Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên (RFI, 20/04/2017)
Hôm 19/04/2017, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu là các nước ở "tuyến đầu" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải làm mọi việc để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang của Bình Nhưỡng, để khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên không trở thành mối đe dọa với cộng đồng quốc tế.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tại New York ngày 10/04/2017. REUTERS/Stephanie Keith
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm qua, Nga đã bác bỏ nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây nhất của Bắc Triều Tiên. Rất nhiều nhà ngoại giao giấu tên cho biết họ rất bất ngờ về lá phiếu phủ quyết của Moskva, khi mà ngay cả Bắc Kinh, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng, vốn là một lá chắn ngoại giao của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc, lần này cũng đồng ý trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Sau vụ thử nghiệm tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng hôm Chủ Nhật, Washington đã đề xuất Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết yêu cầu Bình Nhưỡng ngưng các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Trong dự thảo nghị quyết đã bị Nga bác bỏ, Hội Đồng Bảo An lo ngại về "thái độ gây bất ổn trầm trọng" của Bắc Triều Tiên và đe dọa sẽ có thêm các biện pháp quan trọng chống lại chế độ Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, theo tin của Abcnews, bà Federica Mogherini, lãnh đạo Ngoại Giao của Liên Hiệp Châu Âu, thể hiện lo ngại trước các căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong khuôn khổ chuyến thăm ba ngày tại Bắc Kinh, khi phát biểu tại đại học danh tiếng Thanh Hoa - nơi đào tạo rất nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc, lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu cũng tuyên bố Trung Quốc và Châu Âu có cùng chung trách nhiệm và mối quan tâm trong việc ngăn chặn một cuộc leo thang quân sự tại bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy Bình Nhưỡng tôn trọng các quy định quốc tế, tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và loại trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Còn hãng tin Mỹ AP lại cho biết Nhật Bản và Úc sẽ củng cố quan hệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên gia tăng. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Úc và Nhật Bản gặp nhau hôm nay tại Tokyo để bàn về các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước nhằm đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Nhân dịp này, phát biểu trước báo giới, ngoại trưởng Úc Julie Bishop cũng kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn để hỗ trợ cộng đồng quốc tế gây sức ép và thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng chương trình hạt nhân.
Thùy Dương
************************
Mỹ dọa đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách yểm trợ khủng bố (RFI, 20/04/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/04/2017. Mark Wilson/Getty Images/AFP
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố ngày 19/04/2017 là Hoa Kỳ đang xem xét lại mọi phương tiện để gây sức ép với Bình Nhưỡng, trong đó có cả khả năng đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi chế độ Kim Jong Un lại cho thử tên lửa ngày 16/04, dù bị thất bại.
Trong buổi họp báo tại Washington, ông Tillerson cho biết : "Chúng tôi hiện đang xem xét lại mọi điều khoản về Bắc Triều Tiên, kể cả việc liệt vào danh sách "Quốc gia yểm trợ khủng bố", cũng như các phương sách khác để gây sức ép với Bình Nhưỡng, nhằm buộc chính quyền Kim Jong Un phải cam kết lại, nhưng dựa trên một nền tảng khác với những cuộc đàm phán trước đây".
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ nêu lên khả năng đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các nước yểm trợ khủng bố.
Trong quá khứ, Washington từng làm như vậy sau vụ gián điệp Bắc Triều Tiên khủng bố một chiếc máy bay dân dụng của hãng hàng không Korean Air vào năm 1987. Chỉ đến năm 2008, Bắc Triều Tiên mới được rút khỏi danh sách đen của Mỹ sau khi Bình Nhưỡng ký thỏa thuận chấm dứt chương trình nguyên tử để đổi lấy viện trợ kinh tế.
Cụm tầu Carl Vinson sẽ đến gần bán đảo Triều Tiên ?
Cũng để cảnh cáo Bắc Triều Tiên, ngày 10/04, quân đội Mỹ cho biết tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, đã ra lệnh cho cụm tàu Carl Vinson, sau khi rời Singapore sẽ ngược lên phía bắc, tức là hướng bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hãng tin Reuters lại cho biết cụm tàu sân bay Carl Vinson đã băng ngang qua eo biển Sunda vào cuối tuần qua và đi về hướng Ấn Độ Dương để tiến hành tập huấn tại vùng này.
Trả lời chất vấn về thông tin khó hiểu trên, chính quyền tổng thống Donald Trump ngày 19/04 tuyên bố chưa bao giờ đưa ra ngày đến bán đảo Triều Tiên của cụm tầu sân bay tấn công Carl Vinson. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định : "Tổng thống nói rằng chúng ta có một đội tầu đến gần bán đảo Triều Tiên. Đó là sự thật. Điều đó đã xảy ra, đúng hơn là đang xảy ra".
Tillerson : Thỏa thuận hạt nhân với Iran "đã thất bại"
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua cũng đã đánh giá là thỏa thuận hạt nhân với Iran đã "thất bại về mục tiêu", sau khi tổng thống Donald Trump thông báo đã ra lệnh cho ông xem xét lại về thái độ của Washington đối với Teheran.
Hôm thứ Ba 18/04, Nhà Trắng khẳng định là Iran đã tôn trọng các cam kết về thỏa thuận hạt nhân ký kết với tổng thống Barack Obama. Nhưng ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại đánh giá thỏa thuận này chỉ là một cách để "mua" chế độ Iran và chỉ làm chậm chương trình phát triển hạt nhân của nước này mà thôi.
Hôm thứ Ba, ngoại trưởng Rex Tillerson đã thông báo cho Quốc Hội là ông sẽ tìm hiểu, theo lệnh của tổng thống Donald Trump, xem việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt Iran theo thỏa thuận hạt nhân trên có phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ không. Ngoại trưởng Mỹ cũng phát biểu : "Iran vẫn là một trong các quốc gia chính yểm trợ khủng bố".
Thu Hằng
***********************
Mỹ : Bắc Triều Tiên là "mối đe dọa nguy hiểm nhất" ở Châu Á (RFI, 19/04/2017)
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu trên tàu sân USS Ronald Reagan, Yokosuka, Kanagawa, Nhật, ngày 19/04/2017. REUTERS/Tomohiro Ohsumi
Trong một động thái đầy tính biểu tượng, phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày hôm nay, 19/04/2017, đã lên chiếc tàu sân bay Ronald Reagan đang đồn trú tại Nhật Bản để tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ giáng trả đích đáng mọi mưu toan tấn công của Bắc Triều Tiên.
Phát biểu trước khoảng 2.500 sĩ quan và thủy thủ trên boong chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử của Mỹ, nhân vật số hai trong chính quyền Mỹ đã dùng hình tượng bóng bảy "những đám mây đen to lớn đang tích tụ ở chân trời" để cho rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành "mối đe dọa nguy hiểm và cấp bách nhất trong khu vực".
Trên cơ sở đó, ông Mike Pence khẳng định rằng việc chế độ Bình Nhưỡng dùng đến vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo sẽ kéo theo một phản ứng thích đáng, và Mỹ sẽ đáp trả một cách "mạnh mẽ và hiệu quả" mọi cuộc tấn công nào bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí nguyên tử. Theo ông, "Hoa Kỳ luôn tìm kiếm hòa bình, nhưng dưới thời tổng thống Donald Trump, khiên đã sẵn sàng, còn gươm đã tuốt khỏi vỏ".
Phó tổng thống Mỹ đã có những phát biểu cứng rắn như trên, sau khi các quan chức cao cấp của chế độ Bình Nhưỡng liên tục đe dọa tiếp tục thường xuyên bắn thử tên lửa và sắp cho thử nghiệm hạt nhân một lần nữa.
Ông Pence cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc cùng các cường quốc khác gây sức ép ngoại giao và kinh tế lên Bắc Triều Tiên.
Lần đầu tiên đến vùng Châu Á trong tư cách phó tổng thống Mỹ, ông Mike Pence không thể không đề cập đến Biển Đông. Trên vấn đề này, phó tổng thống Mỹ đã nhắc lại cam kết truyền thống của Hoa Kỳ là bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông.
Trọng Nghĩa
**********************
'Hạm đội Mỹ' hướng khỏi Bắc Hàn (BBC, 19/04/2017)
Toán tàu chiến Carl Vinson và các tàu chiến khác ở Ấn Độ Dương cuối tuần vừa qua
Hàng không mẫu hạm và các tàu khu trục khác của Hoa Kỳ không di chuyển về Bắc Hàn mà theo hướng ngược lại, tin cho hay.
Hôm 8/4, Hải quân Hoa Kỳ cho biết rằng toán tàu chiến Carl Vinson đang hướng tới bán đảo Triều Tiên, như một biện pháp ngăn chặn.
Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố rằng một "hạm đội" đã được điều đến khu vực này.
Nhưng thực tế thì toán tàu chiến đang đi xa khỏi khu vực này hơn vào cuối tuần, qua eo biển Sunda vào Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ tuyên bố rằng toán tàu chiến trước hết phải hoàn thành đợt huấn luyện với Úc.
Toán tàu chiến bây giờ đang "tiến tới Tây Thái Bình Dương theo lệnh", Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho hay hôm 18/4.
Stephen Evans, phóng viên BBC tại Nam Hàn, nói rằng hiện chưa rõ liệu việc toán tàu chiến không đến bán đảo Triều Tiên có phải là mưu mẹo có chủ đích, có lẽ nhằm khiến cho nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sợ hãi, hoặc là do thay đổi kế hoạch hoặc đơn giản là sự diễn giải sai.
Căng thẳng giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ gia tăng trong những tuần gần đây và động thái của toán tàu chiến khiến người ta đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có tấn công phủ đầu hay không.
Bắc Hàn vừa tổ chức diễu binh và thử tên lửa không thành hôm 16/4.
Hôm 18/4, Mỹ cáo buộc Bắc Hàn định "khiêu khích gì đó", và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói vụ thử tên lửa là một động thái liều lĩnh.
************************
Nhóm chiến hạm Mỹ nay hướng đến Bán đảo Triều Tiên (VOA, 21/04/2017)
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) di chuyển trên Ấn Độ Dương, ngày 15/4/2017.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư bác bỏ cáo buộc cho rằng thông báo về vị trí của nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến của Mỹ là lừa dối. Nhóm chiến hạm này trước đó được cho là sẽ đến bán đảo Triều Tiên, nhưng thực tế lại di chuyển theo hướng ngược lại.
Việc Mỹ điều nhóm chiến hạm đến khu vực là để cho thấy quyết tâm của Washington trước những đe dọa từ Bắc Triều Tiên của lãnh tụ Kim Jong Un.
Nhưng ngược lại, diễn biến này đã gây ra thêm một vu tranh cãi chính trị ở Washington, lần này mang những yếu tố quốc tế.
Sự việc bắt đầu hồi tuần trước, khi quân đội Mỹ ra thông báo nói rằng họ "điều nhóm tàu sân bay Carl Vinson" từ Singapore "về hướng bắc" nhắm đến bán đảo Triều Tiên.
Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis giải thích các lý do cơ bản đưa đến quyết định này :
"Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tự do di chuyển ở mọi nơi trên Thái Bình Dương. Tàu Carl Vinson trên đường hướng lên phía bắc, nơi chúng tôi cho rằng sự có mặt của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là cần thiết vào thời điểm này".
Truyền thông báo chí hiểu thông báo đó có nghĩa là nhóm chiến hạm này trực chỉ Bán đảo Triều Tiên.
Ám chỉ đó càng được củng cố bởi phát biểu của Tổng thống Donald Trump trong cùng ngày tại cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox Business.
Ông Trump nói : "Chúng tôi phái đi một nhóm chiến hạm rất mạnh. Nhóm chiến hạm có tàu ngầm rất mạnh".
Vấn đề đã nổi lên khoảng hơn một tuần sau khi nhóm chiến hạm này đi theo hướng ngược lại, rời xa Bán đảo Triều Tiên khoảng 5.000 kilômét.
Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã biện minh cho chuyện bày và bác bỏ việc Tổng thống Trump đánh lừa dư luận.
Ông Spicer nói : "Tổng thống nói rằng chúng tôi điều một hạm đội về hướng bán đảo Triều Tiên. Đó là sự thật. Việc đó đã diễn ra và vẫn đang diễn ra".
Phát ngôn viên Spicer thay vào đó đã đổ lỗi cho các phóng viên báo chí rằng đáng lẽ họ đã phải xác nhận thông tin đó với Ngũ giác đài :
"Quý vị hỏi tại sao tôi không biết vấn đề này rõ hơn. Tôi không biết. Đó là chuyện lẽ ra cần phải hỏi bên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) hoặc bên Bộ Quốc phòng".
Trong khi đó, các giới chức Ngũ giác đài xác nhận rằng hàng không mẫu hạm cuối cùng đã đi về hướng Bán đảo Triều Tiên, và có thể sẽ đến nơi trước cuối tháng này.
William Gallo