Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/07/2020

Điểm báo Pháp - Tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh

RFI tiếng Việt

Mỹ tấn công trực diện toàn bộ tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh

Toàn bộ các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh từ nay đều bị đối đầu trực diện, từ Biển Đông cho đến "Con đường tơ lụa địa cực". Washington không còn quan tâm đến việc đàm phán giai đoạn hai về thương mại nữa. Mỹ thắng lớn khi Anh loại Hoa Vi khỏi mạng 5G. Loạt đại pháo cấp tập của Mỹ chưa dừng lại : sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và cá nhân bị nhắm đến trong những tháng tới.

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc thực chất dài bao nhiêu km, ý ...

Trung Quốc, một tù nhân của địa chính trị - Ảnh minh họa 

Virus corona vẫn đang đe dọa nước Pháp. Le Monde chạy tựa trang nhất "Covid-19 : Chính phủ chuẩn bị cho đợt dịch thứ hai", Le Figaro đề cập đến "Những tia hy vọng trong khủng hoảng kinh tế", Libération nhận định "Covid : Bóng đá nhạt nhòa". Nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất cho giáo sĩ Hamel : bốn năm sau khi bị bọn khủng bố sát hại, vị linh mục này đã trở thành biểu tượng cho đối thoại giữa các tôn giáo. Về thời sự quốc tế, Les Echos đăng ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump bên cạnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với hàng tít lớn "Cuộc chiến tranh lạnh mới".

Trump nã đại pháo vào Trung Quốc đến tận kỳ bầu cử

Trong bài "Chính quyền Trump sẵn sàng nã đại pháo vào Trung Quốc cho đến tận ngày bầu cử", Les Echos nhận định Washington tấn công một cách có tổ chức trên mọi phương diện, để gia tăng tối đa sức ép lên Bắc Kinh, trong lúc chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ đang đi xuống do dịch virus corona và căng thẳng sắc tộc, tổng thống và ê-kíp huy động tổng lực chống kẻ thù của nước Mỹ là Bắc Kinh. "Trung Quốc là mối đe dọa và là thử thách lớn nhất đối với Hoa Kỳ cũng như Châu Âu", tuần rồi ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng đã giải thích với Paris như thế.

Ông vừa hoàn tất vòng công du Châu Âu, gặp gỡ các đồng nhiệm, trước ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không lâu. Thông điệp rất thẳng thừng. Bên cạnh ngoại trưởng Anh Dominic Raab, ông Pompeo kêu gọi "tất cả các quốc gia gắn bó với tự do dân chủ cần hiểu về mối đe dọa từ Đảng cộng sản Trung Quốc". Hồi cuối tháng Sáu, Robert O’Brien tuyên bố "Tập Cận Bình tự cho mình là truyền nhân của Stalin".

Mỹ-Trung nay là quan hệ địch-ta

Các quan chức cao cấp trong chính quyền Donald Trump, từ Mike Pompeo tối qua cho đến giám đốc FBI Chris Way, bộ trưởng tư pháp William Barr, tất cả đều có những bài diễn văn đã lên chương trình trước cho những ngày tới về chủ đề này. Ông O’Brian giải thích : "Đó là quan hệ địch-ta. Quý vị sẽ thấy các hoạt động tư pháp gia tăng, chúng tôi sẽ công bố những quy định mới, sẽ cứng rắn hơn trên mặt trận tin học…".

Chính quyền Trump cũng đẩy mạnh những động thái trả đũa ngoạn mục, như ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm thứ Tư 22/07 để "bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ" ; ngoài ra còn tố cáo tin tặc Trung Quốc âm mưu đánh cắp các nghiên cứu về vaccin Covid-19.

Vào đầu tuần này, bộ thương mại Hoa Kỳ đã thêm vào danh sách đen 11 công ty Trung Quốc tham gia vào việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Giữa tháng Bảy, Washington chấm dứt chế độ ưu đãi dành cho Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia. Ông Donald Trump nhân cơ hội này khẳng định : "Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc giấu giếm dịch corona và làm con virus lây lan cho toàn thế giới".

Mỹ ngáng chân toàn bộ tham vọng địa chính trị của Trung Quốc

Toàn bộ các tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh từ nay đều bị đối đầu trực diện. Ngoại trưởng Mike Pompeo mới đây tuyên bố : "Thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc coi Biển Đông như đế quốc hàng hải của mình", và vừa xác định với Đan Mạch là sẽ không để cho Bắc Kinh triển khai "Con đường tơ lụa địa cực".

Sau hai năm chiến tranh thương mại, cuộc hưu chiến hồi tháng Giêng nay trở nên xa vời vợi. Washington không còn quan tâm đến việc đàm phán giai đoạn hai nữa. Về kinh tế, cuộc chiến chống lại Hoa Vi (Huawei) mang tính biểu tượng nhất. Tháng Năm, Hoa Kỳ cấm các nhà sản xuất chất bán dẫn có sử dụng công nghệ Mỹ bán sản phẩm cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Tuần rồi, tại Luân Đôn, ông Pompeo đã hoan nghênh quyết định loại Hoa Vi của thủ tướng Anh, và kêu gọi tất cả các đối tác hành động tương tự. Ông Robert O’Brien nhấn mạnh yêu cầu các đồng minh "sử dụng các nhà cung cấp khả tín". Pháp đang đi theo con đường này.

Loạt đại pháo cấp tập của Mỹ chưa dừng lại : sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và cá nhân bị nhắm đến trong những tháng tới. Ngay cả Lầu Năm Góc cũng đang điều chỉnh, tập trung chú ý vào Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố : "Nếu hy vọng rằng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi cung cách hành động, chúng ta phải chuẩn bị phương án thay thế".

Washington chọn thái độ cứng rắn trước Bắc Kinh

Le Monde cũng ghi nhận "Leo thang chưa từng thấy, Hoa Kỳ chọn thái độ cứng rắn trước Trung Quốc". Sự xuống cấp trong quan hệ giữa hai nước càng thấy rõ qua việc Mỹ buộc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, một biện pháp chưa từng áp dụng kể từ năm 1979.

Thông tin trước hết là từ phía Bắc Kinh : trong lúc ngọn lửa đốt tài liệu đang bừng bừng trong sân tòa lãnh sự, gây thắc mắc cho người Mỹ, tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) là người đầu tiên trên Twitter cho biết Washington đã ra lệnh cho phía Trung Quốc trong ba ngày phải rời khỏi lãnh sự quán.

Mọi yếu tố đều hội đủ cho việc leo thang này : trọng lượng kinh tế, tham vọng biển, ưu thế công nghệ… Việc Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ cũng khiến Quốc hội Mỹ ra tay trừng phạt, được cả Cộng hòa lẫn Dân chủ ủng hộ. Ban đầu chỉ có phó tổng thống Mike Pence, ngay từ tháng 10/2018 đã tố cáo nhà nước Trung Quốc độc tài giám sát người dân, trấn áp các tôn giáo ; nay việc chỉ trích Bắc Kinh đã trở thành phổ biến trong chính quyền Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo luôn dùng từ "Đảng cộng sản Trung Quốc" để chỉ Bắc Kinh, gọi đó là "mối đe dọa chính trong thời đại chúng ta", tổng thống Donald Trump tố cáo "virus Trung Quốc". Hình ảnh xấu xí của Trung Quốc trong dư luận Mỹ thúc đẩy phe Dân chủ, sợ bị lên án là yếu ớt, ủng hộ chiến lược leo thang.

Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là cơ sở gián điệp ?

Le Figaro cho biết chi tiết hơn về sự kiện ở Texas trong bài "Gián điệp : Cú sốc mới sau vụ đóng cửa tòa lãnh sự Houston".

Theo báo chí Mỹ, nhiều cuộc điều tra của FBI về các vụ gián điệp đã dẫn đến cơ sở ngoại giao này. Đó là các vụ chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu y khoa, mưu toan tuyển mộ các nhà khoa học và giảng viên đại học ở Texas để có được các thông tin mật, đe dọa các công dân Trung Quốc hoặc song tịch bị coi là đang lẩn trốn ở Mỹ.

Ngoài thông điệp bất tín gởi đến Bắc Kinh, vụ này cho thấy Hoa Kỳ đã quyết định ra tay chống lại mạng lưới gián điệp công nghiệp Trung Quốc trên đất Mỹ từ nhiều thập niên qua, mà các cơ sở ngoại giao của Bắc Kinh bị nghi ngờ là đại bản doanh. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện trực tiếp tố cáo lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là "trung tâm của một mạng lưới gián điệp rộng lớn phục vụ cho Đảng cộng sản".

Rất nhiều phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, đặc biệt về y khoa và sinh học, đặt trụ sở tại Houston và vùng phụ cận. Trong số các mục tiêu của gián điệp Trung Quốc có trường y của đại học Texas A&M, Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson của đại học Texas. Houston cũng có nhiều viện nghiên cứu đang tìm vaccin Covid-19.

Gần đây Mỹ đã phát hiện nhiều vụ tình báo công nghiệp. Một nhà sinh học Trung Quốc là Tang Juan được cho là tham gia một chương trình lớn của quân đội Trung Quốc, hiện đang trốn trong lãnh sự quán ở San Francisco để tránh bị FBI bắt. Hồi tháng Sáu, một nhà nghiên cứu khác là Xin Wang đã bị bắt giữ tại phi trường Los Angeles lúc chuẩn bị tẩu thoát về Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng Mỹ sẽ thiệt thòi khi leo thang vì "có nhiều phái đoàn và nhân viên ngoại giao tại Trung Quốc hơn". Có lẽ để đi trước một bước, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ không mở lại lãnh sự quán ở Vũ Hán, đã đóng cửa từ đầu năm trong cao điểm dịch.

Bước ngoặt của Mỹ ở Biển Đông : Mạnh nhưng chưa đủ

Riêng về Biển Đông, Les Echos nhận xét, Mỹ bước sang một ngưỡng mới qua việc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trong khi lâu nay chỉ bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải.

Trung Quốc đòi hỏi đến 90% vùng biển chiến lược giàu tài nguyên, có diện tích rộng gấp bảy lần nước Pháp, đã bị Bắc Kinh quân sự hóa trong những năm qua. Các bãi đá ngầm và rạn san hô phải chịu đựng các công trình từ phi đạo cho máy bay vận tải nặng, cảng nước sâu cho đến trạm radar, bệ phóng hỏa tiễn. Đầu tháng Bảy, Mỹ lên án Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa. Hôm thứ Tư 22/07, phó thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tích cực hơn trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Washington tuyên bố yêu sách của Bắc Kinh "hoàn toàn bất hợp pháp", tố cáo "chiến dịch cưỡng bức để nắm quyền kiểm soát". Hoa Kỳ bảo vệ ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Lâu nay Mỹ vẫn tránh đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng giờ đây gió đã đổi chiều. Mỹ công bố sách trắng quốc phòng, chỉ rõ Trung Quốc là kẻ thù quân sự số một. Nhà nghiên cứu Juliette Genevaz của IRSEM giải thích : "Đó là đường hướng của chính quyền Trump". Theo bà, Bắc Kinh đã đạt được tình trạng gạo đã nấu thành cơm, nên các tuyên bố mới đây của Mỹ không thay đổi được gì, cho dù các chiến hạm Mỹ vẫn tiến hành tuần tra hàng hải.

Đồng minh Nhật Bản nằm trong số những nước đầu tiên tỏ ra vui mừng trước các tuyên bố của Washington, vì lâu nay Tokyo có cảm giác phải đơn độc chống chọi trước sự quấy nhiễu liên tục của Bắc Kinh : năm ngoái các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tự tiện xâm nhập vùng biển của Nhật đến 126 lần.

Chow Bing Ngeow, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của trường đại học Malaysia, ghi nhận Việt Nam vốn thường điều chỉnh chính sách theo thái độ của Mỹ, đặc biệt hoan nghênh động thái quyết đoán của Washington. Malaysia thì thận trọng sợ mất lòng Trung Quốc, Philippines tìm kiếm sự thăng bằng. Giáo sư Ngeow cho rằng Hoa Kỳ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để có thể thay đổi thực sự thế trận.

Điện gió trên biển : Nhật cảnh giác trước Bắc Kinh

Còn tại Biển Hoa Đông, "Phía sau dự án điện gió ngoài khơi, là sự lo ngại của Tokyo về gián điệp Trung Quốc".

Bị chậm trễ về năng lượng tái tạo, chính quyền Nhật vừa gọi thầu cho một dự án điện gió trên biển 21 MW ở ngoài khơi đảo Goto gần Nagasaki. Cảnh giác trước tai mắt của Bắc Kinh, Tokyo đòi hỏi đơn vị dự thầu phải có trụ sở chính hoặc ít nhất một văn phòng chính tại Nhật. Theo nhật báo Yomiuri, chính phủ cũng kiểm soát nghiêm ngặt các tàu khảo sát trong khuôn khổ các dự án. Những tàu này phải do một công ty Nhật phụ trách, hoặc được phép của nhiều cơ quan liên quan đến an ninh.

Tokyo muốn chắc chắn rằng các tàu nước ngoài không lợi dụng được việc gọi thầu để thu thập các tin tức nhạy cảm về vùng duyên hải và các cơ sở quân sự. Giáo sư Stephen Nagy ở trường đại học công giáo quốc tế Tokyo giải thích, người Nhật quá hiểu về "ngoại giao khoa học" của Bắc Kinh. Tất cả những thông tin về luồng lạch, nhiệt độ, địa hình đáy biển đều cần thiết cho hoạt động của tàu ngầm. Gần đây Nhật đã phản đối rất nhiều vụ tàu "nghiên cứu khoa học" Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Đánh cắp nhiều bí mật kỹ nghệ, hai tin tặc Trung Quốc bị khởi tố

Về gián điệp công nghệ, Le Monde quan tâm đến vụ hai tin tặc Trung Quốc Li Xiaoyu, 34 tuổi và Dong Jiazhi, 33 tuổi bị tòa án Washington truy tố hôm 07/07.

Ông John Demers ở bộ tư pháp cho biết bên cạnh việc tấn công các doanh nghiệp của khoảng 12 nước phương Tây như Úc, Anh, Đức, Bỉ ; hai tin tặc trên và bộ an ninh Trung Quốc còn nhắm vào "các tổ chức phi chính phủ, các tu sĩ và nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông".

Hai bị cáo đã trao cho Bắc Kinh mật mã xâm nhập vào hộp thư một nhà ly khai Trung Quốc có liên quan đến văn phòng của Đạt Lai Lạt Ma và một nhà hoạt động Hồng Kông. Hai tin tặc này bị cáo buộc đã đánh cắp được các bí mật công nghiệp trị giá hàng trăm triệu đô la, lấy trộm các dữ liệu về vệ tinh quân sự, pin mặt trời, hóa chất, và xâm nhập các công ty ở California đang nghiên cứu vaccin và xét nghiệm virus corona – một nguy cơ đã được FBI và cơ quan an ninh mạng báo động từ tháng Năm nhưng Bắc Kinh luôn chối cãi.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)