Hồng Kông : Bầu cử sơ bộ của đối lập, trận chiến danh dự cuối cùng
Vài tiếng đồng hồ trước bầu cử, những cửa hàng cho mượn chỗ bị làm áp lực, chính quyền o ép các đại biểu địa phương để ngăn trở 250 phòng phiếu hoạt động, viện thăm dò PORI (đồng tổ chức) bị bố ráp… Nhưng mặc cho sự đe dọa của cảnh sát và con virus, khí trời nóng bức, người dân Hồng Kông vẫn xếp hàng dài trước những điểm bỏ phiếu cơ động.
Người dân xếp hàng bỏ phiếu bầu chọn ứng cử viên dân chủ cho cuộc bầu cử Nghị viện Hồng Kông vào tháng Chín. Ảnh chụp ngày 12/07/2020. © Reuters/Lam Yik
Trang nhất các báo Paris hôm nay 13/07/2020 tập trung cho thời sự nước Pháp. Libération chú ý đến việc tân thủ tướng Jean Castex đi thăm lãnh thổ hải ngoại Guyane, nơi virus corona đang hoành hành. Le Monde đề cập đến Đảng Xanh trước thử thách quyền lực tại các thành phố lớn, La Croix dành hồ sơ cho vấn nạn một số thanh niên thích biểu diễn "bốc đầu xe" mô tô gây nguy hiểm. Les Echos nhấn mạnh "Chính sách thuế, hỗ trợ doanh nghiệp : Các hướng để tái thúc đẩy kinh tế". Riêng Le Figaro nhìn sang nước Mỹ, chạy tựa "Đang yếu đi, ông Trump tìm kiếm một sức bật thứ hai".
Nghị viện Hồng Kông sắp thành bù nhìn như Quốc hội Trung Quốc
Về Châu Á, Libération quan tâm đến "Cuộc bỏ phiếu chớp nhoáng cuối cùng ở Hồng Kông trước khi phải quy phục". Trên 600.000 người Hồng Kông vào cuối tuần qua đã tham gia bầu cử sơ bộ của đối lập, số lượng người đi bầu cho thấy tinh thần phản kháng trước Bắc Kinh vẫn rất cao.
Ca sĩ, nhà đấu tranh Hà Vận Thi (Denise Ho) bình luận, thật khó tin rằng chỉ trong vài năm, việc được bỏ một lá phiếu vào thùng lại trở nên quý giá đến thế. Mặc cho sự đe dọa của cảnh sát và con virus, khí trời nóng bức khó chịu, người dân vẫn xếp hàng trước những phòng phiếu tạm bợ ở nhiều nơi : trong một cửa hàng bán đồ lót, trên một chiếc xe buýt cũ… Số lượng người đi bầu vượt quá sự chờ đợi của phe đối lập, như một trận đánh danh dự cuối cùng.
Hồi năm 2016, đối lập đã giành được 30/70 ghế, và thành công trong việc đưa vào Nghị viện những khuôn mặt tiêu biểu của cuộc "Cách mạng Dù". Cuộc bầu cử gần đây nhất vào cuối tháng 11/2019 là một thất bại cay đắng cho chính quyền. Nhưng lần này luật an ninh quốc gia đã chặn ngang hy vọng của phe phản kháng trước cuộc bầu cử lập pháp tháng Chín tới.
Vài tiếng đồng hồ trước bầu cử sơ bộ của đối lập, các sở hữu chủ gây áp lực với những cửa hàng cho mượn chỗ, chính quyền o ép các đại biểu địa phương để ngăn trở 250 phòng phiếu hoạt động, viện thăm dò PORI (đồng tổ chức) bị bố ráp… Tuy nhiên sự đe dọa này càng thúc đẩy người dân đi bầu. Họ muốn có những tiếng nói phản biện trong Nghị viện để có thể ngăn trở những quyết định của chính quyền thân Bắc Kinh.
Tuy nhiên chính với những hành động ngáng chân này mà các dân biểu đối lập có nguy cơ bị khởi tố và mất quyền công dân vì tội danh "nổi dậy" theo luật an ninh mới. Nhiều người lo ngại hệ thống dân chủ của Hồng Kông sắp tới sẽ không khác Quốc hội bù nhìn ở Trung Quốc.
Tách rời Châu Âu, Anh cô đơn trước Trung Quốc
Cũng liên quan đến Hồng Kông, cây bút bình luận Dominique Moisi trên Les Echos nhận định Luân Đôn đã hào hiệp mở cửa cho những người Hồng Kông muốn chạy trốn chế độ của Tập Cận Bình, một động thái cởi mở tương phản với Brexit. Nhưng khi tách khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc khó thể đọ sức với người khổng lồ Trung Quốc.
Trong một bài viết trên Financial Times mới đây, cựu giám đốc MI6 (tình báo Anh), Sir John Sawers cổ vũ Anh Quốc cấm Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G vì nguy cơ an ninh, và sự kiên quyết trước Trung Quốc phải là chọn lựa duy nhất.
Anh Quốc can đảm trong việc mở cửa cho dân Hồng Kông, và các chuyên gia Anh tỏ ra sáng suốt trước thực tế mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên do rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn có phần đơn độc giữa một Trung Quốc ngày càng hung hăng và một nước Mỹ ngày càng ít bảo đảm hơn.
Pháp trả đũa Bắc Kinh về hàng không
Về quan hệ Pháp-Trung, Les Echos đưa thông tin độc quyền "Paris so găng với Bắc Kinh xung quanh các chuyến bay Air France". Chính phủ Pháp chỉ cho phép mỗi tuần một chuyến bay từ Trung Quốc sang, tương xứng với giới hạn mà Trung Quốc đang đặt ra cho hãng hàng không Pháp.
Chuyến bay CZ347 của China Southern Airlines dự kiến vào lúc 0 giờ 22 phút hôm nay, đành nằm lại trên phi đạo sân bay quốc tế Quảng Châu, vì chính quyền Pháp không cho phép bay đến Paris. Sau nhiều tuần lễ thương lượng không kết quả, Pháp quyết định áp dụng triệt để nguyên tắc có đi có lại – một động thái cứng rắn hiếm hoi.
Lâu nay, ba hãng Air China, Air Eastern và Air Southern của Trung Quốc đều được bay đến Pháp, trong khi Air France mỗi tuần chỉ được bay sang Trung Quốc một lần. Kể từ nay kết thúc sự bất bình đẳng : chỉ duy nhất một chuyến Paris-Bắc Kinh cho Air China trong tuần.
Số lượng ít ỏi các chuyến bay quốc tế khiến giá vé một chiều từ Châu Âu sang Trung Quốc hạng bình dân vọt lên đến 4.000 euro, một số vé còn được bán với giá 100.000 nhân dân tệ (12.650 euro). "Vạn lý Trường thành trên không" này gây bức xúc cho người Trung Quốc bị kẹt lại ở nước ngoài, và cả cho các hãng hàng không ngoại quốc.
Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc còn cấm hạ cánh xuống Bắc Kinh, chỉ cho phép quá cảnh, nên Air France sau đó phải tiếp tục bay đến Seoul. Thậm chí Trung Quốc còn dành cho mình quyền ngưng chuyến bay mà không báo trước nếu có hành khách xét nghiệm dương tính khi đặt chân lên Hoa lục, và bốn công ty hàng không đã có kinh nghiệm xương máu về việc này.
Lụt lớn tại Trung Quốc, liệu có nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp ?
Tại Trung Quốc, Le Monde cho biết nước này đang phải đối mặt với nạn lụt chưa từng thấy đã làm 140 người thiệt mạng và mất tích, trên 20 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại ước tính 7,6 tỉ euro và sẽ còn gia tăng.
Lụt lội bắt đầu từ cuối tháng Năm, nay đã rộng khắp nơi : từ Vũ Hán ở miền bắc đến Quảng Tây ở miền nam, từ Trùng Khánh ở miền tây cho đến Chiết Giang ở miền đông đều có cùng các hình ảnh những cây cầu chìm dưới làn nước, những căn nhà bị phá hủy, các đập nước chịu áp lực lớn phải xả van… Từ hôm 02/06, cơ quan khí tượng đã báo động 32 lần, mức độ chưa từng có từ 10 năm qua. Trên 70 dòng sông dâng trào, lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử mạnh nhất kể từ 1961.
Trong nhiều tuần lễ, chính quyền cố lôi kéo sự chú ý sang nạn dịch virus corona ở Bắc Kinh, kiểm duyệt các thông tin trên báo chí và mạng xã hội. Nhưng đến hôm 08/07 vừa qua, thủ tướng Lý Khắc Cường đành phải động viên toàn lực. Các thành phố nằm dọc theo Dương Tử Giang lần lượt nâng mức báo động. Riêng Vũ Hán, thành phố từng khủng hoảng với 76 ngày bị phong tỏa, nằm kẹt giữa hai hồ lớn, các chuyến tàu và chuyến bay đều bị hủy.
Người ta đặt câu hỏi, các đập thủy điện dọc theo sông Dương Tử, đặc biệt là đập Tam Hiệp khổng lồ, liệu có trụ nổi ? Các nhà điều hành trấn an rằng đập này cao 185 mét, và mực nước trên lý thuyết có thể đạt 175 mét, tuy nhiên cũng đã cho xả van để giảm áp lực, nhưng như vậy lại làm tràn ra một lượng nước rất lớn từ thượng nguồn, 40.000 người phải sơ tán. Thứ Sáu tuần trước, lần đầu tiên từ 61 năm qua, toàn bộ các van của một đập ở Hàng Châu đều được mở. Các chuyên gia cho rằng không chỉ biến đổi khí hậu, mà đô thị hóa và công nghiệp hóa còn là nguyên nhân. Sắp tới các trận mưa lớn sẽ chuyển lên hướng đông bắc, và Bắc Kinh sẽ chịu chung số phận.
Khủng hoảng kinh tế và dịch corona làm tổng thống Trump lao đao
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro nhận định còn bốn tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, ông Donald Trump chật vật trong việc thuyết phục cử tri, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và dịch tễ.
Nền kinh tế mà ông khoe là tốt đẹp nhất trong lịch sử đang đi xuống, thất nghiệp cao chưa từng thấy. Đại dịch mà tổng thống hy vọng sẽ qua đi lại bùng lên dữ dội, lan đến những bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo mà Donald Trump trông cậy như Florida, Texas, Arizona và nếu cứ tiếp tục, đại hội đảng Cộng hòa thậm chí khó có thể diễn ra ở Florida vào cuối tháng Tám.
Như một sự nhượng bộ, lần đầu tiên tổng thống Mỹ mang khẩu trang khi đi thăm quân y viện Walter-Reed ở Washington thứ Bảy 11/07. Tuy nhiên đến 67% người Mỹ không tin tưởng vào cách xử lý dịch virus corona của ông.
Dân chủ đi quá trớn, Donald Trump nhạy bén khai thác sai lầm
Trong bài "Cuộc chiến văn hóa : Sự quá đáng của phe Dân chủ diễn ra đúng lúc", Le Figaro ghi nhận Donald Trump vẫn không mất đi sự nhạy cảm chính trị. Phong trào Black Lives Matter nổi lên sau vụ George Floyd, ban đầu chống bạo lực cảnh sát, sau lại chuyển sang chống xã hội Mỹ trên mọi khía cạnh. Tại nhiều thành phố miền nam nước Mỹ tượng những người hùng của Liên Minh là các nạn nhân đầu tiên, rồi sau đó đến những nhân vật lịch sử Mỹ.
Ứng cử viên Dân chủ Joe Biden và chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho rằng có thể lợi dụng phong trào về mặt chính trị khi công khai quỳ gối – hành động biểu tượng thời Martin Luther King và lặp lại luận điệu chống bạo lực cảnh sát. Thậm chí thị trưởng New York Bill de Blasio còn ủng hộ việc lật đổ bức tượng cố tổng thống Theodore Roosevelt. Báo New York Times thông báo từ nay sẽ viết hoa chữ "Black" (Đen) trong khi chữ "white" (trắng) viết thường.
Donald Trump nhanh chóng hiểu rằng sự biến tướng này khiến nhiều người Mỹ thấy phản cảm. Ông cho tổ chức lễ Quốc khánh ở Khu tưởng niệm quốc gia Núi Rushmore, nơi bốn khuôn mặt tổng thống Hoa Kỳ Washington, Jefferson, Lincoln, Roosevelt được tạc vào đá. Tổng thống Trump đả kích xu hướng cực tả, gieo rắc hận thù, muốn xóa nhòa, bóp méo lịch sử, nhắc lại lời mục sư King kêu gọi "không phá hủy di sản mà hãy xứng đáng với tầm vóc di sản" cha ông.
Le Figaro kết luận, ở đỉnh điểm khủng hoảng chính trị, Trump chứng tỏ ông vẫn luôn khôn khéo trong việc khai thác những sai lầm, quá trớn của các đối thủ Dân chủ, để làm quên đi những sai lầm của bản thân ông.
Pháp : Bạo lực tăng dần do chính quyền không mạnh tay
Cũng về bạo lực nhưng tại Pháp, xã luận của Le Figaro báo động tình trạng bình thường hóa tội ác.
Thứ Bảy vừa rồi, trong khi ở Aiguillon hàng trăm người tưởng niệm Mélanie Lemée, nữ hiến binh bị một lái xe cán chết khi chạy trốn, thì tại Bayonne đông đảo người khóc thương cho Philippe Monguillot, người tài xế xe buýt bị hành hung tàn bạo dẫn đến tử vong, chỉ vì đòi trình vé và yêu cầu mang khẩu trang. Không có diễn viên, ca sĩ, blogger nào đến chia sẻ như phong trào "Black Lives Matter" ầm ĩ trước đó.
Tuy vậy theo tờ báo cần phải mở mắt : bạo lực đang lớn dần tại vùng quê và thành thị nước Pháp rõ ràng hầu hết không phải từ cảnh sát, cũng không phải là "đàn áp", "kỳ thị chủng tộc" ; mà tấn công vào những người đang làm nhiệm vụ. Từ 50 năm qua, bạo lực được nuôi dưỡng từ sự e ngại không dám "khiêu khích" ở những khu phố phức tạp, những bản án không bao giờ được áp dụng… làm xói mòn dần kỷ cương xã hội.
Thụy My