Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/07/2020

Luật an ninh Hồng Kông : Đức chừng mực, đối lập chuẩn bị

RFI tiếng Việt

Đức phản ứng thận trọng với luật an ninh quốc gia của Trung Quốc (RFI, 11/07/2020)

Các nước Phương Tây đều có phản ứng về luật an ninh quốc gia Trung Quốc, nhưng theo các cách khác nhau. Nếu như Mỹ, Anh, Canada hay Úc đều đã đưa ra các biện pháp cụ thể thì Liên Hiệp Châu Âu vẫn có phản ứng chừng mực về hồ sơ này.

hongkong1

Trước Nghị Viện Châu Âu hôm thứ Tư (8/7), thủ tướng Đức chỉ nói vài câu xa xôi về Hồng Kông. Reuters - Yves Herman

Tiêu biểu là trường hợp nước Đức, vừa nắm quyền chủ tịch Liên Hiệp từ đầu tháng 7, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh. Tuy vậy, ngày 10/07, Berlin đã "mời" đại sứ Trung Quốc tới Bộ Ngoại Giao để trao đổi về vấn đề Hồng Kông.Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascl Thibault tường trình :

Từ vài tuần nay, bà Angela Merkel bị chỉ trích về thái độ dè dặt trong hồ sơ sơ này. Trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu hôm thứ Tư vừa qua (8/7), thủ tướng Đức chỉ nói vài câu xa xôi về Hồng Kông. Bà vẫn trung thành với chủ trương ưu tiên đối thoại và cho rằng, về lâu dài, phát triển quan hệ kinh tế sẽ kéo Trung Quốc xích gần lại với Phương Tây.

Lần chính phủ Đức tiếp Đạt Lai Lạt Ma năm 2007 đã thuộc về lịch sử. Đảng Xã Hội Dân Chủ, nằm trong liên minh lớn, tỏ ra gay gắt hơn. Ngoại trưởng Đức năm ngoái đã tiếp đón Hoàng Chi Phong ở Berlin khiến Bắc Kinh nổi đóa.

Không lâu sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực, Bộ Ngoại Giao Đức đã cảnh báo công dân của mình có thể gặp rủi ro ở Hồng Kông nếu có những phát ngôn chống Trung Quốc. Điều 38 của luật an ninh quốc gia là mối đe dọa với các kiều dân nước ngoài.

 Việc triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Đức sẽ không làm Bắc Kinh hài lòng nhưng đó là một bước thận trọng. Đại sứ Trung Quốc được nghe nhắc lại về "mối quan ngại" trước việc bộ luật mới tác động đến quyền tự trị của Hồng Kông và các quyền tự do cơ bản.

Ngoài vấn đề lợi ích kinh tế, Đức, với vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, chắc chắn không muốn quá cứng rắn, tránh gây chia rẽ trong 27 nước thành viên.

RFI tiếng Việt

********************

Hồng Kông : Đối lập bầu cử sơ bộ, một viện thăm dò bị khám xét (RFI, 11/07/2020)

Hôm 11/07/2020, phe đối lập Hồng Kông tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ra các ứng cử viên cho cuộc bầu cử lập pháp tháng Chín tới, dưới cái bóng đầy đe dọa của luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt. Trước đó cảnh sát Hồng Kông đột kích vào một viện thăm dò đã giúp phe đối lập tổ chức cuộc bầu cử này.

hongkong2

Nhà hoạt động Hoàng Chi Phong (thứ 2 từ phải) và các ứng viên của phong trào dân chủ phát biểu trước truyền thông, ngày bầu cử sơ bộ 11/07/2020 tại Hồng Kông. AFP - May James

Cuộc bầu cử nhằm cố gắng gia tăng cơ hội giúp các ứng viên dân chủ đạt đa số trên 35/70 ghế tại Nghị Viện Hồng Kông vào ngày 06/09 tới, để có thể ngăn chận các đề nghị của chính quyền. AFP ghi nhận, tuy 12 giờ trưa các phòng phiếu mới mở cửa, nhưng trước đó nhiều người dân Hồng Kông đã xếp hàng dài chờ.

Dù chỉ liên quan đến phe đối lập, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định số người tham gia sẽ cho thấy ý kiến của người dân đối với luật an ninh của Trung Quốc. Lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong tuyên bố, cuộc bầu cử sơ bộ là cơ hội đầu tiên để chứng tỏ người dân Hồng Kông không bao giờ cúi đầu trước Bắc Kinh.

Trước đó, vào tối qua 10/07/2020, cảnh sát đã đột ngột ập vào Viện nghiên cứu thăm dò dư luận (PORI), một cơ quan độc lập đã trợ giúp phe dân chủ trong việc tổ chức bầu cử. Giám đốc viện là ông Chung Đình Diệu (Robert Chung) nói với các nhà báo, cảnh sát đã sao chép các tập tin trong máy tính.

Theo cảnh sát thì các máy tính của viện đã bị xâm nhập, làm lộ thông tin cá nhân. Ông Chung Đình Diệu đã đạt được "cam kết bằng miệng" từ phía cảnh sát là sẽ không sử dụng các thông tin không liên quan đến vụ này. Ông khẳng định hệ thống bỏ phiếu rất an toàn, hoạt động này là hợp pháp và minh bạch.

Một cựu dân biểu dân chủ, ông Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin), cũng đã hỗ trợ việc tổ chức bỏ phiếu, nói rằng cảnh sát tìm cách xâm nhập vào các hoạt động của đối lập. Vụ khám xét trên rất có thể liên quan đến cuộc bỏ phiếu sơ bộ, mang tính răn đe.

PORI thường xuyên tổ chức các cuộc thăm dò dư luận, và theo đó lòng tin của công chúng đối với các nhà lãnh đạo cũng như cảnh sát đã sụt giảm hẳn kể từ phong trào biểu tình. Cuộc thăm dò mới nhất công bố hôm qua cho thấy 61% người được hỏi nghĩ rằng Hồng Kông "không còn là thành phố tự do" từ khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt bắt đầu có hiệu lực vào tuần trước.

Tại Paris, chiều nay diễn ra một cuộc biểu tình để ủng hộ người dân Hồng Kông, chống lại việc chế độ độc tài của Tập Cận Bình áp đặt luật an ninh quốc gia lên đặc khu. Đoàn biểu tình tuần hành từ quảng trường Bastille đến quảng trường République, bắt đầu từ 14 giờ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 616 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)