Hoa Kỳ chuẩn thuận bán 105 máy bay chiến đấu F-35 cho Nhật Bản (BBC, 12/07/2020)
Hoa Kỳ chuẩn thuận bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Nhật Bản.
Hoa Kỳ thuận bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho Nhật trong hơn 25 năm. Ảnh minh họa F-35B cất cánh ngắn và hạn cánh thẳng đứng trên hàng không mẫu hạm
Việc chuẩn thuận được Hoa Kỳ công bố hôm thứ Năm.
Ước tính hợp đồng bán này ở mức 23,11 tỷ USD, là hợp đồng đơn lẻ lớn thứ hai mà Hoa Kỳ bán cho nước ngoài.
Vào năm 2010 Hoa Kỳ bán máy bay chiến đấu và vũ khí khác cho Ả rập Saudi với trị giá 29,4 tỷ USD.
Hoa Kỳ sẽ trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho Nhật trong hơn 25 năm.
Nhật Bản muốn mua 63 chiếc F-35A, loại mà Nhật hiện đã khai thác và 42 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng cho các hàng không mẫu hạm.
Washington đã bật đèn xanh cho thỏa thuận mua bán theo đó sẽ "cải thiện an ninh của một đồng minh chính" tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
"Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia hết sức lớn trong việc hỗ trợ Nhật Bản phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và hiệu quả".
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản 2020/2021 là ở mức kỷ lục 50,3 tỷ USD, và dành cho cho việc mua máy bay chiến đấu và phòng thủ tên lửa khi nước này phải đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Hàn và Trung Quốc.
Để đối phó với việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng, Nhật Bản đã quyết định mua lại tổng cộng 105 máy bay F-35A trong thập niên tới, ngoài 42 máy bay F-35B.
Vào cuối năm 2018, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch phòng thủ 5 năm bao gồm việc đưa hai tàu sân bay vào hoạt động.
F-35 : Vì sao nhà sản xuất nói chiến cơ này tối tân ?
Cất cánh lần đầu năm 2006, chiếc F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế như một máy bay đa dạng có thể được sử dụng bởi Quân lực, Thủy quân Lục chiến và Hải quân Hoa Kỳ
Có ba loại : cất cánh và hạ cánh theo kiểu truyền thống (A) ; cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (B) và bay từ hàng không mẫu hạm (C)
Khả năng tàng hình là một yếu tố chủ chốt, khung và nguyên liệu thiết kế máy bay cho phép phi công thâm nhập vào các khu vực mà không bị radar phát hiện
Tính năng này cho phép máy bay có khả năng bắn máy bay địch trước khi bị phát hiện. Một hệ thống màn hình gắn trên mũ phi công có nghĩa chiếc F-35 không cần nhắm vào mục tiêu mà vẫn bắn được.
Các bộ cảm biến, hệ thống viễn thông và hàng không điện tử mới là điểm vượt trội của F-35. Dữ liệu được chia sẻ tức thời với các chỉ huy trưởng chiến dịch, và phi công có thể bám theo kẻ thù, làm nhiễu hệ thống radar và ngăn chặn các cuộc tấn công.
*********************
Mỹ phê chuẩn nâng cấp gói tên lửa 620 triệu đôla cho Đài Loan (BBC, 10/07/2020)
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã phê duyệt gói nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot trị giá 620 triệu đôla cho Đài Loan, một động thái nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc, theo Reuters.
Đài Loan đặt mua linh kiện để nâng cấp tên lửa Patriot "nhằm kéo dài thời gian sử dụng trong 30 năm".
Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng luật pháp Hoa Kỳ quy định nước này có nghĩa vụ cung cấp cho hòn đảo này phương tiện để tự vệ.
Trung Quốc, vốn tuyên bố hòn đảo theo thể chế dân chủ này thuộc lãnh thổ của mình, như thường lệ đã chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Reuters dẫn thông cáo ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đài Loan đã đề nghị mua linh kiện để nâng cấp tên lửa Patriot "nhằm kéo dài thời gian sử dụng trong 30 năm".
Thông cáo cho hay hãng Lockheed Martin sẽ là nhà thầu chính và tổng chi phí ước tính là 620 triệu đôla.
"Việc mua bán này là phục vụ các lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng cách tiếp tục hỗ trợ bên mua trong việc nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang đồng thời nhằm duy trì khả năng phòng thủ", thông cáo nêu rõ.
"Bên mua sẽ sử dụng khả năng này như biện pháp ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường bảo vệ lãnh thổ. Bên mua sẽ có thể dễ dàng đưa thiết bị này vào phục vụ lực lượng vũ trang của mình".
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ dự kiến thương vụ sẽ được triển khai trong tháng tới.
"Đây là lần thứ bảy chính quyền Donald Trump bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này thể hiện tầm quan của việc đảm bảo an ninh, củng cố mối quan hệ đối tác an ninh hai bên và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực", bộ này cho biết.
Trong khi quân đội Đài Loan được đào tạo bài bản và được trang bị đầy đủ với hầu hết vũ khí, khí tài do Mỹ sản xuất, Trung Quốc lại áp đảo về số lượng và hiện đang gia tăng các thiết bị tiên tiến của riêng mình như máy bay chiến đấu tàng hình.