ Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (RFI, 24/06/2020)

Tư lệnh không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương tố cáo Trung Quốc đe dọa tự do hàng không, hàng hải với kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Đông nhân lúc quốc tế bận tâm chống dịch Covid-19.

xung3

Tướng Charles Q. Brown Jr., tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ, điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ ngày 07/05/2020. Reuters - POOL New

Theo ABS-CBN News, tham gia một cuộc hội thảo qua video tổ chức tại Manila ngày thứ tư 24/06/2020, tướng Charles Brown Jr, Tư lệnh không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, báo nguy : cả một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và lưu thông trên biển, trên không sẽ bị tác hại nghiêm trọng, nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Sự việc này ảnh hưởng đến trật tự quốc tế, xâm phạm quyền tự do lưu thông hàng không, hàng hải trên cơ sở luật pháp.

Không lên án chính quyền Trung Quốc là một chế độ xem thường luật pháp quốc tế, tướng Charles Brown Jr cho biết Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các hành động của Bắc Kinh.

Tư lệnh không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tố cáo Bắc Kinh lợi dụng tình trạng quốc tế bận tâm chống dịch Covid-19 để gia tăng sức ép, buộc các nước nhỏ ở Đông Nam Á tuân thủ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Trước đó, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đang "điều nghiên một cách nghiêm túc và thận trọng khả năng thành lập vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Nam (Biển Đông) để chống lại các mối đe dọa an ninh trên không phận vùng biển của Trung Quốc".

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)